Báo cáo thực tập Báo chí tham gia quản lý và giám sát xã hội
Báo chí là một hiện tượng xã hội, nó ra đời do nhu cầu thông tin giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Từ khi xuất hiện đến nay, báo chí luôn năng động trong việc phản ánh hiện thực đa dạng, sinh động và luôn vận động phát triển. Báo chí là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống vật chất tinh thần của mọi người, mọi dân tộc. Nó là vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là ngọn đuốc soi sáng và là nhịp cầu nối niềm tin giữa Đảng với nhân dân, là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội để giáo dục động viên nhân dân cùng nhau phấn đấu, xây dựng một xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Trong lý luận và hoạt động thực tiễn, Đảng cộng sản Việt Nam đánh giá cao vai trò sức mạnh to lớn của báo chí. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã khẳng định: “Báo chí vừa là diễn đàn của nhân dân”. Trong đấu tranh cũng như trong xây dựng hoà bình, Đảng ta đều coi trọng thông tin báo chí và nhấn mạnh sự cần thiết phát triển hệ thống thông tin báo chí tiên tiến, tự do phục vụ rộng rãi nhân dân lao động. Báo chí không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin thuần tuý mà còn có vai trò định hướng công chúng trong việc phát triển kinh tế. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật hiện đại, những năm 20 của thế kỉ XX, nhân loại đã chứng kiến sự bùng nổ của truyền thông đại chúng với sự xuất hiện của loại hình báo phát thanh. Cùng một lúc và ngay tức khắc, bằng kênh thông tin Radio, thông điệp có thể tác động đến hàng tỷ con người, vượt qua mọi rào cản của biên giới quốc gia lãnh thổ, mọi kiểm soát hải quan, biên phòng thuế vụ. Không những thế, thông điệp được truyền đi và tác động vào thế giới con người bằng tất cả âm thanh, có thể tạo dựng lên tất cả trước mắt con người về những gì đã và đang diễn ra, khơi gợi trí tưởng tượng vô biên về cuộc sống con người, về cuộc sống thực tại đang diễn ra trong mối liên hệ với quá khứ và liên tưởng tới tương lai. Như vậy, báo chí nói chung và báo phát thanh nói riêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, trong sự xây dựng và phát triển đất nước và là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần vật chất của con người