Đề tài Một số vấn đề về an ninh lương thực của khu vực ASEAN và Việt Nam được phản ánh qua báo chí những năm gần đây
Trong cuộc sống, để có thể tồn tại và phát triển con người không thể nào sống thiếu lương thực. Việc lo cho mọi người dân có đủ ăn- An ninh lương thực (ANLT) - đã được các quốc gia quan tâm từ rất lâu. ANLT luôn được coi là một yếu tố nền tảng để đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội. Thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, hiện nay vẫn còn có hơn 1/7 nhân loại (khoảng 800 triệu người) đang sống trong cảnh thiếu ăn. Điều đó có nghĩa là cứ bẩy người đang sống thì có một người luôn phải đương đầu với mối lo cái ăn hàng ngày. Chính vì vậy, vấn đề ANLT ngày nay không chỉ còn là nỗi lo riêng của mỗi quốc gia mà nó đã trở nên lớn hơn đó là mối lo chung của toàn thế giới. Với xu hướng đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ tháng 8/1967 cho tới nay (1999) gồm 10 thành viên: Malaysia, Indonesia, Philippine, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Mianmar và Campuchia. Hơn 30 năm tồn tại và hoạt động, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực chính trị, giải quyết các tranh chấp trong khu vực, dần dần nâng cao vị thế của khu vực trên trường quốc tế và với mong muốn nơi đây là khu vực của hoà bình hợp tác hữu nghị và cùng phát triển. Cũng trong mối lo lắng chung của toàn thế giới về tình hình ANLT, các nước trong khu vực ASEAN đã có sự chú trọng tới vấn đề này từ rất sớm. Với xu thế đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế, ngày nay trong khu vực không chỉ có hợp tác về kinh tế - chính trị- văn hoá mà đang diễn ra một lĩnh vực hợp tác mới đó là: cùng hợp tác để đảm bảo ANLT cho riêng mỗi quốc gia và cho cả khu vực. Là một lĩnh vực hợp tác mới : lo ANLT cho toàn khu vực, do đó mỗi quốc gia trong khu vực ngoài việc phải lo ANLT trong nước thì cần phải có sự cố gắng phối hợp rất nhiều thì mới có thể thành công trong lĩnh vực hợp tác mới này. Đối với Việt Nam, một quốc gia có dân số xấp xỉ 80 triệu người với 70- 80% dân số sống bằng nghề nông thì việc đảm bảo ANLT là một vấn đề cực kì quan trọng. Từ trước những năm 90 nước ta luôn thiếu lương thực, hàng năm phải nhập cảng gạo để đảm bảo mức lương thực 13-15 kg/ tháng/ người. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tình hình ANLT của khu vực là một điều rất cần thiết vì qua đó Việt Nam có thể rút ra được những kinh nghiệm bổ ích để đề ra chính sách ANLT cho riêng mình, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp vào kế hoạch đảm bảo ANLT cho toàn khu vực.