Đề tài Một số biện pháp phát triển thị trường xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020
Như vậy với những nghiên cứu trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên tăng trưởng xuất khẩu là con đường đúng đắn đưa nền kinh tế Việt Nam “cất cánh” và thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí MInh là một Việt Nam phát triển cùng sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Nhưng trên thực tế con đường chúng ta đi không phải là một con đường dễ dàng. Cùng với những thành tích mà chúng ta đã đạt được, với kinh nghiệm thực tiễn của đất nước và các nước trên thế giới sẽ giúp cho Việt Nam vững bước đi lên. Thực tế trong những năm qua đã cho chúng ta thấy rõ sự chuyển đổi của nền ngoại thương Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng sang cơ chế thị trường, mở cửa đa phương, đa chiều các quan hệ thị trường, bạn hàng theo thông lệ quốc tế, từng bước xoá bỏ nguyên tắc “Nhà nước độc quyền quản lý ngoại thương” bằng các chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển một nền ngoại thương nhiều thành phần và thực hiện tự do hoá thương mại. Chính vì thế xuất khẩu Việt Nam đã có những tiến triển vượt bậc, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thời gian qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng đã không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc đòi hỏi phải có biện pháp tháo gỡ trong trước mắt và lâu dài. Trong giai đoạn từ nay đến 2010 Việt Nam phải lựa chọn cho mình chiến lược ngoại thương đúng đắn, phát huy có hiệu quả cao nhất các lợi thế so sánh của đất nước trong quá trình mở cửa, hợp tác phân công lao động và phát triển thương mại quốc tế. Trong khoá luận này, tác giả cũng đã đưa ra một số giải pháp cho việc phát triển thị trường xuất khẩu của Việt nam theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước đã chỉ ra trong Đại hội Đảng lần thứ IX.