Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam
Phát triển kinh doanh là một trong những động lực chính góp phần giảm nghèo nhanh chóng ở Việt Nam. Cùng với việc phân chia lại đất nông nghiệp và mức độ bao phủ cao của các dịch vụ xã hội, phát triển kinh doanh đã cho phép một bộ phận lớn dân cư tham gia vào những lĩnh vực hoạt động có năng suất cao hơn và cải thiện mức sống của mình. Quá trình cải cách bắt đầu gần hai thập kỷ trước đây đã giải phóng một năng lực kinh doanh to lớn. Các hộ gia đình ở nông thôn bắt đầu đưa ra sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường, và tiến hành các hoạt động kinh doanh nhỏ. Đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhà nước đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu dài hạn được tiến hành theo từng bước, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần. Các doanh nghiệp tư nhân đã được đăng ký chính thức và mở rộng phát triển. Quá trình này đã tăng tốc mạnh mẽ kể từ năm 2000 và hiện nay khối doanh nghiệp tư nhân đã chiếm đến 33% giá trị ngành công nghiệp chế tạo. Cùng với hàng nghìn công ty có vốn đầu tư nước ngoài và hàng triệu doanh nghiệp hộ gia đình, các doanh nghiệp tư nhân đã mang lại việc làm cho 21% lược lượng lao động của Việt Nam. Tạo việc làm với qui mô lớn đã cho phép hấp thụ từ 1,4 đến 1,5 triệu lao động mới bước vào thị trường lao động hàng năm, tạo ra cơ hội rời khỏi việc làm nông nghiệp cho người dân ở nông thôn, đặc biệt là cho nữ thanh niên. Trong mười năm qua, tiền lương danh nghĩa tăng bình quân hàng năm ở mức khoảng 10%, và tiền lương thực tế tăng khoảng 7% một năm. Những cơ hội to lớn được tạo ra thông qua quá trình này đã giúp cho những lợi ích do tăng trưởng mang lại được chia sẻ rộng rãi trong xã hội. Mặc dù GDP thực tế trên đầu người đã tăng 5,9% một năm kể từ năm 1993, song hệ số Gini (đo lường bất bình đẳng) chỉ tăng chút ít, lên mức 0,37% vào năm 2004. Trong cùng thời gian này, tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 57% xuống dưới 20%.