Báo cáo Nghiên cứu xây dựng quy họach môi trường tỉnh Đồng Nai từ nay đến năm 2010
Bối cảnh Việt Nam sau gần 20 năm đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ tăng trưởng cao so với khu vực, bộ mặt đô thị cũng như những tiện ích xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được đẩy lên rõ rệt. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề bức xúc do tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm, chất lượng môi trường xuống cấp. Theo nhiều tài liệu phân tích thực trạng môi trường tại Việt Nam, Chúng ta đang phải đứng trước những vấn đề môi trường bức xúc như nạn phá rừng, sự khai thác quá mức tài nguyên sinh học, suy thoái môi trường đất, thiếu nước sạch, nước ngọt và ô nhiễm các nguồn nước gia tăng. Đồng Nai là một tỉnh nằm trong VĐNB và là một trong 4 tỉnh, thành thuộc VKTTĐPN. Dân số và diện tích Đồng Nai lớn thứ hai của VĐNB (sau Tp. HCM về dân số và sau Lâm Đồng về diện tích). Với lợi thế đất rộng người đông, Đồng Nai có ưu thế trong việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp (nhất là cây công nghiệp phục vụ các ngành công nghiệp chế biến). Trong năm 2001, sản lượng ngô của tỉnh Đồng Nai cao nhất nước (chiếm 11% cả nước), sản lượng sắn đứng thứ 2 cả nước (chiếm 10%). Phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và đô thị là những mối quan tâm hàng đầu trong định hướng phát triển của VKTTĐPN. VKTTĐPN đóng góp khoảng 60%GDP cả nước, trong đó ngành công nghiệp đóng 52% giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm gần 60% tổng thu thương mại dịch vụ. Sự đóng góp của Đồng Nai trong tổng thể tăng trưởng của VKTTĐPN là khá lớn. Trong VKTTĐPN, năm 2001, ngành công nghiệp tại Đồng Nai chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng, số dự án đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai cho đến nay nhiều đứng thứ 3 cả nước (chỉ sau Tp. HCM và Hà Nội). Tại Đồng Nai, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem lại nhiều thành quả to lớn về kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, nhưng một thực tế là các nguồn tài nguyên vốn bị tàn phá do chiến tranh, hậu quả khai thác không hợp lý trong thời gian dài trước đây và những tác động do phát triển kinh tế nên đã bị suy giảm nghiêm trọng. Chúng ta đang đối mặt với những thách thức về suy thoái tài nguyên và môi trường.