Chức năng của luật hình sự

Chức năng của Luật Hình sự (LHS) là một trong những vấn đề lý luận cơ bản của khoa học LHS. Nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng của LHS có ý nghĩa rất lớn không những về mặt khoa học, mà cả với hoạt động thực tiễn của các nhà lập pháp, những người làm công tác bảo vệ pháp luật. Vì vậy, nghiên cứu làm sáng tỏ về chức năng của LHS là một việc làm cần thiết.

pdf14 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 2430 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chức năng của luật hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bàn Về Chức Năng Của LUẬT HÌNH SỰ LÔ VĂN LÝ ThS.GV Khoa Luật hình sự - ĐH luật TP.HCM 1. Chức năng của Luật Hình sự (LHS) là một trong những vấn đề lý luận cơ bản của khoa học LHS. Nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng của LHS có ý nghĩa rất lớn không những về mặt khoa học, mà cả với hoạt động thực tiễn của các nhà lập pháp, những người làm công tác bảo vệ pháp luật. Vì vậy, nghiên cứu làm sáng tỏ về chức năng của LHS là một việc làm cần thiết. 2. Như chúng ta đã biết, thuật ngữ “chức năng” của pháp luật nói chung thường được hiểu là “những phương diện hoạt động chủ yếu, là những hình thức tác động đặc thù của pháp luật bằng con đường Nhà nước lên các quan hệ xã hội…”(1 ). Theo tinh thần này, thì chức năng của LHS có thể được hiểu là những phương diện hoạt động chủ yếu, những hình thức tác động đặc thù của LHS lên các quan hệ xã hội. Với tính cách là những phương diện hoạt động chủ yếu, những hình thức tác động đặc thù của LHS lên các quan hệ xã hội, chức năng của LHS thể hiện bản chất và giá trị xã hội của nó. Ngược lại, bản chất của Nhà nước, của chế độ quyết định bản chất của LHS nói chung, số lượng, tính chất cũng như mối liên hệ giữa các chức năng của LHS nói riêng. Xét về bản chất, chế độ ta là chế độ XHCN, Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do đó, LHS của Nhà nước ta là sự thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, việc nhìn nhận chức năng của LHS cũng phải xuất phát từ quan điểm, ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Là một bộ phận trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, với tính cách là “một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các quan hệ xã hội và lợi ích quan trọng… Bộ Luật hình sự (BLHS) thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm”(2 ). Như vậy, ngay trong Lời nói đầu của BLHS, nhà làm luật đã xác định rõ các chức năng cơ bản sau đây của LHS: a) Các chức năng phòng và chống tội phạm; b) Chức năng bảo vệ; c) Chức năng giáo dục; Xuất phát từ bản chất nhân dân của LHS, để nó có thể thực hiện tốt vai trò xã hội của mình, ngoài các chức năng cơ bản trên, LHS còn có những chức năng sau: d) Chức năng điều chỉnh; đ) Chức năng nhận thức; e) Chức năng thông tin; Nội dung của các chức năng nêu trên có thể được hiểu như sau: a) Chức năng phòng và chống tội phạm Chức năng phòng và chống tội phạm của LHS thể hiện ở chỗ, bằng những chế tài đối với các hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội và lợi ích được bảo vệ, LHS có tác dụng ngăn ngừa không để các hành vi xâm hại đến các lợi ích này xảy ra. Mặt khác, khi một tội phạm đã được thực hiện trên thực tế, LHS sẽ đóng vai trò là công cụ pháp lý cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Lẽ dĩ nhiên, việc áp dụng với người phạm tội các biện pháp tư pháp hoặc hình phạt còn nhằm ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời còn nhằm răn đe người khác. Khác với BLHS – 1985, BLHS – 1999 đã đề cao tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm theo phương châm “xét xử đúng là tốt nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”(3 ). Do đó, nhìn vào các quy định của Bộ luật về các tội phạm, chúng ta dễ nhận thấy rằng đối với những loại tội phạm ít nguy hiểm, thì cấu thành tội phạm thường được xây dựng theo mô hình là “đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án mà còn vi phạm…”. Về các biện pháp xử lý hình sự, thì BLHS cũng chú ý nhiều hơn việc áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thay thế cho hình phạt cũng như việc áp dụng các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù. Mặt khác, đối với những loại tội phạm gây nguy hại lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội, thì kiên quyết xử lý với các chế tài nghiêm khắc hơn nhiều so với trong BLHS – 1985. Với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hiện nay, hoạt động của các cơ quan chức năng phải được tổ chức lại theo hướng chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tránh tình trạng thụ động chờ tội phạm xảy ra hoặc thậm chí có xu hướng để hoạt động tội phạm dấn sâu vào con đường tội lỗi, gây thiệt hại lớn cho xã hội rồi mới “phá án” như trước đây. b) Chức năng bảo vệ LHS bảo vệ các quan hệ xã hội và lợi ích chủ yếu bằng cách quy định hình phạt đối với các hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội và lợi ích này. Trong 14 nhóm quan hệ và lợi ích (khách thể loại) được LHS bảo vệ, thì các quyền tự quyết của dân tộc được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, LHS còn bảo vệ các lợi ích khác của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Đồng thời, LHS còn góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. c) Chức năng giáo dục Bằng việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm cũng như thông qua các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và buộc người phạm tội phải chấp hành các biện pháp cưỡng chế hình sự, LHS không những nhằm răn đe, giáo dục, cảm hóa và cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện (giáo dục riêng), mà còn tác động lên ý thức của mọi thành viên của xã hội (giáo dục chung) để bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như tinh thần chủ động tham gia phòng và chống tội phạm. Kết quả của cả hai hướng giáo dục này phụ thuộc vào nhau. Người phạm tội sẽ chỉ thực sự thấm thía, hối cải và yên tâm cải tạo nếu chung quanh anh ta đều là những công dân gương mẫu. Ngược lại, ý thức làm chủ xã hội, tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm của người dân sẽ chỉ được nâng cao, nếu họ thấy rằng người phạm tội đã được răn đe, giáo dục, cảm hóa và cải tạo tốt. d) Chức năng điều chỉnh Xuất phát từ cách hiểu hẹp về cơ chế điều chỉnh của pháp luật, từ trước đến nay đối tượng điều chỉnh của LHS thường được hiểu ở phạm vi hạn chế là “những quan hệ phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội”. Tuy nhiên, nếu hiểu chức năng của LHS là những hình thức tác động, những phương diện hoạt động của nó, thì có thể thấy rằng LHS còn có tác động lên các quan hệ xã hội thông qua sự tự điều chỉnh của các thành viên của xã hội. Lẽ dĩ nhiên, các thành viên của xã hội chỉ có thể tự điều chỉnh được xử sự của mình theo những mô hình không trái với các quy định của LHS, nếu họ chịu sự tác động của LHS và có một mức độ ý thức pháp luật nhất định. Do đó, có thể khẳng định rằng, ngoài quan hệ giữa Nhà nước và người phạm tội ra, LHS còn có chức năng điều chỉnh xử sự thường ngày của mọi thành viên trong xã hội. Xuất phát từ cách hiểu hẹp về đối tượng điều chỉnh của LHS như trên, thì phương pháp điều chỉnh của LHS cũng thường được hiểu ở mức độ hạn hẹp chỉ là “quyền uy”. Tuy nhiên, về phương diện lý luận và cả trong thực tế, thì thấy rằng ngoài phương pháp quyền uy ra, khi tham gia điều chỉnh các đối tượng điều chỉnh của nó, LHS còn sử dụng cả một số phương pháp khác như “cho phép” công dân thực hiện các hành vi có ích (như phòng vệ chính đáng hoặc bắt người phạm tội chẳng hạn), hoặc như phương pháp “tùy nghi” cho phép các cơ quan và người tiến hành tố tụng lựa chọn các hành vi tố tụng hoặc biện pháp xử lý thích hợp. Hiểu và nhận thức đúng về đối tượng và phương pháp điều chỉnh của LHS trên bình diện rộng như trên sẽ thấy rõ được bản chất nhân dân và giá trị xã hội của nó, đồng thời tránh được xu hướng “cứng hóa” các quan hệ PLHS và hạn chế được tệ quan liêu hách dịch trong một bộ phận các cơ quan và người tiến hành tố tụng. đ) Chức năng nhận thức Chức năng nhận thức của LHS thể hiện ở chỗ nó phải là kết quả của quá trình nhận thức đúng về thực tại khách quan, về tình hình tội phạm của nhà làm luật. Chức năng này còn thể hiện ở chỗ LHS phải đóng vai trò là một trong những phương tiện nhận thức của những người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử và mọi người dân về thực tại xã hội. Tất nhiên, chức năng nhận thức LHS chỉ có thể được đảm bảo tốt, nếu nhà làm luật xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân theo phương châm “pháp luật là đạo đức của nhân dân – là đạo đức có tính chất Nhà nước”(4 ) mà căn cứ, đánh giá và dự đoán những thay đổi về kinh tế, chính trị, pháp luật, đạo đức, văn hóa pháp lý, các điều ước và thông lệ quốc tế… lấy các tư tưởng pháp chế, nhân đạo, dân chủ, công bằng, bình đẳng, tư tưởng kết hợp truyền thống và hội nhập làm kim chỉ nam để đánh giá và quy định đúng về tội phạm cũng như xác định đúng các biện pháp xử lý phù hợp trong BLHS. Có như vậy, LHS mới có thể thực sự đi vào đời sống, không bị khuôn sáo hoặc duy ý chí. e) Chức năng thông tin Chức năng thông tin của LHS thể hiện ở chỗ nó thông báo cho mọi công dân giới hạn xử sự của họ. Có những thực tế đau lòng là nhiều người phạm tội vì thiếu hiểu biết về LHS, không biết được mô hình xử sự của mình bị luật hình sự cấm. Phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, về phương diện này Nhà nước cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến một cách sâu, rộng và thường xuyên BLHS, việc dân chủ hóa và công khai hóa các hoạt động tố tụng theo phương châm “cán bộ tư pháp không chỉ giới hạn hoạt động của mình trong khung Tòa án”(5 ) là việc làm thiết thực có ý nghĩa to lớn. 3. Tóm lại, với tính chất là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, LHS của Nhà nước ta có vai trò xã hội rất lớn lao. Để thực hiện tốt vai trò của mình, LHS phải được xây dựng và áp dụng theo định hướng là phát huy hơn nữa các chức năng xã hội vốn có của nó. LHS phải vừa làm tốt chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội và các lợi ích tiến bộ, vừa đấu tranh phòng và chống tội phạm một cách hữu hiệu, vừa góp phần giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người dân. Bên cạnh đó, cùng với việc điều chỉnh quan hệ pháp luật hình sự khi có tội phạm thực hiện, LHS còn phải có tác động lên các hành vi xử sự thường ngày của mọi thành viên của xã hội, thông tin chính xác cho họ biết về giới hạn xử sự của mình và vừa là phương tiện đáng tin cậy của mọi người dân trong hoạt động nhận thức thực tại xã hội và pháp luật của họ. (1) Xem: Đào Trí Úc, Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, KHXH, H., 1997, trang 312. (2) Lời nói đầu của BLHS – 1999. (3) (5) Hồ Chí Minh và pháp chế, Hội Luật gia Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, trang 87 – 90. (4) John Backer, bài phát biểu trên đài CNN, tháng 5/1989.
Luận văn liên quan