Dòng họ pháp luật Common law là dòng họ pháp luật lớn và cơ bản trên thế giới, nó bao gồm các hệ thống pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống pháp luật Anh như Mỹ, Úc, Canada .Tuy là dòng họ có cội nguồn từ hệ thống pháp luật Anh – quốc gia ở Châu Âu nhưng dòng họ pháp luật này có những đặc trưng riêng đồng thời có một số điểm khác biệt cơ bản với dòng họ pháp luật của đại đa số các nước ở châu Âu – dòng họ Civil law. Và bây giờ hãy cùng nhóm C2-1 đi tìm hiểu những đặc trưng của dòng họ pháp luật Common law và những khác biệt cơ bản so với dòng họ Civil law.
3 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 6697 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Những đặc trưng của dòng họ pháp luật Common law và những khác biệt cơ bản so với dòng họ Civil law, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. MỞ ĐẦU
Dòng họ pháp luật Common law là dòng họ pháp luật lớn và cơ bản trên thế giới, nó bao gồm các hệ thống pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống pháp luật Anh như Mỹ, Úc, Canada….Tuy là dòng họ có cội nguồn từ hệ thống pháp luật Anh – quốc gia ở Châu Âu nhưng dòng họ pháp luật này có những đặc trưng riêng đồng thời có một số điểm khác biệt cơ bản với dòng họ pháp luật của đại đa số các nước ở châu Âu – dòng họ Civil law. Và bây giờ hãy cùng nhóm C2-1 đi tìm hiểu những đặc trưng của dòng họ pháp luật Common law và những khác biệt cơ bản so với dòng họ Civil law.
II. NỘI DUNG CHÍNH
1. Common law là dòng họ pháp luật trong đó các hệ thống pháp luật trực thuộc ít, nhiều chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh và thừa nhận án lệ như nguồn luật chính thống.
Án lệ là bản án đã tuyên hoặc sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự. Án lệ có vị trí rất quan trọng trong việc áp dụng pháp luật (tiêu biểu cho các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ này là các nước Anh, Mỹ, Canada, Úc...). Việc áp dụng án lệ như là nguồn luật chính thống cho thấy đặc điểm tư duy pháp lí của Common law: đó là chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism) hay lối suy luận quy nạp đi từ trường hợp cá biệt đến cái tổng quát, nguyên tắc. Hệ quả tích cực của nó là làm thành một hệ thống Common law mở, gần gũi với đời sống thực tế, tạo nên tính chủ động sáng tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy pháp luật. Đồng thời cũng hạn chế sự phát sinh của luật (trong trường hợp nhiều vụ án tương tự nhau có thể cùng áp dụng một án lệ). Trong khi đó, Civil Law là dòng họ coi trọng lý luận pháp luật, có trình độ hệ thống hóa, pháp điển hóa cao với nhiều bộ luật được ra đời sớm, ví dụ: ở Pháp có khoảng 40 bộ luật; ở Đức có khoảng 10 bộ luật... Ở Đức, án lệ trước đây không được coi là nguồn luật của hệ thống này; Tòa án không có quyền lập pháp mà chỉ có quyền áp dụng pháp luật vào những trường hợp cụ thể và pháp luật thành văn được coi là có giá trị hơn cả.
2. Thẩm phán trong các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Common law đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và phát triển các quy phạm pháp luật.
Nghiên cứu dòng họ pháp luật Common law có thể thấy: án lệ xét xử rất phồn thịnh, luật thành văn mặc dù được thừa nhận nhưng thực chất chỉ được ban hành dựa trên án lệ nhằm chắt lọc, hợp nhất các quy phạm pháp luật nằm rải rác ở các bản án khác nhau. Các thẩm phán Anh cho rằng chức năng cơ bản của mình là phán xử, giải quyết tranh chấp, họ thường đặc biệt chú ý tới những tình tiết đặc thù của vụ việc, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề pháp lí cần giải quyết và phán xét trên cơ sở xác định chính xác tất cả những vụ việc đã được xét xử trong quá khứ có tình tiết tương tự với vụ việc đang được giải quyết ở thời điểm hiện tại. Khi thấy có những tiết ấy thì họ sẽ tìm đến phần nguyên tắc pháp lý mà các thẩm phán tiền bối đã sáng tạo ra trong các bản án đã tuyên trong quá khứ để áp dụng, giải quyết vụ việc hiện tại. Do vậy, các quy phạm pháp luật do các thẩm phán xây dựng là trong khi đưa ra quy định về các vụ án cụ thể, họ “đo thử” vụ việc cụ thể với các án lệ xét xử giống nhau đang hiện có. Có một câu châm ngôn nổi tiếng của nhà chính trị người Anh B.Dizrachi: “án lệ làm sai lệch nguyên tắc”. Việc nghiên cứu và phân tích các quyết định xét xử đã được đưa ra trước đây cho phép sử dụng chúng để lập luận cho các quyết định tiếp theo. Khác với dòng họ common law, dòng họ civil law do chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực nên không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Các luật gia lục địa châu Âu hầu như có quan điểm tương đối thống nhất rằng lập pháp là hoạt động của nghị viện, tào án là cơ quan áp dụng luật để xét xử chứ không phải bằng hoạt động xét xử tạo ra luật. Vì vậy, luật thành văn mới là nguồn luật phổ biến và quan trọng nhất của dòng họ civil law, án lệ chỉ là áp dụng một cách hạn chế như là hình thức khắc phục khiếm khuyết của pháp luật thành văn.
3. Hệ thống pháp luật (HTPL) thuộc dòng họ common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư.
Luật công là hệ thống các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa cơ quan công quyền với nhau và giữa cơ quan công quyền với tư nhân. Luật tư là hệ thống các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Các HTPL thuộc dòng họ Common law ra đời từ thực tiễn xét xử lưu động của các thẩm phán ở các địa phương bằng việc áp dụng các tập quán và sau đó nâng lên thành tập quán quốc gia. Sau này thay vì áp dụng tập quán, các thẩm phán đã áp dụng án lệ trên cơ sở tuân thủ tiền lệ pháp. Vì vậy HTPL thuộc dòng họ common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Tất cả các quyền công và quyền tư đều được xác định thống nhất thông một quyền lợi chung đó là quyền lợi về tài sản, mặt khác nếu như ở Civil law quyền lực được phân chia thành lập pháp, hành pháp và tư pháp thì Common law lại có sự thống nhất quyền lực. Đây cũng chính là những điểm cơ bản lí giải tạo sao HTPL thuộc Common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Trái ngược với HTPL thuộc dòng họ Common law, thì HTPL thuộc dòng họ Civil law lại có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Sự phân chia này dựa trên tư tưởng của các nhà luật gia lục địa Châu Âu; trên cơ sở của mối quan hệ giữa người cai trị và người bị cai trị đòi hỏi những chế định hoàn toàn khác nhau về lợi ích, điều này đã đặt ra vấn đề cần phân biệt pháp luật thành luật công và luật tư. Trong đó luật công bảo vệ lợi ích công và thường thể hiện tính bất bình đẳng giữa các chủ thể pháp luật, còn luật tư bảo vệ lợi ích tư và thể hiện sự bình đẳng của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.
4. Chế định pháp luật tiêu biểu của các HTPL thuộc dòng họ Common law là chế định ủy thác-chế định đặc thù của HTPL Anh.
Chế định ủy thác là một chế định đặc thù được khởi nguồn từ nước Anh, do quá trình đi xâm chiếm thuộc địa. Vì vậy với những vùng đất đai rộng lớn của các nước thuộc địa, thì cách duy nhất mà nước Anh có thể quản lí tốt là phải ủy thác công việc. Và sự ra đời của chế định ủy thác sẽ đảm bảo công bằng cho người ủy thác và người được ủy thác, có lẽ vì vậy chế định ủy thác trở thành một chế định tiêu biểu của dòng họ Common law và là một chế định đặc thù của HTPL Anh (vì nó được khởi nguồn từ Anh). Cũng là hành vi bảo đảm công bằng xã hội bằng cách ngăn chặn những hành vi của các cá nhân với dụng ý giữ lại nhằm chiếm đoạt tiền hoặc những lợi ích vật chất khác trái với lương tâm và giáo lí, nhưng các nước thuộc dòng họ Civil law lại gọi nó bằng cái tên: Chế định làm giàu bất chính.
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, hai dòng họ pháp luật Common Law và Civil Law là hai dòng họ pháp luật lớn và điển hình trên thế giới. Hai dòng họ này có những điểm đặc thù, những đặc trưng pháp lý riêng. Mặc dù ngày nay pháp luật ở các nước thuộc hai dòng họ này cũng có nhiều thay đổi theo hướng bổ khuyết những mặt hạn chế, tích hợp nhiều nội dung mới, nhưng về cơ bản sự thay đổi ấy vẫn không làm mất đi những đặc thù riêng, triết lý riêng, từng tạo nên “bản sắc” của hai dòng họ pháp luật này.