Chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng của pháp luật hôn nhân- gia đình, đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều luật gia và các nhà áp dụng luật . Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Do đó, chế độ tài sản của vợ chồng ở mỗi quốc gia và trong cùng một đất nước ở các giai đoạn phát triển là khác nhau. Xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng ngày càng cụ thể và hoàn thiện hơn.
Ở phạm vi bài viết này em đi: “ Nêu và lý giải những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”.
12 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2371 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập Nêu và lý giải những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng của pháp luật hôn nhân- gia đình, đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều luật gia và các nhà áp dụng luật . Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Do đó, chế độ tài sản của vợ chồng ở mỗi quốc gia và trong cùng một đất nước ở các giai đoạn phát triển là khác nhau. Xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng ngày càng cụ thể và hoàn thiện hơn.
Ở phạm vi bài viết này em đi: “ Nêu và lý giải những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”.
NỘI DUNG
I. Những khái niệm chung về chế độ tài sản của vợ chồng:
1. Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng:
Như ta đã biết, gia đình là tế bào của xã hội, thể hiện tính chất và kết cấu của xã hội. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước luôn bằng pháp luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, xây dựng mô hình( kiểu gia đình) phù hợp với thiết chế xã hội. Gia đình có vị trí, vai trò dặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Để cho gia đình tồn tại và phát triển cần phải có các điều kiện vật chất- cơ sở kinh tế của gia đình, nuôi sống gia đình. Do vậy, chế độ tài sản của vợ chồng luôn được nhà làm luật quan tâm xây dựng như là một trong các chế định cơ bản quan trọng nhất của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Trước tiên để thấy được sự phát triển của chế độ tài sản của vợ chồng qua các thời kỳ chúng ta cần hiểu rõ thế nào là chế độ tài sản của vợ chồng? Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về( sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật định.
2. Đặc điểm của chế độ tài sản của vợ chồng:
Chế độ tài sản của vợ chồng thực chất là chế độ sở hữu của vợ chồng xuất phát từ tính chất và mục đích đặc biệt của quan hệ hôn nhân được xác lập- tính cộng đồng của quan hệ hôn nhân. Vợ, chồng với tư cách là công dân, vừa là chủ thể của quan hệ hôn nhân và gia đình, vừa là chủ thể của quan hệ dân sự khi thực hiện quyền sở hữu của mình, tham gia các giao dịch dân sự. Vì vậy, chế độ tài sản của vợ chồng có những đặc điểm riêng biệt sau:
●Xét về chủ thể của quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản này, thì các bên phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp với tư cách là vợ chồng của nhau ( đây là đặc điểm chỉ tồn tại trong loại chế độ tài sản này). Do vậy, để trở thành chủ thể của quan hệ sở hữu này, các chủ thể ngoài viêc có đầy đủ năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, còn đòi hỏi phải tuân thủ các điều kiện kết hôn được quy định trong pháp luật hôn nhân và gia đình..
●Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, Nhà nước bằng pháp luật khi quy định về chế độ tài sản của vợ chồng đều xuất phát từ mục đích trước tiên và chủ yếu nhằm bảo đảm quyền lợi của gia đình trong đó có lợi ích cá nhân của vợ ,chồng. Những quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng là cơ sở tạo điều kiện để vợ chồng chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với tài sản của vợ chồng.
●Căn cứ xác lập, chấm dứt chế độ tài sản này phụ thuộc vào sự phát sinh và chấm dứt của quan hệ hôn nhân hay nói cách khác chế độ tài sản của vợ chồng thường chỉ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân. Từ đó, tài sản chung của vợ chồng chấm dứt khi một bên vợ, chồng chết trước hoặc vợ, chồng ly hôn( chấm dứt hôn nhân trước pháp luật)
●Chế độ tài sản của vợ chồng cũng mang những đặc thù riêng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Đối với tài sản chung của vợ chồng, bắt buộc vợ chồng khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình.
II.Những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
1.Những điểm khác nhau:
a. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959( được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 11 chính thức thông qua ngày 29/12/1959 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 13/1/1960)
Năm 1950, yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đòi hỏi cần phải xóa bỏ, hạn chế ảnh hưởng của chế độ hôn nhân và gia đình thực dân, phong kiến lạc hậu, Nhà nước ta đã ban hành 2 sắc lệnh đầu tiên quy định điều chỉnh một số quan hệ hôn nhân và gia đình. Trong đó có sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước Việt nam dân chủ cộng hòa về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Sắc lệnh gồm có 8 điều quy định về hôn nhân và gia đình và 5 điều quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự ( cho đến nay các nguyên tắc này vẫn được kế thừa và phát triển trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật dan sự của nước ta)
Sắc lệnh 97/SL quy định: “ chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình”(Điều 5) và “người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ”(Điều 6). Như vậy, lần đầu tiên quyền gia trưởng của người chồng bị xóa bỏ, quan hệ nam nữ, vợ chồng bình đẳng về mọi mặt( trong đó có quyền bình đẳng về tài sản trong gia đình của vợ chồng) đã được thiết lập mang tính nguyên tắc này đã thể hiện bản chất của nền pháp chế mới dân chủ tiến bộ hơn hẳn so với hệ thống pháp luật dưới thời thực dân phong kiến. Bên cạnh đó, sắc lệnh 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng góp phần đặt nền tảng xây dựng một nền pháp chế mới dân chủ và tiến bộ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của nhà nước xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
Sau ngày miền Bắc được giải phóng, ảnh hưởng của những tàn dư tư tưởng lạc hậu, nhất là các hủ tục, các quy định của hệ thống pháp luật dưới chế độ cũ nhằm bảo vệ quyền gia trưởng, phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, giữa các con trong gia đình, giữa con trai với con gái, con đẻ với con nuôi, con trong giá thú với con ngoài giá thú còn rất nặng nề trong xã hội.Việc ban hành một đạo luật mới về hôn nhân- gia đình nhằm đáp ứng với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đáp ứng với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình là tất yếu khách quan vì “ nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng xã hội chủ nghĩa mới chỉ là một nửa” ( Hồ chủ tịch). Chính vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đã ra đời và có những quy định về chế độ tài sản của vợ chồng:
- Tài sản chung: Nhà nước ta không dự liệu chế độ tài sản ước định . Chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản “ vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” (Điều 15): nghĩa là toàn bộ các tài sản của vợ chồng dù có trước khi kết hôn hoặc được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân ;dù vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc cả hai vợ chồng được tặng cho chung hay thừa kế chung, không phân biệt nguồn gốc tài sản và công sức đóng góp đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng.
- Tài sản riêng: Luật không thừa nhận vợ chồng có tài sản riêng.
- Quyền và nghĩa vụ đối với tài sản: vợ chồng có quyền bình đẳng ngang nhau khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung và luôn có kỷ phần bằng nhau trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất đó. Có 2 trường hợp chia tài sản của vợ chồng: khi vợ, chồng chết trước( Điều 16) và khi vợ chồng ly hôn( Điều 29). Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên vào tình hình tài sản. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất.
b. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986( được Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 29/12/1986)
Với sự phát triển của các điều kiện kinh tế xã hội, đặc biệt nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế ,dưới sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng vào đầu những năm 1980 đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế xã hội , ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình.Với điều kiện kinh tế- xã hội như trên, trên tinh thần thừa kế các nguyên tắc dân chủ cà tiến bộ của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã ra đời và quy định:
- Tài sản chung: Luật không ghi nhận nguyên tắc tự do lập hôn ước mà tiếp tục thừa nhận chế độ tài sản pháp định làm căn cứ duy nhất xác định tài sản của vợ ,chồng cũng như các quyền và nghĩa vụ có liên quan. Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định với hình thức là chế độ cộng đồng tạo sản.Tài sản chung bao gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân( lương, thưởng, trợ cấp, hưu trí…) và tài sản do vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung( Điều 14)
- Tài sản riêng: Luật đã ghi nhận vợ chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng là tài sản mà vợ ,chồng có được từ trước khi kết hôn và các tài sản mà vợ hoặc chồng được tặng cho riêng hay được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân. Người vợ, chồng có tài sản riêng có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng.
- Quyền và nghĩa vụ : Đảm bảo quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung, quy định rõ mục đích sử dụng tài sản chung của vợ chồng nhằm đảm bảo những nhu cầu chung của gia đình. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, cho, đổi, vay mượn và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản có giá trị lớn thì phải được sự thỏa thuận của hai vợ chồng( Điều 15)
Về chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài hai trường hợp như luật hôn nhân và gia đình năm 1959: Chia khi một bên vợ, chồng chết trước(Điều 17) và khi vợ chồng ly hôn( Điều 42) thì còn quy định thêm chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại( Điều 18). Ngoài ra, trong luật hôn nhân và gia đình năm 1986 còn quy định “nguyên tắc chia đôi tài sản chung” của vợ chồng .
c. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000( Được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 9/6/2000)
Theo sự phát triển của nền kinh tế- xã hội, hệ thống pháp luật trong đó có luật hôn nhân và gia đình của nhà nước cũng dần được hoàn thiện .Luật năm 1986 mặc dù dự liệu tương đối đầy đủ các quan hệ hôn nhân và gia đình cần được điều chỉnh nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Vì lẽ đó Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ra đời với những quy định mới phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước:
- Tài sản chung: Luật cũng không dự liệu về chế độ tài sản ước định giữa vợ chồng. Điều 27 đã quy định tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất: “1.Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra , thu nhập do lao động , hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thùa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng…
…3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.”
Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung: luật quy định tương đối cụ thể về quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất , các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, vợ chồng bình đẳng trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng được sử dụng bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận( Điều 28)
Khoản 2- Điều 27 còn quy định nghĩa vụ phải đăng kí quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng : “…Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng kí quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng…”
Ngoài ra Điều 25 cũng quy định nghĩa vụ chung của hai vợ chồng đối với các giao dịch dân sự hợp pháp do một bên vợ hoặc chồng thực hiện vì nhu cầu thiết yếu của gia đình ( nghĩa là tài sản chung của vợ chồng được đảm bảo cho các giao dịch hợp pháp dù chỉ có một bên vợ, chồng thực hiện vì lợi ích gia đình.Đây chính là điểm mới của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 so với năm 1986.
- Tài sản riêng:Luật quy định vợ , chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn , tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân ,đồ dùng tư trang cá nhân; tài sản mà vợ chồng được chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng.Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung( Điều 32)
Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng:Khoản 1, khoản 2- Điều 33 quy định: “1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 điều này./2.Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng, trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.
Nghĩa vụ riêng về tài sản riêng của vợ, chồng được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng( khoản 3- Điều 33).
- Về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng ở luật hôn nhân và gia đình năm 2000 được quy định: trong trường hợp vợ chồng ly hôn( nguyên tắc chung-điều 95 )và trong từng trường hợp cụ thể( Điều 96 đến Điều 99). Trong trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân( Điều 29)khác với luật năm 1986 là luật năm 2000 đã quy định về hậu quả pháp lý sau khi đã chia tài sản của vợ chồng trong thòi kỳ hôn nhân: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”.
2. Lý giải về những điểm khác nhau về chế độ tài sản trong luật hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000.
- Thứ nhất: Sự khác biệt căn bản về chế độ tài sản giữa luật hôn nhân và gia đình năm 1959 với luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và năm 2000 là: luật năm 1959 quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản còn luật năm 1986 thì quy định chế độ tạo sản và luật năm 2000 quy định là chế độ sở hữu chung hợp nhất.Có sự khác nhau đó là do:
+ Luật năm 1959 ra đời trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế- xã hội ở miền Bắc nước ta thời kỳ này chưa phát triển. Khi kết hôn, thường cả hai bên nam nữ không có nhiều tài sản, thậm chí là “hai bàn tay trắng”. Việc luật quy định tài sản chung của vợ chồng bao gồm tất cả các loại tài sản của vợ, chồng có trước và sau khi kết hôn là phù hợp với tình hình thực tế.Hơn nữa, quan hệ hôn nhân được xác lập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở tình cảm, yêu thương gắn bó suốt đời giữa vợ, chồng. Không nên đặt vấn đề tài sản “làm trọng” để chi phối tới việc xác lập quan hệ vợ chồng. Điều này cũng phù hợp với tập quán của gia đình truyền thống ở Việt Nam với quan niệm vợ, chồng gây dựng tài sản để nuôi dưỡng, giáo dục và để lại thừa kế cho con.
+Luật năm 1986 và năm 2000 quy định phạm vi thành phần khối tài sản chung hẹp hơn rất nhiều so với chế độ cộng đồng toàn sản của luật hôn nhân và gia đình năm 1959. Luật 1986 và luật 2000 đã cụ thể hóa trong một chừng mực nhất định các loại tài sản thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng. Sở dĩ như vậy là do điều kiện kinh tế- xã hội giai đoạn này có nhiều thay đổi.
- Thứ hai: Luật năm 1959 không thừa nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng còn năm luật1986 và luật năm 2000 thì quy định vợ chồng có quyền có tài sản riêng:
+Do điều kiện kinh tế- xã hội dẫn đến tình trạng tài sản riêng của các gia đình, công dân còn hạn chế cả về số lượng và giá trị tài sản nên luật năm 1959 không quy định vợ ,chồng có quyền có tài sản riêng.
+ Đến năm 1986, đất nước ta tiến hành đổi mới, quyền tự do cá nhân phát triển và được bảo vệ. Cùng với việc ra đời của Hiến pháp năm 1992 quy định những quyền cơ bản của công dân. Vợ ,chồng trước hết với tư cách là công dân, có quyền sở hữu tài sản riêng của mình. Luật ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng. Quy định đó cũng được luật năm 2000 kế thừa và có những thay đổi nhất định cho phù hợp với tình hình mới.
- Thứ ba: luật năm 1959 và năm 1986 không quy định về việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng còn luật năm 2000 thì có quy định về vấn đề này.Chính vì thế, luật năm 1959 và năm 1986 đã có nhiều hạn chế trong việc thực hiện và áp dụng luật.Điều kiện kinh tế- xã hội năm 1992 có nhiều bước tiến mới, vấn đề tranh chấp tài sản khi vợ chồng ly hôn diễn ra ngày càng phức tạp. Để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên vợ, chồng cũng như giải quyết tốt vấn đề tranh chấp, luật đã quy định đăng ký quyền sở hữu đối với các loại tài sản chung có giá trị lớn ( nhà ở, quyền sử dụng đất, xe máy, ô tô…)
- Thứ tư: các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong luật năm 1986 so với luật năm 2000 còn mang tính nguyên tắc chung, có tính khái quát cao, chưa quy định cụ thể khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, hậu quả pháp lý khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chưa có căn cứ xác định các nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng , cũng như trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với các nghĩa vụ tài sản trong gia đình. Có những hạn chế như vậy là do sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế, các quan hệ trong xã hội ngày càng phức tạp, những quy định của luật năm 1986 ngày càng bộc lộ những hạn chế và không điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong đời sống hôn nhân và gia đình.Và lẽ đó luật năm 2000 đã ra đời và quy định cụ thể hơn.
KẾT BÀI
Tóm lại luật hôn nhân và gia đình năm 1959, luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có rất nhiều những điểm riêng biệt. Những điểm khác biệt đó thể hiện sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn từ đó dẫn đến những thay đổi nhất định trong đời sống hôn nhân và gia đình.Qua đó cũng chứng tỏ sự nhạy bén của các nhà làm luật trong quá trình thay đổi để hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình cho phù hợp với thực tế đất nước.
MỤC LỤC
Mở đầu………………………………………………………………………1
Nội dung……………………………………………………………………..2
I. Những khái niệm chung về chế độ tài sản chung của vợ chồng…………..2
1.Khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng………………………………...1
2. Đặc điểm của chế độ tài sản của vợ chồng………………………………..2
II. Những điểm khác nhau…………………………………………………...3
1. Những điểm khac nhau……………………………………………………3
a. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959……………………………………..3
b. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986……………………………………..5
c. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000……………………………………..6
2. Lý giải những điểm khác nhau……………………………………………8
Kết bài……………………………………………………………………...10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật hôn nhân và gia đìnhViệt Nam- nxb Công an nhân dân.
Luật hôn nhân gia đình năm 1959, năm 1986, năm 2000
Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam- nxb Tư pháp( Ts. Nguyễn Văn Cừ chủ biên)
Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt Nam-nxb Trẻ Tp.Hồ Chí Minh( Ts.Nguyễn Ngọc Điện chủ biên)