Đề tài Những vướng mắc khi thực hiện quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng trong thực tế

Pháp luật thừa nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng là thừa nhận tư cách chủ sở hữu của vợ chồng trong quan hệ pháp luật. Vợ , chồng hoàn toàn có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên bên cạnh vai trò chủ sở hữu các quan hệ pháp luật, vợ, chồng còn có các quyền và nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình, nên lợi ích cá nhân của họ không thể tách rời lợi ích chung của gia đình. Từ đặc điểm này, quyền sở hữu riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 mang đặc thù có tính chất ngoại lệ so với quyền sở hữu cá nhân trong pháp luật dân sự. Đây là quy định về một vấn đề mới, đó là hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình.

doc13 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 1999 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Những vướng mắc khi thực hiện quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng trong thực tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những vướng mắc khi thực hiện quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng trong thực tế. MỤC LỤC Nội dung Trang A. Đặt vấn đề: 2 B. Giải quyết vấn đề: I. Khái quát chung về tài sản riêng của vợ chồng. 2 1. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng. 2 2. Quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng. 5 a. Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng. 5 b. Nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng. 6 II. Quy định về hạn chế việc định đoạt riêng của vợ chồng. 6 1. Quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của 6 vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. 2. Tại sao pháp luật lại quy định về việc hạn chế quyền tự định 9 đoạt tài sản riêng của vợ chồng. III Những vướng mắc khi thực hiện trong thực tế. 9 C. Kết luận. 11 A. Đặt vấn đề: Pháp luật thừa nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng là thừa nhận tư cách chủ sở hữu của vợ chồng trong quan hệ pháp luật. Vợ , chồng hoàn toàn có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên bên cạnh vai trò chủ sở hữu các quan hệ pháp luật, vợ, chồng còn có các quyền và nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình, nên lợi ích cá nhân của họ không thể tách rời lợi ích chung của gia đình. Từ đặc điểm này, quyền sở hữu riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 mang đặc thù có tính chất ngoại lệ so với quyền sở hữu cá nhân trong pháp luật dân sự. Đây là quy định về một vấn đề mới, đó là hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình. B. Giải quyết vấn đề: I. Khái quát chung về tài sản riêng của vợ chồng. 1. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng. Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân. 2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.” Theo đó, căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ chồng bao gồm: Thứ nhất: Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có từ trước khi kết hôn. Trước khi kết hôn, hai bên nam nữ chưa phải là vợ chồng của nhau trước pháp luật. Theo tính chất nghề nghiệp, công việc của “vợ, chồng”, các tài sản đó do “vợ, chồng” tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập hợp pháp khác của “vợ, chồng” đều thuộc quyền sở hữu của mỗi bên “vợ, chồng”. Cũng có thể tài sản đó có được do người khác chuyển dịch quyền sở hữu của mình cho “vợ, chồng” thông qua các giao dịch dân sự ( mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay…). Vì thế, trước khi kết hôn, với tư cách cá nhân, theo quy định của pháp luật dân sự mà vợ, chồng có thể xác lập quyền sở hữu của mình đối với những tài sản phát sinh, dựa trên các căn cứ được quy định từ Điều 233 đến 247 Bộ luật Dân sự năm 2005. Thứ 2: Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Xét về nguồn gốc tài sản, những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thuộc quyền sở hữu riêng của vợ ,chồng. Bởi lẽ, ý chí của chủ sở hữu chỉ tặng cho riêng, hoặc để lại di chúc trước khi chết chỉ cho vợ, chồng được hưởng di sản của họ chứ không phải cho chung hai vợ chồng.Những tài sản này không phải dô vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, theo công sức và thu nhập của vợ, chồng, nên không thể tính thuộc vào khối tài sản chung của vợ chồng. Thứ 3: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm đồ dùng, tư trang cá nhân. Luật quy định các đồ dùng và tư trang cá nhân là tài sản riêng của vợ, chồng nhằm đảm bảo quyền tự do cá nhân và cuộc sống riêng tư của vợ, chồng. Chúng ta cần hiểu đồ dùng, tư trang cá nhân là tài sản riêng với nguồn gốc phát sinh từ tài sản chung hay tai sản tiêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, phục vụ trực tiếp cho công việc, nghề nghiệp và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cá nhân vợ, chồng; mặt khác, trong trường hợp cụ thể, cũng cần phải xem xét những loại tài sản này có nguồn gốc và giá trị như thế nào so với khối tài sản chung của vợ chồng và mức thu nhập thực tế của vợ, chồng. Thứ 4: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những tài sản mà vợ, chồng được chia khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định về vấn đề này và trên cơ sở đó được ghi nhận tại Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001: sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, những tài sản mà vợ, chồng đã được chia; hoa lợi, lợi tức thi được từ tài sản đó; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đều thuộc tài sản riêng của vợ, chồng trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác. Thứ 5: Tài sản riêng của vợ, chồng còn (có thể) bao gồm những tài sản mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản riêng của một bên. Theo luật định, vợ, chồng có tài sản riêng có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi chia tài sản giữa vợ chồng, cũng như bảo đảm quyền tự định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ, chồng, pháp luật quy định trên nguyên tắc việc chia tài sản sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận với nhau, nếu khồng thỏa thuận được thì mới yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, Luật hôn nhân gia đình đã khẳng định vợ chồng có quyền có tài sản riêng và xác định rõ nguồn gốc phát sinh tài sản riêng.Việc quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng là phù hợp với chế định quyền sở hữu riêng về tài sản của công dân đã được hiến pháp thừa nhận ( Điều 58 Hiến Pháp 1992); phù hợp với nguyên tự định đoạt về tài sản của công dân, đồng thời quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng còn nhằm bảo đảm cho vợ, chồng có thể thực hiện các nghĩa vụ về tài sản một cách độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bên kia. 2. Quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng. a, Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng. Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia định năm 2000 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này” Với tư cách là chủ sở hữu tài sản của mình, vợ , chồng có toàn quyền sở hữu( quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt) đối với tài sản riêng, không phụ thuộc bởi ý chí của bên người chồng, vợ kia. Đối với tài sản riêng của vợ, chồng, mỗi bên sẽ tự quản lý tài sản riêng của mình. Trong trường hợp vợ chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên người chồng, vợ kia có quyền quản lý tài sản riêng đó (khoản 2 Điều 33). Trường hợp một bên đã tự ý định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng mình khi tham gia các giao dịch dân sự, thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản riêng của mình, khi thực hiện quyền sở hữu, vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc ủy quyền đó phải được lập thành văn bản ( Khoản 1 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia định năm 2000) Đối với tài sản riêng, vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng (khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). b. Nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng. Theo luật định, vợ, chồng phải chịu trách nhiệm (thực hiện nghĩa vụ) đối với các hành vi của vợ, chồng liên quan tới tài sản riêng của mỗi bên. Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trong trường hợp cuộc sống chung của gia đình gặp nhiều khó khăn, tài sản chung của vợ chồng không đủ bảo đảm cho những nhu cầu sinh hoạt thiết yêu hàng ngày của gia đình mà người vợ, chồng có tài sản riêng thì vợ, chồng có nghĩa vụ sử dụng (đóng góp) tài sản riêng của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yêu đó của gia đình. Thứ hai, theo khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toàn từ tài sản riêng của người đó”.Nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng ( còn gọi là nợ riêng của vợ, chồng) phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân, mà không vì lợi ích chung của gia đình; hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác theo luật định ( nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện). II. Quy định về việc hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng. 1. Quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Thông thường, tài sản chung được sử dụng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt trong gia đình và bảo đảm các nghĩa vụ chung. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yêu của gia đình. Vì thế, Khoản 4 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”. Ví dụ: Chị A trước khi về nhà chồng được bố mẹ cho riêng 1 sợi dây chuyền vàng. Vì sợi dây chuyền là cho riêng chị A và A không tự nguyện nhập vào khối tài sản chung nên vẫn là tài sản riêng của A. Về nguyên tắc thì A có quyền chiếm hữa, sử dụng sợi dây chuyền đó một cách độc lập mà không phụ thuộc vào ý chí của người khác. Nhưng không may đứa con của chị mắc bệnh mà tài sản chung của vợ chồng không đủ để chi trả việc phí thì lúc này chị A buộc phải sử dụng tài sản riêng của mình là chiếc dây chuyền để chữa trị cho con. Trong trường hợp này quyền tự định đoạt tài sản riêng của chị A bị hạn chế vì dù có không muốn thì chị vẫn phải từ bỏ lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của gia đình. Khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng đã quy định một vấn đề mới, đó là hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình. “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng”.  Trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên vợ, chồng có tài sản riêng phải đóng góp, sử dụng tài sản riêng vì các nhu cầu thiết yếu đó. Mặt khác, trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự đồng ý, thỏa thuận của cả vợ chồng. Nếu pháp luật quy định giao dịch đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì việc thỏa thuận phải lập thành văn bản có chữ ký của vợ chồng hoặc phải công chứng, chứng thực. Nếu giao dịch pháp luật không bắt buộc phải tuân theo hình thức nhất định, thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch đó nhất thiết vẫn phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. ( Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP) Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn, trước khi kết hôn B được bố mẹ cho một chiếc xe máy, chiếc xe là tài sản riêng của B. Lúc đầu hai vợ chồng chỉ sống dựa vào tiền lương của anh A hàng tháng do A làm việc cho một công ty. Sau đó A bị đuổi việc, vì không có nguồn thu nhập nào nên chị B quyết định đưa chiếc xe của mình cho anh A để làm xe ôm kiếm tiền sinh hoạt. Lúc này chiếc xe của chị B đã được đưa vào sử dụng chung và thu nhập từ việc làm xe ôm của A là nguồn sống duy nhất của gia đình. Vậy lúc này mặc dù chiếc xe là tài sản riêng của B nhưng khi B muốn bán chiếc xe này thì phải hỏi ý kiến của anh A, vì nó liên quan đến đời sống của gia đình. Vậy quyền định đoạt của B đối với chiếc xe này đã bị hạn chế. Như vậy, vợ hoặc chồng không có quyền đơn phương định đoạt tài sản riêng của mình nếu điều đó dẫn đến hậu quả ảnh hưởng nguồn sống duy nhất của gia đình. Đây không phải là sự vi phạm quyền sở hữu của cá nhân mà là cơ sở để bảo đảm duy trì đời sống gia đình ổn định, bền vững, là cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của vợ chồng với gia đình. 2. Tại sao pháp luật lại quy định về việc hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng. Quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng đã dựa trên truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, luôn có sự đoàn kết, yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Trong nhiều gia đình, người phụ nữ không có tài sản riêng, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yêu của gia đình. Vì thế, quy định này để ngăn chặn hành vi có tính chất gia trưởng từ người chồng, tránh cho phụ nữ và trẻ em lâm vào hoàn cảnh phụ thuộc vào chồng, vào cha và để đảm bảo cho cuộc sống gia đình bền vững. Cuộc sống vợ chồng đòi hỏi sự gắn kết lâu dài, bền vững, hạnh phúc. Trách nhiệm vun đắp, xây dựng hành phúc gia đình, nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau, nuôi dưỡng giáo dục các con vì lợi ích của xã hội thuộc về cả hai vợ chồng. Nếu tài sản chung của hai vợ chồng không đủ đáp ứng các nhu cầu cần thiết của gia đình (ăn, ở, mặc, học hành, chữa bệnh,… cho vợ, chồng, các con…), mà người vợ, chồng có tài sản riêng không lẽ lại phó mặc lợi ích chung của gia đình muốn ra sao cũng được. Xét cả vè chuẩn mực đạo đức xã hội và yêu cầu của pháp luật, vợ, chồng phải sử dụng tài sản riêng của mình, bảo đảm cho cuộc sống chung của gia đình là hợp lý. Như vậy, cũng là bảo đảm lợi ích chung của toàn bộ xã hội, vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Sự tồn tại bền vững của gia đình là cơ sở tạo cho xã hội ổn định, phát triển. III Những vướng mắc khi thực hiện trong thực tế. Những quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng trong thực tế khó có thể thực hiện được và có nhiều vướng mắc. Có trường hợp đối tượng trốn tránh việc buộc phải dùng tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình. Trở lại ví dụ trên: Chị A trước khi về nhà chồng được bố mẹ cho riêng một sợi dây chuyền vàng. Vì sợi dây chuyền là cho riêng chị A và A không tự nguyện nhập vào khối tài sản chung nên vẫn là tài sản riêng của A. Khi đứa con bị ốm mà tài sản chung dần dần không đủ để chi trả viện phí, nhận thấy rằng mình sẽ phải dùng đến tài sản riêng của mình để chữa trị cho con nên chị đã nhanh chóng bán chiếc dây chuyền và dùng cho việc mua sắm những thứ mà chị thích để tiêu tán tài sản riêng của mình là sợi dây chuyền nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải dùng tài sản của mình cho nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc xác định thế nào là nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng là vấn đề cần giải quyết. Đó là những điều kiện đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình có thể diễn ra bình thường như ăn, ở, mặc, học hành, chữa bệnh… Nhưng quy định này có thể được lơi dụng để đòi hỏi từ tài sản riêng của người vợ, chồng nhiều hơn cần thiết cho nhu cầu riêng của cá nhân. Ví dụ: Chị B có chồng đi công tác xa, biết anh có một khoản tiền tiết kiệm riêng có được từ trước khi cưới, vì đang cần tiền để trả nợ riêng của mình, một lần con bị ốm, theo quy định này chị yêu cầu chồng mình gửi tiền riêng của anh để chữa trị cho con nhưng khai khống số tiền để lấy tiền trả nợ. Về trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình. Theo quy định thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự đồng ý, thỏa thuận của cả vợ chồng, nhưng trên thực tế khi định đoạt tài sản này khó có thể xác định được khi nào cần có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trên thực tế, người chủ sở hữu của tài sản vẫn có thế định đoạt tài sản đó độc lập. Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn, trước khi kết hôn B được bố mẹ cho một chiếc xe máy, chiếc xe là tài sản riêng của B. Lúc đầu hai vợ chồng chỉ sống dựa vào tiền lương của anh A hàng tháng do A làm việc cho một công ty. Sau đó A bị đuổi việc, vì không có nguồn thu nhập nào nên chị B quyết định đưa chiếc xe của mình cho anh A để làm xe ôm kiếm tiền sinh hoạt. Lúc này chiếc xe của chị B đã được đưa vào sử dụng chung và thu nhập từ việc làm xe ôm của A là nguồn sống duy nhất của gia đình. Vậy lúc này mặc dù chiếc xe là tài sản riêng của B nhưng khi B muốn bán chiếc xe này thì phải hỏi ý kiến của anh A, vì nó liên quan đến đời sống của gia đình. Nhưng giả sử một ngày A có việc bận về quê, B vẫn có thể đem chiếc xe đi bán vì B trên giấy tờ là chủ sở hữa của chiếc xe, người mua không thể biết được khi bán chiếc xe đó chị B có phải hỏi ý kiến chồng hay không. Và trong thực tế khi anh A biết rằng chiếc xe đã bị bán thì A cũng khó có thể kiện ra tòa để tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu. Quy định này cũng có thể được lợi dụng để nhằm trốn tránh nghĩa vụ riêng. Ví dụ: Trước khi kết hôn A được bố mẹ cho căn nhà làm tài sản riêng, khi kết hôn với chị B, A lái xe taxi để nuôi sống gia đình . Do cờ bạc nên A có vay nợ của ông C một khoản tiền lớn và cách duy nhất là phải bán nhà đi để trả nợ. A quyết định không đi làm nữa và cho thuê cửa hàng ở tầng một căn nhà và hai vợ chồng sống nhờ tiền cho thuê nhà đó. Việc làm đó nhằm đưa ngôi nhà trở thành tài sản sử dụng chung, lợi tức là nguồn sống duy nhất để trốn tránh nghĩa vụ bán nhà trả nợ vì lúc này muốn bán phải có ý kiến của cả vợ nữa. C. Kết luận. Những quy định về hạn chế quyền tự định đoạt tài sản riêng của vợ chồng là những quy định cần thiết đã được đề cập trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Quy định này giúp đảm bảo được lợi ích chung của gia đình , thể hiện sự đoàn kết, yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Tuy vậy nhưng trong thực tiễn áp dụng nó vẫn tồn tại nhiều bất cập, trên đây là một số ý kiến của em về một số điểm vướng mắc của quy định này. * Danh mục tài liệu tham khảo: + Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, trường Đh Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân,2009. +Bình luận Khoa học Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý , NXB Chính trị quốc gia, 2004. +Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Cừ, NXB Tư Pháp, 2008
Luận văn liên quan