Báo cáo cập nhật tình hình phát triển và cải cách kinh tế của Việt Nam
Tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2006 vẫn duy trì ở mức đáng khích lệ tiếp sau mức tăng trưởng mạnh trong năm 2005. Xuất khẩu tăng 24% trong 5 tháng đầu năm 2006 nhờ sự phục hồi trở lại của ngành dệt may. Mặc dù nhập khẩu máy móc thiết bị gia tăng, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chậm lại trong năm 2006 một phần là do giá thế giới giảm xuống. Thâm hụt thương mại giảm mạnh kéo theo sự thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai trong năm 2005. Mặc dù mức thâm hụt ngân sách năm 2005 thấp hơn dự kiến nhưng vẫn ở mức cao hơn năm 2004 với nguyên nhân chính là do chi ngân sách thường xuyên tăng lên. Chi tiêu công ngoài ngân sách cũng tăng lên. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm đáng kể từ mức khoảng 40% trong đầu năm 2005 xuống còn 24% trong tháng 2 năm 2006. Các cú sốc về cung tiếp tục gây tác động tới giá cả, mặc dù có thể cũng đã xuất hiện sức ép về cầu. Lạm phát đứng ở mức 7.5% vào tháng 5 năm 2006 so với 8.5% trong tháng 12 năm 2005. Tính đến hết năm 2005, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh và đạt 8,6 triệu đô la Mỹ. Mức chênh lệch giá mua – bán trái phiếu Chính phủ giảm hơn 100 điểm kể tử tháng 10 năm 2005 phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của giới đầu tư. Các yếu tố then chốt nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững bao gồm chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, đặc biệt trong điều kiện giá tài sản có khả năng dao động thất thường, và cơ chế cho vay minh bạch cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở.