Luận án Chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài Trách nhiệm hình sự là một trong những chế định cơ bản, trung tâm và quan trọng nhất của luật hình sự Việt Nam. Tính chất và mức độ thể hiện của các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam như pháp chế, nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa. phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự năm 1999, kế thừa và phát triển Bộ luật hình sự năm 1985, là bước phát triển mới trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự trong luật hình sự nước ta. Nhiều quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Tuy nhiên, một số quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự hiện hành, ở các mức độ khác nhau, vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định. Mặt khác, công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức nên một số quy phạm pháp luật hình sự, trong đó có các quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự, còn có những nhận thức không thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong hoạt động thực tiễn. Thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nội dung của chế định trách nhiệm hình sự còn có những nhận thức khác nhau. Mặt khác, cùng với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, nhiều vấn đề của luật hình sự, trong đó có vấn đề trách nhiệm hình sự, cũng luôn vận động và phát triển đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự hiện hành và giải quyết những vướng mắc của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự là việc làm cần thiết, không những có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa cả về thực tiễn trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Tất cả những điều trên đây là lý do luận chứng để chúng tôi lựa chọn vấn đề "Chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu khoa học cho luận án tiến sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu Trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề cơ bản, phong phú và phức tạp của luật hình sự nên từ trước đến nay luôn được các nhà luật hình sự trên thế giới và trong nước quan tâm. Ở Liên Xô trước đây đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề trách nhiệm hình sự, điển hình là các công trình: "Trách nhiệm hình sự và cơ sở của trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Xô viết" (1963) của Brainhin Ia. M; "Nhân thân người phạm tội và trách nhiệm hình sự" (1968) của Lêikina N. X; "Trách nhiệm hình sự và cấu thành tội phạm" (1974) của Karpusin M. P., Kurlianđxki V. I; "Trách nhiệm hình sự và hình phạt" (1976) của Bagri-Sakhmatôv L. V; "Những vấn đề lý luận của trách nhiệm hình sự" (1982) của Xantalôv A. I. v.v. Ở nước ta, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về các nội dung liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý là những công trình sau: - Hoàn thiện các quy phạm về trách nhiệm hình sự - yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong việc bảo vệ con người bằng pháp luật hình sự (Tạp chí Tòa án nhân dân, các số 2, 3, 4/1990); Chế định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 4/2000); Trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3/2000); Những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm hình sự, Chuyên khảo thứ hai (trong sách Các nghiên cứu chuyên khảo về Phần chung Luật hình sự, Tập III, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000) của TSKH Lê Cảm. - Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1991; Một số hình thức đặc biệt của tội phạm (trong sách Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994); Cấu thành tội phạm - lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2004 của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa. - Hoàn thiện chế định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự (Tạp chí Luật học, số 6/1996); Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự (Tạp chí Luật học, số 5/1997); Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt (Tạp chí Luật học, số 4/2002) của TS. Lê Thị Sơn. - Trách nhiệm hình sự và hình phạt của tập thể tác giả do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001. - Trách nhiệm hình sự và hình phạt của TS. Trương Quang Vinh (trong sách Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000). - Trách nhiệm hình sự của PGS.TS Trần Văn Độ (trong sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam Phần chung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001). Các công trình nghiên cứu khoa học trên đã đưa ra bàn luận và giải quyết nhiều vấn đề bức xúc mà lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đặt ra. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các công trình này cũng cho thấy, chế định trách nhiệm hình sự mặc dù là một trong những chế định cơ bản, quan trọng nhất của luật hình sự nhưng cũng là một trong những chế định còn nhiều nội dung chưa đạt đến sự đồng thuận và gây tranh luận sôi nổi nhất trong giới khoa học luật hình sự từ trước đến nay. 3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án * Mục đích: Mục đích của luận án là làm sáng tỏ một cách có hệ thống về mặt lý luận những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, xác định những bất cập để đề xuất những giải pháp cụ thể, góp phần tiếp tục hoàn thiện chế định này trong thời gian tới. Đồng thời, luận án cũng nhằm giải quyết một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy phạm của chế định trách nhiệm hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta hiện nay. * Nhiệm vụ: Với mục đích nghiên cứu trên, luận án tập trung vào việc giải quyết những nhiệm vụ sau: Về mặt lý luận: Trên cơ sở nghiên cứu sự phát triển của chế định này trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, đồng thời so sánh chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam với chế định trách nhiệm hình sự trong luật hình sự một số nước, làm sáng tỏ bản chất pháp lý của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. Về mặt thực tiễn: Nghiên cứu việc áp dụng các quy phạm pháp luật của chế định trách nhiệm hình sự trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nước ta. Trên cơ sở phân tích những thiếu sót, khuyết điểm và những vướng mắc của việc áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm góp phần tạo sự nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất. * Đối tượng nghiên cứu: Luận án nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. Cụ thể là nghiên cứu các vấn đề như: Khái niệm trách nhiệm hình sự; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự với miễn trách nhiệm hình sự; cơ sở của trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc biệt như: trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong trong tình trạng say; trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; trách nhiệm hình sự trong đồng phạm; trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội. Chế định trách nhiệm hình sự liên quan đến nhiều vấn đề khác của luật hình sự và luật tố tụng hình sự như hình phạt, quyết định hình phạt, các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác. Việc đề cập đến các vấn đề trên của luật hình sự và luật tố tụng hình sự cũng chỉ nhằm giải quyết một cách có hệ thống và làm rõ hơn chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. * Phạm vi nghiên cứu: Luận án nghiên cứu chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam dưới góc độ của luật hình sự. Đồng thời, cũng đề cập đến một số quy phạm của luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Cơ sở lý luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng về Nhà nước, pháp luật, về tội phạm, hình phạt; những thành tựu của các khoa học triết học, lịch sử các học thuyết chính trị và pháp lý, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, lôgíc học. Luận án được trình bày trên cơ sở nghiên cứu các văn bản pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các văn bản pháp lý khác; những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án đặc biệt chú trọng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp hệ thống, lịch sử, lôgíc, phân tích, so sánh, tổng hợp để chọn lọc kinh nghiệm thực tiễn, tri thức khoa học trong và ngoài nước. 5. Những đóng góp mới của luận án Đây là luận án tiến sĩ luật học đầu tiên trong khoa học luật hình sự đề cập đến việc nghiên cứu một cách có hệ thống chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam. Luận án đã có một số đóng góp sau đây: - Phân tích một cách có hệ thống và cố gắng làm rõ những vấn đề cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự như: Khái niệm trách nhiệm hình sự; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự; cơ sở của trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc biệt như: trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong tình trạng say; trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; trách nhiệm hình sự trong đồng phạm; trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội theo luật hình sự Việt Nam. Với việc phân tích, lý giải và rút ra một số kết luận khoa học, luận án góp phần xác định cơ sở khoa học cho việc nhận thức chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam được thống nhất, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta. - Luận án nghiên cứu khái quát việc áp dụng chế định trách nhiệm hình sự trong hoạt động thực tiễn ở nước ta, phân tích một số điểm chưa phù hợp của Bộ luật hình sự và một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, qua đó góp phần đánh giá đúng thực trạng tình hình áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự ở nước ta trong thời gian qua. Luận án cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm góp phần giải thích, hướng dẫn áp pháp luật hình sự được thống nhất, đồng thời nêu ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hiện hành liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Những kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng sau: Về mặt lý luận: Luận án này là công trình nghiên cứu chuyên khảo đề cập riêng đến việc phân tích có hệ thống những nội dung cơ bản của chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam với những đóng góp về mặt khoa học đã nêu trên. Về mặt thực tiễn: Luận án góp phần vào việc xác định đúng đắn nội dung, cơ sở, điều kiện của việc truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta. Ngoài ra, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành luật ở nước ta. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương, 8 mục.

doc162 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 3551 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Chế định trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan