Đề tài Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam

Một trong những vấn đề cơ bản và cấp bách đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong công cuộc đổi mới hiện nay đó là việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong bộ máy Nhà nước, cán bộ, công chức phải thật sự là công bộc tận tuỵ phục vụ nhân dân. Pháp luật cán bộ, công chức là một hệ thống những QPPL điều chỉnh các quan hệ xã hội về cán bộ, công chức. Quy định vị trí vai trò của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước; quy định chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức; quy định việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ sẽ phát sinh cả quyền lợi và nghĩa vụ từ hai phía là nhà nước và cán bộ công chức. Để điều chỉnh được mối quan hệ này thì phải có pháp luật cán bộ, công chức. Do đó, pháp luật cán bộ, công chức có vai trò hết sức quan trọng trong cả quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Pháp luật cán bộ, công chức là phương tiện để thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy Nghị quyết Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: Xây dựng và ban hành văn bản pháp quy về chế độ công vụ, công chức. Định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thẩm quyền, quyền lợi và kỷ luật công chức hành chính. Quy định các chế độ đào tạo, tuyển dụng, sử dụng công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vừa có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, vừa giác ngộ về chính trị có tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, công tâm, vừa có đạo đức liêm khiết khi thi hành công vụ [13, tr.132]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX lại tiếp tục khẳng định: Hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ, công chức, bảo đảm tính nghiêm túc, trung thực trong thi tuyển cán bộ, công chức trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh tiêu chuẩn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức kịp thời thay thế cán bộ, công chức yếu kém, thoái hoá. Tăng cường cán bộ, có chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn [14, tr.135]. Điều đó khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của pháp luật CBCC. Trên cơ sở định hướng từ các văn bản, nghị quyết của Đảng, nhà nước ta đã ban hành nhiều VBQPPL tạo thành một hệ thống pháp luật CBCC mà bước đột phá đầu tiên là việc UBTVQH ban hành pháp lệnh CBCC ngày 26/02/1998. Sau một thời gian thực hiện pháp lệnh CBCC năm 1998 bộc lộ một số hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC. Do đó, UBTVQH đã ban hành pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2002 và hiện nay là pháp lệnh CBCC sửa đổi, bổ sung năm 2003. Trong suốt cả quá trình từ khi thành lập nước VNDCCH cho đến hiện nay pháp luật CBCC nói chung và pháp lệnh CBCC nói riêng đã phần nào bám sát các nhiệm vụ chính trị, đã cụ thể hoá được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác cán bộ. Ngay sau khi thành lập nước VNDCCH Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 76/SL ban hành quy chế công chức Việt Nam mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh, quy chế không được áp dụng nhưng nó vẫn có giá trị cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cán bộ, công chức sau này. Trong điều kiện đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh các VBQPPL về cán bộ, công chức là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà nước quản lý có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức. Do đó, pháp luật cán bộ, công chức thời kỳ này có tác dụng huy động được đông đảo cán bộ, công chức tham gia vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH đồng thời đóng góp công sức vào công cuộc giải phóng miền Nam. Trong hơn 20 năm đổi mới, pháp luật cán bộ, công chức đã có bước phát triển nhất định xuất phát từ đường lối đổi mới và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Có thể khẳng định rằng, pháp luật cán bộ, công chức qua các thời kỳ lịch sử đã theo kịp tiến trình đổi mới toàn diện của đất nước tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức cán bộ, công chức ngày càng trưởng thành, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ góp phần vào công cuộc cải cách hành chính và xây dựng BMNN Việt Nam trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, pháp luật cán bộ, công chức trong các thời kỳ lịch sử cũng như hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế như: Số lượng các VBQPPL về cán bộ, công chức được ban hành khá nhiều nhưng hiệu lực pháp lý không cao; pháp luật còn thiếu tính ổn định chưa tương xứng với yêu cầu của một nền công vụ hiện đại; pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn còn tản mạn, chắp vá; hệ thống các VBQPPL còn thiếu tính đồng bộ, nhiều chồng chéo, không thống nhất. Vì vậy, pháp luật cán bộ, công chức qua các giai đoạn lịch sử vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên. Mục tiêu chung của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”. Một trong những mục tiêu cụ thể của chương trình là hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì thế, việc đổi mới hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước là một yêu cầu cần thiết. Mặt khác, chúng ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên của tổ chức thương mại Thế giới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ngoài phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ còn phải có trình độ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, am hiểu luật pháp và thông lệ quốc tế được trang bị kiến thức về hội nhập đòi hỏi pháp luật cán bộ, công chức phải được hoàn thiện theo xu hướng đó. Xuất phát từ những lý do như trên mà tác giả đã chọn đề tài “Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay”, để nghiên cứu, viết luận văn thạc sĩ luật học.

doc107 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2105 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan