Báo cáo Công nghệ dầm Super-T
Ở Việt Nam, dầm Super-T được ứng dụng đầu tiên cho các nhịp cầu dẫn của dự án cầu Mỹ Thuận thông qua sự giúp đỡ và chuyển giao công nghệ của chính phủ Australia. Chiều dài dầm Super-T được phát triển lên 40m và đặc biệt đầu dầm làm khấc để che phần nhô ra của xà mũ trụ, tạo mỹ quan cho công trình, và phù hợp với kết cấu cầu dây văng nhịp lớn của cầu chính. Sau đó, trong dự án cải tạo Quốc lộ 10, dầm Super-T được áp dụng trong các cầu Tân Đệ và Quý Cao. Hiện nay, dầm Super-T đang được ứng dụng rộng rãi trong hàng loạt dự án lớn trên khắp mọi miền nước ta. Miền Bắc với những dự án cầu Tân Đệ, cầu Quý Cao trên Quốc lộ 10, cầu Yên Lệnh trên quốc lộ 39, cầu vượt đồi A1 Điện Biên, cầu vượt Lê Lợi ở thành phố Thanh Hoá, Miền Trung với cầu Chợ Dinh, cầu Thuận An ở Huế, cầu Rộ trên đường Hồ Chí Minh về quê Bác Miền Nam với cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu và đặc biệt là dự án đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương với hàng ngàn phiến dầm đang được triển khai. Về công nghệ chế tạo dầm Super-T, có thể nói ngành cầu Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chóng và hiệu quả công nghệ mới này, hiện nay các kỹ sư cầu Việt Nam có thể nói đã làm chủ được công nghệ. Trong thiết kế dầm, các đơn vị thiết kế trong nước đã làm chủ được các bài toán thiết kế và áp dụng trong nhiều công trình sau đó như cầu Thuận An, cầu Rộ, cầu Tư Hiền. Về công nghệ chế tạo dầm, các Nhà thầu đã và đang ngày càng hoàn thiện trong công nghệ chế tạo như Công ty Cầu 14, Công ty cầu 1 Thăng Long. Chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác thiết kế, chế tạo dầm cho đến công đoạn lao lắp dầm lên gối.