Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Bài viết này chỉ giới hạn trong nghiên cứu cấu trúc của thành Thăng LongHà Nội qua các thời kỳ lịch sử để góp phần xác định vị trí của khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới được giới khảo cổ học phát hiện ở 18 Hoàng Diệu (Ba Đình) và đang cuốn hút sự quan tâm tìm hiểu của các nhà khoa học và của xã hội. Cho đến nay, rất nhiều vấn đề về thành Thăng Long đã được đặt ra và ý kiến cụ thể về nhiều vấn đề hết sức khác nhau. Nhưng chỉ giới hạn trong quan niệm về quy mô, cấu trúc và vị trí của thành Thăng Long -Hà Nội thì ít ra cũng đã có đến bốn kiến giải khác nhau: 1. Trần Huy Bá cho rằng “khu vực chính của nội thành Thăng Long” (không nói rõ là Hoàng thành hay Cấm thành) đời Lý, Trần, Lê không thay đổi và nằm trong giới hạn phía bắc là chỗ rẽ xuống đường trường đua ngựa cho đến đền Quan Thánh, phía Đông là từ đền Quan Thánh đến gần Văn Miếu, phía Nam từ Văn Miếu đến chỗ rẻ tránh đường tàu điện Cầu Giấy, phía Tây là từ chỗ rẽ tránh đường xe lửa Cầu Giấy đến trường đua ngựa. Như vậy thành hình gần chữ nhật nằm về phía Tây thành Hà Nội thời Nguyễn và thành Hà Nội theo tác giả “đã thiên hẳn ra ngoài phía Đông thành Thăng Long cũ” [2] (H.1, bản đồ của tác giả)

pdf40 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 1797 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VỊ TRÍ KHU DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC 18 HOÀNG DIỆU TRONG CẤU TRÚC THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ[1] GS Phan Huy Lê Bài viết này chỉ giới hạn trong nghiên cứu cấu trúc của thành Thăng Long- Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử để góp phần xác định vị trí của khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới được giới khảo cổ học phát hiện ở 18 Hoàng Diệu (Ba Đình) và đang cuốn hút sự quan tâm tìm hiểu của các nhà khoa học và của xã hội. Cho đến nay, rất nhiều vấn đề về thành Thăng Long đã được đặt ra và ý kiến cụ thể về nhiều vấn đề hết sức khác nhau. Nhưng chỉ giới hạn trong quan niệm về quy mô, cấu trúc và vị trí của thành Thăng Long - Hà Nội thì ít ra cũng đã có đến bốn kiến giải khác nhau: 1. Trần Huy Bá cho rằng “khu vực chính của nội thành Thăng Long” (không nói rõ là Hoàng thành hay Cấm thành) đời Lý, Trần, Lê không thay đổi và nằm trong giới hạn phía bắc là chỗ rẽ xuống đường trường đua ngựa cho đến đền Quan Thánh, phía Đông là từ đền Quan Thánh đến gần Văn Miếu, phía Nam từ Văn Miếu đến chỗ rẻ tránh đường tàu điện Cầu Giấy, phía Tây là từ chỗ rẽ tránh đường xe lửa Cầu Giấy đến trường đua ngựa. Như vậy thành hình gần chữ nhật nằm về phía Tây thành Hà Nội thời Nguyễn và thành Hà Nội theo tác giả “đã thiên hẳn ra ngoài phía Đông thành Thăng Long cũ”[2] (H.1, bản đồ của tác giả). H.1: Thành Thăng Long thời Lý - Trần nằm phía Tây Thành Hà Nội thời Nguyễn chuyển hẳn sang phía Đông 2. Trần Huy Liệu và các cộng sự phân biệt rõ cấu trúc gồm Kinh Thành, Hoàng thành, Cấm thành và xác định Hoàng thành đời Lý, Trần phía bắc giáp Hồ Tây, phía Tây giáp sông Tô Lịch, phía Nam giáp đường Cầu Giấy, phía Đông giáp thành Hà Nội đời Nguyễn, khoảng đường Hùng Vương[3]. Như vậy tác giả gần như tán đồng quan điểm của Trần Huy Bá cho rằng Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần ở về phía Tây thành Hà Nội thời Nguyễn (H.2: bản đồ của tác giả), tuy giới hạn phía Tây của Hoàng thành có thể đến giáp sông Tô Lịch. Điều khác biệt quan trọng so với Trần Huy Bá là Trần Huy Liệu nhìn nhận một sự chuyển dịch kinh thành từ Lý, Trần sang Lê sơ. Theo nhóm tác giả này, Hoàng thành Đông Kinh thế kỷ XV bao gồm cả thành Thăng Long đời Lý, Trần và thành Hà Nội thời Nguyễn, tức mở rộng về phía Đông[4]. H.2: Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần nằm về phía Đông thành Hà Nội thời Nguyễn 3. Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán cũng phân biệt rõ Hoàng thành, Cấm thành và cho rằng Long Thành, Phượng Thành hay Long Phượng Thành chính là Hoàng thành, mở bốn cửa: cửa Tường Phù ở phía Đông mở ra trước Chợ Đông và đền Bạch Mã, cửa Đại Hưng ở phía Nam khoảng vườn hoa và chợ Cửa Nam, cửa Quảng Phúc ở phía Tây mở ra trước chùa Một Cột, cửa Diệu Đức ở phía bắc mở ra trước sông Tô Lịch khoảng phố Phan Đình Phùng[5]. Hai tác giả nhấn mạnh trải qua các vương triều, các cung điện được xây dựng, tu sửa nhiều lần nhưng phạm vi Hoàng thành và Cấm thành với tâm điểm là điện Kính Thiên trên núi Nùng không thay đổi. Phạm Hân cùng quan điểm này về Hoàng thành, nhưng lại cho rằng Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành là Cấm thành[6]. Hoàng thành trong quan niệm của các tác giả có thể được biểu thị trên bản đồ như sau (H.3). H.3: Vị trí Hoàng thành Thăng Long thì Lý, Trần, Lê 4. Philippe Papin là một tác giả nước ngoài đã có hai công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong thời gian gần đây là luận án Tiến sĩ Des "villages dans la ville” aux “villages urbains” và cuốn sách Histoire de Hà Nội. Nhận thức về thành Thăng Long của tác giả được thể hiện tập trung trong bản đồ sau[7]. Theo tác giả, vòng thành trong theo sông Tô Lịch đến Cầu Giấy rồi theo đường Giảng Võ nối lên phía Đông Bắc với An Nam La Thành (806) và Đại La thành (866) đời Đường. Hai lớp thành phía bắc tương ứng với đường Hoàng Hoa Thám và Thuỵ Khuê, tác giả giải thích do sự mở rộng thành Đại La cũ. Vòng thành trong mở bốn cửa: Tường Phù, Đại Hưng, Quảng Phúc và Diệu Đức. Vòng thành ngoài cùng đắp năm 1014, tác giả cho bao bọc cả Hồ Tây và có lần mở rộng về phía Nam vào năm 1230. Có thể hiểu vòng thành ngoài là thành Đại La hay La Thành, vòng thành trong là Hoàng thành theo cách dùng phổ biến về cấu trúc kinh thành Thăng Long. H.4: Thành Thăng Long thế kỷ XI-XIV. Với tình trạng tư liệu hiện có, rõ ràng nhiều vấn đề đặt ra về thành Thăng Long - Hà Nội chưa dễ thống nhất, nhưng trên cơ sở thu thập và phân tích đối chiếu kỹ tư liệu thư tịch kết hợp với điều tra thực địa, khảo sát những đền chùa, những di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến các đoạn thành và cửa thành xưa[8] và những kết quả khai quật khảo cổ học gần đây của Viện Khảo cổ học, có thể đưa ra một số nhận xét mới trong nhận thức về cấu trúc của thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử và từ đó, xác định vị trí của Khu di tích khảo cổ học mới phát lộ ở Ba Đình trong hệ thống cấu trúc này. 1. Thành Thăng Long thời Lý - Trần - Minh thuộc Trước hết, căn cứ vào sử biên niên, chủ yếu là Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, điểm lại những sự kiện lớn trong quá trình kiến tạo và những đổi thay lớn, tên gọi cung điện trung tâm, những vòng thành lần đầu xuất hiện của kinh thành Thăng Long: § Năm 1010 (mùa thu) vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Trong năm đó xây dựng 8 điện 3 cung, trung tâm là điện Càn Nguyên, rồi “đắp thành đào hào”, bốn mặt thành mở bốn cửa: phía Đông cửa Tường Phù, phía Tây cửa Quảng Phúc, phía bắc cửa Diệu Đức, phía Nam cửa Đại Hưng. § Năm 1014 “đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long”. § Năm 1028, trong loạn “ba Vương”, ba Vương “đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong Cấm thành, Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành”. § Năm 1029, xây dựng lại điện Càn Nguyên đổi tên là điện Thiên An, xây dựng thêm một số cung điện mới và “bên ngoài đắp thành gọi là Long Thành”. § Năm 1049, “đào ngòi ngự ở phía ngoài Phượng Thành”. § Năm 1078, “sửa lại thành Đại La. Thành này đắp từ năm Thuận Thiên thứ 5 (1014), đến đây sửa lại”. § Năm 1243, “đắp thành nội gọi là thành Long Phượng”. § Năm 1397, sau khi xây dựng kinh đô mới ở Tây Đô (Thanh Hoá), Thăng Long đổi thành Đông Đô. § Thời thuộc Minh (1407-1427) thành Đông Đô gọi là Phủ thành Giao Chỉ hay Phủ thành Giao Châu và thường gọi là thành Đông Quan. Từ những sự kiện trên và trên cơ sở tư liệu hiện có, có thể đặt ra và xác định mấy vấn đề sau đây về cấu trúc và vị trí của kinh thành Thăng Long: 1.1. Về tên thành, năm 1010 đặt tên thành Thăng Long, năm 1397 đổi là Đông Đô và thời thuộc Minh là Đông Quan. 1.2. Về cấu trúc, trong thời Lý từ năm 1010 đến 1028, đã dần dần hình thành ba vòng thành. 1.3. Vòng thành ngoài cùng đắp bằng đất năm 1014, năm 1078 sửa đắp gọi là thành Đại La. Trong sử biên niên, tên thành Đại La xuất hiện nhiều lần vào các năm: 1078, 1154, 1165, 1170, 1230, 1243. Tên thành cũng có tài liệu gọi là La Thành hay chú thích thành Đại La tức là La Thành và phân biệt với thành Đại La thời thuộc Đường. Nói chung các nhà khoa học không có nhiều bất đồng về vòng thành này và đều thống nhất cho rằng vòng thành dựa theo bờ sông Tô Lịch ở mặt bắc, mặt tây, sông Kim Ngưu ở mặt nam và sông Nhị (sông Hồng) ở mặt đông. Các dòng sông tự nhiên này được sử dụng như lớp hào bên ngoài và hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống tiêu thoát nước rất tiện lợi. Thành Đại La giữ vai trò vừa là luỹ phòng vệ vừa là đê ngăn lũ lụt. Vòng thành này cũng qua nhiều lần bồi trúc và sửa đắp, ít nhiều xê dịch theo sự bồi lấp hay xói mòn của dòng sông. Dòng sông Tô Lịch và Kim Ngưu còn được thể hiện rất rõ trên các bản đồ cổ từ bản đồ Hồng Đức thời Lê đến các bản đồ thời Nguyễn thế kỷ XIX, nhưng nói chung bị bồi lấp và thu hẹp dần. Hiện nay dòng sông Tô Lịch ở phía Tây còn rõ và gần đây được cải tạo, kè bê tông trong hệ thống thoát nước của Hà Nội. Còn dòng phía bắc thì vào đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng thành Hà Nội, dòng sông này được nối với hào phía Tây Bắc rồi đổ ra sông Nhị khoảng phố Nguyễn Siêu - Chợ Gạo hiện nay. Cửa sông Tô hay Giang Khẩu xưa ỏ khoảng đó. Trên các bản đồ thế kỷ XIX, đoạn sông Tô này thể hiện khá rõ. Sau khi thành Hà Nội bị phá hủy và san bằng, đoạn sông Tô từ Thụy Khê đến Giang Khẩu cũng bị lấp dần. Hiện nay dòng sông Tô phía bắc chỉ còn lại một đoạn phía Tây như dòng nước hẹp dọc theo phía Nam đường Thụy Khê cho đến đốc Tam Đa. Sông Kim Ngưu còn thể hiện rõ trên các bản đồ cổ thời Lê và thời Nguyễn, nhưng hiện nay đã bị lấp hoàn toàn. Thành Đại La thời Lý - Trần trên đại thể, mặt bắc chạy dọc theo bờ nam sông Tô Lịch khoảng đường Hoàng Hoa Thám hiện nay, mặt tây theo bờ đông sông Tô Lịch tức đường Bưởi từ Yên Thái đến ô Cầu Giấy và mặt nam theo bờ bắc sông Kim Ngưu khoảng đường La Thành - Đê La Thành - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân từ Cầu Giấy đến ô Đống Mác hiện nay. Thành Đại La phía Đông là đê sông Nhị và chịu ảnh hưởng của sự bồi lở của bờ sông theo xu hướng chung là quá trình bồi tụ bờ hữu ngạn làm cho dòng sông bị chuyển dịch dần về phía Đông. Ví như năm 1165, thành Đại La ở cửa Triều Đông phải đắp lùi vào 75 thước (khoảng 24 m) và xây bằng gạch đá vì xói lở của nước sông Nhị. Hay như năm 1230, nhà Trần “mở rộng phía ngoài thành Đại La”, “xây đắp thêm bốn cửa thành ở phía ngoài thành Đại La”. Thật khó xác định vị trí đoạn phía Đông thành Đại La thời Lý - Trần, nhưng chắc chắn còn nằm sâu vào phía Tây so với đê sông Hồng hiện nay. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, Hải Thượng Lê Hữu Trác trong chuyến lên Kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán năm 1782, lúc trở về còn xuống thuyền ở bến đò chùa Tràng Tín[9]. Chùa Tràng Tín còn dấu tích ở phố Hàng Chuối hiện nay mà vào thế kỷ XVIII còn là bến đò, điều đó chứng tỏ lúc bấy giờ sông Nhị còn ăn sâu vào phía Tây so với dòng sông hiện nay. Theo các sử liệu hiện còn, thành Đại La thời Lý, Trần mở các cửa: Triều Đông (khoảng dốc Hòe Nhai xuống), Tây Dương (ô Cầu Giấy), Trường Quảng (ô Chợ Dừa), Cửa Nam (ô Cầu Dền), cửa Vạn Xuân (ô Đống Mác). Mặt đông của thành Đại La giáp bờ sông Nhị, có hai bến sông giữ vai trò hai bến cảng quan trọng của kinh thành: Giang Khẩu tức cửa sông Tô Lịch và cửa Triều Đông hay Đông Bộ Đầu hay Bến Đông (dốc Hòe Nhai xuống). 1.4. Vòng thành giữa còn có nhiều ý kiến xác định khác nhau. Một số nhà khoa học dùng tên Hoàng thành được sử dụng thời Lê - Nguyễn làm tên gọi khái quát vòng thành thứ hai này trong cấu trúc “tam trùng thành quách”, tuy rằng tên gọi này chưa xuất hiện thời Lý - Trần. Một số tác giả khác cho rằng cũng như thời Lê, vòng thành thứ hai từ thời Lý đã gọi là thành Thăng Long. Tên “thành Thăng Long” xuất hiện trong sử biên niên vào các năm: 1010, 1024, 1028, 1078, 1156. Nhưng vấn đề cần xác định là xác định vị trí của Long Thành, Phượng Thành hay Long Phượng Thành, một tên gọi được sử dụng nhiều thời Lý - Trần. Có người cho đó là vòng thành giữa tức Hoàng thành hay thành Thăng Long, có người lại cho là vòng thành trong cùng tức Cấm thành. Những người cho rằng Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành là Cấm thành dựa trên sự kiện năm 1029, nhà Lý xây điện Thiên An và một số cung điện rồi “bên ngoài đắp thành gọi là Long Thành”[10]. Vòng thành bao quanh các cung điện như vậy hẳn là Cấm thành. Như vậy Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành tức là Cấm thành hay nói cách khác Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành và Cấm thành chỉ là tên gọi khác nhau của một tòa thành là Cấm thành. Phân tích một số tư liệu, tôi thấy có những chứng cứ đáng tin cậy để phân biệt Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành với Cấm thành hay nói cách khác đó là những tên gọi thời Lý - Trần chỉ hai tòa thành khác nhau: - Trong “loạn ba vương” năm 1028, chính sử phân biệt Cấm thành và Long Thành: “Ba Vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong Cấm thành, Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành...”[11]. - Trong cuộc tranh chấp cuối đời Lý, năm 1212, Đại Việt sử lược cũng phân biệt Long Thành và Cấm thành: ‘Tự Khánh giận dữ phát binh đến Long Thành, sai điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Ngạnh đem các quan chức đô vào trong Cấm thành”[12]. - Một chứng cứ quan trọng nữa là năm 1024, khi sửa sang kinh thành Thăng Long thì Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rõ “Thành Thăng Long khởi đắp từ năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) đến đây sửa lại”[13]. Tòa thành xây đắp năm 1010 được miêu tả như sau: “Lại xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ... Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nhật Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt mở bốn cửa: phía Đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía Nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức”. Rõ ràng điện Càn Nguyên là nơi thiết triều cùng điện Long An, Long Thụy là nơi vua nghỉ, cung Thúy Hoa, Long Thụy là chỗ ở của cung nữ..., về nguyên tắc cấu trúc kinh thành gồm ba vòng thành, thì phải nằm trong vòng thành trong cùng tức Cấm thành. Chính điều đó làm cho nhiều nhà nghiên cứu coi tòa thành xây đắp cùng với các kiến trúc cung đình này là Cấm thành. Nhưng nếu phân tích kỹ các dữ liệu thì ngoài các cung điện trên còn “dựng kho tàng, đắp thành, đào hào” và tòa thành này mở bốn cửa, trong đó có cửa Đại Hưng ở phía Nam thì từ thời Lý, Trần đến đời Lê đều là cửa phía Nam của vòng thành giữa tức Hoàng thành thời Lê. Chính vì vậy mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là thành Thăng Long. Như vậy Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành là vòng thành thứ hai hay vòng thành giữa và để thống nhất tên gọi vòng thành giữa này, tôi tán đồng quan niệm của nhiều nhà khoa học, tạm dùng tên gọi quen thuộc được sử dụng từ thời Lê là Hoàng thành. Trong nghiên cứu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trước đây tôi tán đồng quan điểm của Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán, sau này được Phạm Hân bổ sung và củng cố thêm, cho rằng Hoàng thành Thăng Long từ Lý - Trần đến Lê - Mạc - Lê Trung hưng về cơ bản không thay đổi và không có sự chuyển dịch từ tây sang đông. Nhưng với kết quả nghiên cứu gần đây, tôi thấy cần đính chính một điều quan trọng là Long Thành/Phượng Thành/Long Phượng Thành thời Lý, Trần không phải là Cấm thành mà chính là Hoàng thành và do đó, phải phân biệt rõ những tư liệu liên quan đến hai tòa thành khi sử dụng. Xác định lại tên gọi này dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc xác định phạm vi, vị trí của Hoàng thành và Cấm thành cũng như nhìn nhận sự thay đổi hay không thay đổi của hai tòa thành này. Phạm vi và vị trí Hoàng thành có thể xác định được trên cơ sở định vị bốn cửa thành ở bốn phía Đông, tây, nam, bắc. Cho đến nay, vị trí các cửa Tường Phù ở phía Đông, cửa Đại Hưng ở phía Nam, cửa Diệu Đức ở phía bắc thì tương đối thống nhất § Cửa Tường Phù ở phía Đông còn để lại dấu tích qua cửa sông Tô Lịch tức Giang Khẩu, đền Bạch Mã và văn bia liên quan tại đền Bạch Mã ở 76 Hàng Buồm, chùa Cầu Đông (Đông Kiều tự) ở 38B Hàng Đường, đình Cửa Đông (Đông Môn đình) ở 8 Hàng Cân, Hội quán Phúc Kiến ở 40 Lãn Ông. Đền Bạch Mã đã được xây dựng từ thời thuộc Đường và Việt điện u linh có đoạn chép về đền này: "Đến đời nhà Lý dựng đô ở Thăng Long, vua Thái Tông cho mở phố chợ về phía Cửa Đông, hàng quán chen chúc, sát đến bên đền, rất là huyên náo. Muốn dựng đền ra một chỗ khác song vua lại nghĩ, một ngôi đền cổ không nên dời đi, mới đem sửa sang lại, đền liền với các nhà ngoài phố, riêng để một nhà bên trong làm nơi thờ thần... Trước đây ở phố Chợ Đông ba lần phát hỏa, các nhà trong phố bị cháy hầu hết, duy đến chỗ thờ thần, lửa không bao giờ cháy đến”[14]. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ là vị thần Thành Hoàng của thành Thăng Long, sau này được coi là một trong bốn vị thần “tứ trấn” của kinh thành. Vị trí của đền Bạch Mã được định vị ở phía Nam sông Tô Lịch trên bản đồ Hồng Đức thế kỷ XV, gần cửa sông Tô đổ ra sông Nhị, thuộc phường Giang Khẩu. Tại ngôi đền này còn lưu giữ được 15 tấm bia thời Lê và Nguyễn. Chùa Cửa Đông (Đông Kiều tự) ở 38B Hàng Đường. Ngôi chùa này gần Cầu Đông tức cầu bắc qua sông Tô Lịch và nằm về phía Cửa Đông nên còn gọi là chùa Cửa Đông (Đông Môn tự). Cửa Tường Phù về sau gọi là cửa Đông Hoa hay Cửa Đông. Văn bia năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) ghi “Đông Môn tự ký” (Bài ký về chùa Đông Môn) cho biết: “Nhị thủy triều tiền...., Long Thành phục hậu” (sông Nhị chầu phía trước..., Long Thành phục phía sau)[15]. Trong văn bia ghi lại việc nhà sư Nguyễn Văn Hiệp tự là Đạo án, cùng vợ hiệu là Diệu Bi, mua cúng nhà chùa một thửa ruộng để mở rộng chùa, có giáp giới như sau: “trên giáp cầu đá, dưới giáp phường Diên Hưng, trước giáp đường cái, sau giáp sở Đông ngục”. Văn bia cung cấp những thông tin cho biết ngôi chùa này nhìn ra sông Nhị, phía sau là Long Thành, gần đó có cầu đá bắc qua sông Tô Lịch gọi là Cầu Đông. Chính vì vậy chùa này là chùa nằm về phía Cửa Đông, gần Cầu Đông trên sông Tô Lịch. Đây là những tư liệu quý để xác định vị trí của tường thành và cửa thành phía Đông trong mối quan hệ với sông Tô, sông Nhị. Bài minh trong chùa có niên đại Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cho biết vị trí của chùa: bên trái là sông Tô, bên phải là cửa Đông Hoa, phía Đông là cầu đá. Đình Đông Môn ở 8 Hàng Cân chỉ còn giữ được tên đình là “Đông Môn đình”, nhưng cũng là một chỉ giới quan trọng để xác định vị trí Cửa Đông tức cửa Tường Phù thời Lý, Trần sang thời Lê đổi là cửa Đông Hoa và dân gian quen gọi là Cửa Đông. Hội quán Phúc Kiến ở 40 phố Lãn Ông còn lưu giữ một tấm bia mang niên đại muộn năm Gia Long thứ 16 (1817), nhưng cung cấp một thông tin đáng lưu ý là người Hoa đã mua đất ở xứ Cửa Đông Hoa để xây Hội quán. Thông tin này chứng thực thêm địa điểm Hội quán Phúc Kiến nằm trên đất cửa Đông Hoa tức cửa Tường Phù thời Lý. Với những cứ liệu trên, có thể xác định cửa Tường Phù tức Cửa Đông của Hoàng thành mở ra phía đền Bạch Mã, cửa sông Tô, khoảng gần Cầu Đông bắc qua sông Tô ở 38B Hàng Đường, đình Cửa Đông ở 8 Hàng Cân và Hội quán Phúc Kiến ở 40 Lãn Ông hiện nay. Có thể xác định một cách tương đối, đoạn thành phía Đông của Hoàng thành nằm khoảng phố Thuốc Bắc và cửa Tường Phù/Cửa Đông ở khoảng giao nhau của phố Thuốc Bắc - Lãn Ông ngày nay. Khu cửa Đông cũng để lại dấu ấn trong các địa danh hành chính vùng này. Vào đời Gia Long, huyện Thọ Xương có tám tổng thì trong tổng Hậu Túc có thôn Đông Hoa Môn, Hậu Đông Hoa Môn; tổng Tiền Túc có thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Đông Thành[16]. Vào cuối thế kỷ XIX, theo Đồng Khánh địa dư chí lược, huyện Thọ Xương có tám tổng, tổng Thuận Mỹ có thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Yên Nội Đông Thành[17]. Cục Văn thư lưu trữ nhà nước còn lưu giữ địa bạ năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) của thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Yên Nội Đông Thành[18]. Cùng với các tên thôn đó là di tích một số đình, chùa như chùa Đông Hoa Môn ở 38B phố Hàng Đường, đình Đông Môn ở 8 phố Hàng Cân, đình Hậu Đông Hoa ở 2 phố Chả Cá... § Cửa Đại Hưng hay Cửa Nam còn để lại dấu tích qua địa danh và chứng cứ trong các sách địa chí, trong thơ văn và trong sử tích đền Lương Sử. Những địa danh liên quan là vườn hoa Cửa Nam, chợ Cửa Nam còn tồn tại đến nay. Năm 1037 vua Lý Thái Tông phong Thái úy Phạm Cự Lạng đời Tiền Lê làm Hoằng Thánh Đại vương và “dựng đền thờ ở phía Tây Cửa Nam thành”[19]. Đó là đền Hoằng Thánh thờ Phạm Cự Lạng hiện còn dấu tích ở đình Lương Sử tại ngõ Lương Sử A ở khu Cửa Nam. Đình mới xây dựng lại nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và hướng đình là hướng bắc. Long Biên bách nhị vịnh của Bùi Cơ Túc sống khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu XIX, trong bài Vịnh lầu Vọng Tiên với lời tiểu dẫn cho biết, lầu Vọng Tiên do Lê Thánh Tông xây dựng, đã bị
Luận văn liên quan