Đề tài Diện và hàng thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam

Lao động có ích của mỗi người là nguồn gốc tạo ra của cải xã hội. Song để biến lao động thành một hoạt động tự giác, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người lao động thì xã hội phải quan tâm tới lợi ích của họ. Chính vì thế chế định quyền sở hữu nói chung và chế định quyền thừa kế nói riêng ra đời là một trong những phương thức pháp lý cần thiết để bảo toàn và gia tăng tích lũy của cải trong xã hội. Về mặt tâm lý cá nhân không chỉ muốn mình có quyền năng đối với khối tài sản của mình khi còn sống, mà còn muốn chi phối nó ngay cả khi đã chết. Vì vậy, Nhà nước đã công nhận quyền thừa kế của cá nhân đối với tài sản, coi thừa kế là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu. Điều này không chỉ có tác dụng kích thích tính tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng mà còn tạo động lực phát triển lòng say mê, kích thích sự quản lý năng động của mỗi con người, tạo ra sự thi đua thầm lặng của mỗi cá nhân nhằm nhân khối tài sản của mình lên bằng sức lực và khả năng sáng tạo mà họ có. Khi họ chết, các tài sản của họ để lại sẽ trở thành di sản và được phân chia cho các thế hệ con cháu. Và nếu như con cháu chính là sự hóa thân của ông bà, bố mẹ, là sự kéo dài nhân thân của mỗi người thì sự chuyển dịch di sản theo chế định thừa kế chính là sự nối tiếp về quyền sở hữu. Vì vậy, một người coi là đã chết nhưng chết chưa hẳn là đã chấm dứt mà một phần con người đó còn hiện hữu, tồn tại trong con cháu, trong những di sản mà họ để lại. Pháp luật công nhận quyền thừa kế của cá nhân đã đáp ứng một phần mong mỏi của con người là tồn tại mãi mãi. Chính vì thế, pháp luật thừa kế trên thế giới nói chung và pháp luật thừa kế ở Việt Nam nói riêng đã không ngừng phát triển và hoàn thiện. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, sau Hiến pháp 1992, Bộ luật dân sự (BLDS) chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý cho các cá nhân khi thực hiện quyền thừa kế. Được quy định tại phần thứ tư, bao gồm 4 chương, 56 điều, từ Điều 631 đến Điều 687 của BLDS năm 2005 chế định thừa kế đã tạo chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia quan hệ thừa kế, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Chế định quyền thừa kế trong BLDS đã kết tinh những thành tựu của khoa học pháp lý nhân loại góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức và lưu truyền qua bao đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay các tranh chấp về thừa kế có xu hướng ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn. Sự nhận thức không đầy đủ về pháp luật của cá nhân, sự áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cấp Tòa án là những yếu tố làm cho các vụ kiện gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến truyền thống đạo đức tốt đẹp vốn có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, một trong những khó khăn vướng mắc lớn khi áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp thừa kế chính là vấn đề xác định sao cho đúng về diện và hàng thừa kế. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, phân tích, kiến nghị để làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về diện và hàng thừa kế trong chế định thừa kế theo pháp luật là một đòi hỏi tất yếu, khách quan cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn giải quyết các tranh chấp thừa kế.

doc123 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2850 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Diện và hàng thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan