Vấn đề vay mượn tài sản là một trong những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Do nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của cả bên cho vay và bên đi vay nên thường phát sinh nhiều tranh chấp trong hợp đồng vay. Ngày nay người cho vay không đơn thuần cho vay vì tình cảm mà họ còn nhằm mục đích thu lãi từ việc cho vay đó. Giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng vay như thế nào là việc mà các cơ quan tư pháp phải suy nghĩ, áp dụng đúng các quy định của pháp luật để cho các bên tranh chấp có câu trả lời thỏa đáng. Trên cơ sở tóm tắt và nhận xét các vụ việc thực tế nhóm 1 xin tìm hiểu vấn đề này rõ hơn.
12 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2693 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng vay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Vấn đề vay mượn tài sản là một trong những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Do nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của cả bên cho vay và bên đi vay nên thường phát sinh nhiều tranh chấp trong hợp đồng vay. Ngày nay người cho vay không đơn thuần cho vay vì tình cảm mà họ còn nhằm mục đích thu lãi từ việc cho vay đó. Giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng vay như thế nào là việc mà các cơ quan tư pháp phải suy nghĩ, áp dụng đúng các quy định của pháp luật để cho các bên tranh chấp có câu trả lời thỏa đáng. Trên cơ sở tóm tắt và nhận xét các vụ việc thực tế nhóm 1 xin tìm hiểu vấn đề này rõ hơn.
NỘI DUNG
Cở sở lý luận.
Khái niệm: “ hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. (Điều 471, bộ luật dân sự 2005).
Từ định nghĩa trên ta có thể nhận thấy hợp đồng vay tài sản có những đặc điểm sau:
Là hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu đối với tài sản vay.
Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản vay là thời điểm bên vay nhận tài sản đó.
Hợp đồng vay là hợp đồng ưng thuận: hợp đồng phát sinh hiệu lực tại thời điểm giao kết. Tức là vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị hoặc nếu hợp đồng được giao kết bằng miệng thì thời điểm giao kết là thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung hợp đồng hoặc thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nếu hợp đồng vay được giao kết dưới hình thức văn bản thì khi có tranh chấp xảy ra sẽ có cơ sở để giải quyết còn hợp đồng được giao kết dưới hình thức miệng thì khi tranh chấp khó có thể chứng minh được sự tồn tại của hợp đồng. Nhưng dù là hình thức nào thì hợp đồng vay cũng là hợp đồng ưng thuận.
Hợp đồng vay là hợp đồng song vụ: thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực cũng đồng thời làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay, đầy đủ đúng chất lượng và số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. Nếu bên cho vay biết tài sản không đảm bảo chất lượng mà không báo cho bên vay biết thì phải bồi thường thiệt hại cho bên vay (trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó). Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp bên vay đồng ý. Đồng thời bên vay có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay đúng thời gian, địa điểm, phương thức và sử dụng tài sản vay đúng thỏa thuận.
Hợp đồng vay tiền có thỏa thuận lãi suất là hợp đồng vay tài sản có đối tượng cụ thể là tiền. Ngoài ra các bên có thỏa thuận lãi và lãi suất là một quy định thuộc nội dung của hợp đồng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, hợp đồng vay tài sản nói chung mà phổ biến là vay tiền thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu để huy động vốn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên số vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp. Các hoạt động cho vay nặng lãi và một số biến tướng của hợp đồng này đang trở thành vấn nạn của xã hội mà lỗi một phần không nhỏ thuộc về quy định của pháp luật. Để có một cái nhìn sâu sát hơn hơn về tranh chấp hợp đồng vay, phần tiếp theo đây xin đi vào tìm hiểu 3 vụ việc thực tế về tranh chấp hợp đồng vay có thỏa thuận lãi.
II. Ba vụ việc thực tế.
Vụ án 1.
Nguyên đơn: Bà Trần Thị Ngọ ( sinh năm 1953); trú tại nhà số 39 Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Bị đơn: Bà Lưu Thị Mến ( sinh năm 1950), ủy quyền cho ông Nguyễn Hùng Đèn ( là chồng); trú tại nhà số 21/27 Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Tóm tắt vụ án:
Tháng 9 năm 2006, bà Đỗ Thị Mai có hỏi vay tiền bà Lưu Thị Mến để đi chuộc xe máy, bà Mến không có tiền nên đã đồng ý cho bà Mai mượn hồ sơ nhà đất của mình tại lô đất số 78 xã Đông Hải, huyện An Hải, TP Hải Phòng để bà Mai dùng giấy tờ nhà đi vay người khác. Bà Mai đã nhờ bà Tình giới thiệu với bà Ngọ để vay 40 triệu đồng, bà Ngọ đồng ý. Tại nhà bà Tính, bà Mai đã viết giấy biên nhận vay tiền với nội dung: Tôi là Lưu Thị Mến có cầm giấy tờ nhà thế chấp vay tiền của bà Ngọ 40.000.000 đồng, hẹn hai tháng sẽ trả cả gốc và lãi, có một số giấy tờ kem theo là chứng minh thư nhân dân mang tên Lưu Thị Mến; quyết định giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Mến; thông báo về cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà ở. Sau khi viết xong bà Mai đọc cho mọi người cùng nghe, bà Mến xác nhận có đọc lại và ghi tên “Lưu Thị Mến” dưới chỗ người vay tiền. Người làm chứng là Đỗ Thị Mai và Lê Thị H.
Sau khi có giấy biên nhận vay tiền, bà mai đã giả mạo chữ kí của bà Mến để cùng bà Tính (không có bà Mến đi cùng) đến nhà bà Ngọ để giao giấy tờ và nhận 40.000.000 đồng mà không có giấy uỷ quyền của bà Mến. Lãi suất hai bên thoả thuận là 5%/ tháng. Ngày 29 -10-2006, bà Tính đưa cho bà Ngọ 2.000.000 đồng nói là bà Mến trả bà Ngọ tiền lãi. Hết hạn theo cam kết, bà Ngọc đến đòi thì bà Mến cho rằng bà không vay tiền của bà Ngọ mà là bà Mai vay. Bà Mai đã bỏ chốn, ngày 17-1-2007, bà Ngọ khởi kiện yêu cầu bà Mến trả 40.000.000 đồng cùng tiền lãi.
Theo bà Mến thì lúc đầu bà không đồng ý với nội dung như giấy biên nhận, nhưng bà Mai và bà Tính nói phải ghi như vậy người ta mới đồng ý cho vay tiền vì giấy tờ đứng tên bà. Do không đồng ý với nội dung của giấy biên nhận nên bà đã không kí tên mình sau khi chữ kí “ Lưu Thị Mến” dưới chỗ người vay tiền, chứ không kí tên.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 15-6-2007, Toà án nhân dân quận Ngô Quyền đã quyết định: Buộc bà Mến phải trả cho bà Ngọ 45.000.000 đồng tiền gốc và lãi; bà Ngọ phải trả bà Mến toàn bộ giấy tờ nhà.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSST ngày 25/9/2007, toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định: Y án sơ thẩm.
Bà Mến khiếu nại.
Tại công văn số 178 ngày 11/12/2007 công văn số 2032 ngày 5- 1- 2008, Viện kiểm sát nhân dân trả lời bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 25- 9-2007 cảu toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng là có căn cứ.
Nhận xét của nhóm:
Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận đơn kiện của bà Ngọ, buộc bà Mến phải trả bà Ngọ 45.000.000 đồng gồm cả gốc lẫn lãi là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Vì:
Thời điểm bà Mai vay tiền là tháng 9 năm 2006; thời đểm bà Ngọ gửi đơn yêu cầu bà Mến phải trả tiền là 17- 1-2007; Toà án cấp sơ thẩm xét xử vụ việc này vào ngày 15-6-2007,cấp phúc thẩm là ngày 15-9-2007 trên cơ sở áp dụng bộ luật dân sự năm 2005 là hoàn toàn đúng với quy định pháp luật.
Bà Mến đã cho bà Mai mượn giấy tờ nhà đất của mình để vay tiền, không những vậy giấy biên nhận vay tiền còn có chữ kí của bà Mến. Bà Mến cho rằng đó không phải chữ kí của mình nhưng lại không chứng minh được. Như vây, xét về mặt pháp luật, bà Mến phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc hhoàn trả bà Ngọ số tiền 45.000.000 đồng bao gồm cả tiền gốc và lãi.
Còn trách nhiệm giữa bà Mến và bà Mai thì do hai người tự giải quyết. Nếu không giải quyết được thì bà Mến có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết. Để bà Mai phải hoàn trả lại số tiền mà bà trả cho bà Ngọ thì bà Mến phải chứng minh được chữ kí tên bà dưới chỗ người vay tiền hoàn toàn giả mạo.
Vụ án 2.
Nguyên đơn: chị Nguyễn Thị Toại, trú tại: Thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Mỹ Phước, tỉnh Bình Định.
Bị đơn: chị Lý Thị Mai, trú tại thôn Bá Canh, xã Đập Đá huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tóm tắt nội dung vụ việc:
Tháng 4 năm 1996 chị Toại cho chị Mai vay 70.000.000 đồng lãi 3%/tháng. Chị Mai đã trả cho chị Toại đến tháng 3 năm 1998 thì ngừng. Nay chị Toại yêu cầu chị Mai trả 70.000.000 đồng cùng lãi suất quá hạn theo quy định.
Theo chị Mai thì số tiền 70.000.000 đồng chị vay của chị Toại có nguồn gốc từ bốn chân huê, chị Toại hốt cho chị vay lại từ tháng 4 năm 1996 với lãi suất 3%/tháng, chị đã trả lãi đến tháng 3 năm 1998 với tổng số tiền là 100.800.000 đồng. Nay chị cho rằng chị đã trả đủ cho chị Toại nên không còn nợ nữa.
Tại bản án sơ thẩm số 08/DSST ngày 26/7/2000 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định: buộc chị Mai phải trả cho chị Toại 70.000.000 đồng tiền gốc va 20.236.995 đồng tiền lãi.
Ngày 28/7/2000 chị Mai có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 59/2000 PTDS ngày 21/12/2000 toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyế định: Y án sơ thẩm.
Nhận xét của nhóm:
Về số tiền 70.000.000 đồng chị Mai cho rằng đó là số tiền do chơi hụi mà có nhưng chị Mai không có chnứg cứ để chứng minh. Vì vậy, các cấp toà án xác định chị Mai nợ chị toại 70.000.000 đồng là có căn cứ.
Về lãi suất: hai bên thống nhất chị Mai đã trả cho chị Toại 3%/tháng (2.100.100 đồng/tháng) từ tháng 4 năm 1996 đến tháng 3 năm 1998. Như vậy theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) 1995 và thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 cảu toà án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ tư pháp, bộ tìa chính hướng dẫn việc xét xử thi hành án về TS thì: “Đối với hợp đồng vay tài sản giao kết trước ngày 1/7/1996 thì chỉ tính số tiền lãi chưa trả theo quy đinh của BLDS, đối với các khoản tiền lãi đã trả thì không phải giải quyết lại. Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết từ ngày 1/7/1996 trở đi thì việc tính lãi suất phải theo các quy định của BLDS, số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thoả thuận cao hơn mức lãi suất lãi suất đưcợ quy định tại khoản 1 điều 473 BLDS”. Trong vụ án này, số tiền lãi chị Mai đã trả cho chị Toại từ tháng 4 năm 1996 đến hết tháng 6 năm 1996 tuy có cao hơn quy định nhưng cũng không phải giải quyết lại số tiền lãi chị Mai đã trả cho chị Toại. Trong thời gian từ tháng 7 năm 1996 đến tháng 3 1998 kể từ khi hết hạn phải trả mà chị Mai vẫn còn nợ thì ngoài việc thì ngoài việc phải trả số tiền gốc, cần buộc chị Mai phải trả tiền lãi theo quy định tại khoản 5 điều 471 BLDS. Vì vậy, việc toà án cấp phúc thẩm tính lãi suất từng thời điểm và không tính lại số tiền mà chị Mai đã trả cho chị Toại cao hơn quy định tháng 7 năm 1996 đến tháng 3 năm 1998 là chưa chính xác.
Ngoài ra, tại giấy xác nhận nợ còn thể hiện chị Mai đã đã trả cho chị Toại 30.500.000 đồng. Theo chị Toại thì số tiền 30.500.000 đồng chị chưa yêu cầu giải quyết vì đây là số tiền do huê hụi mà có và là khoản chấp nhận cho chị Mai thanh toán trước chị Mai phải đưa cho chị 2 triệu/tháng (từ tháng 9 năm 1998) nhưng chị Mai không thực hiện. Tuy nhiên theo chị Mai thì chị đã trả hết cho chị Toại cả gốc và lãi hoặc nếu theo nhận định của bản án sơ thẩm thì ít nhất chị cũng đã trả được cho chị Toại 30.500.000 đồng. Như vây, số tiền này có phải tiền hụi hay tiền chị Toại chấp nhận cho chị Mai thanh toán trước hay là tiền chị Mai đã trả cho chị Toại? cũng chưa được tào án các cấp điều tra làm rõ.
Vụ án 3.
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1963 hiện cư trú tại số 401 – C6 – Bộ tổng tham mưu – Bộ quốc phòng – Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội. Bị đơn là ông Khổng Văn Địch, sinh năm 1943, cư trú tại số 264 đường Trần Khát Chân – Hai Bà Trưng – Hà Nội. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: tổng công ty vật tư nông nghiệp, trụ sở số 16 Ngô Tất Tố - Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đức Phong – Tổng giám đốc, người đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Văn Tiến.
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hoa trình bày như sau: cuối năm 2002, Công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn có ký hợp đồng với công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu tổng hợp do ông Khổng Văn Địch làm đại diện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng ông Địch đã nhiều lần xin tạm ứng tiền, tổng cộng là 323 triệu đồng. Lúc đó bà Hoa là kế toán trưởng của công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm thủ tục tạm ứng tiền cho ông Địch. Sau đó ông Địch đã thanh toán được 143 triệu còn 180 triệu ông chưa trả được, nhiều lần bà đã trực tiếp gọi điện thoại yêu cầu ông Địch phải trả số tiền trên cho công ty nhưng ông Địch hiện gặp khó khăn và đề nghị bà cho vay để trả công ty tiếp thị và hứa sẽ trả lãi 1%/tháng.
Ngày 25/6/2003 Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc cơ cấu lại công ty tiếp thị. Do phải bàn giao tài chính gấp cho đơn vị mới là trung tâm tiếp thị triển lãm nông nghiệp và phát triển nông thôn nên bà đành điện thoại cho ông Địch đồng ý cho ông vay tiền. Sau đó bà đã trả ngay cho công ty tiếp thị số tiền 180 triệu theo phiếu thu số 68, khi đó con dấu đã bị niêm phong nên chỉ có chữ kí của thủ trưởng đơn vị là ông Lê Thế Thìn, kế toán trưởng là bà, người lập phiếu và thủ quỹ là chị Trần Thu Hương, phần người nộp tiền do bà kí thay ông Địch. Sau nhiều lần bà đến nhà ông Địch đòi nợ nhưng không được. Ngày 11/5/2006 ông Địch đã viết giấy khất nợ và hẹn sẽ trả bà làm hai lần đồng thời sẽ thanh toán lãi suất 1%/tháng cho bà tính từ ngày bà thanh toán thay cho ông tại công ty. Hết năm 2006 ông không trả được nợ nên lại viết giấy khất hẹn đến 30/4/2007 sẽ trả cho bà nhưng đến hạn ông cũng không trả. Nay bà yêu cầu ông địch phải hoàn trả cho bà tiền gốc là 180 triệu và lãi 1%/tháng là 129 triệu, tổng cộng là 309 triệu.
Bị đơn ông Khổng Văn Địch trình bày: Đúng là ông có kí hợp đồng kinh tế với công ty tiếp thị, hợp đồng này đã được thanh toán tháng 4 năm 2003 với tổng giá trị là 143 triệu đồng. Ông có vay của công ty tiếp thị 180 triệu với tư cách cá nhân, vay không có kì hạn và không có lãi suất. Ông xác nhận cho đến nay ông vẫn nợ công ty tiếp thị 180 triệu và công ty này chưa yêu cầu ông trả. Giữa ông và Bà Hoa chưa bao giờ có thỏa thuận gì về việc ông nhờ bà đứng ra trả tiền thay ông. Ông xác nhận hai giấy khất nợ cho bà Hoa là đúng do ông viết và kí.
Tổng công ty vật tư nông nghiệp xác định khi bàn giao tài chính không có khoản công nợ 180 triệu giữa ông Địch và công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn (cũ).
Tại bản án dân sự số 11/DSST ngày 23/7/2009 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoa đối với ông Khổng Văn Địch. Buộc ông Địch phải trả cho bà Hoa số tiền nợ gốc là 180 triệu và 123.672.600 tiền nợ lãi. Tổng cộng là 303.672.600 đồng. ngoài ra tòa còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Nhận xét của nhóm:
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án nhận thấy:
Thứ nhất, hai giấy khất nợ đều xác định việc ông Địch vay nợ công ty tiếp thị số tiền 180 triệu đồng. Bà Hoa đã xuất trình được phiếu thu số 68 chứng minh được việc bà đã trả thay ông Địch số tiền nêu trên dưới biên lai đã có đầy đủ chữ kí của các bên như bà Hoa đã trình bày từ đầu. Mặt khác công ty tiếp thị (cũ) cũng thừa nhận ông Địch không còn nợ 180 triệu với công ty nữa trong khi ông Địch lại thừa nhận mình có nợ công ty trên và chưa trả vì công ty chưa đòi. Vậy đã có đủ cơ sở kết luận bà Hoa đã thanh toán thay ông Địch số nợ trên. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng tuyên như vậy là đúng.
Thứ hai, tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng áp dụng tính mức lãi suất, thời gian lãi suất như vậy là chưa chính xác. Theo quyết định số 393/2003/QĐ-NHNN ngày 28/4/2003 thì mức lãi suất cơ bản thời điểm cho vay tháng 6/2003 là 0,625 %/ tháng, các bên thỏa thuận lãi suất 1%/ tháng là cao hơn 50% so với quy định tại khoản 1, Điều 473, bộ luật dân sự 1995 do đó cần tính lại theo thông tư liên tịch số 01/1997 ngày 19/6/1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản nên được tính là: 0,625% + 0,625% x 50% = 0,9375%/tháng. Như vậy cần sửa lại lãi suất nợ trong hạn là 46 tháng 5 ngày x 0,9375% x 180.000.000 = 77.906.250 đồng (do giấy khất nợ lần 1 ông Địch en hạn cuối là 30/9/2006 nhưng không trả được, giấy khất nợ lần 2 hẹn hạn trả ngày 30/4/2007 nên tính được thời gian nợ trong hạn là 46 tháng 5 ngày).
Thứ ba, về lãi suất nợ quá hạn. Theo quyết định số 1539/QĐ-NHNN ngày 30/6/2009 được áp dụng từ ngày 1/7/2009 thì mức lãi suất là 7%/ năm tương đương với 0,58333%/tháng. Lãi suất quá hạn được tính bằng 150% lãi suất cơ bản = 1,875%/ tháng. Như vậy, lãi suất nợ quá hạn được tính từ 30/4/2007 đến thời điểm xử sơ thẩm là: 26 tháng 23 ngày x 0,875%/tháng x 180 triệu = 42.157.500 đồng.
Vậy ông Địch sẽ phải trả cho bà Hoa tổng cộng là 300.063.750 đồng trong đó tiền gốc là 180 triệu đồng và lãi là 120.063.755 đồng.
III. Nhận xét của nhóm về quy định hiện hành.
Thứ nhất: về đối tượng của hợp đồng vay tài sản.
Thực tế xét xử cho thấy do có sự vi phạm về đối tượng của hợp đồng vay tài sản nên nhiều hợp đồng bi tuyên bố vô hiệu. Chính vì vậy, pháp luật cần được quy định rõ ràng hơn về việc xác định rõ các đối tượng của hợp đồng vay tài sản (ví dụ như việc cấm sử dụng ngoại tệ cho làm đối tượng của hợp đồng vay tài sản, đồng thời cũng nên tách bạch đối tượng là vàng, kim khí, đá quý và không nên đánh đồng nó với đới tượng là vật).
Thứ hai: Về sử dụng tài sản cho vay.
Tại điều 475 BLDS 2005: “các bên có thỏa thuận về việc tài sản vay phải được thực hiện đúng mục đích vay; bên vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản trước thời hạn, nếu nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tìa sản trái mục đích”. Ở đây điều luật không ghi rõ hậu quả là gì. Theo nhóm chúng tôi thì nên coi đây là một căn cứ để bên vay đơn phương đình chỉ hợp đồng, khi đó các bên giải quyết hậu quả chấm dứt hợp đồng tức là bên cho vay có quyền đòi lại tài sản, mức lãi tính đến khi hợp đồng chấm dứt nếu có và có thể đồi bồi thường thiệt hại
Thứ ba: Về lãi suất cho vay
Thực thế cho thấy thì tranh chấp hợp đồng vay tài sản về lãi suất cho vay đang có chiều hướng gia tăng, giữa các tòa án chưa có sự áp dụng thống nhất về cách tính lãi nợ quá hạn. Chính vì vậy, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn thống nhất để hạn chế tranh chấp xảy ra.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Qua phần phân tích ba vụ án thực tế nêu trên chúng ta có thể thấy được phần nào tính chất, nội dung của hợp đồng vay và các tranh chấp thường gặp trong vấn đề vay tài sản cũng như trong hợp đồng vay tài sản. Nhận thấy rằng các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều thiếu xót trong thời gian tới pháp luật cần có sự điều chỉnh để có phù hợp với thực tế góp phần làm giảm thiểu tranh chấp cũng như phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp của các cơ quan tư pháp được nhanh gọn hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường đại học luật Hà Nội, giáo trình luật dân sự , tập II, NXB công an nhân dân, Hà Nội 2006.
Lê Đình Nghị (chủ biên), giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, NXB. Giáo dục, Hà Nội 2009.
Trần Văn Biên, “về chế định hợp đồng vay tài sản”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 9/2004.
Bộ luật dân sự 2005.
Bộ luật dân sự 1995.
Thongtinphapluatdansu.wordpress.com.
MỤC LỤC