Đề tài Nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ lãnh đạo - Quản lý đối với pháp lệnh dân số

Tháng 01 năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Trung ương Đảng khoá VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) nhằm giải quyết cơ bản về vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số của nước ta. Văn kiện Đại hội IX của Đảng cũng khẳng định: “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực” [13, tr.107]. Thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách dân số, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh dân số (PLDS) ngày 9/1/2003, Chủ tịch nước ký Lệnh ban hành ngày 22/1/2003, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác dân số; điều chỉnh thống nhất, định hướng toàn diện vấn đề dân số, bao gồm quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, chất lượng dân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số. Tuy nhiên, từ khi PLDS được ban hành, năm 2003 tỷ lệ dân số của cả nước lại tăng lên rõ rệt, từ 1,32% năm 2002 lên 1,47% năm 2003, tương đương mức tăng của năm 1999. Đến năm 2004 - 2005, xu hướng tăng dân số tuy bước đầu được kiểm soát nhưng cả nước vẫn không có khả năng thực hiện chỉ tiêu giảm mức tăng dân số xuống còn 1,22% vào năm 2005 như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra. Số liệu thống kê cho thấy, ở 38 tỉnh/ thành phố trong tổng số 64 tỉnh/thành phố của cả nước, mức sinh đã tăng lên [71, tr.3]. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ sinh con thứ ba ở các thành phố lớn, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tăng lên khá cao so với năm trước đó. Một số cán bộ công nhân viên và thậm chí cả đảng viên cũng lợi dụng sự thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng trong một vài điều của PLDS để sinh con thứ ba. Điều này cho thấy, kết quả đạt được của công tác dân số chưa thực sự vững chắc, chất lượng dân số thấp, vẫn chứa đựng nhiều yếu tố tiềm ẩn dẫn đến sự bùng nổ dân số trở lại. Trước sự gia tăng dân số như vậy, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ. Nghị quyết nhấn mạnh, thực hiện chính sách dân số, DS - KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt. Mục tiêu nhanh chóng đạt mức sinh thay thế đảm bảo trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có một hoặc hai con, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 - 120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI. Đồng thời nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần và cơ cấu nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để làm tốt những điều này, đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện PLDS và Nghị quyết 47- NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ. Trước tiên cần tiến hành những nghiên cứu đánh giá về nhận thức, thái độ và sự thực hiện PLDS của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý (CBLĐ QL) các cấp. Ở mỗi địa phương, khu vực có hướng điều chỉnh và truyền thông, hướng dẫn việc thực hiện PLDS nhằm đạt tới những mục tiêu mà chương trình quốc gia về dân số, dân số - phát triển (DSPT) đã đề ra. Nghiên cứu ở từng địa bàn của mỗi tỉnh đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc, từ khi Nhà nước ban hành PLDS tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng, trong đó có nhóm cán bộ, đảng viên. Năm 2002 tỉ lệ sinh con thứ 3 ở Yên Bái là 10,55%, 2003 là 12,9% đến năm 2004 mức này là 11,6%, năm 2005 là 12% và 6 tháng đầu năm 2006 là 12,45%. Như vậy, sau ba năm thực hiện PLDS, tỷ lệ sinh con thứ ba đều cao hơn mức của năm 2002. Đây là một điều đáng lo ngại ở tỉnh Yên Bái. Do vậy, chọn đề tài về “Nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ lãnh đạo - quản lý đối với pháp lệnh dân số” là đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, góp phần giúp các cơ quan nhà nước thực hiện thành công những mục tiêu mà chương trình dân số, DSPT của Yên Bái đã đặt ra.

doc98 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 1934 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ lãnh đạo - Quản lý đối với pháp lệnh dân số, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan