Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang mở cửa và hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới mà biểu hiện cụ thể là việc chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận thì chúng ta có thể nhận thấy thị trường trong nước luôn biến động đặc biệt là sự thất thường về giá cả của các mặt hàng thiết yếu trong đó phải kể đến gạo. Trước tới nay, lương thực thực phẩm mà nhất là gạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ một quốc gia nào, nước ta cũng không là ngoại lệ.
11 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 3534 | Lượt tải: 8
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Khảo sát sự biến động của giá gạo trên thị trường Việt Nam, từ đó làm rõ nguyên nhân và một số giải pháp của Nhà nước nhằm bình ổn giá của mặt hàng đó ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang mở cửa và hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới mà biểu hiện cụ thể là việc chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận thì chúng ta có thể nhận thấy thị trường trong nước luôn biến động đặc biệt là sự thất thường về giá cả của các mặt hàng thiết yếu trong đó phải kể đến gạo. Trước tới nay, lương thực thực phẩm mà nhất là gạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ một quốc gia nào, nước ta cũng không là ngoại lệ. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nhóm 2B3 xin lựa chọn đề tài: Hãy khảo sát sự biến động của giá gạo trên thị trường Việt Nam, từ đó làm rõ nguyên nhân và một số giải pháp của Nhà nước nhằm bình ổn giá của mặt hàng đó ở Việt Nam.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN
Cơ sở của việc quyết định giá cả của hàng hóa
Giá cả của hàng hóa chính là biểu hiện bằng tiền của giá trị của hàng hóa đó.
Cơ sở của việc quyết định giá cả của hàng hóa trên thị trường chính là cơ sở giá trị của sản phẩm đó.
Cơ sở giá trị của sản phẩm được thể hiện qua quy luật giá cả.
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa, quy luật yêu cầu việc sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Trong sản xuất, quy luật giá trị buộc người sản xuất phải làm sao cho mức hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp với mức hao phí lao động xã hội cần thiết, có như thế người sản xuất mới tồn tại được.
Bên cạnh đó, trong trao đổi và lưu thông thì cần thực hiện theo nguyên tắc trao đổi ngang giá.
Tác động của quy luật giá trị lên giá cả của sản phẩm:
Thứ nhất, việc thu hút hàng hóa từ nơi có giá cả thấp đến nơi có giá cả cao từ đó làm bình ổn giá cả của các mặt hàng, tránh sự chênh lệch quá lớn về giá cả giữa các vùng trong nước.
Thứ hai, kích thích cải tiến kỹ thuật, công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Sự biến động của giá cả hàng hóa
Trên thực tế, thị trường không phải lúc nào giá cả cũng phù hợp với giá trị mà nó vẫn thường xuyên biến động do tác động của nhiều nhân tố, trong đó, cạnh tranh, cung – cầu và sức mua của đồng tiền là những nhân tố ảnh hưởng chủ yếu.
Trước tiên cần phải hiểu biến đổi giá cả hàng hóa là như thế nào. Biến đổi giá cả của hàng hóa được hiểu là hiện tượng giá cả của hàng hóa trên thị trường không bằng với giá trị của nó.
Giá cả của hàng hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của ba nhân tố đó là:
a. Quy luật cạnh tranh.
Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh nhằm giành được những yếu tố thuận lợi để sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu lợi nhuận kinh tế cao nhất. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có hai kiểu là phi giá cả và cạnh tranh giá cả.
Trong phạm vi bài luận này, ta chỉ nhắc đến cạnh tranh giá cả, đó chính là việc các doanh nghiệp giảm giá cả của các mặt hàng để tăng sức mua của người tiêu dùng. Trong khi giá trị, giá trị sử dụng của các mặt hàng là như nhau thì doanh nghiệp nào bán bán hàng với giá rẻ hơn sẽ thu hút khách hàng và vì thế lợi nhuận thu về vẫn cao. Để có thể cạnh tranh được, các doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng máy móc, cải tiến kỹ thuật, công nghệ từ đó hạ giá thành sản phẩm để thu hút người mua. Ngược lại, nếu như không có chiến lược hạ giá phù hợp thì sẽ làm cho người mua không yên tâm về chất lượng sản phẩm, sức mua có thể giảm sút. Qua đó cho thấy ngay trong quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị vẫn thể hiện sự tác động của nó.
b. Quy luật cung cầu
“Cầu” là nhu cầu có khả năng thanh toán, nhu cầu được đảm bảo bằng số lượng tiền lương ứng. Quy mô của cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, lãi suất, thị hiếu của người tiêu dùng,… mà trong đó giá cả hàng hóa là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
“Cung” là tổng số hàng hóa có khả năng cung cấp được cho thị trường, cung biểu hiện kết quả sản xuất dưới hình thức hàng hóa nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào những yếu tố khác như số lượng, chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất,… và quan trọng nhất là giá cả hàng hóa.
Nếu Cung = Cầu thì giá cả = giá trị.
Nếu Cung > Cầu thì giá cả < giá trị.
Nếu Cung giá trị.
c. Sức mua của đồng tiền
Sức mua của đồng tiền là giá trị của đồng tiền, là đồng tiền mất giá hay có giá, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả của hàng hóa. Giá cả hàng hóa là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa. Nếu chúng ta chỉ dùng vàng hay bạc làm đồng tiền chung thì chúng có khả năng thích ứng tự phát với số lượng tiền cần thiết trong lưu thông, nếu số lượng tiền vàng hay bạc lớn hơn số tiền cần thiết cho lưu thông thì iệc cất trữ tăng lên và ngược lại, nhưng việc lưu thông hàng hóa ngày càng mở rộng, đòi hỏi đồng tiền lưu thông linh hoạt hơn, vì thế chúng ta phát hành tiền giấy. Tiền giấy không có giá trị thực mà nó biểu hiện cho giá trị của lượng tiền vàng hay bạc mà nó tượng trưng, nếu như số lượng tiền giấy đưa vào vượt quá lượng tiền lưu thông cần thiết sẽ dẫn đến hiện tượng lạm phát và biểu hiện của lạm phát là mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế tăng lên đặc biệt là giá cả của mọi hàng hóa đều tăng cao.
II. KHẢO SÁT BIẾN ĐỘNG GIÁ GẠO TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM.
Tình hình giá gạo trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Thông tin giá gạo xuất khẩu tăng cao đã tác động không nhỏ đến giá gạo bán lẻ trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số đại lý gạo đã ngay lập tức điều chỉnh báo giá mỗi bịch 5 kg gạo tẻ tăng 3000 – 10000 đồng. Thậm chí giá nếp nhập từ Thái Lan lên tới hơn 30.000 đồng/kg, tăng 8000 đồng; nếp thơm giá 60.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng so vơi thời gian trước đây.
Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực TP.HCM (FOOCOSA), cho biết giá gạo trong nước tăng là do giá nguyên liệu tăng, ước chừng tăng 300 đồng/kg so với trước. Cụ thể, gạo nguyên liệu loại một (loại 5% tấm) giá 7.000-7.100 đồng, nay tăng lên 7.450 đồng/kg; gạo thường tăng lên 7.350 đồng/kg. Ngoài ra, hiện nay nguồn cung gạo trong nước khan trong khi một số nước đẩy nhanh thu mua như Iraq (mua 60.000 tấn), Cuba (mua 200.000 tấn)… Đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp trong nước phải giao hàng.
Tại buổi họp báo chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, tình hình gạo trong và ngoài nước trong thời gian qua có biến động. Cuối tháng 7, đầu tháng 8, gạo ở TP HCM tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng mỗi kg. Trong một tuần qua, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 3.500 đồng mỗi kg vọt lên 5.500 đồng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 20-30 USD mỗi tấn. Từ tháng 4 đến tháng 7, Trung Quốc đã nhập khẩu 600.000 tấn gạo của Việt Nam.
Các đại lý gạo trong thành phố Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc và cả phía Nam đồng loạt nhích giá 500-3.000đồng/kg khiến người dân xuất hiện tâm lý mua gạo về tích trữ. Các doanh nghiệp kinh doanh gạo và một số tiểu thương cho biết: trong sự gia tăng giá chung đó, giá gạo tăng cao nhất là gạo thơm, có lúc tăng 3000đồng/kg, còn lại đều dao động ở mức 1.000 đến 3.000đồng/kg…
Nguyên nhân khiến giá gạo biến động.
Sự biến động giá gạo trên thị trường nước ta trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
Thứ nhất, do quan hệ cung – cầu có sự mất cân đối.
Diễn biến thất thường của thời tiết là một yếu tố tạo nên sự mất cân bằng này.
- Hoạt động sản xuất bị chi phối trực tiếp bởi thiên tai, nhất là hạn hán và lũ lụt. Ở nước ta hiện nay, diện tích đất bị khô hạn ước tính đã lên tới trên 100.000 ha, năng suất vụ hè thu năm nay dự đoán sẽ thấp hơn so với vụ trước. Hơn nữa, vì lo ngại trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, dẫn đến xu hướng thu mua, tích trữ gạo dẫn đến biến động giá gạo, tăng bất thường trong thời gian ngắn.
- Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của nước ta những năm gần đây càng ngày càng bị thu hẹp. Tỉ lệ mất đất nông nghiệp lên đến 0.4%; dự báo trong năm 2010 nước ta mất khoảng 170.000 ha đất nông nghiệp. Diện tích đất đất trồng lúa chiếm 4 triệu ha trên tổng số hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp nhưng diện tích này đang ngày càng bị thu hẹp với tỉ lệ rất cao 1% / năm.
- Còn trên thế giới, những biến động về giá lương thực ở các nước xuất khẩu lương thực lớn ( Trung Quốc, Thái Lan…) cũng như các nước khác đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho giá gạo ở Việt Nam. Theo ông Trịnh Văn Tiến – Trưởng phòng Phân tích ngành hàng, Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng việc giá gạo biến động như thời gian qua có thể xuất phát từ việc đầu cơ tích trữ gạo của các thương lái Trung Quốc. Trong quý I/2010, tại Trung Quốc hạn hán đã xảy ra trên địa bàn ba tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Sau hạn hán, lại tiếp tục gánh chịu đợt lũ lụt diễn ra trong tháng 7 tại 8 tỉnh thành phố, trong đó có vựa lúa tại tỉnh Hồ Nam và Giang Tây đã làm giảm sản lượng lúa. Theo báo cáo của Trung tâm thông tin dầu và ngũ cốc quốc gia (CNGOIC), sau 2 đợt thiên tai vừa qua sản lượng gạo của Trung Quốc giảm 1,2 triệu tấn. Chính vì vậy mà giá gạo ở Trung Quốc tăng đột biến. Giá gạo trên thị trường tự do của Trung Quốc tại một số nơi đã có sự chênh lệch khá cao với giá gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Các thương lái Trung Quốc chủ động thu mua gạo từ Việt Nam và một số nước khác để đáp ứng giải quyết nhu cầu lương thực đồng thời người nông dân nước ta, vì cuộc sống nghèo đói bấp bênh cũng bán gạo tràn lan sang Trung Quốc để được giá cao. Tương tự, tại Pakistan, tính từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2010, đã xuất khẩu được 2,8 triệu tấn gạo, tương đương 1,4 tỷ USD so với 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, Pakistan đã phải đối mặt với trận lụt lớn nhất trong vòng 80 năm trở lại đây, ước tính 2,6 triệu acres (khoảng xấp xỉ 1,1 triệu ha) đất nông nghiệp bị ngập nước, 14 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận lụt và 6-7 triệu người trong số đó cần lương thực khẩn cấp. Hiện chưa có thông tin chính thức về sản lượng bị giảm, nhưng do không kịp đối phó với lũ lụt, đã có khoảng 500 ngàn tấn gạo bị ngập nước. Các dữ kiện này cho thấy, Pakistan bị giảm sản lượng không dưới 1 triệu tấn gạo trong vụ lúa này.
Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu lương thực đứng hàng đầu thế giới (Ấn Độ, Thái Lan, …) vì những nguyên nhân khách quan như thiên tai, mất mùa, nội chiến… cũng tự động hạn chế xuất khẩu gạo ra nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Mà hiện nay nhu cầu lương thực từ các nước không sản xuất được lương thực cũng như thiếu lương thực đang ở mức rất cao. Điển hình là Xingapo, Philipin, Afganistan, Congo, Angola…
Lương thực sản xuất ra trước hết phải đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước rồi phần dư mới dành để xuất khẩu. Việc gạo Việt Nam bị bán tràn lan sang Trung Quốc gây nguy cơ cho trình trạng mất ổn định lương khố quốc gia, làm cho giá gạo trên thị trường Việt Nam biến động liên tục.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa khiến quan hệ cung – cầu có sự mất cân đối lớn. Nguyên nhân đó xuất phát ngay từ đầu vào và đầu ra của gạo. Trước và trong khi gieo trồng, để đảm bảo sản phẩm có năng suất cao cũng có những tính năng ưu việt chống chịu thiên tai, sâu bệnh, người nông dân cần chọn giống, phân bón, lo dẫn nước tưới tiêu… Tiền vốn bỏ ra mua giống mới, phân bón tốt… đương nhiên không hề nhỏ, hơn nữa những mặt hàng này gần đây cũng thường xuyên tăng giá. Như vậy vô hình chung, giá gạo ngay từ khi gạo chưa thu hoạch đã được dự tính sẽ có sự biến động. Tiếp đó, đến khi thu hoạch, các doanh nghiệp thu mua gạo nhưng không trực tiếp thu mua từ người nông dân mà thông qua trung gian, các thương lái đẩy giá gạo một lần nữa tăng thêm. Đầu ra của giá gạo cũng vô cùng bấp bênh dựa theo nhu cầu của thị trường. Nếu năm đó được mùa thì gạo mất giá, nếu mất mùa thì y như rằng giá cả tăng vọt.
Thứ hai, nguyên nhân của biến động giá gạo là do ảnh hưởng của quy luật cạnh tranh. Trong nội bộ ngành một số cá nhân, tổ chức vì lợi ích riêng trước mắt mà cố tình tung tin đồn gây tâm lý hoang mang cho người dân, làm xáo trộn thị trường. Các doanh nghiệp thu mua tranh nhau đầu cơ tích trữ gạo, đợi thời điểm giá gạo tăng cao bán ra nhằm thu lợi nhuận lớn. Việc làm này góp phần làm cho thị trường gạo càng trở nên “loạn” hơn.
Thứ ba không thể không kể đến là ảnh hưởng từ sức mua của đồng tiền. Chỉ số giá tiêu dùng CPI gần đây tăng cao, đặc biệt trong tháng 11/2010 chỉ số CPI tăng 1,86% so với tháng 10, tăng 11,9% so với tháng 9/2009. Giá vàng có nhiều biến động mạnh làm các mặt hàng tăng giá kéo theo sự tăng của giá gạo. Hơn nữa, tình trạng lạm phát của nước ta hiện nay cũng đang ở mức cao, dự báo năm nay sẽ lên đến 2 con số .Tiền Việt Nam thời gian gần đây xuống giá nghiêm trọng so với các đồng tiền khác trên thế giới (tỉ giá USD tháng 11/2010 đã tăng 6,63% so vói tháng 10 ).
Thứ 4, ảnh hưởng của giá các loại mặt hàng khác như xăng, dầu,… Trong tháng 8 năm 2010, giá bán lẻ các loại xăng tăng 410 đồng/lít; diezel tăng 350 đồng/lít; dầu hoả tăng 400 đồng/lít. Với mức điều chỉnh này, giá mới của các mặt hàng xăng dầu như sau: xăng không chì A95 là 16.900 đồng/lít, xăng không chì A92 là 16.400 đồng/lít; diezel 0,05S là 14.750 đồng/lít; diezel 0,25S là 14.700 đồng/lít; dầu hoả là 15.100 đồng/lít. Giá năng lượng tăng cao dẫn đến chi phí vận tải cũng tăng theo. Bên cạnh việc giá dầu tăng cao thì giá phân bón cũng tăng. Như vậy chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng làm cho giá nông sản phải tăng lên để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân.
Biện pháp bình ổn giá
Bộ Tài chính đã xây dựng đề án hỗ trợ người sản xuất lúa gạo. Theo kiến nghị của Bộ Tài chính, Nhà nước can thiệp vào thị trường bằng những biện pháp gián tiếp, hỗ trợ thị trường để giá thị trường vận động theo mục tiêu định hướng, ngăn ngừa giá hạ thấp quá mức hoặc tăng quá cao một cách không hợp lý. Cụ thể là:
Thứ nhất, hỗ trợ người nông dân từ A –Z. Bắt đầu từ việc hỗ trợ qua giá “đầu vào” là hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để mua giống lúa, phân bón… Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các hộ trồng lúa vụ hè thu. Nhà nước lựa chọn một số vật tư nông nghiệp chủ yếu quy định giá bán cho nông dân không lấy lãi, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh các loại vật tư này để các doanh nghiệp bán hàng cho nông dân theo giá thấp hơn giá thị trường.
Còn về hỗ trợ giá “đầu ra”, phương án đáng chú ý là khi vào vụ thu hoạch, nếu giá thị trường xuống, Chính phủ giao cho Ngân hàng NN&PTNT thông qua các công ty lương thực và chính quyền địa phương tính toán cấp cho người trồng lúa vay số tiền nhất định (khoảng 50% tổng chi phí sản xuất) với mức lãi suất chỉ bù đắp đủ chi phí hoạt động của ngân hàng (không tính thuế, lãi…) để lấy tiền chi dùng phục vụ đời sống và chu kỳ sản xuất tiếp theo. Khi giá thị trường lúa xuống thấp hơn giá sàn là nhà nước công bố và yêu cầu doanh nghiệp mua theo giá sàn định hướng với hỗ trợ 100% lãi suất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm đầu ra cho lúa gạo. Hiện nay trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo, cần thực hiện tốt việc liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).
Thứ hai là lập quỹ bình ổn lúa gạo: Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép hình thành quỹ bình ổn giá lúa gạo từ một phần lợi nhuận của gạo xuất khẩu để có nguồn lực hỗ trợ bình ổn giá lúa gạo ở trị trường trong nước, để trực tiếp bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn định hướng. Theo tính toán, một năm mức hỗ trợ của quỹ cần khoảng 1.000 tỉ đồng. Năm đầu hình thành quỹ mà doanh nghiệp bị lỗ thì cần phải có đề nghị tạm vay ngân sách để bù lỗ, khi quỹ hình thành thì hoàn trả ngân sách.
Trong điều kiện thị trường lúa, gạo luôn có những biến động thì chính sách trợ giúp người sản xuất và lập quỹ bình ổn giá lúa, gạo là cần thiết nhằm giúp người nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp yên tâm thu mua. Từ đó, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực này, bảo đảm nhiều mục tiêu, cả ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp Lệnh Giá và kịp thời triển khai thực hiện để đưa công tác quản lý giá vào nề nếp. Mặt khác, Bộ Tài chính còn phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tính toán giá thành các sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế, kể cả các chi phí liên quan tới cước, cảng biển, vận tải, kho hàng... nhằm tăng cường công tác quản lý kinh tế có hiệu quảp).
Tuy nhiên, cùng với chính sách hỗ trợ như vậy, để ổn định thị trường lúa, gạo trong nước, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác để bảo đảm tính bền vững: giúp nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư hợp lý để có lãi ngay cả khi giá lúa, gạo trên thị trường xuống thấp. Hiệp hội lương thực và các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho nông dân, giúp họ xem xét "mua gì, bán gì", ở đâu có lợi nhất... Về phía doanh nghiệp, cần sắp xếp hệ thống thu mua lúa của người sản xuất và đẩy nhanh tiến độ xây kho tạm trữ lúa để chế biến gạo xuất khẩu, tạm trữ cho đến khi xuất khẩu hết số lúa hàng hóa, không để xảy ra tình trạng mà người nông dân thường gặp là mất mùa được giá, còn được mùa thì rớt giá.
Ngoài ra, phải đảm bảo sự kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh bằng những bộ luật quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng tới lợi ích của xã hội mà trước hết là của người tiêu dùng, phát triển kinh tế để nâng cao năng lực, thế mạnh của đồng tiền. Theo đó, Liên Bộ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát không để các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng sự biến động của thị trường để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý. Trong trường hợp phát hiện các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về giá (không niêm yết, niêm yết sai hoặc kê khai đăng ký cao hơn chi phí…) sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới sẽ giúp chúng ta hoàn thiện và đa dạng hóa các phương pháp bình ổn giá gạo. Như kinh nghiệm tại Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới: đối với đầu ra của sản xuất lúa gạo, Thái Lan đã thực hiện chương trình can thiệp giá gạo để hỗ trợ nông dân trong nước nhằm vừa tránh cho nông dân khỏi bị mua ép giá vào vụ thu hoạch, vừa đảm bảo cho chính phủ chủ động trong điều tiết thị trường nội địa và xuất khẩu. Chính phủ Thái Lan ấn định giá sàn thỏa đáng và sử dụng ngân sách mua lúa, gạo cho nông dân vào các vụ thu hoạch để tạm trữ. Sau đó chính phủ sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để mở kho tạm trữ, bán đấu giá cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo. Các ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã thuộc sở hữu nhà nước cam kết cung ứng các khoản vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ theo mức giá do chính phủ quy định.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Như vậy, việc phân tích thế giới quan dưới góc độ triết học góp phần giúp chúng ta tìm ra được nguyên nhân chủ yếu nhất của việc biến động giá cả và từ đó đề ra những giải pháp để bình ổn thị trường. Một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay là an ninh lương thực đặc biệt là gạo. Chính vì thế, việc khảo sát và tìm ra biện pháp bình ổn giá gạo đặc biệt là trong thời điểm chúng ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới như hiện nay sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế từng bước phát triển vững chắc để đảm bảo an ninh lương thực cho một đất nước được coi là đông dân cũng như có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.