Trong xã hội hiện nay, tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đang là vấn đề phức tạp và xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta. Sống chung (cohabitation) được định nghĩa là tình trạng hai cá nhân chưa kết hôn nhưng thỏa thuận chung sống với nhau trong mối quan hệ mật thiết về tinh thần và cả thể xác. Ngày nay, nhiều người đồng ý chung sống với nhau khi chưa đăng ký kết hôn hay không muốn chính thức kết hôn. Việc nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn có những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Tuy vậy, có thể thấy rằng tình trạng này chủ yếu mang những yếu tố tiêu cực, để lại nhiều hậu quả xấu hơn là những hệ quả tích cực. Khi nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn, chưa có sự ràng buộc về luật pháp, trách nhiệm thì người ta có thể dễ dàng bỏ nhau, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Những hậu quả của tình trạng này có thể kể tới như: làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn; gây ra những tình cảnh éo le khi người phụ nữ mang thai mà không quyết định có nên sinh con hay không Các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng đã chung sống với nhau trước khi đăng ký kết hôn là cao hơn hẳn so với những cặp vợ chồng chỉ chung sống sau khi đã đăng ký kết hôn. Đồng thời, thực tế cho thấy đa số thiên tài, các tên tuổi lớn như Beethoven, Mozart, Bill Gates đều sinh ra trong những gia đình nề nếp, có căn bản vững chắc. Qua đó, có thể kết luận rằng tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn mang lại hậu quả không tốt, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cần có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này? Những vấn đề này sẽ được trình bày trong bài viết sau đây.
11 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 3010 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nguyên nhân của tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn Giải pháp hạn chế tình trạng này, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ BÀI
Trong xã hội hiện nay, tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đang là vấn đề phức tạp và xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta. Sống chung (cohabitation) được định nghĩa là tình trạng hai cá nhân chưa kết hôn nhưng thỏa thuận chung sống với nhau trong mối quan hệ mật thiết về tinh thần và cả thể xác. Ngày nay, nhiều người đồng ý chung sống với nhau khi chưa đăng ký kết hôn hay không muốn chính thức kết hôn. Việc nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn có những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Tuy vậy, có thể thấy rằng tình trạng này chủ yếu mang những yếu tố tiêu cực, để lại nhiều hậu quả xấu hơn là những hệ quả tích cực. Khi nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn, chưa có sự ràng buộc về luật pháp, trách nhiệm thì người ta có thể dễ dàng bỏ nhau, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Những hậu quả của tình trạng này có thể kể tới như: làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn; gây ra những tình cảnh éo le khi người phụ nữ mang thai mà không quyết định có nên sinh con hay không… Các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng đã chung sống với nhau trước khi đăng ký kết hôn là cao hơn hẳn so với những cặp vợ chồng chỉ chung sống sau khi đã đăng ký kết hôn. Đồng thời, thực tế cho thấy đa số thiên tài, các tên tuổi lớn như Beethoven, Mozart, Bill Gates đều sinh ra trong những gia đình nề nếp, có căn bản vững chắc. Qua đó, có thể kết luận rằng tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn mang lại hậu quả không tốt, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cần có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này? Những vấn đề này sẽ được trình bày trong bài viết sau đây.
I. Nguyên nhân của tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Đối với Việt Nam, tình trạng nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn còn mới nhưng ở phương Tây vào những năm 60-65 của thế kỷ trước, trong cuộc cách mạng giải phóng tình dục thì việc sống chung trước hôn nhân là rất bình thường. Họ gặp, sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác. Về nguyên nhân của tình trạng này, qua quá trình nghiên cứu, nhiều chuyên gia về xã hội học, văn hóa đã khẳng định, đó là kết quả của vận động xã hội, là xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay. Sự tất yếu này được thúc đẩy bởi 3 nguyên nhân trực tiếp, đó là: điều kiện kinh tế của đôi bên, yếu tố tâm lý và nhu cầu về mặt sinh lý.
1. Nguyên nhân thứ nhất là điều kiện kinh tế của hai người muốn chung sống với nhau. Nam nữ thời kỳ trước đây thường giữ niềm tin vào tình yêu tự do. Nhưng vào kỷ nguyên thất nghiệp cao và tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, thường chính tiền bạc, chứ không phải tình yêu lãng mạn, mới là thứ thôi thúc các đôi tình nhân trẻ ngày nay quyết định tìm đến một địa chỉ chung. Khi điều kiện kinh tế của cả nam và nữ chưa cho phép họ thanh toán những chi phí để làm đám cưới, mua nhà, tổ chức đời sống gia đình… họ thường đi đến quyết định sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn.
Nhiều cặp chung sống với nhau đưa ra lý luận rằng, trước sau gì cũng thành vợ thành chồng, tại sao cần phải làm đám cưới chi cho tốn kém. Tờ hôn thú chỉ là một tờ giấy. Nếu một trong hai người không thật tâm muốn vĩnh viễn chung sống, thì có hay không có hôn thú cũng chẳng ăn nhằm gì. Họ cho rằng, nền tảng của hôn nhân là tình yêu thực sự giữa hai cá nhân. Nếu có tình yêu bền vững, họ sẽ chung sống lâu dài và thương yêu nhau, còn hơn những cặp vợ chồng đã làm nghi lễ kết hôn theo tôn giáo, đã ra trước tòa tuyên thệ để được công nhận là cặp vợ chồng hợp pháp, nhưng chỉ sau một thời gian, họ lại mang nhau ra tòa ly dị vì lý do nào đó, lại phải tốn tiền cho án phí, luật sư. Hơn nữa nếu họ cảm thấy không thể hòa hợp được nữa thì cũng dễ dàng chia tay, không bị nhức đầu vì những thủ tục cũng như chi phí pháp lý.
Rose Kreider, nhà nhân khẩu học gia đình làm việc tại Cục điều tra dân số Mỹ nói: “Điểm nổi bật ở đây chính là vấn đề thất nghiệp”. Năm 2008, 59% các đôi sống chung cho biết cả hai đều có việc làm. Con số này giảm xuống còn 49% năm 2010. Như thế, tiền bạc đang dần đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai của các đôi yêu nhau. Nhiều đôi chung sống với nhau vì lý do kinh tế trong thời đại suy thoái “rất dễ đổ vỡ” và không đi đến hôn nhân, Wendy Manning, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Nhân khẩu thuộc Đại học Bowling Green State, nói. Đó là vì thu nhập của các đôi càng thấp, họ càng ít có khả năng đi đến hôn nhân, nghiên cứu phát hiện. Theo nghiên cứu của Manning và Smock, ngay cả khi các cặp đôi “nghèo” đi đến hôn nhân sau một thời gian chung sống với nhau, họ vẫn dễ dàng chia tay hơn.
Ở những giai đoạn kinh tế khó khăn, căng thẳng tài chính thường “đè nén” tình yêu. Trong thời Đại suy thoái những năm 1930, khi chung sống mà không kết hôn là điều cấm kỵ, cả tỷ lệ kết hôn và ly hôn đều giảm. Hiện nay, tỷ lệ ly hôn đang ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1970. Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, ngay cả khi nhiều người Mỹ chung sống không kết hôn nhiều hơn, xu thế giảm kết hôn trong dài hạn vẫn thể hiện rõ thời kinh tế đi xuống. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các nước vùng Scandinavi, việc sống chung như vợ chồng thậm chí đã thay thế luôn cho việc kết hôn. Còn với đa số người Mỹ, chung sống không kết hôn là sự sắp đặt chấp nhận được, nhưng chỉ mang tính tạm thời. Nhiều cặp đang ở thế lưỡng nan vì không thể kết hôn và ngại phải chia đôi.
Dĩ nhiên, hôn nhân không phải là không tốn kém. Các đôi thường nêu lý do thiếu hụt “ngân quỹ” và tình hình việc làm tồi tệ là nguyên nhân chính cản trở họ đi đến hôn nhân. Manning ghi nhận, những đôi nam nữ sống chung thường muốn đảm bảo đủ điều kiện về kinh tế mới quyết định kết hôn. Một nghiên cứu đầu năm nay phát hiện, hạnh phúc hàng ngày của con người tăng lên cho tới khi thu nhập của họ đạt đến 75.000 USD. Sau vượt qua mức đó, cảm giác hạnh phúc gần như không tăng lên nữa. Nhưng Manning cho rằng không có “con số thần kỳ” cụ thể nào đối với hôn nhân. Bà nói: “Ở những vùng khác nhau thì con số đó cũng khác nhau. Số tiền bạn phải chuẩn bị để có một căn hộ ở Boston có thể rất khác so với một căn hộ ở Toledo, Ohio”. Việc tổ chức một lễ cưới đúng nghĩa và được sự chấp nhận của gia đình và bạn bè cũng là điều quan trọng. Với một số người thì 5.000 USD cũng là đủ; nhưng với số khác, khoản tiền có thể lên tới 20.000 USD.
Sau khi kết hôn, mặc dù cả hai đều muốn đóng góp vào thu nhập của gia đình sau khi kết hôn, nhưng nam giới cũng như nữ giới, cùng có chung quan điểm rằng người chồng nên chu cấp cho vợ và con cái về vấn đề tài chính. Và khi tài chính khó khăn, căng thẳng cũng dễ nảy sinh hơn. Mark Regnerus, nhà xã hội học Đại học Texas nói, việc chuyển tới sống cùng nhau để tiết kiệm tiền vì “đối tác” thất nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột. Nhiều hôn nhân đổ vỡ vì tranh cãi về tiền bạc. Nếu rắc rối về tài chính đẩy họ đến sống với nhau, quan hệ đó thậm chí càng dễ đổ vỡ hơn.
2. Nguyên nhân thứ hai của tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn là do yếu tố tâm lý. Phần lớn những trường hợp chung sống như vợ chồng mà không kết hôn là thanh niên, xa gia đình, xa sự quản lý của bố mẹ nên có thể sống tùy ý mình. Tình trạng chung sống mà không kết hôn xuất hiện chủ yếu ở thanh niên, những người chưa hẳn đã chín chắn. Tiến sĩ nghệ thuật học, giảng viên Khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, bà Nguyễn Thị Minh Thái, thì cho rằng một trong những nguyên nhân khiến sống thử được giới trẻ ủng hộ vì nó phù hợp với tâm lý tò mò, háo hức khám phá cái mới của giới trẻ. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và gia đình, cũng ủng hộ quan điểm này: "Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử".
Các nhà tâm lý học ở nhiều nước trên thế giới đều có chung một nhận xét rằng tất cả những người chung sống trước khi kết hôn đều là những người nôn nóng, những trường hợp chung sống mà không kết hôn đều xuất phát từ những quyết định chưa chín chắn. Không ít trường hợp, người con gái còn không biết bạn trai nghĩ gì về mình. Họ không muốn bỏ thời gian và nỗ lực xây dựng một nền tảng vững chắc cho cuộc hôn nhân. Đó là hành vi về cơ bản của kiểu người hay đòi hỏi phải làm vừa lòng tôi ngay lập tức vì tôi muốn như thế và cần phải được như thế.
Không chỉ vì tâm lý nôn nóng, nhiều đôi nam nữ sống chung với nhau là “sống thử”, là bước đệm trước khi tiến đến hôn nhân. Họ thử chung sống như vợ chồng một thời gian để thử thách nhau về trách nhiệm, bổn phận, lòng kiên nhẫn, và quan trọng nhất là có chịu đựng được tật xấu của nhau không, rồi chính thức kết hôn cũng chưa muộn. Thử chung sống, và đo lường tình trạng tài chính của nhau xem có thể thỏa mãn nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày hay không, có sòng phẳng với nhau không, hay một trong hai người sẽ kiểm soát hết tiền bạc và để một người phải chịu thiệt thòi và van xin ban phát khi có nhu cầu…
Qua tìm hiểu quá khứ của những cô gái chấp nhận chung sống trước hôn nhân các nhà nghiên cứu nhận thấy một phần khá lớn trong số họ là những cô gái có nỗi buồn về gia đình trong quá khứ. Ta có thể thấy được điều này qua một ví dụ thực tế về H. Cha mẹ cô luôn mâu thuẫn vì cha H là người quá phóng túng, thiếu trách nhiệm với gia đình. Từ nhỏ, H đã thiếu tình thương của người cha và phải chứng kiến cảnh cãi cọ giữa cha mẹ. Có lẽ vì thế, để có một cuộc sống khác với hiện tại, trong hoàn cảnh của mình, cô đã tìm đến một giải pháp chấp nhận chung sống với một người đàn ông.
Không chỉ có tầng lớp thanh niên, những người trẻ tuổi mới chung sống mà không kết hôn mà cũng có không ít những người cao niên cũng lựa chọn cách sống này. Một số người cao niên đã lựa chọn sống chung thay vì kết hôn để tránh khỏi bị ảnh hưởng tới việc thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội của họ. Một số người khác vì né tránh tội song hôn, họ đã chọn cách chung sống với một người khác mặc dù hôn thú vẫn còn hiệu lực với người vợ hợp pháp của mình.
3. Nguyên nhân thứ ba dẫn tới tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn là do sự thúc đẩy bởi nhu cầu về mặt sinh lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều trường hợp nam nữ chung sống mà không kết hôn hiện nay. Tình yêu là một trong những nhu cầu hết sức đặc biệt trong đời sống tâm lý của mỗi con người. Quan niệm về tình yêu cũng khá phức tạp, đặc biệt là khi đặt vấn đề tình yêu bên cạnh chuyện tình dục. Trước hết, phải thẳng thắn thừa nhận rằng nhu cầu tình dục là một nhu cầu rất thật trong đời sống của mỗi con người và trong tình yêu nói riêng. Tuy nhiên phải chăng tình yêu và tình dục được đồng nhất với nhau? Có đến 78 bạn trẻ là học sinh - sinh viên phản đối quan niệm này (Kết quả nghiên cứu trên 100 bạn trẻ trong một buổi nói chuyện chuyên đề tại Trung tâm Tâm lý giáo dục tình yêu hôn nhân gia đình). Tuy nhiên, vẫn có gần 1/4 bạn trẻ (22%) vẫn đồng nhất tình yêu và tình dục. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao những bạn trẻ này lại đồng nhất tình yêu và tình dục? Thứ nhất, đó là một quan niệm chưa thật sự đúng đắn trong tình yêu do xuất phát từ nhận thức. Các bạn cho rằng đã yêu nhau là phải hy sinh tất cả, phải trao nhau tất cả. Một số bạn còn cho rằng phải có tình dục mới giữ được tình yêu và người yêu... Thứ hai, các bạn đồng nhất giữa tình yêu và tình dục do bị ám thị bởi người yêu mình, bởi mọi người xung quanh. Chính vì những sai lầm như vậy đã dẫn tới tình trạng chung sống như vợ chồng mà không kết hôn của nhiều thanh niên hiện nay.
II. Giải pháp hạn chế tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Nhìn chung, các nhà chuyên gia xã hội, văn hóa đều không đồng tình với việc chung sống như vợ chồng mà không kết hôn, dù nó có lợi ở một khía cạnh nào đó. Lợi là có thể tiết kiệm nhiểu khoản chi phí, có thể ở bên nhau mà lại không có nhiều ràng buộc. Nhưng tác hại của cách sống này là rất nhiều so với vài lợi ích của nó. Việc chung sống như vợ chồng mà không kết hôn sẽ dẫn đến cách sống dần trở thành tự do, phóng túng hơn, khiến cho tình cảm bị chai sạn. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình bền vững sẽ là nền tảng, cốt lõi cho xã hội phát triển. Do đó, nếu một xã hội có nhiều người chỉ muốn sống chung như vợ chồng mà không tính đến chuyện lập gia đình thì xã hội đó không thể phát triển bền vững được. Mặt khác, khi nam nữ chung sống với nhau mà không kết hôn, không có ràng buộc gì sẽ khiến họ sống không có trách nhiệm trong cuộc sống lứa đôi, dễ dàng chia tay nhau để rồi lại tiếp tục chung sống với đối tượng khác. Và một thực trạng đáng báo động hiện nay có nguyên nhân từ việc chung sống mà không kết hôn là tình trạng nạo phá thai, đặc biệt là có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên. Một số trường hợp do nạo phá thai quá nhiều, nạo phá thai ở những nơi không đủ điều kiện hành nghề dẫn đến tai biến thủng tử cung, băng huyết, vô sinh, thậm chí chết người.
Có thể thấy rằng tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn mang lại rất nhiều hậu quả nặng nề. Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em Nguyễn Linh Khiếu cho rằng rồi xã hội sẽ không nói nhiều đến việc sống chung mà không kết hôn, vì nó không còn là vấn đề bức xúc, gay cấn, mà cũng giống như hiện tượng kết hôn, ly hôn. Tuy nhiên, lối sống này sẽ không phát triển lan rộng, chỉ khu trú trong nhóm thanh niên sống xa nhà, điều kiện kinh tế chưa đầy đủ, công ăn việc làm chưa ổn định. Tuy không ủng hộ việc chung sống mà không kết hôn, song nhiều chuyên gia nghiên cứu về gia đình, văn hóa đều cho rằng phải chấp nhận nó như một tất yếu của xã hội hiện đại. Và để giảm thiểu tình trạng này cũng như những hậu quả do lối sống này đem lại cần có những giải pháp từ nhiều phía.
1. Từ phía các cơ quan Nhà nước
Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật về vấn đề hạn chế tình trạng chung sống mà không kết hôn là không nhiều, thậm chí là rất ít ỏi. Do đó, các nhà làm luật cần quan tâm hơn về vấn đề này để đưa ra các văn bản pháp luật hạn chế việc nam nữ chung sống mà không kết hôn. Đồng thời, vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc quy trách nhiệm, áp dụng các chề tài sao cho đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Cần có chính sách thật sự hợp lý để phát huy sức mạnh của thanh niên, cần các biện pháp thỏa đáng để không còn tình trạng chung sống không kết hôn xuất phát từ nguyên nhân về điều kiện kinh tế.
2. Từ phía nhà trường và các tổ chức xã hội
Như đã phân tích ở trên, một nguyên nhân lớn của tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn là xuất phát từ tâm lý tò mò, kém hiểu biết về giới tính. Do đó, các trường học nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên, trang bị cho học sinh, sinh viên đầy đủ kiến thức về giới tính. Đồng thời, nhà trường cũng cần giáo dục cho học sinh, sinh viên về lối sống, định hướng về các giá trị chuẩn mực trong đời sống.
Việc tuyên truyền về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và lối sống không chỉ cần được tuyên truyền ở nhà trường mà còn là trách nhiệm từ phía các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Và song song với tuyên truyền, các tổ chức xã hội cũng cần có những hoạt động tư vấn về vấn đề giới tính, về lối sống… Khi những khúc mắc tâm lý được tư vấn và giải quyết, tình trạng chung sống mà không kết hôn của thanh niên hiện nay chắc chắn sẽ giảm thiểu rất nhiều. Đồng thời, các tổ chức xã hội cũng cần tuyên truyền về tác hại của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi nhận thức được tác hại của lối sống này gây ra, mọi người sẽ xem xét kĩ lưỡng trước khi quyết định về việc chung sống như vợ chồng và tình trạng chung sống mà không kết hôn sẽ bị hạn chế.
3. Từ phía gia đình
Nhân tố quan trọng sẽ giúp hạn chế tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn chính là mỗi gia đình. Mỗi gia đình đều phải có phương pháp giáo dục con em mình một cách phù hợp về giới tính, lối sống, chuẩn mực đạo đức… để đến lúc đứa trẻ trưởng thành sẽ có đầy đủ kiến thức, có nhận thức đúng đắn về các vấn đề trong xã hội và sẽ không lựa chọn những lối sống sai lầm. Mặt khác, gia đình cũng cần có sự quan tâm, quản lý cần thiết đối với con em mình bởi lẽ rất nhiều trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn là những thanh niên xa nhà, có thể sống tùy theo ý mình.
KẾT LUẬN
Trong xã hội hiện nay, vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn vấn đề phức tạp đối với người đang chấp nhận lối sống này và phức tạp đối với xã hội. Đây không phải là một tệ nạn của xã hội nhưng cách sống này vẫn chưa thực sự được chấp nhận ở nước ta bởi những tác hại mà nó gây ra là khá nặng nề. Mặc dù không được chấp nhận nhưng trong giai đoạn hiện nay và nhiều chục năm nữa, tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không kết hôn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển nếu giới trẻ không được cảnh báo, nhận thức được hậu quả để biết cách phòng tránh. Vì thế, những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này cần phải được thực hiện một cách khẩn trương và nghiêm túc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
Lê Thị Thu Trang, Vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng dưới góc độ bảo vệ phụ nữ và trẻ em : Khoá luận tốt nghiệp Hà Nội, 2010
Website : vietbao.vn ; diendanphapluat.vn