Đề tài Nghiên cứu đặc điểm đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục
Ngày nay, xu thế liên kết kinh tế khu vực và tự do hóa mậu dịch toàn cầu đã trở thành một yếu tố quan trọng phát triển mậu dịch quốc tế. Chính sách kinh tế mở với những biến đổi to lớn theo khuynh hướng hội nhập, đã đưa các nước đi vào thực hiện đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo những mục tiêu xác định. Trong xu thế chung đó của thế giới, các mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau về mậu dịch cũng như về mức độ phân công sản xuất giữa các nước và khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên sâu sắc. Trung Quốc với dân số trên 1,2 tỷ người, có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, cùng với nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn vốn bên ngoài đã đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đài Loan. Trải qua hơn 50 năm phát triển, Đài Loan đã từ một nền kinh tế thực dân lạc hậu trở thành một trong bốn “con rồng” châu Á có nền công nghiệp phát triển. Có thể nói, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Đài Loan có được sự phát triển nhanh như vậy là vào những năm 1960 Đài Loan đã coi trọng nền kinh tế hướng ngoại, lấy ngoại thương làm trọng tâm phát triển kinh tế. Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của ĐCS Trung Quốc quyết định thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa nền kinh tế, năm 1979 Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc đã công bố: “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, kêu gọi xóa bỏ thù địch, mở mang giao lưu kinh tế cùng với nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, các thương gia Đài Loan đã bắt đầu chú ý đến vùng đất này. Họ sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư và trao đổi mậu dịch với hy vọng lợi dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nguồn nhân công giá rẻ. Đồng thời, tận dụng lại những ngành sản nghiệp sử dụng nhiều sức lao động đã “xế chiều” tại Đài Loan, và lợi dụng những lợi thế so sánh của bản địa nhằm hình thành một mô hình phân công sản nghiệp giữa Đài Loan với Trung Quốc và tiến tới phân công quốc tế, tăng sức cạnh tranh. Việt Nam đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế quốc tế khác trong khu vực có vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối chính sách cho mình để hội nhập một cách hợp lý vào nền kinh tế quốc tế.