Đề án Kinh Tế Thương Mại
Ngày nay khi biên giới kinh tế giữa các quốc gia gần như được xoá bỏ. Các doanh nghiệp cảm thấy "nhàm chán" với những đồng nội tệ ít ỏi họ kiếm được ở thị trường trong nước. Họ bắt đầu để mắt tới thị trường nước ngoài và nhìn thấy những thời cơ hấp dẫn mà thị trường nước ngoài hứa hẹn giành cho họ. Cũng vì vậy Thương Mại Quốc Tế xuất hiện đóng vai trò là cầu nồi giữa nhà sản xuất trong nước với người tiêu dùng nước ngoài. Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng có từ đây. Vấn đề là làm thế nào để khách hàng chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp đã và đang được các nhà doanh nghiệp quan tâm. Vần đề này đặc biệt có ý nghĩa trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, khả năng thay thế và loại bỏ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp ở mức độ cao. Sản phẩm được tiêu thụ tức là được người tiêu dùng chấp nhận, điều đó quyết định sự tồn tại của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng. Vận dụng chiến lược sản phẩm trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu, là vấn đề cần thiết giúp doanh nghiệp khai thác được những thời cơ hấp dẫn xuất hiện trên thị trường quốc tế trên cơ sở thoả mãn tốt nhu cầu của khách hàng nước ngoài và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp . Trong cạnh tranh mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là an toàn, thế lực và tăng trưởng. Khi không có doanh nghiệp nào khống chế được thị trường, các doanh nghiệp khác cứ bình tâm phát triển, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy mà mọi doanh nghiệp đều muốn vươn đến một thế lực cao hơn, để từ đó tạo ảnh hưởng lớn đến thị trường. Bởi vậy doanh nghiệp phải luôn hướng tới tăng trưởng thường xuyên.Để đạt được mục tiêu này doanh nghiệp phải tìm kiếm thời cơ hấp dẫn và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Song thực hiện điều đó là rất khó vì nhu cầu khách hàng luôn thay đổi và luôn hướng tới một sự thoả mãn cao hơn. Trong khi đó, nguồn vốn và tiềm năng của doanh nghiệp là có hạn và được bổ sung rất chậm chạp. Vì vậy doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh thích ứng với thị trường - khách hàng và chính nguồn lực của mình. Chiến lược sản phẩm là một trong những công cụ giúp họ có được thành công mong muốn, giúp họ đưa sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giá cả dễ chấp nhận, đến được với khách hàng nhanh nhất và đảm bảo nhất.