Do liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau mà với các vụ việc dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình (gọi chung là vụ việc dân sự) có yếu tố nước ngoài hoàn toàn có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhiều nước. Vì thế, nếu đương sự nộp đơn khởi kiện ở nhiều nước thì kết cục với một vụ việc sẽ tồn tại nhiều phán quyết được tuyên bởi tòa án các nước khác nhau. Đây chính là hiện tượng đa phán quyết trong Tư pháp quốc tế [1] - ngành luật chịu trách nhiệm điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đa phán quyết gây ra những khó khăn cho việc thi hành bản án, quyết định dân sự cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự. Bởi lẽ, về nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án nước nào thì chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước đó và hiệu lực của các bản án, quyết định dân sự của tòa án các nước là ngang nhau, không thể loại trừ nhau. Vụ việc tranh chấp quyền nuôi con (Princess Lam) giữa ca sĩ Lý Hương và Tony Lam đang diễn ra chính là một minh chứng sinh động của đa phán quyết [2]. (Xem Tóm tắt vụ việc). Đã có hai phán quyết với nội dung trái ngược nhau - một của tòa án Việt Nam và một của tòa án Mỹ liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con của cặp vợ chồng này. Vụ việc trên khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam [3], còn những người nghiên cứu pháp luật lại có thêm lý do để nhìn lại một hiện tượng khá gai góc của tư pháp quốc tế. Chúng tôi xin nêu mấy suy nghĩ về căn nguyên của hiện tượng đa phán quyết, cũng như bàn luận về các giải pháp loại trừ nó.
5 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2042 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Hiện tượng đa phán quyết đối với việc dân sự có yếu tố nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HIỆN TƯỢNG ĐA PHÁN QUYẾT ĐỐI VỚI VIỆC DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Do liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau mà với các vụ việc dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình (gọi chung là vụ việc dân sự) có yếu tố nước ngoài hoàn toàn có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhiều nước. Vì thế, nếu đương sự nộp đơn khởi kiện ở nhiều nước thì kết cục với một vụ việc sẽ tồn tại nhiều phán quyết được tuyên bởi tòa án các nước khác nhau. Đây chính là hiện tượng đa phán quyết trong Tư pháp quốc tế [1] - ngành luật chịu trách nhiệm điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đa phán quyết gây ra những khó khăn cho việc thi hành bản án, quyết định dân sự cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự. Bởi lẽ, về nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án nước nào thì chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước đó và hiệu lực của các bản án, quyết định dân sự của tòa án các nước là ngang nhau, không thể loại trừ nhau. Vụ việc tranh chấp quyền nuôi con (Princess Lam) giữa ca sĩ Lý Hương và Tony Lam đang diễn ra chính là một minh chứng sinh động của đa phán quyết [2]. (Xem Tóm tắt vụ việc). Đã có hai phán quyết với nội dung trái ngược nhau - một của tòa án Việt Nam và một của tòa án Mỹ liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con của cặp vợ chồng này. Vụ việc trên khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam [3], còn những người nghiên cứu pháp luật lại có thêm lý do để nhìn lại một hiện tượng khá gai góc của tư pháp quốc tế. Chúng tôi xin nêu mấy suy nghĩ về căn nguyên của hiện tượng đa phán quyết, cũng như bàn luận về các giải pháp loại trừ nó.
Tóm tắt vụ việcCa sĩ Lý Hương (quốc tịch Việt Nam) kết hôn với Tony Lam (quốc tịch Mỹ) tại Mỹ vào tháng 2/2001;Sau một thời gian chung sống, do mâu thuẫn, hai vợ chồng đã tiến hành xin ly hôn tại Tòa án nhân dân TPHCM: tòa án thụ lý đơn xin ly hôn vào ngày 14/3/2006, xử sơ thẩm vào ngày 07/05/2007, bản án có hiệu lực pháp luật từ tháng 9/2007. Theo bản án này Lý Hương được quyền nuôi con.Tuy nhiên, ông Tony Lam đã có đơn kiện lên Tòa án gia đình tiểu bang New York (Mỹ) và tòa án này đã ra án lệnh tạm thời giao quyền giám hộ tạm thời cho ông Tony Lam. Án lệnh ra ngày 21/6/2006 (có thông tin nói rằng, ông Tony Lam nộp đơn lên Tòa án gia đình tiểu bang New York sau thời điểm Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý đơn xin ly hôn).Tháng 5/2008, khi ra sân bay Los Angeles để về Việt Nam, ca sĩ Lý Hương đã bị Bộ An ninh nội địa Mỹ bắt giữ do liên quan đến việc giành quyền nuôi con đối với chồng cũ (vì theo bản án ở Việt Nam thì cô được quyền nuôi con, nhưng theo án lệnh của Mỹ thì không). Phiên xét xử vụ việc liên quan đến quyền nuôi con giữa ca sĩ Lý Hương và Tony Lam đã diễn ra ở Mỹ vào ngày 26/6/2008.
1. Căn nguyên của hiện tượng đa phán quyếtNguyên nhân sâu xa nhất của hiện tượng đa phán quyết chính là do các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau; vì thế, dựa trên quan điểm về nguyên tắc chủ quyền quốc gia sẽ xuất hiện khả năng tòa án nhiều nước đều có thẩm quyền xét xử đối với cùng một vụ việc [4]. Theo đó, đa phán quyết sẽ xảy ra khi tòa án của nhiều nước đều thụ lý và ra phán quyết đối với cùng một vụ việc.Việc xác định tòa án nước nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài hay không phụ thuộc vào luật tư pháp quốc tế của nước đó. Tư pháp quốc tế các nước quy định thẩm quyền xét xử đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại hai nguồn luật: điều ước quốc tế và pháp luật tố tụng dân sự trong nước.Nếu như vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh liên quan tới các quốc gia có điều ước quốc tế với nhau về vấn đề xác định thẩm quyền xét xử, thì theo nguyên tắc về giá trị ưu tiên áp dụng của điều ước quốc tế so với pháp luật quốc gia, quy tắc xác định thẩm quyền xét xử của điều ước quốc tế đó sẽ phải được các nước tuân thủ. Trong trường hợp này, hiện tượng đa phán quyết vẫn có thể phát sinh, cho dù đã có sự thống nhất giữa các nước có liên quan, nếu như tiêu chí để xác định thẩm quyền xét xử trong điều ước quốc tế đó để mở khả năng tòa án nhiều nước đều có quyền thụ lý. Ví dụ, trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước A và nước B có điều khoản quy định việc ly hôn giữa công dân hai nước thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cả hai nước. Nếu thế, tòa án nước nào cũng có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn giữa công dân hai nước và đa phán quyết sẽ xảy ra khi đương sự nộp đơn xin ly hôn ở cả hai nước.Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa các quốc gia về vấn đề lựa chọn tòa án nước nào có thẩm quyền xét xử với một vụ việc có yếu tố nước ngoài, thì việc xác định thẩm quyền xét xử của tòa án mỗi nước sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong nước. Hiện tượng đa phán quyết có thể xảy ra khi:Trường hợp thứ nhất, pháp luật tố tụng dân sự của các quốc gia có liên quan đưa ra các tiêu chí khác nhau khi xác định thẩm quyền của tòa án nước mình đối với một vụ việc. Chẳng hạn, với một tranh chấp về ly hôn có yếu tố nước ngoài mà pháp luật quốc gia A lấy tiêu chí quốc tịch các bên còn quốc gia B thì lấy tiêu chí nơi thường trú chung của vợ chồng để xác định thẩm quyền xét xử. Khi đó, một vụ việc ly hôn có sự tham gia của công dân nước A nhưng cả hai vợ chồng lại thường trú chung ở nước B hoàn toàn có thể được xét xử ở cả quốc gia A và quốc gia B, cũng có nghĩa là có thể có hai bản án của tòa án hai nước về cùng một vụ ly hôn.Trường hợp thứ hai, pháp luật tố tụng các quốc gia có liên quan đều đưa ra cùng một tiêu chí để xác định thẩm quyền xét xử của tòa án nước mình, nhưng do sự không đồng nhất của quan hệ xét trên tiêu chí đó làm xuất hiện đa phán quyết. Vẫn lấy ví dụ như trên, nhưng trong trường hợp này quốc gia B cũng lấy tiêu chí quốc tịch như quốc gia A chứ không phải là nơi thường trú thì thẩm quyền xét xử vẫn thuộc tòa án cả hai nước khi mà vợ là công dân nước này còn chồng là công dân nước kia, nghĩa là vẫn có thể có hai phán quyết của tòa án hai nước về cùng một vụ ly hôn.2. Giải pháp loại trừ hiện tượng đa phán quyếtTiến hành việc công nhận và thi hành phán quyết của tòa án nước này tại nước khácVề nguyên tắc, phán quyết của tòa án mỗi nước chỉ có hiệu lực và được thi hành trên lãnh thổ của chính nước đó. Trong khi đó, một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thường liên quan tới nhiều nước khác nhau (ví dụ, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn có ở nhiều nước). Vì thế, để thực thi tốt các phán quyết về các vụ việc có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể có liên quan, cần phải mở rộng hiệu lực của các phán quyết của tòa án một nước tới cả lãnh thổ của các nước có liên quan. Đây chính là lý do chủ đạo làm xuất hiện trong luật tư pháp quốc tế thủ tục công nhận và thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài tại nước sở tại. Theo đó, bản án, quyết định dân sự của tòa án Việt Nam sẽ được thừa nhận hiệu lực và được thi hành tại Mỹ như bản án, quyết định do tòa án Mỹ tuyên, nếu nó được tiến hành công nhận và thi hành tại Mỹ. Theo pháp luật của các nước, việc công nhận và thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài tại nước mình sẽ dựa trên cơ sở hai nước có điều ước quốc tế về vấn đề này, hoặc nếu không có điều ước quốc tế thì tuân theo nguyên tắc có đi có lại. Hiện tại, dù Việt Nam và Mỹ chưa có điều ước quốc tế về vấn đề này, nhưng dựa trên nguyên tắc có đi có lại thì bản án, quyết định của tòa án nước này có thể được công nhận và thi hành trên lãnh thổ nước kia. Rõ ràng, nếu như một trong hai phán quyết của tòa án Mỹ hoặc Việt Nam ở trong vụ việc tranh chấp quyền nuôi con nói trên được công nhận ở nước còn lại trước khi nước đó tuyên án thì sẽ không có hiện tượng đa phán quyết như đã xảy ra.Ký kết, tham gia các điều ước quốc tế (song phương, đa phương) về vấn đề thống nhất thẩm quyền xét xử của tòa án các nướcVề mặt lý thuyết, để chấm dứt tình trạng đa phán quyết, cách tốt nhất chính là việc các nước cùng nhau cam kết về việc tòa án nước nào sẽ có thẩm quyền giải quyết một vụ việc có yếu tố nước ngoài. Theo đó, sẽ chỉ có một nước có thẩm quyền giải quyết với vụ việc xảy ra, dù nó có liên quan tới nhiều nước còn lại. Trên thực tế, cũng đã tồn tại những điều ước quốc tế về vấn đề này, chẳng hạn như Công ước Brussels 1968 của Liên minh Châu Âu về thẩm quyền xét xử và việc công nhận các phán quyết về dân sự và thương mại. Nhờ vào Công ước này mà các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã loại trừ được hiện tượng đa phán quyết. Tuy nhiên, xét ở bình diện toàn cầu, vẫn chưa xuất hiện một điều ước chung thống nhất vấn đề thẩm quyền xét xử của tòa án các nước. Đối với Việt Nam, cho dù chúng ta đã ký kết 15 Hiệp định Tương trợ tư pháp với các nước, nhưng cũng chỉ có một số Hiệp định (ví dụ Hiệp định Việt Nam - Liên Xô cũ [5], Hiệp định Việt Nam - Lào, Hiệp định Việt Nam - Bungary) là có đề cập tới vấn đề thống nhất quy định thẩm quyền xét xử của tòa án các nước ký kết, trong đó có những Hiệp định chỉ đề cập vấn đề này đối với một số loại vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.3. Lời kếtNhững phân tích trên cho thấy, cả về lý thuyết lẫn thực tế là khả năng xuất hiện của đa phán quyết. Để tránh những rắc rối xảy ra như vụ việc tranh chấp quyền nuôi con giữa ca sĩ Lý Hương và Tony Lam - những rắc rối do chính đa phán quyết mang lại [6], cần có những nỗ lực của cả các quốc gia và các bên đương sự. Về phía nhà nước, để loại trừ được đa phán quyết, cần phải có những cố gắng để đạt được sự đồng thuận trong việc thống nhất tòa án có thẩm quyền giải quyết, thông qua các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Trong ngắn hạn, các quốc gia có thể nghĩ tới việc đưa điều khoản thống nhất thẩm quyền xét xử vào các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước với nhau. Đối với các đương sự, với bối cảnh thiếu vắng các điều ước quốc tế thống nhất về thẩm quyền xét xử giữa các quốc gia đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, sự lựa chọn thông minh để tránh những rắc rối của đa phán quyết chính là triển khai nhanh chóng việc công nhận và thi hành phán quyết được tuyên bởi tòa án một nước tại các nước có liên quan mật thiết đối với vụ việc tranh chấp./.=================================CHÚ THÍCH[1] Từ hiện tượng này, một số nhà luật học đã hài hước cho rằng công lý bỗng trở nên tương đối trong Tư pháp quốc tế.[2] Vụ việc được tóm tắt dựa trên các bài viết của báo pháp luật TPHCM (lấy từ website: Pháp Luật TPHCM Online) và chỉ nhằm mục đích minh họa cho hiện tượng đa phán quyết trong chuyên đề nghiên cứu này.[3] Sự xuất hiện của một loạt bài viết báo chí Việt Nam trong thời gian qua với khá nhiều ý kiến chuyên gia đã phần nào cho thấy tính lạ của vụ việc này ở nước ta.[4] Đây cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản so với giải quyết vụ việc dân sự trong nước - chỉ thuộc thẩm quyền của duy nhất tòa án quốc gia đó.[5] Điều 20 Hiệp định quy định rằng, nếu cùng một vụ việc mà tòa án cả hai nước đều có thẩm quyền xét xử thì tòa án thụ lý sau sẽ phải đình chỉ tố tụng.[6] Với vụ việc này, cho dù chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án Mỹ, song nếu Tòa án Mỹ vẫn tuyên trao quyền nuôi con cho Tony Lam thì có nghĩa là đã tạo ra một tình huống trớ trêu cho các đương sự khi theo phán quyết của Tòa án Mỹ thì chồng được nuôi con, còn theo phán quyết của tòa án Việt Nam thì quyền nuôi con lại thuộc về vợ và cả hai bản án này đều được tuyên một cách hợp pháp và có hiệu lực pháp lý trên lãnh thổ của mỗi nước.