Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người. Môi trường có vai trò quan trọng đối với sự sống của con người. Ô nhiễm môi trường tác động xấu đến đời sống vật chất tinh thần của con người và cản trở sự phát triển kinh tế.
Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hoá, mức độ ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tăng. Trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và duy trì tăng trưởng bền vững, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với nước ta mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp chúng ta đã chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế, chưa có điều kiện để đầu tư cải tạo môi trường. Vì vậy, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng đã đến mức báo động.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường như: Miễn giảm thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường; tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; thực hiện các Chương trình quốc gia và quốc tế về bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thoả đáng để xử lý vấn đề môi trường. Bên cạnh những chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường thì Nhà nước cũng có các chính sách để hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như: Xử phạt các vi phạm về ô nhiễm môi trường; thu phí bảo vệ môi trường (phí xăng dầu, phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn.). Tuy đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa làm giảm đáng kể mức độ ô nhiễm môi trường. Do đó, Nhà nước cần có thêm những công cụ hữu hiệu hơn, trong đó, có thuế môi trường.
Chính vì vậy, trong bài tập lớn học kỳ của môn Luật Môi trường này, em đã quyết định chọn đề bài: “Một số vấn đề về vai trò, mục đích, ý nghĩa của thuế môi trường và bình luận về Dự thảo Luật Thuế môi trường”.
11 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2258 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số vấn đề về vai trò, mục đích, ý nghĩa của thuế môi trường và bình luận về Dự thảo Luật Thuế môi trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Lời mở đầu……………………………………...…………………1
I. Vai trò, mục đích và ý nghĩa của Thuế môi trường……………..2
1. Thu thuế môi trường là để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước……………………………………………...…2
2. Thuế môi trường là công cụ kinh tế trong quản lý môi trường…2
3. Thuế môi trường làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường……………………………...…3
4. Thuế môi trường giúp thúc đẩy nhà sản xuất phải đổi mới công nghệ……………………………………………………………..…4
II. Bình luận về Dự thảo Luật Thuế môi trường…………………..4
1. Bố cục và nội dung chính của Dự thảo Luật Thuế môi trường...4
1.1. Bố cục của Dự thảo Luật……………………………….…….4
1.2.Nội dung chính của Dự thảo Luật…………………………….4
2. Những ưu điểm và hạn chế của Dự thảo Luật Thuế môi trường.6
2.1. Ưu điểm của Dự thảo Luật……………………………………6
2.2.Nhược điểm của Dự thảo Luật……………………………...…7
Kết luận……………………………………………………………9
Danh sách tài liệu tham khảo………………………………….…10
LỜI MỞ ĐẦU
Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người. Môi trường có vai trò quan trọng đối với sự sống của con người. Ô nhiễm môi trường tác động xấu đến đời sống vật chất tinh thần của con người và cản trở sự phát triển kinh tế.
Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hoá, mức độ ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tăng. Trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và duy trì tăng trưởng bền vững, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với nước ta mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp chúng ta đã chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế, chưa có điều kiện để đầu tư cải tạo môi trường. Vì vậy, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng đã đến mức báo động.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường như: Miễn giảm thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường; tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; thực hiện các Chương trình quốc gia và quốc tế về bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thoả đáng để xử lý vấn đề môi trường. Bên cạnh những chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường thì Nhà nước cũng có các chính sách để hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như: Xử phạt các vi phạm về ô nhiễm môi trường; thu phí bảo vệ môi trường (phí xăng dầu, phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn...). Tuy đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa làm giảm đáng kể mức độ ô nhiễm môi trường. Do đó, Nhà nước cần có thêm những công cụ hữu hiệu hơn, trong đó, có thuế môi trường.
Chính vì vậy, trong bài tập lớn học kỳ của môn Luật Môi trường này, em đã quyết định chọn đề bài: “Một số vấn đề về vai trò, mục đích, ý nghĩa của thuế môi trường và bình luận về Dự thảo Luật Thuế môi trường”.
Vai trò, mục đích và ý nghĩa của thuế môi trường.
Thu thuế môi trường là để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 về phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, với mục tiêu tổng quát: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo chính sách động viên thu nhập quốc dân, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp Thuế môi trường”. Như vậy, Luật thuế môi trường khi được ban hành cùng các Luật thuế khác như: Luật Quản lý thuế, Luật thuế giá trị giá tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp... sẽ đảm bảo mục tiêu: Xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Chính sách thuế đồng bộ sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng. Áp dụng hệ thống thuế thống nhất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư ổn định, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Thuế môi trường là công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.
Hiện nay ở nước ta chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, tuy Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường. Các biện pháp này được thực hiện thông qua một số loại thuế như Thuế Đất, Thuế Sử dụng đất nông nghiệp, Thuế Tài nguyên, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp và các khoản phí, lệ phí thu đối với các hoạt động liên quan tới môi trường như: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khai thác khoáng sản, chất thải rắn.
Tuy nhiên, các chính sách thuế, phí hiện hành cũng có những hạn chế. Chẳng hạn, trong chính sách thuế hiện hành, mục tiêu bảo vệ môi trường không phải là mục tiêu chính, vì vậy chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường. Vì thế, việc nghiên cứu và ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.
Trong Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường; bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Mà về bản chất thuế bảo vệ môi trường được xem là công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thực hiện theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (The Polluter Pays Principle).
Thuế môi trường làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường.
Thuế môi trường làm tăng giá sản phẩm, hàng hoá. Từ đó, có thể sử dụng thuế để kích thích và điều chỉnh sản xuất và tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường. Đối với cả người tiêu dùng (muốn mua với giá thấp hơn) và nhà sản xuất (bán được nhiều sản phẩm hơn, lợi nhuận cao hơn) thì thuế môi trường sẽ có nhiều tác dụng khuyến khích, điều chỉnh định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường hơn.Với mục đích như vậy sẽ góp phần tiết kiệm cá nhân, tiết kiệm xã hội, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường, giảm chi phí xử lý ô nhiễm.
Thuế môi trường giúp thúc đẩy nhà sản xuất phải đổi mới công nghệ.
Nếu đánh thuế môi trường mà giá nhiên liệu tăng thì điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người. Điều đó có thể dẫn tới việc ra đời của các công nghệ, chu trình và sản phẩm mới.
Rõ ràng thuế môi trường có thể giúp chuyển dịch nền kinh tế theo hướng sử dụng có hiệu quả đối với các loại năng lượng và nguồn lực bằng việc tăng giá sản phẩm tự nhiên. Thuế môi trường có tác động làm thay đổi cả quy mô và cơ cấu của sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, khi các dấu hiệu về giá được dự báo dần dần vượt qua mức giá dự kiến trong kế hoạch dài hạn của nền công nghiệp.
Bình luận về Dự thảo Luật Thuế môi trường.
Bố cục và nội dung chính của Dự thảo Luật Thuế môi trường.
Bố cục của Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật thuế môi trường gồm 5 Chương, 16 Điều, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6).Chương này xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế môi trường.
- Chương II: Căn cứ tính thuế (từ Điều 7 đến Điều 9). Chương này quy định các căn cứ tính thuế, xác định số thuế, Biểu khung thuế môi trường.
- Chương III: Kê khai, tính, nộp thuế môi trường (Điều 10 và Điều 11). Chương này thời điểm tính thuế, kê khai thuế, nộp thuế.
- Chương IV: Hoàn thuế, giảm thuế (Điều 12 và Điều 13).
- Chương V: Điều khoản thi hành (Điều 14, Điều 15 và Điều 16).
Nội dung chính của Dự thảo Luật.
Phần này em sẽ chỉ trình bày những nội dung chính, quan trọng nhất trong Dự thảo Luật.
Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6).
1. Đối tượng chịu thuế:
Dự kiến các hàng hoá sau đây thuộc diện chịu thuế môi trường:
+ Xăng dầu (Xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut).
+ Than
+ Môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (Dung dịch HCFC)
+ Túi nhựa xốp (túi ni lông)
+ Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng
Chương II: Căn cứ tính thuế (Từ Điều 7 đến Điều 9).
1. Căn cứ tính thuế:
Căn cứ tính thuế là số lượng hàng hoá tính thuế và mức thuế tuyệt đối.
2. Số lượng hàng hoá tính thuế:
Được qui định cụ thể đối từng loại hình hàng hoá (hàng hoá sản xuất trong nước, nhập khẩu) để phù hợp với đặc thù của sản xuất hàng hoá, tạo thuận lợi và hạn chế việc phát sinh chi phí trong quản lý thu thuế môi trường.
3. Mức thuế:
Thuế môi trường được qui định theo thuế tuyệt đối để đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm ổn định số thu ngân sách nhà nước (số thu ổn định không phụ thuộc vào sự biến động của giá hàng hoá).
4. Biểu khung thuế môi trường:
- Đối với xăng dầu: Xăng dầu hiện đang thuộc đối tượng chịu phí xăng dầu. Khi đưa xăng dầu vào đối tượng chịu thuế môi trường dự kiến sẽ bỏ thu phí xăng dầu. Vì vậy, mức thuế tối thiểu được qui định bằng với mức phí xăng dầu hiện hành để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng.
- Đối với than: Mức thuế tối thiểu bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành là 6.000 đồng/tấn (tương đương khoảng 1% giá bán). Mức thuế tối đa là 30.000 đồng/tấn (tương đương khoản 5% giá bán).
- Đối với túi nhựa xốp, đây là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng, Chính phủ đề xuất qui định mức thu từ 20.000- 30.000 đồng/kg (tương đương khoảng 100-150% giá bán hiện hành, 1kg túi nhựa xốp khoảng 200 chiếc với giá bán 20.000 đồng/kg).
- Đối với nhóm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng:
Dự thảo Luật quy định mức thuế môi trường từ 500 - 5.000 đồng/kg hoặc lít thuốc cho nhóm thuốc sử dụng trong nông nghiệp và mức 1.000 – 5.000 đồng/kg cho toàn bộ 03 nhóm thuốc còn lại có trong danh mục.
- Đối với dung dịch HCFC: mức thuế tối thiểu được qui định là 1.000 đồng/kg (tương đương khoảng 3% giá bán) và tối đa là 5.000 đồng/kg (tương ứng khoảng 12% giá bán. Giá nhập khẩu hiện nay là 40.000 đồng/1kg).
Những ưu điểm và hạn chế của Dự thảo Luật Thuế môi trường.
2.1. Ưu điểm của Dự thảo Luật.
Thuế môi trường là sắc thuế lần đầu tiên được xây dựng, việc qui định một mức thuế cụ thể đối với từng đối tượng chịu thuế có thể dẫn đến phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì thế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và thực thi chính sách thuế mới, Dự thảo Luật đã qui định Biểu khung thuế môi trường trong dự thảo luật với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa.
Các mức thuế tuyệt đối tối thiểu và tối đa được xây dựng theo nguyên tắc phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường hoặc chi phí khắc phục hậu quả do sử dụng hàng hoá gây ra và có tính đến việc kế thừa chính sách thu hiện hành (phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường) để không tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng, không xáo trộn việc quản lý thu.
Đối với mặt hàng đầu tiên, xăng dầu là mặt hàng có tính chất đặc thù, việc qui định mức thuế môi trường ngoài mục tiêu nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, còn cần đảm bảo mục tiêu điều tiết tiêu dùng, thay thế thuế nhập khẩu phải giảm dần theo cam kết quốc tế. Vì vậy, đối với nhóm hàng hóa này, cần qui định mức khung rộng để việc điều hành được linh hoạt với sự biến động của giá xăng dầu trên thế giới, phù hợp chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng thời kỳ và quá trình hội nhập.
Việc sử dụng than quá mức sẽ gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Mặt khác trong một số năm tới nước ta sẽ phải nhập khẩu than cho phát triển kinh tế. Do đó việc thu thuế môi trường đối với than nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường là cần thiết với mức thu chiếm khoảng từ 1% đến 5% là phù hợp nhằm dự phòng trượt giá khi phải sử dụng than nhập khẩu.
Riêng túi nhựa xốp dự kiến mức thu cao nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi vì thực tế hiện nay giá các loại túi nhựa xốp thấp đến mức hầu như đều được phát không cho khách hàng tại các loại cửa hàng và ngoài chợ. Do đó, với mức thuế dự kiến sẽ có loại phải trả tiền để được sử dụng. Theo đó sẽ giảm bớt khối lượng xả thải ra môi trường, đảm bảo thực hiện được mục tiêu của chính sách.
Hạn chế của Dự thảo Luật.
Hiện nay, nhiều người có ý kiến về Dự thảo là căn cứ để tính Thuế môi trường là chưa thuyết phục. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam dẫn ý kiến các đại biểu từng tham gia thảo luận về dự luật thuế này tại các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc… rằng dự luật này chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để tính thuế, cụ thể là chưa đánh giá được mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm làm cơ sở cho việc tính thuế nên thiếu tính thuyết phục. Ông đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít phụ thuộc vào hàm lượng khí thải CO2, SO2 thải ra, thế nhưng dự luật quy định mức thuế suất đối với xăng (vốn có hàm lượng lưu huỳnh gần như bằng không) lại cao hơn dầu mazut vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%.
Vẫn là vấn đề về đối tượng chịu thuế: nhiều ý kiến cho rằng, các nhóm đối tượng nêu trong Dự án Luật chưa bao quát được mọi sản phẩm hàng hoá gây tác động, tiêu cực đến môi trường. Do đó, những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đều phải đưa vào đối tượng chịu thuế, như chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, các sản phẩm được sản xuất từ công nghệ cũ nát, lạc hậu hoặc tốn nhiều năng lượng, các sản phẩm gây suy thoái tài nguyên rừng, tài nguyên biển (rong biển, san hô)... Một số đại biểu còn đề nghị đưa vào đối tượng chịu thuế cả thuốc lá, các loại chai nhựa (vì nếu túi nhựa chịu thuế thì các loại chai nhựa cũng phải chịu thuế, bởi chúng đều gây ô nhiễm nặng và khó phân huỷ), gỗ làm nguyên liệu giấy, phân bón, hoá chất làm mỹ phẩm, hoá chất nhuộm vải, các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm lớn (sản xuất xi măng, sắt, thép, phân bón, nhiệt điện…) hay những cơ sở sản xuất ra những sản phẩm sẽ gây ô nhiễm khi sử dụng (như bơm, kim tiêm dùng trong y tế), các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... Bởi vậy, để bảo đảm tính thuyết phục của dự án Luật, Chính phủ cần làm rõ căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế.
Thêm vào đó, ngay trong năm nhóm đối tượng dự kiến sẽ bị đánh thuế môi trường theo Dự luật thì chúng ta cũng cần có sự phân biệt. Chẳng hạn, trong nhóm đối tượng là than, có cả các loại than sạch, than hoạt tính có tác dụng tốt cho môi trường; vậy chúng có bị tính thuế không? Bên cạnh đó, cần thấy rằng, năm mặt hàng phải chịu thuế của dự án Luật đều là những mặt hàng đều đã chịu thuế qua các điều tiết thuế khác, trong đó, xăng dầu là một điển hình. Vì chưa có mặt hàng thay thế nên ai cũng phải sử dụng xăng, bởi thế, nếu đánh thuế, xăng sẽ tiếp tục tăng giá và người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu.
Ngoài ra, nhìn lại mục đích của đánh thuế môi trường là đánh vào tiêu thụ hay là đánh vào nhà sản xuất. Do đó, cần tách khâu sản xuất khỏi khâu tiêu thụ để xác định thuế. Phân biệt rõ thuế (tiêu thụ) và phí (sản xuất) cũng như bản chất của hai loại này để hạn chế việc chúng chồng chéo lên nhau. Trước đây, khi chỉ mới thu phí và lệ phí bảo vệ môi trường, việc chồng lấn không gây tác động xấu, nhưng giờ đây nếu đánh thuế thì cần phải làm rõ các mối quan hệ đó. Phí môi trường không thể đánh vào mặt hàng mà phải đánh vào công nghệ, quy trình sản xuất để giảm ô nhiễm môi trường, khuyến khích người sản xuất đầu tư vào công nghệ. Còn thuế môi trường nên đánh vào tiêu thụ để hạn chế tiêu thụ những hàng hoá ảnh hưởng đến môi trường. Chẳng hạn, nếu túi ni-lông bị đánh thuế cao thì người sử dụng sẽ hạn chế sử dụng.
KẾT LUẬN
Mặc dù mới ở dạng Dự thảo nhưng đa số mọi người đều thống nhất rằng việc ban hành Luật Thuế môi trường là thực sự cần thiết. Tuy nhiên việc ban hành Luật thuế môi trường nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu là: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các qui định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan khác; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế; các quy định trong Luật không quá phức tạp, phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ quản lý, động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời phải đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.
Làm được những điều này thì Luật Thuế môi trường khi được thông qua mới thực sự phát huy vai trò của nó đối với môi trường.
DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường đại học Luật Hà Nội – Giáo trình Luật Môi trường (NXB Công an nhân dân – Hà Nội/2006).
Dự thảo Luật Thuế môi trường (dự thảo lần thứ 5).
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Thuế môi trường.
Bản tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân về Dự án Luật Thuế môi trường (tài liệu phục vụ kì họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XII).
Một số các website:
+
+
+