Chế định hợp tác quốc tế trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Trong điều kiện Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực từ những năm 90 đến nay, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình tội phạm có tính quốc tế (hay còn gọi là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài) diễn biến phức tạp. Tình trạng người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, người Việt Nam phạm tội ở trong nước bỏ trốn ra nước ngoài, người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài trốn sang Việt Nam, các băng nhóm tội phạm ở trong nước cấu kết với các tổ chức tội phạm nước ngoài mua bán phụ nữ, trẻ em, làm hộ chiếu giả, làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các giấy tờ có giá giả khác, buôn lậu vũ khí, sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. có xu hướng gia tăng cả về mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội. Tình hình này không những xâm hại tính mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, mà còn thực sự đe dọa phá vỡ chính sách kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, gây ra những hậu quả nặng nề về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thậm chí tình hình tội phạm có tính quốc tế còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tình báo nước ngoài lợi dụng tiến hành các hoạt động mua chuộc, thu thập tình báo, phá hoại sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.