Đề tài Giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường
Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, và gần đây Đại hội Đảng IX của Đảng đã mở ra bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta tiến lên một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới. Một luận điểm quan trọng của Đảng ta về sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là "lấy việc chăm sóc, đào tạo, phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững". Vì vậy, xây dựng con người phát triển hài hòa, toàn diện là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay và lâu dài, chiến lược phát triển nhân cách văn hóa toàn diện cho thế hệ trẻ được đặc biệt quan tâm. NQTW 5 khóa VIII và NQTW 2 khóa VIII cho thấy văn hóa và giáo dục, giáo dục và văn hóa trong thời đại ngày nay là cặp phạm trù có mối quan hệ biện chứng. Giáo dục đưa dân trí đất nước phát triển, góp phần quan trọng phát triển nền văn hóa dân tộc, tạo nên một sức mạnh nội lực. Văn hóa là nội dung và là mục đích của giáo dục. Giáo dục là con đường chuyển tải và phát huy giá trị văn hóa. Trường học ngày nay được xem không chỉ cung cấp tri thức cho học sinh mà còn phải biến tri thức đó thành vốn văn hóa, nhân cách văn hóa cho các em theo mục tiêu và nội dung của đổi mới giáo dục (tinh thần NQ Trung ương 2 khóa VIII). Học sinh ở độ tuổi vị thành niên từ 11 - 12 đến 17 - 18 là lứa tuổi có những đột biến trong tâm sinh lý. Thời kỳ này được đặc trưng bởi sự phát triển rất nhanh cả về trí lực, thể lực. Song đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành, một mặt các em có nhu cầu rất lớn những kiến thức khoa học về bản thân (vấn đề giới, tình bạn, tình yêu, tình dục.), mặt khác, là những nhu cầu về định hướng giá trị hành vi, kỹ năng sống. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây, và những thông tin trên báo chí, phát thanh, truyền hình xung quanh vấn đề tuổi vị thành niên cho thấy, do sự thiếu hụt những kiến thức cần thiết ở lứa tuổi này từ phía gia đình - nhà trường - xã hội, vị thành niên đang có những biểu hiện đáng lo ngại về lối sống - đạo đức: sống buông thả, đua đòi, xa hoa, lười biếng trong học tập, quay cóp trong thi cử, giải trí thiếu lành mạnh (VD: Trò chơi tiêu cực, xem phim bạo lực, tình ái trên mạng Internet), từ đó dẫn đến phạm pháp, quan hệ yêu đương sớm, thậm chí có những em quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai trước tuổi trưởng thành ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, học tập, tâm lý và tương lai của các em. Một điều không thể phủ nhận là những thành tựu cách mạng khoa học kỹ thuật của thời đại ngày nay đã cho lớp trẻ có được trình độ học vấn và trình độ sống cao. Song những tồn tại trên cũng cho thấy sự mất cân đối giữa giáo dục học vấn và giáo dục nhân cách văn hóa cho học sinh. Nhận thức được vấn đề này, một vài năm trở lại đây, giáo dục nhân cách cho học sinh ở tuổi vị thành niên trong nhà trường đã bước đầu được nghiên cứu một cách hệ thống và đưa vào thể nghiệm từ năm 2000; song cũng mới chỉ dừng lại thí điểm ở học sinh một số trường phổ thông cơ sở với nội dung "giáo dục giá trị đạo đức nhân văn". Cho đến nay, chưa có một công trình nào đi vào vấn đề "giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong trường phổ thông" một cách chuyên biệt. Với lý do này, chúng tôi chọn đề tài "Giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường" nhằm tích hợp với một số môn xã hội, đặc biệt với bộ môn giáo dục công dân, và giáo dục hoạt động ngoài giờ lên lớp. Qua đó, hình thành và phát triển nhân cách văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Giao duc - De tai.doc
- muc luc.doc