Tiểu luận Vài nét về lịch sử làng Thổ Ngọa

Theo “Quảng Bình nước non và lịch sử” do cụ Nguyễn Tú sưu tầm và biên soạn, Sở Văn Hoá Thông Tin Quảng Bình xuất bản năm 1948 thì vùng đất này xưa kia thuộc châu Bố Chính của nước Chiêm Thành. Từ khi nước Đại Việt giành được chủ quyền, thoát khỏi ách nô lệ của phong kiến phương Bắc, do bất hoà, hai nước Đại Việt và Chiêm Thành nhiều lần đụng độ quân sự. Nhà Tống xâm lược tuy đã bị Lê Hoàn đánh bại vẫn chưa từ bỏ âm mưu chiếm lại Đại Việt nên đã liên kết với Chiêm Thành để tấn công Đại Việt từ hai phía. Biết rõ âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Vua Lý Thánh Tông quyết định phải khống chế Chiêm Thành ở Phía Nam mới cự được Tống ở phí Bắc. Vua tự cầm quân tiến vào đất Chiêm. Lý Thường Kiệt được cử làm Đại tướng tiên phong kiêm chức thống soái. Thua trận, vua Chiêm Thành là Chế Củ đã phải đầu hàng, xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được tha mạng. Châu Bố Chính cùng với hai châu Địa Lý, Ma Linh được nhập nước Đại Việt năm 1069. Đến năm 1074, năm năm sau khi Chế Củ mất ngôi, triều đình Chiêm Thành chống lại việc Chế Củ đầu hàng nhượng đất cho vua Lý, đem quân cướp lại ba châu, nhưng lần tiến quân nào cũng bị quân dân Đại Việt đánh bại. Từ năm 1284 đến năm 1288, trước nạn xâm lăng của quân Nguyên-Mông, ba nước Đại Việt, Chiêm Thành, Chân Lạp phải liên kết chống kẻ thù chung. Sau ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thắng lợi, Đại Việt và Chiêm Thành trở nên thân thiện. Năm 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm Chiêm Thành, hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm lễ cưới. Năm 1307, Chế Mân lâm bệnh chết. Theo tục Chiêm Thành, hoàng hậu phải vào hoả đàn để tuẩn táng. Vua Trần Nhân Tông sợ Huyền Trân phải chết, sai người tìm cách cứu thoát. Sau sự kiện này, bang giao hai nước Đại Việt và Chiêm Thành lại rắc rối. Năm Hồng Đức (Lê Thánh Tông) thứ nhất (1470) Chiêm Thành đưa hơn mười vạn quân xâm phạm bờ cỏi Đại Việt. Vua Lê Thành Tông tự cầm quân vào đánh chiêm Thành. Dẹp xong quân Chiêm, Vua xuống chiếu kêu gọi dân phiêu tán từ các vùng phía Bắc di dân xuốg phía Nam, lập ấp ở châu Bố Chính. Đây là đợt di dân thứ ba của nhà nước Đại Việt, sau đợt thứ nhất thời Lí Nhân Tông năm 1075 và đợt thứ hai thời Hồ Quý Ly năm 1403. Gia phả họ Nguyễn còn lưu giữ được cho biết , ông Nguyễn Khống (tự Khắc Nhượng) quê làng Thổ Vượng, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một võ tướng theo vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt ChiêmThành. Chiến thắng trở về năm 1471, thực hiện chiếu chỉ di dân của vua, ông đưa một số người vốn là binh sỹ dưới quyền vào đây khai hoang lập ấp. Vợ ông là bà Hoàng Thị Trường, người làng Ngoạ Kiều cùng huyện với ông cũng đưa các con theo chồng đi xây dựng quê hương mới. Tên làng Thổ Ngoạ do ông Nguyễn Khống đặt năm 1472 trên cơ sở ghép hai từ đầu của làng cũ, Thổ Vượng quê ông và Ngoạ Kiều quê bà. Dần dần dân cư làng Thổ Ngoạ ngày càng đông thêm. Ngoài họ Nguyễn còn có họ Trần, họ Trương, họ Đỗ. Ông Nguyễn Khống chủ trương phân chia điền thổ, đào giếng, lập chợ, xây dựng đình chùa, cắt đất tế lễ. Dân làng vô cùng mến mộ ông. Khi ông mất, cả làng tôn ông là “Thần hoàng” làng và thờ ông tại đình làng. Như vậy tính đến năm 2002, làng Thổ Ngoạ đã có lịch sử tròn 530 năm. Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Thổ Ngoạ được gọi là một xã thuộc tổng Thuận Bài, phủ Quảng Trạch, gồm có 11 xóm 1. Ngoạ Long (xóm Cầu ) 2. Thanh Tĩnh (xóm Thanh ) 3. Tiền Môn (xóm Môn ) 4. Cảnh Tiên (xóm Bến ) 5. Hội Tĩnh (xóm Chợ ) 6.Hậu Tĩnh (xóm Đồng ) 7. Cây Me (xóm Me ) 8. Dinh Tĩnh (xóm Dinh ) 9. Minh Phượng (xóm Lòi) 10. Quan Tĩnh (xóm Quan ) 11. Minh Phủ (xóm Giữa)

doc11 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2749 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vài nét về lịch sử làng Thổ Ngọa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan