Hội nhập kinh tế quốc tế đang là một vấn đề được toàn thế giới quan tâm, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và kém phát triển. Hòa nhập vào với nền kinh tế thế giới không chỉ tạo điều kiện cho một Quốc gia có thể tham gia vào những hoạt động chung của toàn cầu, mà còn giúp Quốc gia đó học hỏi những kinh nghiệm, rút ra được những bài học quý báu để từ đó vạch định ra những chính sách kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình đất nước mình, đưa đất nước dần dần vượt qua những khó khăn, thử thách, để ngày càng vững bước hơn trên con đường hội nhập, ngày càng giàu mạnh văn minh hơn. Đó là kết quả của quá trình hội nhập – một xu thế tất yếu của thời đại. Việt Nam là một nước đang phát triển, trên tiến trình hội nhập. Việt Nam đã gặp không ít những khó khăn nhưng với đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, chúng ta đã từng bước đi lên, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
10 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 4979 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đánh giá khái quát những thành tựu đạt được của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Bước vào thế kỷ XXI, các Quốc gia trên toàn cầu có những hoạt động sôi động trong điều kiện thế giới đang diễn biến nhanh chóng, sâu sắc và phức tạp, với những cơ hội và thách thức to lớn, nhất là đối với các nước nghèo và chậm phát triển. Dù còn có nhiều diễn biến phức tạp trong quá trình hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau, xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác để tiếp tục phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, chi phối các quan hệ quốc tế cũng như chiến lược phát triển của từng nước hiện nay. Đặc biệt liên kết kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tháo dỡ dần các rào cản đối với hoạt động hợp tác kinh tế để mở rộng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài đã trở thành xu thế nổi bật. Không một nền kinh tế nào có thể đứng ngoài quá trình đó nếu muốn tranh thủ cơ hội để phát triển.
Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đặt ra từ Đại hội VI (năm 1986) trên cơ sở đường lối đổi mới và “mở cửa” nền kinh tế và trên cơ sở chính sách, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chủ trương đó vẫn được vạch định trong các kỳ Đại hội tiếp theo, và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần đưa đất nước ngày càng ổn định, bền vững và phát triển hơn.
I – Một số vấn đề chung về hội nhập kinh tế quốc tế
1. Khái niệm “Hội nhập kinh tế quốc tế”
Hội nhập kinh tế, theo quan niệm đơn giản nhất và phổ biến trên thế giới, là việc các nền kinh tế gắn kết lại với nhau. Theo cách hiểu này, hội nhập kinh tế đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay và hội nhập kinh tế với quy mô toàn cầu đã diễn ra từ cách đây hai nghìn năm khi đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới và mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong toàn bộ lãnh địa chiếm đóng rộng lớn của họ và áp đặt đồng tiền của họ cho toàn bộ các nơi.
Hội nhập kinh tế, hiểu theo một cách chặt chẽ hơn, là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế lại với nhau. Khái niệm này được Bela Balassa đề xuất từ thập niên 60 và được chấp nhận chủ yếu trong giới học thuật và lập chính sách. Nói rõ hơn, hội nhập kinh tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; và mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong các giáo trình nhập môn về kinh tế học quốc tê, hội nhập kinh tế thường được được cho là có sáu cấp độ: khu vực/hiệp định thương mại ưu đãi, khu vực/hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, liên minh kinh tế tiền tệ, và hội nhập toàn diện. Tuy nhiên trong thực tế, các cấp độ hội nhập có thể nhiều hơn và đa dạng hơn. Hội nhập kinh tế có thể là song phương - tức là giữa hai nền kinh tế, hoặc khu vực - tức là giữa một nhóm nền kinh tế, hoặc đa phương - tức là có quy mô toàn thế giới giống như những gì mà Tổ chức Thương mại đang hướng tới.
2. Chủ trương của Đảng về tiến trình hội nhập
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc giành được nhiều lợi ích và giảm thiểu tối đa những tác hại rủi ro được quyết định bởi chỗ mỗi nước phải có một chiến lược xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và cơ cấu lại nền kinh để tranh thủ được các nguồn lực quốc tế, phát huy có hiệu quả mọi nguồn nội lực và kiểm soát được nền kinh tế - xã hội của mình. Với nhận định như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp trong tình hình mới. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đặt ra từ Đại hội VI (năm 1986) trên cơ sở đường lối đổi mới và “mở cửa” nền kinh tế và trên cơ sở chính sách, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế.Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 3 (khoá VI) chỉ rõ: Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước, các công ty nước ngoài. Đại hội VII (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, đồng thời cũng nêu ra tư tưởng hội nhập kinh tế quốc tế là: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Cụ thể hoá đường lối Đại hội VII, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 3 (khoá VII) đã ra chuyên đề Chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá mà Đại hội VII nêu ra, đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đại hội VIII (năm 1996) đã khẳng định chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đó là xây dựng một nền kinh tế “mở” và đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khoá VIII) đã nêu nhiệm vụ cụ thể cho quá trình này là tích cực chủ động xâm nhập và mở rộng vào thị trường quốc tế vững chắc, tích cực, khẩn trương đàm phán với Mỹ, gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có kế hoạch cụ thể để chủ động cam kết gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Như vậy, Đại hội VIII và các Nghị quyết Trung ương khoá này đã chỉ đạo tiến trình hội nhập khẩn trương hơn. Đến Đại hội IX (năm 2001), tiếp tục khẳng định chủ trương Đại hội VIII nêu ra và đã đưa ra một khẩu hiệu: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Đồng thời, Đại hội IX nhấn mạnh: Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường. Như vậy, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từng bước được hình thành cùng với sự phát triển của đất nước.
3. Các bước đi trong tiến trình hội nhập
Về các bước đi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, chúng ta cần xem xét đến hai mặt.
Đối với bên ngoài: Chúng ta đã thực hiện lần lượt các bước đi cụ thể. Đó là: Năm 1993 đã khai thông quan hệ với Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); 1/1995 gửi đơn xin gia nhập WTO (cho đến nay, chúng ta đã tiến hành được 10 phiên đàm phán đa phương và kết thúc đàm phán với 20 đối tác song phương. Tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Phiên đàm phán đa phương thứ 10 về việc Việt Nam gia nhập WTO được tiến hành vào ngày 15/9, là phiên rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đàm phán của Việt Nam với các đối tác đa phương. Việc đạt được thỏa thuận sớm với EU, một đối tác thương mại lớn có 25 nước thành viên, đã có tác động tích cực đối với quá trình đàm phán của Việt Nam); ngày 25/7/1995 đã chính thức gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời tham gia vào AFTA và Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT); 3/1996 tham gia Diễn đàn Á - Âu (ASEM) với tư cách là thành viên sáng lập; 15/6/1996 gửi đơn xin gia nhập APEC; 11/1998 được công nhận là thành viên của APEC; năm 2000 ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ…
Đối với trong nước: Chúng ta đã làm 3 việc cơ bản: Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật, văn bản dưới luật tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hội nhập (Ví dụ: Luật Doanh nghiệp, Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài…); thực hiện sự chuyển đổi thể chế kinh tế, đổi mới chính sách và hệ thống kinh tế vĩ mô và cố gắng cải cách kinh tế, xây dựng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế; để thống nhất việc chỉ đạo quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 10/2/1998 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 31/1998-TTg thành lập Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế. Uỷ ban này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo và điều hành các bộ, ban, ngành trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
II – Đánh giá khái quát những thành tựu đạt được của hội nhập KTQT của VN
Nước ta triển khai hội nhập kinh tế quốc tế chưa lâu, kinh nghiệm còn hạn chế nhưng cũng đã mang lại những kết quả bước đầu khá khả quan. Đó là:Trước hết, do thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước và có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 160 nước và vùng lãnh thổ, với hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng. Đẩy lùi được chính sách bao vây, cấm vận của các nước, thế lực thù địch. Tạo được thế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên chính trường và thương trường quốc tế.
Thứ hai, khắc phục được tình trạng khủng hoảng thị trường do hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu sụp đổ, khủng hoảng kinh tế trong khu vực năm 1997, đồng thời cũng đã mở rộng được thị trường xuất khẩu. Năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 26,003 tỷ USD, tăng 28,9% so với năm 2003 và là mức tăng cao nhất trong bốn năm trở lại đây. Ðây là một trong những thành tựu nổi bật của nền kinh tế nước ta năm qua. Tính riêng trong tháng 8 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 2,8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng qua lên hơn 20,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, đã chứng tỏ đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta đang được thực tiễn khẳng định.
Thứ ba, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tranh thủ được nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng lớn và giảm đáng kể nợ nước ngoài. Năm 2004, vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 2,85 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2003 và vượt so với dự kiến ban đầu (mục tiêu năm 2004 là 2,75 tỷ USD). Doanh thu của khu vực đầu tư nước ngoài trong năm 2004 đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2003. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo thêm việc làm cho 7,4 vạn lao động, đưa tổng số lao động trực tiếp lên khoảng 74 vạn người. Năm 2004 cả nước đã thu hút được hơn 4,2 tỷ USD vốn đầu tư mới, tăng 37,8% so với năm 2003, trong đó vốn cấp mới đạt trên 2,2 tỷ USD và vốn bổ sung đạt gần 2 tỷ USD. Đây là mức đăng ký cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính khu vực diễn ra vào năm 1997. Việc tăng cường vận động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, việc ký kết và thực hiện các hiệp định song phương liên quan đến đầu tư đã xuất hiện động thái mới về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thể hiện qua việc gia tăng số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Xu hướng nói trên đã tạo điều kiện để hình thành các dự án đầu tư mới trong năm 2005. Nếu tính cả số vốn của những dự án mới được cấp phép và số vốn bổ sung của những dự án đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm 2005 đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 66,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ tư, Việt Nam đã tiếp thu được nhiều thành tựu mới về khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý. Nhiều ngành kinh tế mới đã xuất hiện dựa trên cơ sở tăng cao hàm lượng chất xám trong sản xuất - kinh doanh. Các ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu… từng bước được nâng lên tầm cao mới, sản phẩm ngày càng tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng tăng, nông nghiệp ngày càng giảm. Trong đó xu hướng tỷ trọng giá trị của dịch vụ ngày càng tăng, tổng giá trị sản phẩm nông - công nghiệp ngày càng giảm tương ứng.
Thứ năm, nước ta đã giữ vững sự ổn định về kinh tế. Điều này thể hiện ở nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục khá cao và tương đối ổn định, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Từ năm 1991 đến năm 2000, GDP tăng liên tục qua các năm với nhịp tăng bình quân hàng năm 7,5%. So với năm 1990, năm 2000 GDP tăng gấp 2,07 lần. Tuy xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực năm 1997, nhưng từ năm 2001 đến 2004, GDP của Việt Nam vẫn có nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,25%. Trong năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP quí I đạt 7,23%, 6 tháng đầu năm đạt 7,63% (tuy nhiên, tốc độ tăng này chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước - mặc dù có chịu ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh). Như vậy liên tục trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo đói ở Việt Nam đã giảm mạnh, từ 58% (năm 1993) xuống 24,1% vào năm 2004 (theo chuẩn nghèo 1USD/ngày), chuẩn nghèo lương thực đã giảm từ 24,9% (năm 1993) xuống 7,8% trong năm 2004.
Bên cạnh những thành tựu đạt được kể trên chúng ta còn đạt được một số điểm mốc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đó là:
1. Bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tệ: WB, IFM, ADB
2. 1/1995: nộp đn xin gia nhập WTO. Đã qua 5 phiên đàm phán. Gần đây nhất là phiên họp lần thứ 5 diễn ra ra tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ) từ 10-11/4/2002.
3. 7/ 1995: Ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế với Liên minh Châu Âu ( EU)
4. 7/1995 Gia nhập ASEAN
5. 1/1996 Thực hiện Chương trình CEPT nhằm tiến tới Khu vực Thương
mại tự do ASEAN ( AFTA)
6. 3/1996: tham gia sáng lập Diễn đàn á- Âu (ASEM) với 25 thành viên.7. 11/1998 gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu á-Thái Bình Dương ( APEC) : 21 thành viên.
8. 7/2000: Ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam -Hoa Kỳ ; có hiệu lực thi hành từ 10/12/2001.
Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được là điều rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước những năm về sau này. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém nhất định. Cụ thể là: Nhận thức về hội nhập của cán bộ và nhân dân chưa được nhất trí cao. Chưa có một kế hoạch tổng thể và dài hạn để hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống chính sách, luật pháp quản lý kinh tế, thương mại chưa hoàn chỉnh, còn có những chính sách, luật chưa thực sự phù hợp với những thông lệ quốc tế; lực lượng sản xuất có nguy cơ tụt hậu so với trình độ phát triển chung của thế giới, do đó sức cạnh tranh hàng hoá kém, hiệu quả đầu tư thấp. Cơ cấu hàng hoá chủ yếu là bán sản phẩm và gia công, xuất khẩu tuy với khối lượng lớn nhưng giá trị thu được thấp. Trước xu thế nhập khẩu và sức cạnh tranh chưa đủ mạnh, có thể dẫn đến khả năng mất thị trường trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, mục tiêu phát triển kinh tế của ta là hướng về xuất khẩu, nhưng thực tế lại có xu hướng thực hiện theo mô hình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu. Nền kinh tế đang ở trình độ phát triển chậm, còn chênh lệch quá nhiều so với các nước trong khu vực; đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, yếu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại; Bản sắc văn hoá đang bị đe doạ, đặc biệt là lối sống của lớp trẻ.
Với những thành công bước đầu về hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng đến năm 2020, nước ta cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
III – Kết luận
Hội nhập kinh tế quốc tế đang là một vấn đề được toàn thế giới quan tâm, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và kém phát triển. Hòa nhập vào với nền kinh tế thế giới không chỉ tạo điều kiện cho một Quốc gia có thể tham gia vào những hoạt động chung của toàn cầu, mà còn giúp Quốc gia đó học hỏi những kinh nghiệm, rút ra được những bài học quý báu để từ đó vạch định ra những chính sách kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình đất nước mình, đưa đất nước dần dần vượt qua những khó khăn, thử thách, để ngày càng vững bước hơn trên con đường hội nhập, ngày càng giàu mạnh văn minh hơn. Đó là kết quả của quá trình hội nhập – một xu thế tất yếu của thời đại. Việt Nam là một nước đang phát triển, trên tiến trình hội nhập. Việt Nam đã gặp không ít những khó khăn nhưng với đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, chúng ta đã từng bước đi lên, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo
Văn kiện Đại hội Đảng X.
Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế.
3. TS. Nguyễn Văn Lịch – Viện Nghiên cứu Thương mại
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 93 tháng 3/2005
info@vietnamembassy.us - consular@vietnamembassy.us
CPV(Communist party of Viet Nam)
Tạp chí cộng sản
Kinh tế và dự báo, tạp chí số 5 tháng 03/2009
Chủ động hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Hà, NXB Chính trị Quốc gia.
Tài liệu khác.