Đề tài Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp
Việt Nam đang thực hiện cải cách tư pháp một cách toàn diện. Điều này tạo cho ngành Toà án Việt Nam nhiều cơ hội song cũng đặt ra nhiều thách thức. Thêm vào đó, Việt Nam đã và sẽ tham gia hoặc ký kết các công ước, điều ước quốc tế song phương và đa phương. Do đó, đòi hỏi hệ thống pháp luật bao gồm cả luật nội dung và luật tố tụng cần được hoàn thiện. Thực tiễn trên đây đã đặt ra cho thẩm phán Việt Nam không những cần phải có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực luật nội dung mà còn phải hiểu biết và áp dụng thành thạo luật tố tụng liên quan để giải quyết các loại tranh chấp. Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết xác định Tòa án giữ vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp, hoạt động của Tòa án là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Đây là bước phát triển mới về nhận thức lý luận trong lĩnh vực tư pháp nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định nhiệm vụ: “Cải cách tư pháp khẩn trương, đồng bộ, lấy cải cách hoạt động xét xử làm trung tâm,.”[3, tr 127] Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Tòa án đã tiến hành xét xử theo hướng nâng cao vai trò tranh tụng, đảm bảo quyền của bị cáo và những người tham gia tố tụng. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định rõ nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020 là phải nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngành Tòa án Việt Nam đang thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động, tăng cường quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Gắn liền với hoạt động của Tòa án là Thẩm phán. Thẩm phán là một trong số những người tham gia tố tụng giữ vai trò then chốt trong quá trình cải cách tư pháp nói chung, đặc biệt là việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Vị trí, vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự là một nội dung rất quan trọng, một mắt xích không thể thiếu trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Do vậy, việc nghiên cứu về địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự là một việc làm cần thiết góp phần thực hiện thành công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Việc xác định địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng, xét cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn. Bởi điều đó không những góp phần vào việc xây dựng một hệ thống lý luận về hoạt động tư pháp nói chung và tổ chức, hoạt động của các chức danh tư pháp nói riêng mà còn góp phần xây dựng các văn bản pháp luật về Tòa án, về Thẩm phán cũng như việc hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của ngành Tòa án. Trong tố tụng hình sự, chế định địa vị pháp lý của Thẩm phán không chỉ liên quan và ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Tòa án mà còn liên quan đến những chế định quan trọng khác. Vì thế, có thể nói rằng hiệu quả của thủ tục tố tụng hình sự phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc xác định đúng đắn địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự. Trong khoa học pháp lý hiện nay, mô hình lý luận về địa vị pháp lý củaThẩm phán trong tố tụng hình sự vẫn chưa được xây dựng một cách thống nhất, còn nhiều bất cập. Nguyên tắc độc lập xét xử chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn nhiều vướng mắc trong hoạt động tố tụng của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hình sự, làm cho hiệu quả xét xử của tòa án chưa cao. Vì vậy, em đã chọn đề tài: “Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp” để làm Khóa Luận tốt nghiệp. Thông qua đề tài này, em muốn làm rõ thêm vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của thẩm phán trong tố tụng hình sự, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm phán trong công cuộc cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả xét xử của tòa án.