Đề tài Đình Bẳng Môn- Giá trị văn hóa, nghệ thuật
Đình làng Việt Nam có xuất xứ thế kỷ XV-XVI, từ một khái niệm ban đầu như “Đình, trạm” rồi trở thành một kiến trúc có tính “Biểu tượng tinh thần” cho một cộng đồng làng xã. Mặc dù có yếu tố văn hoá Trung Hoa trong cách diễn dịch mô-típ, nhưng Đình làng Việt, vừa là nơi thực hiện các quyền uy thế tục lại vừa là nơi thực hiện các hình thức tín ngưỡng. Được phát triển, nở rộ chủ yếu vào thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, đình làng còn là một đặc trưng của kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam. Nhiều đình làng như Tây Đằng, Chu Quyến (Hà Tây), Thổ Hà (Bắc Giang), Yên Sở (Hà Nội) là những biểu tượng văn hoá độc đáo của người Việt. Đình làng Thanh Hoá chiếm một số lượng tương đối lớn trong các thể loại kiến trúc gỗ truyền thống ở Thanh Hoá còn lại đến ngày nay. Phần lớn có niên đại xác định tập trung vào thời kỳ Nhà Nguyễn. Do có lịch sử hình thành muộn hơn các đình làng phía Bắc (so với Tây Đằng, Chu Quyến, Phù Lưu, Đình Bảng.), nên chưa thấy một thức kiến trúc có tính hoàn chỉnh nghiêm chặt, với một không gian nội thất, gian giữa có gác ban thờ Thành hoàng đầy đủ trong đồ án kiến trúc; vắng bóng các đề tài sinh hoạt dân gian biểu hiện bằng chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc. Tuy nhiên, một điều dễ nhận ra nét đặc trưng của đình làng xứ Thanh là không gian kiến trúc khá rộng lớn, thể hiện ưu thế của vùng đất chưa phải bị sức ép về mật độ dân số như phía Bắc. Hơn nữa yếu tố văn hoá Nho giáo được biểu hiện rõ nét trong tất cả sự bài trí và chạm khắc. Người ta nhận thấy các họa tiết trang trí mang tính nhất quán là "tứ linh, tứ quý" hoặc sự biến điệu của linh vật, linh điểu, hoa lá tự nhiên. Về mặt mật độ phân bố đình làng hiện còn, thì Hoằng Hoá, Hà Trung, Yên Định là những địa phương có số lượng đình nhiều hơn cả. Hầu hết các công trình này đều được khởi dựng, trùng tu lớn vào những năm các vua Nguyễn trị vì. Mặt khác, những công trình mang giá trị tiêu biểu của kiến trúc đình làng xứ Thanh, như tính hoành tráng về không gian, tính chắc chắn về cấu trúc, tính dản dị và bình dân về nội thất, tính nghiêm chặt về khắc họa trang trí theo tinh thần Nho giáo đều tập trung ở các địa phương trên. Là một làng cổ ven bờ sông Mã với nhiều ngã giao thông, từ đò ngang (bến Trầm và bến Từ Quang) nối các khu chợ phía Nam bên tả ngạn sông Mã là chợ Môi, chợ Còng, chợ Sim, chợ Đà và đặc biệt nơi đây là kết điểm giao thương với các chợ miền tây sông Mã theo đò dọc (chợ Đu, chợ Chuộc, chợ Cửu, chợ Giàng, chợ Hậu Hiền ) sớm đưa người dân Bột Thái (tên cổ của Hoằng Bột) phát triển tư duy thương nghiệp trong thông thương với các vùng lân cận và các tỉnh Bắc Bộ. Tình hình phát triển thương mại một cách thuận lợi đem đến tác động thuận chiều với việc mở mang học vấn, khác hẳn với tinh thần cổ hủ Nho giáo đương thời. Đình Bảng Môn là hạt nhân quan trọng trong quần thể di tích của xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, bao gồm: Văn chỉ xã Hoằng Lộc, chùa Thiên Nhiên, nhà thờ Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất, nhà thờ Nguyễn Quỳnh Từ lâu đình Bảng Môn luôn được xem là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đây là một làng khoa bảng điển hình ở Việt Nam, theo các tư liệu văn tự, khế ước, gia phả, sắc phong hiện lưu tại làng, trong số hơn sáu trăm vị tiến sĩ qua các thời kỳ, có tới 12 vị đỗ đại khoa vinh danh từ khoa thi năm Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi cuối cùng đời Nguyễn (1919) và làng có đến 7 vị tiến sĩ được ghi tên ở Văn bia Quốc tử giám.