Đề tài Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Sở tư pháp Hà Nội - Thực trạng và giải pháp
Trong những năm qua cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật Quan điểm đó đã được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc từ Đại hội V đến Đại hội IX. Nghị quyết Đại hội Đảng lần V (1982) đã nêu: " Các cấp uỷ Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể phải thường xuyên phổ biến, giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật". Đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần IX (2001) tiếp tục nhấn mạnh " phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền giáo dục toàn dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật". Theo quyết định số 43/QĐ - TC ngày 02/08/2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Sở Tư pháp TP. Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở tư pháp tỉnh Hà Tây với Sở tư pháp thành phố Hà Nội cũ, và quyết định số 13/2008/QĐ - UBND ngày 23/9/2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, có quy định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở tư pháp thành phố Hà Nội. Như chúng ta đã biết, Hà Nội là một thành phố đông dân số với nhiều người ngoại tỉnh về cư trú để học tập, lao động, làm ăn sinh sống nhưng điều kiện tiếp xúc và hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Đặc biệt là khi hợp nhất tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội cũ để trở thành thành phố Hà Nội mới với trên 6 triệu người thì vấn đề đưa pháp luật vào cuộc sống là rất quan trọng và cần thiết. Ngày 07/1/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, đây là một bước tiến dài có ý nghĩa vô cùng quan trọng, điều này giúp cho Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế cũng như mọi mặt của đời sống xã hội. Song nó cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt việc làm sao để từng lớp người lao động phổ thông được pháp luật bảo vệ trước những ông chủ nước ngoài, những nhà kinh doanh trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về pháp luật trong nước cũng như những qui định của quốc tế, từ đó nắm bắt cơ hội kinh doanh đồng thời không vi phạm pháp luật. Đứng trước những vấn đề trên em chọn chuyên đề thực tập là "Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Sở tư pháp Hà Nội - thực trạng và giải pháp". Với những kiến thức thực tế và nghiên cứu tài liệu nơi thực tập còn chưa đầy đủ cũng như khả năng nhận thức còn hạn chế nên đề tài của em không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo.