Đề tài Nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện đường lối công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của nước ta trong giai đoạn hiện nay
Người ta thường nói đến Công nghiệp hóa (CNH), Hiện đại hóa (HĐH) đất nước như một giải pháp đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài, từng bước nâng cao mức sống cho nhân dân về tinh thần và vật chất, nền kinh tế ngày càng tự chủ, ít bị phụ thuộc vào bên ngoài.v.v.Tổ chức Liên hợp quốc về phát triển công nghiệp UNIDO cũng đã đưa ra một khái niệm tương đối tổng quát về CNH: CNH là quá trình phát triển kinh tế sử dụng các nguồn lực quốc gia để phát triển cơ cấu kinh tế nhiều ngành với kỹ thuật hiện đại. Đặc trưng của cơ cấu kinh tế này là tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo ngày càng tăng lên đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cả về những tư liệu sản xuất cũng như tư liệu tiêu dùng và có khả năng đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, đảm bảo sự tiến bộ về kinh tế - xã hội. Trong nhiều tài liệu nghiên cứu người ta liệt kê những mô hình CNH khác nhau, ứng vào những giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế thế giới và với những trình độ và điều kiện phát triển khác nhau ở mỗi nước. Mô hình CNH kiểu cổ điển đã diễn ra ở các nước châu Âu từ những thế kỷ 17, 18.Về cơ bản, quá trình CNH kiểu “cổ điển” diễn ra như “một quá trình tự nhiên”, từ thấp đến cao, từ các ngành công nghiệp trực tiếp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dân cư (công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép.); công nghiệp thực phẩm, đến phát triển các ngành công nghiệp sản xuất máy công tác, động lực (công nghiệp cơ khí.) và các ngành dịch vụ. Mô hình Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng ở Liên Xô và các nước XHCN trước đây trên cơ sở chế độ kế hoạch hóa tập trung, mô hình CNH dựa vào tài nguyên ( như các nước Bắc Âu đi từ lâm nghiệp, các nước sản xuất dầu lửa, .), mô hình CNH thay thế nhập khẩu, CNH hướng về xuất khẩu.v.v. Nhận xét chung, tùy theo điều kiện lịch sử và trình độ phát triển của kinh tế thế giới mỗi mô hình trên đều mang lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội cho các nước áp dụng. Các mô hình trên được đánh giá thành công ít hoặc nhiều, cho một số hay cho nhiều nước, nhưng cùng với thời gian sự thành công của các mô hình không lặp lại, chúng được hoàn thiện theo mức độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên quy mô toàn cầu. Ngày nay, khi mà tiến bộ khoa học và công nghệ đã trở thành bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất thì ở nhiều nước thuật ngữ CNH đều đi liền với thuật ngữ HĐH. Điều này có nghĩa rằng nếu CNH chỉ quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu các ngành công nghiệp theo trình tự từ thấp đến cao, từ các ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đến các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, các ngành công nặng nói chung thì HĐH hàm ý cơ cấu các ngành công nghiệp được xây dựng trên cơ sở những thành tựu về khoa học và công nghệ mới nhất của thế giới hoặc phù hợp với khả năng tích luỹ của đất nước, khai thác những cơ hội do trình độ phát triển kinh tế chung của thế giới mang lại.