Khối đại đoàn kết dân tộc là lực lượng tập hợp các thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo và đều có tinh thần yêu nước. Đại đoàn kết dân tộc đóng vai trò rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tuy nhiên, đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi một quốc gia mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Về các cơ sở hình thành nên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh bao gồm ba cơ sở. Trong bài tập này, nhóm chúng em xin chỉ ra các cơ sở đó, cụ thể như sau:
7 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2479 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nêu cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ 7
Nêu cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
BÀI LÀM
Khối đại đoàn kết dân tộc là lực lượng tập hợp các thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo và đều có tinh thần yêu nước. Đại đoàn kết dân tộc đóng vai trò rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tuy nhiên, đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi một quốc gia mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Về các cơ sở hình thành nên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh bao gồm ba cơ sở. Trong bài tập này, nhóm chúng em xin chỉ ra các cơ sở đó, cụ thể như sau:
1.Cơ sở thứ nhất: truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết, cộng đồng của dân tộc Việt Nam là cơ sở đầu tiên, sâu xa cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Đó là tinh hoa đã được hun đúc và thử nghiệm qua hàng nghìn năm lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc đã được hình thành và củng cố, tạo thành một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam.
Theo thời gian, “yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết” đã dần dần trở thành lẽ sống, tình cảm tự nhiên, triết lý nhân tình, thậm chí trở thành phép ứng xử và tư duy chính trị của mỗi con người Việt Nam. Tinh thần và tình cảm ấy làm cho vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt vào vận mệnh của cộng đồng, vào sự sống còn và phát triển của dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi thiên tại địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững. Chúng là cơ sở của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước của mỗi con người Việt Nam, đồng thời là giá trị tinh thần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước, làm nên truyền thống yêu nườc, đoàn kết của dân tộc.
Tất cả đã trở thành dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống Việt Nam, tạo thành quan hệ 3 tầng: gia đình, làng xã, quốc gia (nhà – làng – nước). Đây chính là sợi dây liên kết các giai tầng, các dân tộc trong xã hội Việt Nam.
Truyền thống đoàn kết, nhân ái được phản ánh trong kho tàng văn học dân gian, được các anh hùng ở các thời kỳ lịch sử khác nhau nâng lên thành phương pháp đánh giặc, giữ nước, như: phương pháp thống nhất lợi ích, tư tưởng; phương pháp nuôi dưỡng sức dân và sử dụng sức quân của Trần Hưng Đạo: “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc giữ nước”; phương pháp tập hợp lực lượng và sức mạnh nhân dân của Nguyễn Trãi và hai cụ Phan: “dựng gậy làm cờ, tập hợp bốn phương manh lệ”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”,…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu được truyền thống yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc, thấy rõ sức mạnh dân tộc, những quan điểm nhân sinh và phương pháp đánh giặc của ông cha, kết hợp với những giá trị thời đại để chuyển thành hệ thống quan điểm cách mạng của mình.
Người đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Hơn nữa Người còn nhấn mạnh phải phát huy truyền thống đó trong giai đoạn cách mạng mới của dân tộc “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
2.Cơ sở thứ hai: Quá trình tổng kết thực tiễn những kinh nghiệm thành công và thất bại của các phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới ở nhiều nước trên thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa
Thứ nhất, từ việc tổng kết phong trào cách mạng yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: Vận mệnh của đất nước đòi hỏi một lực lượng lãnh đạo mới có khả năng đề ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử. Thực tế đã chứng minh các cuộc Cách mạng nổ ra theo tinh thần tự phát hay không có một lực lượng nòng cốt đóng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thực hiện Cách mạng thì cuộc Cách mạng đó có do tinh thần, ý chí của nhân dân dù sục sôi, lên cao đến mấy cũng sẽ mau chóng bị dập tắt, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã thấy được những hạn chế trong việc tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước tiền bối, các sĩ phu yêu nước như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... dù sớm ý thức về vận mệnh đất nước và cũng là một trong những sĩ phu đầu tiên đối đầu với các vấn đề liên hệ đến Việt Nam về độc lập dân tộc. Về phương pháp cách mạng, các sĩ phu yêu nước thất bại trong lịch sử đều chưa tìm được cho mình một phương pháp cách mạng đúng đắn. Muốn Cách mạng dân tộc dân chủ được thành công thì phương pháp Cách mạng phải phù hợp với hoàn cảnh của dân tộc, với quy luật phát triển của lịch sử, đặc biệt là phải quy tụ được lực lượng của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh trường kì cùng với xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Muốn quy tụ được khối đại đoàn kết dân tộc thì phải có Đảng lãnh đạo mà nòng cốt là liên minh công - nông.
Thứ hai, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: Cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp là những cuộc cách mạng “chưa đến nơi”, vì sau khi cuộc cách mạng thành công nhân dân vẫn bị áp bức, bóc lột và nghèo nàn. Tổng kết thực tiễn đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh thấy rõ tiềm ẩn to lớn của họ, và cũng thấy rõ những hạn chế: các dân tộc thuộc địa chưa có sự lãnh đạo đúng đắn, chưa biết đoàn kết lại, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức. Do đó ta không thể làm Cách mạng theo các nước này bởi đây không phải là cuộc cách mạng mà chúng ta hướng tới hay những hạn chế từ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa sẽ kìm hãm sự thành công của Cách mạng. Điều đặt ra ở đây là phải có cuộc cách mạng phù hợp, phải có đội ngũ tổ chức lãnh đạo vững chắc, đại đoàn kết dân tộc. Theo đó, Hồ Chí Minh thấy rằng chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga mới là cuộc Cách mạng triệt để. Cách mạng tháng mười Nga cùng với Lênin, người đã lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng đó, đã đưa Hồ Chí Minh đến bước ngoặt quyết định trong việc tìm đường cứu nước. Người đã nghiên cứu để hiểu một cách thấu đáo con đường Cách mạng thánh mười, và những bài học kinh nghiệm quí báu mà cuộc cách mạng này đã đem lại cho cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh nhận thấy đi theo con đường này thật sự phù hợp với hoàn cảnh đất nước cũng như sự phát triển của quy luật khách quan, nó không mắc phải những hạn chế như cuộc Cách mạng Mỹ, pháp đó là sau cách mạng nhân dân vẫn bị áp bức, khổ cực. Đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, ta sẽ tập trung được lực lượng quần chúng công nông trong việc giành và giữ chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ xã hội mới, cũng như sau Cách mạng, nhân dân sẽ không còn bị áp bức, bóc lột, mọi người có quyền bình đẳng như nhau.
Thứ ba, những phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, như Trung Quốc, Ấn Độ đã đem lại bài học bổ ích cho Việt Nam từ việc tập hợp lực lượng yêu nước tiến bộ để tiến hành cách mạng. Cụ thể là đoàn kết các dân tộc, các giai tầng, các đảng phái và tôn giáo…nhằm thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn, từng thời kì cách mạng, như chủ trương “liên Nga, thân Cộng, ủng hộ công nông, “hợp tác Quốc – Cộng” của Tôn Trung Sơn. Tất cả những điều này đã cho Hồ Chí Minh những bài học, những kinh nghiệm, lời khuyên bổ ích cần thiết cho việc chuẩn bị lãnh đạo nhân dân nước ta thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ của mình.
3.Cơ sở thứ ba: Một số quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin:
Chủ nghĩa Mác- Lênin là cơ sở hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học của Hồ Chí Minh. Chính trên cơ sở của lý luận Mác - Lênin đã giúp Người tiếp thu và chuyển hoá những nhân tố tích cực, những giá trị và tinh hoa văn hoá của dân tộc và của nhân loại để tạo nên tư tưởng của mình phù hợp với xu thế vận động của lịch sử. Trong đó, cơ sở lý luận quan trọng nhất đối với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin như:
- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng: Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quần chúng nhân dân là một cộng đồng liên kết những con người trong xã hội có tổ chức, có lãnh đạo của những cá nhân hay tổ chức chính trị xã hội nhất định nhằm giải quyết các nhiệm vụ lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội. Do đó, quần chúng nhân dân là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng và cải cách trong lịch sử. Cách mạng xã hội hoặc cải cách xã hội chỉ có thể thành công nếu xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Với ý nghĩa đó có thể nói: “cách mạng là ngày hội của quần chúng”.
- Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử: Vai trò đó được thể hiện ở các mặt sau: Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, trực tiếp tạo ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Thứ hai, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị tinh thần của xã hội. Hoạt động của quần chúng nhân dân là cơ sở hiện thực và là cội nguồn phát sinh những sáng tạo văn hóa tinh thần của xã hội. Thứ ba, quần chúng nhân dân là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng và cải cách trong lịch sử.
- Giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng phải trở thành giai cấp dân tộc: Giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) là sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại, lực lượng đại biểu cho sự phát triển của lực lượng sản xuất tiến bộ, cho xu hướng phát triển của phương thức sản xuất tương lai. Do vậy về mặt khách quan nó là giai cấp có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh xóa bỏ chế độ Tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột và xây dựng xã hội mới – xã hội Xã hội chủ nghĩa.
- Liên minh công - nông là cơ sở để xây dựng lực lượng cách mạng: Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa muốn giành đưọc thắng lợi thì giai cấp công nhân phải thực hiện được sự liên minh chặt chẽ vơí giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác nhằm taọ nên khối đại đoàn kết của lực lượng cách mạng, trong đó nòng cốt là liên minh công - nông.
- Đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế theo tinh thần “ Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, v.v… Lênin cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, nên cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa.
Đó là những quan điểm lý luận hết sức cần thiết để Hồ Chí Minh có cơ sở khoa học trong sự đánh giá chính xác yếu tố tích cực cũng như những hạn chế trong các di sản truyền thống, trong tư tưởng tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam tiền bối và các nhà cách mạng lớn trên thế giới, có cơ sở khoa học để thu hái những hiểu biết của các đời trước để lại và chuyển hóa chúng thành hệ thống tư tưởng của mình về đại đoàn kết dân tộc.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc Gia; Hội đồng Trung ương chỉ đạo;
Tư tưởng Hồ Chí Minh_ Một số nhận thức cơ bản. TS. Nguyễn Mạnh Tường; Nxb. Chính trị Quốc Gia;
Một số thông tin trên các trang web: