Dự thảo lần thứ 15 Luật khám bệnh, chữa bệnh được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp thứ 19, tháng 4 năm 2009) xem xét, cho ý kiến trước khi trình ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII vào tháng 5/2009 đã được chuẩn bị rất công phu; đã kế thừa được tinh thần và những quy định hợp lý của các văn bản pháp luật liên quan hiện hành, có sự phát triển, bổ sung nhiều quy định mới; đồng thời, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt của pháp luật về khám, chữa bệnh của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong Dự án Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
8 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2366 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số ý kiến về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số ý kiến về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Dự thảo lần thứ 15 Luật khám bệnh, chữa bệnh được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp thứ 19, tháng 4 năm 2009) xem xét, cho ý kiến trước khi trình ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII vào tháng 5/2009 đã được chuẩn bị rất công phu; đã kế thừa được tinh thần và những quy định hợp lý của các văn bản pháp luật liên quan hiện hành, có sự phát triển, bổ sung nhiều quy định mới; đồng thời, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt của pháp luật về khám, chữa bệnh của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong Dự án Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
1. Một số ý kiến chung
1.1 Về việc thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng
Một trong những chính sách quan trọng của Đảng trong lĩnh vực xã hội là: “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ” (1).
Khám, chữa bệnh là lĩnh vực trọng tâm trong chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật khám, chữa bệnh lần này phải thể chế hóa, cụ thể hóa được chính sách, quan điểm nêu trên của Đảng. Các quy định của Dự thảo luật phải thể hiện được chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng trên hai phương diện: ưu tiên bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong khám, chữa bệnh; và, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực khám, chữa bệnh. Thế nhưng, đáng tiếc là ngoài quy định chung mang tính nguyên tắc tại Điều 4, thì trong Dự án Luật dường như vắng bóng các quy định thể hiện được quan điểm, chính sách này.
Trong khi đó, Dự thảo Luật lại tạo ra cảm giác có quá nhiều các quy định về thủ tục hành chính, về các loại giấy phép đối với người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh. Phải chăng, vì coi trọng mục tiêu chấn chỉnh những tiêu cực trong lĩnh vực hành nghề y hiện nay mà Ban soạn thảo tập trung cho việc quản lý hành chính mà chưa quan tâm đầy đủ tới chủ trương khuyến khích, đầu tư để phát triển lĩnh vực khám, chữa bệnh? Tạo thông thoáng về thủ tục hành chính cũng là một cách thể hiện sự quan tâm đầu tư cho phát triển. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật cũng cần có các quy định để cụ thể hóa các ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực, về đất đai, về thuế, cơ chế tài chính, cơ chế thu hút đầu tư vốn và trí thức từ nước ngoài, về hợp tác quốc tế... cho phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã lấy hàng trăm héc ta đất nông nghiệp cho xây dựng sân gôn, nhiều nơi mọc lên hàng loạt các doanh nghiệp với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sức khỏe nhân dân... Thế nhưng, cũng trong thời gian đó, chúng ta đã ưu tiên gì, hỗ trợ gì cho phát triển các cơ sở chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân? Bao nhiêu héc ta đất được dành cho xây mới bệnh viện, phòng khám?...
1.2 Vấn đề bảo đảm công bằng xã hội trong khám, chữa bệnh
Vấn đề bảo đảm công bằng xã hội trong khám, chữa bệnh, tạo cơ hội cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người ở các vùng khó khăn đều có quyền tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh là vấn đề rất đáng phải quan tâm và cần được thể chế hóa trong Dự án luật. Mặc dù từ “công bằng” ở đây cũng đã được nêu tại Khoản 1 Điều 3 của Dự thảo luật, với quy định: “Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử trong khám bệnh, chữa bệnh” nhưng có lẽ chỉ áp dụng được trong quan hệ giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giữa những người hành nghề y với nhau, còn không áp dụng với những người cần được khám, chữa bệnh. Vấn đề “công bằng” ở đây là quá xa xỉ đối với rất nhiều người, mà trước hết là những người nghèo, người ở các vùng sâu, vùng xa,... “Công bằng” ở đây chỉ là về mặt nguyên tắc chung, còn muốn biến cơ hội quý báu này thành hiện thực thì phải có tiền, thậm chí trong nhiều trường hợp là rất nhiều tiền (bởi ai cũng biết chi phí cho khám, chữa bệnh là rất cao và đặc biệt quá cao so với thu nhập của người lao động bình thường ở nước ta). Dự án Luật chưa đưa ra được giải pháp khả thi nào cho người nghèo, người vùng khó khăn để họ có cơ may hưởng sự công bằng trong dịch vụ khám, chữa bệnh bằng (hoặc không bằng thì cũng không đến nỗi kém quá xa) những người giàu trong xã hội hoặc những người ở thành thị. Vì vậy, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, cần phải bổ sung quy định về các cơ chế ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân là người có công với cách mạng, người nghèo, nhân dân vùng sâu, vùng khó khăn, trẻ em, người cao tuổi (2).
1.3 Vấn đề cổ phần hóa và góp vốn ở các cơ sở y tế công lập
Hiện nay, có một thực tế đang diễn ra, đó là xu hướng muốn cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập. “Cổ phần hóa sẽ giúp các bệnh viện có đủ nguồn lực hoạt động để người dân bớt khổ” là ý kiến chung của các bệnh viện được đưa ra tại Hội thảo Xã hội hóa ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh sáng 1/6/2007(3). Thế nhưng, trên thực tế thì chủ trương thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình dân tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vấp phải sự phản ứng không nhỏ của công luận khiến chính quyền Thành phố phải quyết định ngừng lại, mặc dù Chính phủ đã cho phép (4). Đồng thời, xu hướng các bệnh viện công lập huy động góp vốn từ tư nhân để phát triển, mở rộng và nâng cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện để vừa phục vụ bệnh nhân, vừa kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận cũng đã và đang âm thầm diễn ra (5). Và, trên thực tế cũng đang có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về xu hướng này, ...Vậy, thực tế này cần được đánh giá như thế nào? Phương hướng giải quyết như thế nào?... Câu trả lời dường như cũng chưa được giải đáp. Theo chúng tôi, đây là vấn đề rất lớn đối với ngành y nói chung và lĩnh vực khám, chữa bệnh nói riêng. Do đó, nên sớm nghiên cứu và thể hiện được quan điểm giải quyết phù hợp với tình hình hiện nay trong Dự thảo Luật. Quan điểm cá nhân người viết bài này là ủng hộ xu hướng cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập với những bước đi và cách thức phù hợp nhằm vừa nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, vừa nâng cao đời sống đội ngũ thày thuốc, đồng thời phục vụ tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
1.4 Về tính khả thi của Dự thảo luật
Chúng tôi cho rằng, Dự thảo luật đưa ra nhiều quy định mới rất tiến bộ và nhân văn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay và xu hướng trong vòng khoảng 5 năm tới, thì dường như một số quy định của Dự thảo Luật vẫn còn mang tính định hướng phấn đấu nhiều hơn là để thực thi, nhất là những quy định về quyền của người bệnh (như các quyền quy định tại Điều 6). Đây cũng đã là nguyên nhân mà Luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong nhiều năm qua rất khó, nếu không nói là hầu như không đi vào cuộc sống. Do vậy, đề nghị nên giảm bớt những quy định xét thấy còn chưa có tính khả thi trong Dự thảo.
1.5 Về quan hệ giữa Dự thảo Luật với các văn bản pháp luật có liên quan
Liên quan đến Dự án Luật, hiện nay có các văn bản quan trọng khác như: Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Luật Dược, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng cần phải "có rà soát với các luật khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh để không chồng chéo, trùng lắp, cho nó nhất quán với tinh thần những quy định về hành nghề và khám chữa bệnh tập trung vào trong luật này" (6). Để tránh chồng chéo và phân định lĩnh vực quy định rõ ràng hơn giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh với các văn bản nêu trên, chúng tôi đề nghị là: đồng thời với việc ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh, thì nên tiến hành rà soát một cách đồng bộ các văn bản đó trên cơ sở phân định phạm vi và mức độ điều chỉnh của từng văn bản; hạn chế tối đa sự chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời cũng tránh bỏ sót những lĩnh vực cần điều chỉnh. Ví dụ, đồng thời với việc ban hành Luật khám, chữa bệnh, nên sửa đổi Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân theo hướng:
- Luật khám, chữa bệnh quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ giữa hai chủ thể là người hành nghề y và người bệnh trong quan hệ về khám, chữa bệnh và những quan hệ phát sinh từ quan hệ khám, chữa bệnh, như: các tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề và hoạt động của người hành nghề y, cơ sở khám, chữa bệnh; việc xử lý tranh chấp phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh; quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh và trách nhiệm nhà nước trong việc bảo đảm đầu tư, phát triển lĩnh vực khám, chữa bệnh…
- Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định mang tính nguyên tắc về quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, được khám, chữa bệnh của nhân dân; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của nhà nước, của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
2. Một số vấn đề cụ thể
2.1 Về Hội đồng quản lý người hành nghề y và việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh
Cho đến nay, mặc dù trong Dự thảo Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể hiện nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng, nên quy định về việc thành lập Hội đồng quốc gia về quản lý người hành nghề y (7) như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi cho rằng, ý tưởng về Hội đồng quốc gia về quản lý người hành nghề y là một ý tưởng mới, tiến bộ và phù hợp với xu thế chung của các nước theo hướng nhà nước từng bước trao quyền rộng rãi hơn cho cho các tổ chức dân sự và xã hội dân sự. Tuy nhiên, đặt ý tưởng này trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng cần phải hết sức cân nhắc, bởi các lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, việc cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ thực hành nghề y là vấn đề còn rất mới mẻ ở nước ta, kể cả đối với cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa nói là các tổ chức xã hội. Vì vậy, vấn đề này cần có bước đi phù hợp.
Thứ hai, việc quản lý về năng lực chuyên môn và đạo đức của người hành nghề y phải gắn liền với quản lý hoạt động nghề y và chủ yếu thông qua quản lý hoạt động nghề y (do Bộ Y tế đảm nhiệm) mà đánh giá năng lực chuyên môn và đạo đức của người hành nghề y. Nếu tách biệt giữa quản lý hoạt động nghề y với quản lý năng lực, đạo đức của người hành nghề y thì khó bảo đảm hiệu quả hoạt động quản lý, gây chồng chéo.
Thứ ba, với số lượng người hành nghề y lớn như hiện nay, đồng thời số lượng người mới bước vào hành nghề y hàng năm sẽ không nhỏ thì với số lượng thành viên Hội đồng không thể nhiều mà lại làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, thì sẽ khó có thể đảm nhiệm có hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá, đăng ký hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ thực hành; xác minh, kết luận về chuyên môn, đạo đức cho tất cả các trường hợp.... Như vậy, sẽ vừa hình thức, vừa gây khó khăn cho người hành nghề y, chưa kể là nguy cơ dẫn đến tiêu cực bởi cơ chế "xin - cho".
Vì vậy, trước mắt chúng tôi cho rằng, vẫn nên để Bộ Y tế thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh (8), có phân cấp cho cơ quan quản lý y tế cấp tỉnh thực hiện đối với một số chức danh trên địa bàn địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với cách phân cấp như quy định tại Điều 25 của Dự thảo Luật về việc Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, thuộc các bộ, ngành khác còn Giám đốc sở Y tế cấp, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người thuộc các bệnh viện thuộc Sở, các bệnh viện tư nhân, các hình thức hành nghề khác trên địa bàn địa phương) mà nên quy định theo hướng: Bộ y tế cấp chứng chỉ cho các chức danh là bác sĩ (và tương đương) trở lên; các chức danh khác (y sĩ, y tá, điều dưỡng viên...) do Sở Y tế cấp cho những người hành nghề trên địa bàn quản lý (không phân biệt cơ sở thuộc trung ương, ngành hay địa phương). Đối với những người đã và đang hành nghề hiện nay, nên có giải pháp tình thế để không làm xáo trộn lớn.
2.2 Vấn đề công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân
Đây là vấn đề nhạy cảm và rất được quan tâm trong quá trình soạn thảo Dự án Luật. Nhìn chung, đa số các ý kiến đều xuất phát từ thực tế hiện nay (việc thiếu cán bộ ngành y tế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; thu nhập của công chức, viên chức y tế hiện nay còn quá thấp, đời sống khó khăn...) mà đồng tình với chủ trương: chỉ cấm không cho công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân, bệnh viện thuộc các hình thức sở hữu khác và vẫn cho phép họ được tham gia các hình thức hành nghề khám, chữa bệnh khác.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, khi xem xét việc có nên cho công chức, viên chức ngành y ở các cơ sở y tế công lập tham gia khám, chữa bệnh bên ngoài, thì cũng nên cân nhắc mấy điểm sau:
Thứ nhất, một nguyên tắc trong sử dụng và quản lý lao động chung trên thế giới, đặc biệt là đối với những đối tượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật là: chỉ được làm việc cho một người (hoặc một nơi) sử dụng lao động, hạn chế tối đa việc làm việc cho nhiều người (nhiều nơi) sử dụng lao động. Điều này có nhiều lý do, trong đó có những lý do rất cơ bản như: để bảo đảm việc sử dụng lao động có hiệu quả, tránh xung đột lợi ích (nếu hai nơi làm việc cùng chung một lĩnh vực hoạt động), bảo đảm sức khỏe người lao động...
Thứ hai, cũng vì lý do nêu trên mà pháp luật nước ta, kể cả pháp luật lao động, pháp luật về cán bộ, công chức đều có những quy định hạn chế người lao động hay công chức, viên chức tham gia nhiều quan hệ lao động. Ví dụ: Luật Luật sư năm 2006 quy định những người không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, bao gồm: ” Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân” (9)... Đặc biệt, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân năm 2003 đã quy định: ”Chính phủ quy định điều kiện, biện pháp để hạn chế và tiến tới cấm cán bộ, công chức hành nghề y, dược tư nhân từ ngày 31 tháng 12 năm 2010” (Khoản 2 Điều 53).
Do đó, nếu cho phép công chức, viên chức thuộc các cơ quan, cơ sở y tế công tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh bên ngoài, thì cũng phải cân nhắc quy định sao cho bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhóm đối tượng là người lao động, công chức, viên chức trong việc hành nghề. Và, trên hết là để bảo đảm việc sử dụng công chức, viên chức ngành y sao cho hiệu quả, phát huy tối đa năng lực chuyên môn của họ và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích của họ, để họ được sử dụng, được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng ngay tại cơ sở của mình. Không lẽ tư nhân làm được, mà các cơ sở y tế công với cơ sở vật chất tương đối tốt, với sự hậu thuẫn của Nhà nước lại không làm được? Vấn đề là cơ chế. Mà, đấy mới là giải pháp căn bản; cơ chế ”chân trong, chân ngoài” không phải là giải pháp bền lâu và thậm chí là tạo ra môi trường tác động tiêu cực tới hoạt động và ý thức phục vụ (y đức) tại các cơ sở y tế công lập, vẫn tiếp tục tình trạng ”đến cơ sở y tế của mình thì chỗ này, chỗ kia phải mất tiền mà khó đăm đăm” như Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã chỉ ra (10).
Sẽ rất khó lý giải nếu như cho rằng: vì nhân dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế, vì ”đời sống của thày thuốc, nhân viên y tế làm việc trong khu vực nhà nước còn gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ y tế có tay nghề cũng muốn làm thêm” nên cho phép họ hành nghề bên ngoài như lập luận của Chính phủ (11). Bởi, nếu đã ”mở” cho đối tượng này thì với các nhóm công chức, viên chức khác thì sao? Chẳng lẽ với các nhóm công chức, viên chức khác thì xã hội không có nhu cầu sử dụng chuyên môn của họ hay đời sống của họ khá hơn các công chức, viên chức ngành y nên vẫn hạn chế họ hành nghề bên ngoài? Nếu đã ”mở” cho đối tượng này, e rằng các đối tượng khác (ví dụ như những công chức, viên chức ngành luật, báo chí, xuất bản...) cũng sẽ có sự so sánh và yêu cầu phải ”mở” tiếp cho họ được tham gia hành nghề bên ngoài cơ quan, tổ chức của họ. Và, như vậy, câu chuyện quản lý, tổ chức hoạt động và kỷ luật công vụ đối với đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước sẽ ra sao?....
2.3 Vấn đề khiếu nại, xử lý tranh chấp trong khám, chữa bệnh
Đây cũng là vấn đề của Dự thảo luật lần này cần phải được xem xét thêm. Đây không phải là khiếu nại hành chính như các khiếu nại quy định trong pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hiện hành, đúng như ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Trần Thế Vượng đã phân tích: ”Đây là vấn đề rất đặc thù, nó không phải là khiếu nại hành chính, vì bác sỹ cầm dao mổ không phải là hành vi hành chính...” (12). Những khiếu nại của bệnh nhân, thân nhân hoặc người đại diện cho bệnh nhân đối với người hành nghề hoặc cơ sở khám, chữa bệnh trong Dự thảo luật, kể cả đó là bệnh viện công hay cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì, theo chúng tôi về bản chất vẫn đều là những bất đồng giữa một bên là bên thụ hưởng dịch vụ y tế và phía bên kia là bên cung cấp dịch vụ y tế. Bởi vậy, theo chúng tôi, những bất đồng và tranh chấp giữa bệnh nhân và người hành nghề hoặc cơ sở khám, chữa bệnh thuộc về quan hệ dân sự và cần được xử lý theo thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự. Nếu vẫn áp dụng cơ chế giải quyết như đối với khiếu nại hành chính vào đây, như cách Dự thảo Luật thể hiện tại Mục 2 Chương VII (13) thì chắc chắn sẽ thất bại. Vì vậy. chúng tôi đề nghị Dự thảo luật nên quy định theo hướng: khi xảy ra bất đồng về việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, bệnh nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho họ có quyền khởi kiện ra tòa án. Tòa án giải quyết tranh chấp này như đối với các tranh chấp dân sự khác; trường hợp có khó khăn về việc giám định, xem xét về chuyên môn thì Tòa án có quyền trưng cầu giám định chuyên môn hoặc thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét.
2.4 Một số vấn đề kỹ thuật lập pháp cụ thể
2.4.1 Dự thảo Luật lần này quy định đã khá chi tiết, cụ thể nhưng vẫn còn khá nhiề quy định dừng ở quan điểm chung hoặc quy định mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ hữu quan quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên giảm thiểu tối đa những quy định chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc trong các Chương cụ thể của Dự án Luật. Những vấn đề nào có thể quy định chi tiết được thì nên quy định ngay; những vấn đề nào chưa thể quy định chi tiết được, phải giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan khác quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thì cũng phải tính ngay phương án quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để có Dự thảo (nghị định) kèm theo Dự thảo Luật (theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và tạo điều kiện để sau khi Luật thông qua và có hiệu lực, có thể sớm ban hành để thực hiện.
Ngoài ra, trong các chương quy định cụ thể của Dự án luật còn rải rác khá nhiều quy định mang tính nguyên tắc, định hướng chung, không mang tính quy phạm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên rà soát lại toàn bộ những quy định này; những quy định nào thật sự cần thiết thì nên đưa lên chương Những quy định chung; những quy định nào không thật cần thiết thì nên bỏ.
2.4.2 Trong một số chương của Dự thảo Luật, chúng tôi thấy có những mục với nội dung chưa thật phù hợp với tên Chương và nội dung chung của Chương, cụ thể như: Mục 2-Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề của Chương III – Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Mục 2- Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Mục 3- Công nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Chương IV - Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Những mục này thiên về quy định thẩm quyền và thủ tục quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh. Vì vậ