*Luật Cạnh tranh của Việt Nam quan niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm các “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng” (Điều 3 Khoản 4). Tiếp theo đó, Điều 39 Luật Cạnh tranh Việt Nam quy định rõ một số loại hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, quảng cáo và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác do Chính phủ quy định thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh.
Trong 3 cách quan niệm kể trên, theo cách quan niệm thứ nhất, lượng hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ là rộng lớn nhất. Tuy nhiên, cách quan niệm như vậy có thể sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong cơ chế xử lý giữa hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hai loại hành vi này có những đặc điểm khác biệt về bản chất rất khó trộn lẫn với nhau. Hành vi hạn chế cạnh tranh thường đòi hỏi doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp vi phạm phải có vị thế nhất định trên thị trường – hay trong ngôn ngữ khoa học kinh tế, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp phải có “quyền lực thị trường” - khả năng chi phối, lũng đoạn thị trường nhất định và dựa trên năng lực này, doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thậm chí, chính các doanh nghiệp nhỏ lại có xu hướng thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách nhái nhãn mác, “ăn theo” vị thế của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
13 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2524 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
1.Quan niệm khác nhau về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. ***** *
Hiểu theo nghĩa rộng, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm tất cả hành vi xâm hại tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, xâm hại tới quyền tự do cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Theo cách quan niệm này, các hành vi hạn chế cạnh tranh (nhất là các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh) cũng thuộc vào phạm trù “cạnh tranh không lành mạnh”[3].
Theo quy định về “cạnh tranh không lành mạnh” của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp[4] (Điều 10bis - được bổ sung vào Công ước từ năm 1900) thì bất cứ hành vi nào không trung thực trong hoạt động thương mại và công nghiệp đều bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
*Luật Cạnh tranh của Việt Nam quan niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm các “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng” (Điều 3 Khoản 4). Tiếp theo đó, Điều 39 Luật Cạnh tranh Việt Nam quy định rõ một số loại hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, quảng cáo và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác do Chính phủ quy định thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh.
Trong 3 cách quan niệm kể trên, theo cách quan niệm thứ nhất, lượng hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ là rộng lớn nhất. Tuy nhiên, cách quan niệm như vậy có thể sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong cơ chế xử lý giữa hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hai loại hành vi này có những đặc điểm khác biệt về bản chất rất khó trộn lẫn với nhau. Hành vi hạn chế cạnh tranh thường đòi hỏi doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp vi phạm phải có vị thế nhất định trên thị trường – hay trong ngôn ngữ khoa học kinh tế, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp phải có “quyền lực thị trường” - khả năng chi phối, lũng đoạn thị trường nhất định và dựa trên năng lực này, doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thậm chí, chính các doanh nghiệp nhỏ lại có xu hướng thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách nhái nhãn mác, “ăn theo” vị thế của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Cách quan niệm thứ hai như trong Công ước Paris có phần hẹp hơn, chủ yếu hướng tới các hành vi mang tính chất gian dối trong hoạt động thương mại, không bao hàm một số hành vi thường cũng được coi là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật của nhiều quốc gia như hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, xâm phạm bí mật kinh doanh (bí mật thương mại) v.v. Các nước, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của mình đều có cách quan niệm riêng nhưng nói chung đều dựa trên các quy định của Công ước Paris.
Cách quan niệm như Luật Cạnh tranh Việt Nam có phần hẹp hơn cách quan niệm thứ nhất nhưng lại rộng hơn cách quan niệm thứ hai đã nêu ở trên. Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh điều kiện kinh tế, kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật như Việt Nam, phạm vi các hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh như quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh là tương đối phù hợp, mặc dù có một số hành vi như "phân biệt đối xử của hiệp hội" và "bán hàng đa cấp bất chính" khi xếp vào nhóm các hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” có thể còn có phần khiên cưỡng.
2. Bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh***
Xét từ giác độ kinh tế thì* bản chất hành vi cạnh tranh không lành mạnh về căn bản là các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác hoặc làhành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.
Hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác, chẳng hạn bằng cách chiếm đoạt các bí mật thương mại (vốn là các tài sản mà đối thủ cạnh tranh đã phải đầu tư rất nhiều công sức mới có được) hoặc hành vi nhái nhãn mác, kiểu dáng, thương hiệu, tạo sự nhầm lẫn trong khách hàng gây thiệt hại trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh.
Hành vi hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác như gièm pha đối thủ cạnh tranh, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác v.v. khiến cho đối thủ cạnh tranh bị mất uy tín, mất thời gian công sức để xử lý các vấn đề mới phát sinh cũng gây ảnh hưởng trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh.
Hành vi tạo ưu thế cạnh tranh giả tạo thông qua việc quảng cáo gian dối, nhái thương hiệu, kiểu dáng sản phẩm của doanh nghiệp khác v.v. vừa trực tiếp gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh lại vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Có thể nói, thực hiện 3 loại hành vi kể trên, là một “con đường tắt” để chiến thắng trong cạnh tranh.
Doanh nghiệp thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là các doanh nghiệp “ăn không” (free riding), hưởng thành quả mà không nhờ các nỗ lực vươn lên của mình. Sản phẩm của kiểu cạnh tranh này không khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, chân chính tồn tại mà ngược lại trở thành mảnh đất tốt cho các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không chân chính tồn tại. Khi đó cả người tiêu dùng và xã hội sẽ bị thiệt hại.
3. Thực trạng xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay*
Cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế cơ bản của nền kinh tế thị trường. Đảm bảo cạnh tranh tự do và công bằng thường được coi là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, cạnh tranh bao giờ cũng là thứ áp lực rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Để chống lại đối thủ cạnh tranh, duy trì sự tồn tại, mở rộng thị trường, thu nhiều lợi nhuận, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sử dụng phương pháp cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Thay vào đó, nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng cả các thủ đoạn cạnh tranh bị coi là “xấu”, là “không đẹp” hay nói cách khác là “không lành mạnh”. Thậm chí tình trạng làm hàng giả cũng diễn ra một cách hết sức phức tạp[5].
Kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhất là khi áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày một lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chứng kiến sự tồn tại của nhiều loại hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh. Trong số các hành vi đó phải kể đến các dạng hành vi như: “gây nhầm lẫn cho khách hàng” (bằng cách nhái nhãn mác, ăn theo các thương hiệu nổi tiếng: chẳng hạn Lavie và La Ville, Lavier, Lavige v.v.; xe máy WAVE và WAKE UP, WASE, WAYTHAI*; DREAM và DEALIM, DLEAM; thuốc cảm cúm Decolgen, Decoagen v.v.); “quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh” (vụ dây cáp điện CADIVI và CADISUN); “Hành vi gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ cạnh tranh”(chẳng hạn tin đồn rằng ăn bột ngọt (mì chính) của hãng bột ngọt Ajinomoto là “gây ung thư”. Ăn nước mắm Chinsu “gây ung thư”, trong bia BIGI (Tiền Giang) có ruồi, trong chai bia Tiger có gián, băng vệ sinh P&G có chất amiăng gây hại cho người sử dụng v.v.); “Bán hàng đa cấp bất chính”(công ty TGM).
Tuy nhiên, hiện tại việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh kể trên nói chung còn hết sức khiêm tốn. Điều này có nguyên nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
4. Một số kiến nghị
Trong thời gian qua, để triển khai Luật Cạnh tranh cũng như các quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24-08-2005*về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15-09-2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh; Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30-09-2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định 05/2006/NĐ-CP ngày 09-01-2006*về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh; Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.
Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, vẫn còn nhiều vấn đề về mặt pháp lý cần phải được hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại*
Luật Cạnh tranh tuy có quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng chỉ mới điều chỉnh các hành vi này bằng mệnh lệnh hành chính. Vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra không được quy định cụ thể mà Luật lại dẫn chiếu đến pháp luật dân sự (Điều 117 Luật Cạnh tranh).
Như vậy, vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được áp dụng theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 2005.
Để cho các quy định về bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh triển khai được trong thực tế rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích từ các cơ quan có thẩm quyền (nhất là từ phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Thương mại). Trong các vấn đề ấy, cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
- Xác định rõ chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra?
Theo thông lệ chung của các nước, đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể tiến hành khởi kiện chủ yếu là các đối thủ cạnh tranh. Vậy nên chăng, pháp luật nước ta quy định rõ về vấn đề này.
- Những loại chế tài dân sự nào có thể áp dụng cho chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm, chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trong đó có Tòa án) áp dụng một trong các hình thức sau: a) công nhận quyền dân sự; b) buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; đ) buộc bồi thường thiệt hại.
Bởi vậy, cần xác định rõ những loại chế tài nào sẽ được áp dụng cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Về mức bồi thường thiệt hại và xác định mức bồi thường thiệt hại.
Vấn đề xác định mức bồi thường thiệt hại thực tế do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra luôn là vấn đề phức tạp.
Để đơn giản hóa, pháp luật một số quốc gia đã đưa ra quy tắc, lợi nhuận thu được của chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ đương nhiên thuộc về chủ thể bị cạnh tranh không lành mạnh[6]. Đây cũng là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam nên tham khảo và có chính sách rõ ràng về vấn đề này.
Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, Nhà nước cần ban hành văn bản quy định rõ về vấn đề này.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật hình sự để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Kinh nghiệm xây dựng pháp luật của một số quốc gia công nghiệp phát triển cho thấy một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nguy hại không chỉ cho đối thủ cạnh tranh mà còn gây thiệt hại tới người tiêu dùng và trật tự quản lý kinh tế trong xã hội. Chính vì thế, việc xử lý hình sự đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết.
Hiện tại Bộ luật hình sự năm 1999 của Việt Nam đã bước đầu có quy định việc xử lý hình sự đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh như tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158), tội lừa dối khách hàng (Điều 162), tội quảng cáo gian dối (Điều 168).
Tuy nhiên, còn nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà pháp luật nhiều quốc gia quy định là tội phạm mà Bộ luật hình sự của Việt Nam chưa quy định trong đó có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, hoạt động tình báo công nghiệp v.v.
Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, hành vi chiếm đoạt bí mật kinh doanh (nhất là hoạt động tình báo công nghiệp) cần phải được nghiên cứu để tội phạm hóa và xử lý bằng biện pháp hình sự. Thêm vào đó, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân áp dụng cho các doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng nên được nghiên cứu để thể chế hóa vào trong pháp luật hình sự Việt Nam.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh
Khoản 1 Điều 115 Luật Cạnh tranh quy định: “Trường hợp không nhất trí với quyết định giải* quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc tòan bộ nội dung của quyết định giải* quyết khiếu nại ra Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền”.
Việc giải quyết đơn kiện tại Toà Hành chính đối với Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện theo pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Vấn đề đặt ra là Toà Hành chính sẽ xem xét lại toàn bộ vụ việc từ đầu, xem xét lại cả nội dung và thủ tục cạnh tranh đã được áp dụng bởi các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh hay chỉ xem xét về mặt hình thức? Giá trị pháp lý của Quyết định giải quyết khiếu nại của Toà án như thế nào? Quyết định có giá trị chung thẩm như kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới hay phải tuân thủ đầy đủ thủ tục từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm? Điều này cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa Cơ quan quản lý cạnh tranh với Toà án trong việc xem xét, giải quyết đơn khởi kiện.
Thứ tư, về sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cạnh tranh với Tòa án trong việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Có một thực tế là ở Việt Nam, Tòa án chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chính vì thế, việc phối kết hợp giữa Tòa án với Cơ quan quản lý cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình xử lý các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là rất cần thiết.
Liệu các kết luận về sự tồn tại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ phía Cơ quan quản lý cạnh tranh có được coi là căn cứ để bên có quyền lợi bị xâm hại tiến hành khởi kiện tại Tòa án về hành vi cạnh tranh không lành mạnh không? Liệu trước Tòa án, khi xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh mà đã có quyết định chính thức của Cơ quan quản lý cạnh tranh có hiệu lực pháp luật thì vấn đề tồn tại hay không tồn tại hành vi trái pháp luật (hành vi cạnh tranh không lành mạnh) có cần phải đưa ra tranh tụng giữa các bên nữa hay không?
Đến nay, Luật Cạnh tranh cũng như các quy định của pháp luật tố tụng ở nước ta chưa quy định vấn đề này mặc dù đây là vấn đề có tính thực tiễn cao. Chúng tôi cho rằng, các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Cơ quan quản lý cạnh tranh về việc tồn tại hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng nên được Tòa án công nhận và trong trường hợp đó, việc tranh tụng trước tòa án về việc tồn tại hay không tồn tại hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không nên được đặt ra.
Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý xử lý vấn đề này, nhằm đơn giản hóa thủ tục và phạm vi tranh tụng trong các vụ kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trước Tòa án, trong thời gian tới, văn bản quy phạm pháp luật quy định vấn đề này cần phải được ban hành.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng doanh nghiệp.
Nội dung tuyên truyền cần giúp các doanh nghiệp nhận diện rõ những hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và quyền khiếu nại, khởi kiện của doanh nghiệp bị xâm hại, các hình thức chế tài có thể được áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Các nội dung khác như trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phạm vi chứng minh, kinh nghiệm xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng cần được tuyên truyền, phổ biến.
Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh cũng nên được đưa thành một nội dung trong công tác đào tạo cử nhân luật, cử nhân kinh tế, thương mại ở nước ta.
Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo cán bộ.
Xử lý cạnh tranh không lành mạnh là những vấn đề pháp lý rất mới ở nước ta. Chính vì thế, trong thời gian tới, Bộ Thương mại cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực tiễn trong vấn đề này (điều tra viên). Hình thức đào tạo cán bộ có thể đa dạng (đào tạo chính quy hoặc ngắn hạn; đào tạo trong nước hoặc đào tạo ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, phía Toà án nhân dân Tối cao cũng cần có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
Đấu tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới rất có kinh nghiệm.
Quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004 cho thấy các nhà lập pháp Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng khi phải đối mặt với lĩnh vực đầy mới mẻ này. Trong bối cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh trong đó có cạnh tranh không lành mạnh là rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới Bộ Thương mại cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và các cán bộ của cơ quan ấy có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.
Tài liệu tham khảo
[3] Luật Cạnh tranh của Mông Cổ .
[4] Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883.
[5] Chẳng hạn, trong một lần “tập kích” hàng giả gần đây ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 7 giờ kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện được 14.383 sản phẩm kem dưỡng da giả mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Rojzy Jiali, Thanh Thảo, Biona, Tosyne.
(Xem: Phục Kích hàng giả - Báo Nhân dân ngày 30/8/2005).
[6] Điều 5 Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.Nguon: Tap Chi Nghe Luat - Hoc Vien Tu Phap
CÁC CHỦ ĐỀ MỚI HƠN CÙNG CHUYÊN MỤC: