Đề tài Giải quyết tình huống trong luật Hình Sự việt Nam

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Nhà nước đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện tại; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, và xử lý nhiều vụ án hình sự, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên tình trạng phạm tội vẫn gia tăng, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội về kinh tế, làm thất thoát nhiều tỷ đồng, các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhân phẩm, danh dự công dân càng tăng mạnh, tệ nạn xã hội tồn tại khá phổ biến làm suy giảm giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đối với con người, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Vì vậy, nhóm chúng em đã lựa chọn đề số 1 để thực hiện bài tập nhóm tháng 1. Bài tập phân tích một tình huống cụ thể (tình huống trong phần đề bài) về tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người.

docx11 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 3130 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Giải quyết tình huống trong luật Hình Sự việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Đề số 1 Nguyễn Thị V cùng một số người bạn là A, B và C (đều là nam giới) tập trung ăn nhậu tại một lán nhỏ dựng bên bờ ao. Sau vài giờ trò chuyện và 4 người uống hết 3 lít rượu thì V đã choáng váng say, buồn nôn nên loạng choạng đi ra ngoài. Thấy V bước liêu xiêu, A cũng loạng choạng đi theo dìu V cho khỏi ngã. Hai người lại dìu nhau đến một cái lán khác cách đó vài chục mét để V nằm nghỉ. Tại đây, V say rượu không biết gì nữa, còn A cũng trong tình trạng chếnh choáng nên nổi dục vọng và giao cấu với V. Sau đó A nằm ngủ cạnh V. Khi B và C lảo đảo đi ngang qua thấy V không mảnh vải trên người nên đã thay nhau giao cấu với V. Vụ án sau đó được phát hiện. HỎI: 1. Hãy xác định tội danh cho hành vi của A, B và C? Nêu căn cứ pháp lý? 2. Trường hợp cố ý phạm tội của A, B và C có là đồng phạm không? Tại sao? 3. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C có được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS không? 4. Giả thiết rằng V đang có thai ở tháng thứ 2 thì A, B và C có phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” qui định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS không? Tại sao? LỜI MỞ ĐẦU Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Nhà nước đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện tại; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, và xử lý nhiều vụ án hình sự, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên tình trạng phạm tội vẫn gia tăng, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội về kinh tế, làm thất thoát nhiều tỷ đồng, các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhân phẩm, danh dự công dân càng tăng mạnh, tệ nạn xã hội tồn tại khá phổ biến làm suy giảm giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đối với con người, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Vì vậy, nhóm chúng em đã lựa chọn đề số 1 để thực hiện bài tập nhóm tháng 1. Bài tập phân tích một tình huống cụ thể (tình huống trong phần đề bài) về tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người. NỘI DUNG 1. Hãy xác định tội danh cho hành vi của A, B và C? Nêu căn cứ pháp lý? Đầu tiên, ta cần khẳng định rằng A, B và C phạm tội hiếp dâm theo quy định tại điều 111 BLHS. Tội hiếp dâm được quy định đầu tiên trong nhóm tội phạm xâm hại nhân phẩm, danh dự của con người. Theo điều 111 của BLHS: “Tội hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ”. Khách thể của tội phạm: Khách thể loại của tội hiếp dâm là quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Khách thể trực tiếp của tội hiếp dâm là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hành vi hiếp dâm còn gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân và ảnh hưởng xấu tợi trật tự, an ninh xã hội. Trong tình huống đưa ra, A, B và C đã lợi dụng tình trạng không thể chống cự được của chị V để xâm phạm tới chị V. Điều này đã đáp ứng điều kiện về khách thể của tội hiếp dâm. Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt. Người thực hiện hành vi này chỉ có thể là nam giới (đủ tuổi theo luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự), nữ giới có thể tham gia trong đồng phạm tội hiếp dâm với vai trò là người giúp sức, tổ chức hay xúi giục. Xét thấy, A, B, C đều là nam giới, một chủ thể đặc biệt của tội hiếp dâm, đã thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của V. Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi giao cấu với phụ nữ trái với ý muốn của họ bằng các thủ đoạn dùng vũ lưc, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể chống cự tự vệ được, lợi dụng tình trạng nạn nhân không biểu lộ được ý chí hay bằng thủ đoạn khác tạo ra các tình trạng trên. Lợi dụng tình trạng V say rượu không biết gì nữa. Đây là thủ đoạn khác: lợi dụng người phụ nữ đang trong tình trạng không có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn, thủ đoạn này giúp cho người phạm tội có thể thực hiện được việc giao cấu trái ý muốn của nạn nhân. Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm chỉ đòi hỏi là người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân nhưng không đòi hỏi hành vi giao cấu đã kết thúc về mặt sinh lý nên tội mà A, B, C phạm phải là tội hiếp dâm. Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi giao cấu của mình là trái với ý muốn của người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó bằng thủ đoạn nói trên. Rõ ràng, A, B, C ý thức được hành vi của mình là trái với ý muốn của người phụ nữ, nhưng do có men rượu nên đã không làm chủ được bản thân cố ý thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân bằng thủ đoạn trên. Như vậy, về mặt chủ quan, A, B, C đã phạm lỗi cố ý. Tổng hợp các điều kiện về khách thể, mặt khách quan và chủ quan cũng như quy định về chủ thể đặc biệt của tội hiếp dâm ta khẳng định rằng A, B, C đã phạm tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 BLHS. 2. Trường hợp cố ý phạm tội của A, B và C có là đồng phạm không? Tại sao? Theo Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu: - Có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm; - Những người này phải cùng thực hiện tội phạm cố ý. Mặt chủ quan: đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Ngoài ra, đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó. - Lỗi cố ý: + Về lí trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Ngoài ra mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ đang thực hiện. + Về ý chí: Những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. - Mục đích (nếu bắt buộc): Ngoài hai dấu hiệu cùng thực hiện và cùng cố ý, đồng phạm còn đòi hỏi dấu hiệu cùng mục đích trong trường hợp đồng phạm những tội có mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Và người đồng phạm cùng chung mục đích, biết rõ và chấp nhận mục đích. Quay trở lại bài tập tình huống: - Xét trường hợp đồng phạm A và B, C: Đã thỏa mãn mặt khách quan, số lượng là 3 người A, B, C cùng thực hiên hành vi cố ý là giao cấu với V. Nhưng lại không thỏa mãn mặt chủ quan, A không biết hành vi của B, C “...V say rượu không biết gì nữa, còn A cũng trong tình trạng chếnh choáng nên nổi dục vọng và giao cấu với V. Sau đó A nằm ngủ cạnh V”, và A không cùng mong muốn hoạt động chung, không cùng mong muốn hậu quả phát sinh. Do đó A và B, C không phải là đồng phạm. - Xét trường hợp B và C: Theo đề bài: “Khi B và C lảo đảo đi ngang qua thấy V không mảnh vải trên người nên đã thay nhau giao cấu với V” thỏa mãn mặt khách quan, có từ hai người trở lên và cùng thực hiện tội phạm cố ý đó là giao cấu với V. Và trong tình huống này cả B, C đều là người thực hành. Do đó B, C là đồng phạm (không có chủ mưu từ trước). 3. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C có được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS không? Theo Điều 14 BLHS 2009: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu TNHS” . Mặt khác A, B, C hoàn toàn có lỗi với tình trạng say của mình , tự mình đặt mình vào tình trạng say. Như vậy trong trường hợp này A, B, C phạm tội trong tình trạng say nhưng vẫn phải chịu TNHS về “Tội hiếp dâm” theo điều 111 BLHS 2009. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không được coi là tình tiết tăng nặng TNHS hay tình tiết giảm nhẹ TNHS . Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS (Điều 46) vì : - Trong các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy tại khoản 1 Điều 46 không có tình tiết “phạm tội trong tình trạng say do dùng rươu hoặc chất kích thích khác”. - Không thể coi “phạm tội trong tình trạng say do dùng rươu hoặc chất kích thích khác” là tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 46. Vì tuy A, B, C trên thực tế có thể bị hạn chế hoặc loại trừ năng lực nhận thức và năng lực hành vi nhưng họ có năng lực TNHS khi đặt mình vào tình trạng say; nói cách khác họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình. Họ có lỗi với tình trạng say của mình nên cũng có lỗi với hành vi nguy hiểm cho xã hội thực hiện trong khi say. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không được coi là tình tiết tăng nặng TNHS (Điều 48) vì : - Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không phải là 1 trong các tình tiết tăng nặng TNHS quy định trong Khoản 1 Điều 48 BLHS 2009 . Theo quan điểm của nhóm chúng em Luật hình sự Việt Nam cũng không coi “phạm tội trong tình trạng say” là tình tiết tăng nặng (vì trong điều 48 không quy định tình tiết này là tình tiết tăng nặng TNHS) mà Luật hình sự Việt Nam chỉ coi “phạm tội trong tình trạng say” là tình tiết định khung tăng nặng tối với một số trường hợp nhất định (ví dụ Điểm b Khoản 2 Điều 202) bởi lẽ chỉ trong một số trường hợp nhất định “phạm tội trong tình trạng say” mới làm gia tăng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do tội phạm gây ra. - Trong trường hợp này, tình tiết “phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C” không ảnh hưởng (gia tăng) mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do A, B, C gây ra . Như vậy, việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không được coi là tình tiết tăng nặng TNHS hay giảm nhẹ TNHS. 4. Giả thiết rằng V đang có thai ở tháng thứ 2 thì A, B và C có phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” qui định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS không? Tại sao? Tình huống đặt ra trong trường hợp này là V có thai 2 tháng. Như chúng ta đều đã biết, tháng thứ hai của thai kì là thời điểm bào thai mới bắt đầu hình thành, thế nên thai còn nhỏ, dẫn đến kích cỡ bụng của bà mẹ hầu như chưa có sự thay đổi rõ rệt đáng kể so với người bình thường. Cho nên, nếu như không có được thông tin từ trước, thì bằng cảm quan thông thường không thể nhận biết được một người phụ nữ đang có thai ở tháng thứ hai và ngay cả bản thân thai phụ có thể cũng không nhận biết được là mình đang có thai. Trong giả thiết chúng ta đang xét ở đây, rất có thể chính A, B, C hoàn toàn không biết về việc V đã có thai 2 tháng. Điều này đặt ra vấn đề thực tiễn phải giải quyết là liệu rằng việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự qui định tại điểm h khoản 1 điều 48 có yêu cầu chủ thể phải đồng thời về mặt khách quan tác động tới người bị hại là phụ nữ có thai và về mặt chủ quan phải biết về việc nạn nhân có thai hay không. Giải quyết vấn đề trên, có một số luồng quan điểm trái chiều : Loại ý kiến thứ nhất cho rằng tất cả các trường hợp phạm tội (cố ý) đối với người phụ nữ có thai dù được quy định là dấu hiệu định tội, định khung hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đề đòi hỏi phải thỏa mãn cả hai dấu hiệu: Về mặt khách quan, nạn nhân là phụ nữ có đang có thai và về chủ quan, ngoài lỗi cố ý người phạm tội phải biết nạn nhân là nguời phụ nữ đang có thai. (Xem: Đinh văn Quế, “Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995). Loại ý kiến thứ hai cho rằng với quy định của luật: Quy định “phạm tội đối với phụ nữ đang có thai” (điều 104, 110, 48) thì có thể áp dụng tình tiết này khi thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan: Đối tượng bị xâm hại là phụ nữ đang có thai mà không đòi hỏi người phạm tội phải biết đối tượng mình xâm hại là phụ nữ đang có thai. Bởi vì, trong các trường hợp mà luật hình sự qui định người phạm tội phải biết nạn nhân có thai thì trong điều luật sẽ có ghi rõ “mà biết là có thai” như tại điểm b khoản 1 điều 93 BLHS. (xem: Đỗ văn Chỉnh: “có căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h khoản 1 điều 48 BLHS”, Tạp chí tòa án nhân dân, số 21/2005). Để giải quyết vấn đề còn tranh luận trên, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 01/2006/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số qui định của bộ luật hình sự. Theo đó, tại mục 2, trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự qui định tại điều 48 BLHS đã được giải thích rõ ràng như sau : “2.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già.” Theo hướng dẫn trên, thì do tội hiếp dâm là tội được thực hiện với lỗi cố ý. Thêm vào đó tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với phụ nữ có thai” qui định tại điều 48 BLHS không đòi hỏi người chủ thể phải nhận biết được người bị hại có thai hay không. Do vậy, chúng ta có thể khẳng định A, B, C phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” theo điểm h khoản 1 điều 48 bộ luật hình sự. KẾT LUẬN Luật hình sự là một công cụ quan trọng đồng thời là cơ sở pháp lý cơ bản nhất trong phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hiện nay Luật hình sự vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bằng việc quy định các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc có thể áp dụng đối với các vi phạm pháp luật nguy hiểm nhất, xâm phạm các điều kiện tồn tại và phát triển của Nhà nước, của chế độ và các lợi ích của công dân, luật hình sự góp phần quan trọng vào việc duy trì kỷ cương xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo cho Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của mình một cách có hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Luật hình sự Việt nam - tập 1 - Trường ĐH Luật Hà Nội - NXB Công an nhân dân, năm 2010. 2. Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - NXB Lao động xã hội, năm 2009. 3. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự - phần các tội phạm - NXB Chính trị quốc gia, năm 1999. 4. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự - Đinh Văn Quế - NXB Chính trị quốc gia, năm 1995. 5. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán toàn án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.
Luận văn liên quan