Đề tài Khái niệm và những nguyên tắc của tiền lệ pháp – hình thức pháp luật đặc thù trong hệ thống pháp luật anh - Mỹ

Tiền lệ pháp là hình thức pháp luật đặc thù trong luật pháp của những quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ. Đặc trưng của tiền lệ pháp thể hiện ở tính chất khuôn mẫu bắt buộc của nó. Việc áp dụng tiền lệ pháp đòi hỏi sự đối chiếu các tình tiết của vụ việc đang xem xét với tình tiết tương tự đã giải quyết để từ đó có thể áp dụng hình phạt hoặc cách giải quyết đã có. Án lệ cũng đã được áp dụng trong thời kỳ đầu của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức pháp luật chủ yếu mà hiện nay chúng ta sử dụng là văn bản quy phạm pháp luật. Hai nguồn pháp luật tập quán pháp và tiền lệ pháp không được sử dụng về nguyên tắc. Trong những năm gần đây, chúng ta đã có những cách nhìn mới, khách quan hơn về hai loại nguồn pháp luật này[1]. Theo chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, Nhà nước ta cũng đang nghiên cứu để áp dụng tiền lệ pháp như một nguồn luật chính thức ở Việt Nam[2]. Nhằm phục vụ yêu cầu chung đó, việc tìm hiểu và nhận thức được khái niệm về tiền lệ pháp, những nguyên tắc và cách thức ban hành hình thức pháp luật này là vô cùng cần thiết và đây cũng chính là nội dung được đề cập trong bài viết này.

doc5 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2778 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Khái niệm và những nguyên tắc của tiền lệ pháp – hình thức pháp luật đặc thù trong hệ thống pháp luật anh - Mỹ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁI NIỆM VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA TIỀN LỆ PHÁP – HÌNH THỨC PHÁP LUẬT ĐẶC THÙ TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ANH - MỸ Th.S PHAN NHẬT THANH Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh Tiền lệ pháp là hình thức pháp luật đặc thù trong luật pháp của những quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ. Đặc trưng của tiền lệ pháp thể hiện ở tính chất khuôn mẫu bắt buộc của nó. Việc áp dụng tiền lệ pháp đòi hỏi sự đối chiếu các tình tiết của vụ việc đang xem xét với tình tiết tương tự đã giải quyết để từ đó có thể áp dụng hình phạt hoặc cách giải quyết đã có. Án lệ cũng đã được áp dụng trong thời kỳ đầu của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức pháp luật chủ yếu mà hiện nay chúng ta sử dụng là văn bản quy phạm pháp luật. Hai nguồn pháp luật tập quán pháp và tiền lệ pháp không được sử dụng về nguyên tắc. Trong những năm gần đây, chúng ta đã có những cách nhìn mới, khách quan hơn về hai loại nguồn pháp luật này[1]. Theo chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, Nhà nước ta cũng đang nghiên cứu để áp dụng tiền lệ pháp như một nguồn luật chính thức ở Việt Nam[2]. Nhằm phục vụ yêu cầu chung đó, việc tìm hiểu và nhận thức được khái niệm về tiền lệ pháp, những nguyên tắc và cách thức ban hành hình thức pháp luật này là vô cùng cần thiết và đây cũng chính là nội dung được đề cập trong bài viết này. 1. Khái niệm và các nguyên tắc về tiền lệ pháp Theo Black’s Law Dictionary thì khái niệm tiền lệ pháp (precedent) được ghi nhận như sau: Tiền lệ pháp là việc làm luật của tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử; Vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này ”[3]. Cũng tương tự như vậy, pháp luật nước Anh cũng cho rằng tiền lệ pháp chỉ xuất phát từ phán quyết của thẩm phán tòa án cấp trên. “Khi đưa ra quyết định cho một vụ việc, thẩm phán phải tuân theo các quyết định đã được đưa ra bởi tòa án cấp trên cho vụ việc tương tự”[4]. Tuy nhiên, để đưa ra phán quyết cho một vụ án, thẩm phán phải thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản đó là xem xét tình tiết cụ thể đang xảy ra và luật sẽ áp dụng như thế nào đối với các tình tiết đó. Theo nguyên lý tiền lệ phải được tuân thủ (stare decisis), việc áp dụng pháp luật sẽ căn cứ vào những tình tiết tương tự của vụ việc trước đây để đưa ra một phán quyết đồng nhất và thẩm phán phải tuân theo các quyết định trước đây của tòa án cấp trên. Ví dụ trong vụ án Elizabeth Manley[5]. Elizabeth Manley đã trình báo với cảnh sát rằng có một người đàn ông đã đánh cô và lấy toàn bộ tiền bạc. Tuy nhiên khi cảnh sát tiến hành điều tra đã phát hiện vụ việc trên là không có thật. Tòa án đã kết tội Elizabeth Manley với tội danh “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”. Tội danh này không có quy định trong luật. Do đó, tòa đã đưa ra hai lý do và sau đó hình thành nên tiền lệ. Thứ nhất, đặt người vô tội trước nguy cơ bị bắt giữ; thứ hai, là tốn thời gian và công sức của cảnh sát cho quá trình điều tra một vụ việc không có thật. Vụ án Elizabeth Manley đã hình thành nên tiền lệ trong phán quyết của tòa án: “Bất kỳ người nào đặt người vô tội vào tình trạng bị truy tố và làm cảnh sát phải điều tra một vụ án không có thật thì bị buộc vào tội danh gây rối, ảnh hưởng đến trật tự công cộng”. Sau đó là vụ án của bà May Jones[6]. Bà Jones đang đi mua sắm ở cửa hàng thì phát hiện mình bị mất chiếc ví. Bà ta nhớ lại trước đây ít phút, có một người đàn ông đã đi lướt qua và chạm vào người bà. Bà ta lập tức báo cảnh sát và miêu tả nhân dạng người đàn ông ấy. Ngày sau đó, cửa hàng gọi điện thoại đến và báo rằng bà Jones đã để quên ví tiền tại cửa hàng. Trong vụ này, bà Jones cũng bị kết tội như cô Manley vì đã làm cảnh sát điều tra một vụ việc không có thật và đặt người vô tội trước rủi ro bị truy tố. Nguyên tắc tiền lệ cũng ràng buộc với chính tòa cấp trên, có nghĩa là tòa án cấp trên cũng phải tuân thủ tiền lệ do chính mình tạo ra. Cụ thể hơn, các nước theo hệ thống thông luật đã đưa ra một số nguyên tắc trong việc xây dựng án lệ gồm những quy định sau: [7] Mỗi tòa án bị buộc phải tuân thủ theo các quyết định của tòa án cấp cao hơn trong cùng hệ thống hoặc của chính tòa án đã ra tiền lệ; Những quyết định của tòa án thuộc hệ thống khác chỉ có giá trị tham khảo; Chỉ có những phần quyết định dựa trên chứng cứ pháp lý (ratio decidendi) của vụ án thì mới có giá trị bắt buộc để ra quyết định cho vụ án sau này; Những nhận định hoặc quyết định của tòa án trước đó đối với một vụ án không dựa trên cơ sở pháp lý mà chỉ dựa trên cơ sở bình luận của thẩm phán (obiter dictum) sẽ không có giá trị bắt buộc tòa án cấp dưới phải tuân thủ; Yếu tố thời gian không làm mất đi tính hiệu lực của tiền lệ. Như vậy, không phải tất cả những phần nêu ra trong một bản án đều bắt buộc trở thành tiền lệ pháp. Sẽ có những phần bắt buộc và những phần không bắt buộc (tuy rằng phần không bắt buộc này vẫn thuyết phục các bên tham gia vụ án tuân thủ). Theo sự giải thích về tiền lệ pháp trong luật so sánh[8], “ranh giới cơ bản khi giải thích tiền lệ pháp theo luật Anh là giữa cơ sở pháp lý (ratio decidendi) và sự giải thích thêm - phần bình luận của thẩm phán (obiter dictum)”. Cơ sở pháp lý là nguyên tắc pháp lý để tòa quyết định vụ việc và nó mang tính chất bắt buộc. Còn phần bình luận chỉ là việc nêu ra những lý lẽ, giải thích thêm của thẩm phán về vụ việc đã qua và do đó nó không mang tính bắt buộc cho những trường hợp sau này. Những lý do mà các thẩm phán đưa ra để giải thích thêm nằm ngoài phạm vi của cơ sở pháp lý và họ cũng không cần kiểm tra cũng như xem xét đến hậu quả của nó. Mục đích của việc đưa ra luận cứ này chỉ mang tính chất là giải thích hay minh họa để phân biệt giữa vụ việc này với vụ việc khác mà thôi. Theo các nhà làm luật Anh thì tiền lệ pháp có rất nhiều ưu điểm [9]. Thứ nhất, các đối tượng liên quan trong vụ án có thể biết trước các hậu quả pháp lý của vụ việc vì họ biết các quyết định này không phải là các quyết định tùy tiện của các thẩm phán mà các thẩm phán đã dựa vào các quyết định của các vụ việc trước đó. Thứ hai, tiền lệ được đưa ra từ thực tiễn, trong khi các đạo luật lại ít nhiều căn cứ vào lý thuyết và suy luận mang tính lô gích; tiền lệ hình thành từ các hoàn cảnh khác nhau trong đời sống do đó nó điều chỉnh được hầu hết các quan hệ xã hội phát sinh. Thứ ba, tiền lệ tạo điều kiện cho thẩm phán đưa ra nhiều tư tưởng mới trong lĩnh vực áp dụng pháp luật tùy theo điều kiện, hoàn cảnh xã hội phát sinh ra các quan hệ pháp luật. Thứ tư, đó là tính linh hoạt của tiền lệ pháp, thuộc tính này phụ hợp với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Trong khi sự thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải một thời gian nhất định thì tiền lệ pháp lại đáp ứng ngay những đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức tiền lệ pháp gặp phải những bất cập nhất định. Thứ nhất, do các quyết định và bản án quá nhiều và liên tục tăng theo thời gian nên gây rất nhiều khó khăn trong quá trình vận dụng. Thứ hai, bên cạnh tính linh hoạt thì nó cũng chứa đựng sự cứng nhắc vì thẩm phán buộc phải tuân thủ theo những tiền lệ mà họ cho rằng không đầy đủ hoặc không mang giá trị pháp lý cao. Thứ ba, thẩm phán sẽ khó khăn khi nhận định trong những điều kiện hoàn cảnh như nhau nhưng tình tiết vụ việc lại hoàn toàn khác nhau; trong trường hợp này, thẩm phán phải so sánh và hình thành nên một tiền lệ mới, và như vậy sẽ làm phức tạp thêm khi áp dụng luật. Thứ tư, nó không mang tính hệ thống và tính khái quát vì án lệ được hình thành theo những tình tiết của mỗi vụ việc. Nếu khắc phục hoặc hạn chế được các nhược điểm trên, tiền lệ pháp sẽ trở nên rất đắc dụng và đáp ứng được những đòi hỏi của một xã hội luôn thay đổi và phát triển. 2. Tiền lệ pháp và án lệ Như phần trên đã nêu lên khái niệm, tiền lệ pháp là việc làm luật của tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử trên cơ sở những vụ việc đã được quyết định trước đây cho những trường hợp hoặc vấn đề tương tự. Và theo Black’s Law Dictionary[10], án lệ (case-law) là tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử. Còn trong tác phẩm “Luật So sánh trong một thế giới chuyển đổi” (Comparative Law in a Changing world) của Giáo sư Peter de Cruz - Trường Đại học Staffordshire thì án lệ có thể được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng, án lệ là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp. Theo nghĩa hẹp, án lệ là việc đưa ra những nguyên tắc là nền tảng cho những vụ việc xảy ra sau này[11]. Như vậy, về mặt bản chất, án lệ cũng chính là tiền lệ pháp vì đều xuất phát từ cơ quan tư pháp và được hình thành qua quá trình xét xử [12]. Trước thời kỳ chinh phục nước Anh của người Norman, những vùng khác nhau trên nước Anh lại áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau. Luật Dane được áp dụng ở miền bắc, luật Mercian ở miền trung và luật Wessex ở miền tây và miền nam. Đến khi William lên ngôi vua nước Anh năm 1066, ông đã thiết lập một chính quyền tập trung và bắt đầu tiêu chuẩn hóa luật. Các đại diện của Nhà Vua đi đến các địa phương và giải quyết các tranh chấp theo luật lệ địa phương. Sau đó họ bắt đầu thảo luận về các tập quán khác nhau của các địa phương cũng như những kinh nghiệm trong quá trình xét xử. Cuối cùng họ chọn lọc những vụ việc hợp lý và xây dựng nguyên tắc tiền lệ - stare decisis (“let the decision stand”). Theo nguyên tắc này, bất kỳ nơi nào phát sinh những vấn đề mang tính chất pháp lý thì khi đưa ra quyết định phải tuân theo những trường hợp tương tự đã giải quyết trước đây. Và nguyên tắc này đã dẫn đến sự hình thành thông luật (common law) năm 1250, tức luật hình thành từ các quyết định tư pháp chứ không phải do cơ quan lập pháp ban hành. Những nguyên tắc của thông luật đã được sử dụng cho đến ngày nay trong đó có án lệ (được biết đến như thông luật). Và như vậy, trên cơ sở tiền lệ (stare decisis) được hình thành này, hệ thống thứ bậc của tiền lệ cũng hình thành và áp dụng cho các hệ thống tòa án. Theo đó, thẩm phán khi đưa ra phán quyết phải tuân thủ theo các phán quyết của tòa án cấp trên trong cùng hệ thống. Đây chính là án lệ hay cũng chính là tiền lệ pháp. Như vậy, tiền lệ pháp và án lệ là hai tên gọi chỉ cùng một khái niệm. Theo đó, tiền lệ pháp (hay án lệ) chỉ do tòa án ban hành theo những trình tự nhất định. 3. Tiền lệ pháp - việc thừa nhận chỉ các quyết định của cơ quan tòa án hay còn bao gồm các quyết định của cả cơ quan hành chính? Theo các Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 1997, năm 2004 và của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005 thì tiền lệ pháp là việc nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan tòa án cấp trên khi giải quyết các vụ việc cụ thể làm cơ sở để áp dụng đối với các trường hợp tương tự. Giáo trình Lý luận chung Nhà nước và pháp luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005 còn giải thích rõ thêm là có hai loại tiền lệ cơ bản là tiền lệ hành chính và tiền lệ tư pháp (án lệ). Như vậy, quan điểm chung của các giáo trình này là tiền lệ pháp bao gồm các quyết định của cơ quan hành chính và các quyết định của cơ quan xét xử. Tuy nhiên, theo sự nhận thức về tiền lệ pháp theo hệ thống luật Anh - Mỹ và hệ thống Luật Châu Âu Lục địa, tác giả cho rằng tiền lệ pháp không bao gồm các quyết định của các cơ quan hành chính mà chỉ là các quyết định hay phán quyết của cơ quan tòa án trong đó có tòa vi cảnh (hay tòa hành chính). Nói cách khác, tiền lệ pháp chỉ có thể được hình thành từ cơ quan tư pháp chứ không từ cơ quan lập pháp hay hành pháp. Tác giả nhận thức điều này vì hai lý do. Thứ nhất, về xuất phát điểm của tiền lệ pháp - hình thành từ con đường thông qua quá trình xét xử; điều này phù hợp với chức năng của cơ quan tư pháp. Thứ hai, nếu như các cơ quan hành chính cũng ban hành tiền lệ thì không phù hợp với thẩm quyền và chức năng là cơ quan quản lý - không phải là cơ quan xét xử - và nó sẽ tạo nên một sự chồng chéo trong việc hình thành và áp dụng tiền lệ giữa hai cơ quan hành pháp và tư pháp. Nhìn chung, với tính chất đặc thù của hình thức pháp luật này, trong quá trình nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam, chúng ta cố gắng khắc phục những hạn chế của nó để tiền lệ pháp sẽ góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thiện và đa dạng hóa các hình thức pháp luật Việt Nam./. ======================================== CHÚ THÍCH [1] Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nuớc và pháp luật, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005. [2] Xem Báo cáo đánh giá nhu cầu cải cách pháp luật đến 2010 của Chính phủ. [3] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, West Group 1999. Precedent: 1) The making of law by a court in recognizing and applying new rules while administering justice; 2) A decided case that furnishes a basis for determining later cases involving similar facts or issues. [4] Catherin Elliott and Frances Quinn, English Legal System, Longman 2000 - P.8 “In deciding a case, a judge must follow any decision that has been made by a higher court in a case with similar facts...”. [5] Richard Chisholm and Garth Nettheim, Understanding Law, R v. Elizabeth Manley, decided in 1933 by the Court of Criminal Appeal, Butter Worths 1997. [6] Richard Chisholm and Garth Nettheim, sđd. [7] Catherin Elliott and Frances Quinn, sđd. [8] Michael Bogdan, Comparative Law, University of Lund, Faculty of Law, 1994 [9] Catherin Elliott and Frances Quinn, sđd. [10] Bryan A. Garner, sđd. [11] Peter de Cruz, Comparative Law in a Changing World, Cavendish Publishing Limited 1999, p. 243 [12] Catherine Elliott and Frances Quinn, English legal system, Case law, Longman 2000.
Luận văn liên quan