Đề tài Hội nhập kinh tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ở Việt Nam
Sau hơn mười năm đổi mới, có thể nói kinh tế Việt nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. GDP đạt trung bìmh 7.6% từ năm 1999 đến năm 2000, mức sống người dân được nâng lên rõ rệt và quan trọng nhất là chúng ta làm cho thế giới có một cách nhìn mới về Việt Nam: Việt Nam không chỉ là đất nước của chiến tranh, Việt Nam còn là một đất nước đầy tiềm năng phát triển kinh tế. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng kinh tế Việt Nam tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn kém phát triển, khoa học kĩ thuật còn lạc hậu ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực. Chúng ta mới chỉ ra cho thế giới thấy một Việt Nam đầy tiềm năng nhưng chúng ta chưa biến các tiềm năng đó thành sự thực. Nếu đem so sánh với Nhật Bản, chúng ta thấy rằng: Nhật Bản là một nước hầu như không có tài nguyên thiên nhiên lại hay gặp phải thiên tai trong khi chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta có “rừng vàng, biển bạc”. Con người Việt Nam cũng không hề thua kém con người Nhật. Chúng ta thông minh, cần cù, chịu khó và cũng không ít nhân tài. Nhưng thực tế thì sao? Nước Nhật chỉ trong vòng hai mươi năm, từ một nước chịu hậu quả nặng nề nhất trong chiến tranh thế giới II, đã vươn lên đứng thứ 2 trên thế giới về phát triển kinh tế. Còn Việt Nam chúng ta sau hơn 10 năm đổi mới vẫn mới chỉ thu được một số thành tựu và cho đến năm 2000, với GDP 400 USD/người, Liên Hợp Quốc vẵn xếp nước ta là một trong những nước ở mức under-poverty (dưới mức nghèo đói). Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có nhiều tiềm năng hơn hẳn Nhật Bản nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa có một nền kinh tế phát triển thần kì như Nhật Bản? Chúng ta luôn lấy lí do rằng chúng ta phát triển kinh tế từ một xuất phát điểm thấp nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và khu vực của chúng ta còn kém dẫn đến chúng ta bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong tầm tay. Hiện nay, toàn cầu hoá kinh tế đang trở thành một xu thế của thời đại. Tích cực mà toàn cầu hoá đem lại cũng nhiều mà tiêu cực thì cũng không ít. Nói về toàn cầu hoá, có người cho rằng toàn cầu hoá đem lại rất nhiều lợi ích. Toàn cầu hoá đem lại vốn, công nghệ cho các quốc gia để phát triển kinh tế trong nước, như là một “chiếc phao” cho những nước đang phát triển “vịn” lấy để bơi đến “con thuyền kì diệu” của những nền kinh tế phát triển. Theo đó mà Việt Nam cần phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phải mở rộng cửa ngay để nắm lấy cơ hội trong tầm tay này. Lại có người cho rằng toàn cầu hoá chỉ là công cụ của những nước phát triển đặc biệt là Mỹ và các nước phương tây, sử dụng để chèn ép các nước đang phát triển nhằm thu được những lợi nhuận kếch xù. Toàn cầu hoá là “cái phao” thật đấy nhưng “dây phao” thì có thể thành “dây thòng lọng” với bất kì nền kinh tế nào. Chính bởi vậy mà Việt Nam cần phải thận trọng, dè dặt, phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, không nên nôn nóng vội vàng. Vậy thực sự, toàn cầu hoá là gì? Và Việt Nam chúng ta cần phải làm gì để tận dụng được tối đa những mặt tích cực mà toàn cầu hoá đem lại? Qua việc nghiên cứu về một nguyên lý rất cơ bản của chủ nghĩa duy vật biên chứng Mác-Lênin về mối liên hệ phổ biến, bài tiểu luận này sẽ giải thích vì sao chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong khi vẫn phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta sẽ thấy rằng mối liên hệ, tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế hiện nay chỉ là một sự vận dụng tài tình của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Không có một quốc gia nào nằm ngoài mối liên hệ và Việt Nam với tiềm năng sẵn có của mình, thông qua toàn cầu hóa hoàn toàn có thể có một nền kinh tế phát triển thần kì như Nhật Bản nếu chúng ta có kế sách và hướng đi đúng.