Tiếp xúc cử tri là hoạt động được đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thường xuyên, đều đặn nhất và đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống dân cử ở nước ta.
Tiếp xúc cử tri là cầu nối vững chắc giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi địa phương. Theo thông lệ, một năm đại biểu có thể tiếp xúc ít nhất bốn lần với cử tri (hai lần trước hai kỳ họp và hai lần sau hai kỳ họp). Ngoài ra theo yêu cầu công việc, đại biểu có thể có các cuộc tiếp xúc khác theo chuyên đề, theo đối tượng cần tiếp xúc. Qua tiếp xúc nhiều lần, đại biểu và cử tri ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn; các yêu cầu cần tìm hiểu của đại biểu sát thực với cuộc sống của cử tri hơn, các cử tri cũng cung cấp được nhiều thông tin bổ ích, phù hợp với yêu cầu của đại biểu hơn.
Tiếp xúc cử tri là một sinh hoạt chính trị - xã hội, thực hiện càng tốt càng góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở. Tại hội nghị tiếp xúc ai cũng có quyền tự do nói thẳng, nói thật, nói hết ý kiến của mình. Ở nhiều hội nghị, người tổ chức, điều hành linh hoạt, có bản lĩnh, thì cử tri phát biểu thẳng thắn, thoải mái, đại biểu Quốc hội thu lượm được nhiều thông tin “tươi sống”, bổ ích góp phần phục vụ tốt hơn cho các quyết sách của Quốc hội tại mỗi kỳ họp.
Tiếp xúc cử tri có thể ví như chiếc lăng kính hội tụ tình hình chung của đất nước. Mỗi lần tiếp xúc trước kỳ họp, các đại biểu thường thu thập được trên dưới 1.300 ý kiến của cử tri trong cả nước với nhiều lĩnh vực (kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường, đối ngoại.). Trong đó có nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô khá xác đáng, nhiều ý kiến có tính phát hiện, giúp cho Quốc hội lựa chọn sát thực, đúng đắn các vấn đề cần phải chất vấn tại kỳ họp. Các cuộc tiếp xúc sau kỳ họp, các đại biểu đã chuyển tải đến cử tri những nội dung cơ bản của kết quả kỳ họp, nhất là các quyết nghị của Quốc hội về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và những nội dung cơ bản của một số đạo luật vừa được thông qua.
Tiếp xúc cử tri là hoạt động được lặp đi lặp lại và trên thực tế hoạt động này đã có vẻ thuần thục, nhưng cũng còn không ít các vấn đề cần được cải tiến nếu muốn đem lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn. Bước đầu, chúng tôi xin được nêu lên một số việc xét thấy có thể thực hiện được ngay trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.
5 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2252 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Những điều cần lưu ý trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những điều cần lưu ý trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
Tiếp xúc cử tri là hoạt động được đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thường xuyên, đều đặn nhất và đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống dân cử ở nước ta.
Tiếp xúc cử tri là cầu nối vững chắc giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi địa phương. Theo thông lệ, một năm đại biểu có thể tiếp xúc ít nhất bốn lần với cử tri (hai lần trước hai kỳ họp và hai lần sau hai kỳ họp). Ngoài ra theo yêu cầu công việc, đại biểu có thể có các cuộc tiếp xúc khác theo chuyên đề, theo đối tượng cần tiếp xúc. Qua tiếp xúc nhiều lần, đại biểu và cử tri ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn; các yêu cầu cần tìm hiểu của đại biểu sát thực với cuộc sống của cử tri hơn, các cử tri cũng cung cấp được nhiều thông tin bổ ích, phù hợp với yêu cầu của đại biểu hơn.
Tiếp xúc cử tri là một sinh hoạt chính trị - xã hội, thực hiện càng tốt càng góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở. Tại hội nghị tiếp xúc ai cũng có quyền tự do nói thẳng, nói thật, nói hết ý kiến của mình. Ở nhiều hội nghị, người tổ chức, điều hành linh hoạt, có bản lĩnh, thì cử tri phát biểu thẳng thắn, thoải mái, đại biểu Quốc hội thu lượm được nhiều thông tin “tươi sống”, bổ ích góp phần phục vụ tốt hơn cho các quyết sách của Quốc hội tại mỗi kỳ họp.
Tiếp xúc cử tri có thể ví như chiếc lăng kính hội tụ tình hình chung của đất nước. Mỗi lần tiếp xúc trước kỳ họp, các đại biểu thường thu thập được trên dưới 1.300 ý kiến của cử tri trong cả nước với nhiều lĩnh vực (kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường, đối ngoại...). Trong đó có nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô khá xác đáng, nhiều ý kiến có tính phát hiện, giúp cho Quốc hội lựa chọn sát thực, đúng đắn các vấn đề cần phải chất vấn tại kỳ họp. Các cuộc tiếp xúc sau kỳ họp, các đại biểu đã chuyển tải đến cử tri những nội dung cơ bản của kết quả kỳ họp, nhất là các quyết nghị của Quốc hội về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và những nội dung cơ bản của một số đạo luật vừa được thông qua.
Tiếp xúc cử tri là hoạt động được lặp đi lặp lại và trên thực tế hoạt động này đã có vẻ thuần thục, nhưng cũng còn không ít các vấn đề cần được cải tiến nếu muốn đem lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn. Bước đầu, chúng tôi xin được nêu lên một số việc xét thấy có thể thực hiện được ngay trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.
1. Việc tổ chức các cuộc tiếp xúc của các Đoàn đại biểu Quốc hội
Nếu phân chia theo địa bàn, đơn vị bầu cử thì hiện nay các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương đang tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri với phạm vi địa bàn rất khác nhau, nhưng có thể khái quát thành hai dạng:
- Dạng thứ nhất, một số Đoàn đại biểu Quốc hội thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc theo phạm vi nơi ứng cử của từng đại biểu, nghĩa là đại biểu nào ứng cử ở đơn vị bầu cử nào, huyện, thị nào thì suốt cả khóa chỉ tiếp xúc với cử tri của các huyện, thị thuộc đơn vị bầu cử đó. Ưu điểm cơ bản của cách tổ chức này là, do phạm vi hẹp nên đại biểu có điều kiện đi sâu tìm hiểu, nắm tương đối kỹ tình hình mọi mặt của đơn vị mình ứng cử; quan hệ giữa đại biểu và cử tri có phần mật thiết hơn vì tần suất xuất hiện các cuộc tiếp xúc tương đối dày đặc (cứ đến hẹn lại lên). Tuy nhiên lại có nhược điểm cơ bản là, hoạt động cả khóa mà đại biểu không nắm được tình hình nhiều mặt của cả tỉnh, thành phố, địa phương mình làm đại biểu (mặc dù có địa phương đã bổ khuyết bằng cách báo cáo tình hình chung của toàn tỉnh, thành phố cho cả Đoàn cùng nghe, nhưng đây là ý kiến của lãnh đạo tỉnh, thành phố chứ không phải là ý kiến của cử tri). Có đại biểu đã phát biểu, hết khóa rồi mà chưa hề biết mấy huyện ngoại thành khác các quận nội thành thế nào; lại có đại biểu luyến tiếc năm năm trời mà mình chưa có dịp được tiếp cận với các huyện trung du, miền núi bao la cách xa thủ phủ tỉnh lỵ cả ngày đường... Do không nắm được tình hình chung của cả tỉnh, thành phố nên tư duy, suy nghĩ phát hiện vấn đề, tầm đề xuất, đóng góp của đại biểu bị hạn chế nhiều. Hơn nữa, đối với đại biểu nếu chỉ hoạt động trong mấy huyện, thị thuộc đơn vị ứng cử của mình thì cũng không phù hợp với quy định tại Điều 97 của Hiến pháp hiện hành và Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước...”.
- Dạng thứ hai được phần lớn các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri, đó là dù đại biểu được bầu ra ở đơn vị bầu cử nào thì cũng sẽ lần lượt được tiếp xúc cử tri ở tất cả các đơn vị bầu cử (tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện của cả tỉnh, thành phố). Về thời gian, những tỉnh chỉ có hai đến ba đơn vị bầu cử (trên dưới 10 đơn vị hành chính cấp huyện) thì chỉ sau ba đến bốn kỳ họp là các đại biểu đã tiếp xúc được cử tri ở hầu hết các huyện, thị (mỗi huyện, thị tiếp xúc ít nhất là một điểm). Ở những địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện như tỉnh Thanh Hóa (27 huyện, thị xã, thành phố, với sáu đơn vị bầu cử) thì sau sáu kỳ họp là các đại biểu đã tiếp xúc cử tri được ở cả sáu đơn vị bầu cử, đã đi được khắp các huyện, thị xã, thành phố trong cả tỉnh. Ưu điểm cơ bản của dạng tổ chức này là khắc phục được những khiếm khuyết cơ bản của dạng tổ chức thứ nhất. Cử tri có điều kiện biết được tất cả các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, chứ không chỉ biết những đại biểu thuộc đơn vị bầu cử của mình. Đại biểu Quốc hội có điều kiện nắm bắt được tình hình các mặt của cả tỉnh, thành phố, có điều kiện so sánh đời sống kinh tế - xã hội các mặt giữa vùng này với vùng khác (vùng biển, vùng đồng bằng với các vùng trung du, miền núi, vùng núi thấp với vùng núi cao, thành thị với nông thôn). Do có được tình hình đa dạng, phong phú, toàn diện nên các đại biểu có điều kiện suy nghĩ, chắt lọc, phát hiện, khái quát, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị được nhiều vấn đề mới mẻ, xác đáng tại kỳ họp Quốc hội...
Theo chúng tôi thì cách thức tổ chức theo dạng thứ hai là hợp lý, đúng đắn hơn, phù hợp với quy định tại Điều 51 Luật tổ chức Quốc hội hiện hành “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan”.
Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả điều luật này thì tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội nên tổ chức theo dạng thứ hai để các đại biểu trong Đoàn được tiếp xúc cử tri lần lượt ở tất cả các đơn vị bầu cử của tỉnh, thành phố, nơi đại biểu làm nhiệm vụ của đại biểu.
2. Thành phần tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri
Điều 5 của văn bản “Hướng dẫn thi hành Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10/9/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” quy định thành phần hội nghị tiếp xúc cử tri như sau:
1. Đại diện cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở mỗi cấp.
2. Cử tri trực tiếp làm việc, học tập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.
3. Cử tri thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố.
Đây là quy định chung cho tất cả các hình thức tiếp xúc cử tri chứ không phải bất kỳ cuộc tiếp xúc nào cũng phải đủ ba loại thành phần như trên. Thực tế cho thấy, cơ cấu, số lượng, tỷ lệ thành phần trong các cuộc tiếp xúc cử tri là muôn màu, muôn vẻ phụ thuộc vào khả năng vận dụng các quy định về tiếp xúc cử tri và trình độ của người tổ chức hội nghị, có thể gom lại thành hai loại sau đây.
- Loại thứ nhất là các cuộc tiếp xúc đem lại kết quả tốt: Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương đã đạt được mục đích, yêu cầu của đại biểu là tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập để phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan. Ở các cuộc tiếp xúc này có đầy đủ các thành phần tham dự và mang tính đại diện rất cao. Ngoài bảy, tám vị đại diện cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của cấp tiếp xúc, còn lại là đông đảo các cử tri, thường đến vài trăm người. Trong hội nghị, không khí cởi mở, tự do dân chủ, thẳng thắn được phát huy. Các cử tri đại diện cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thường khuyến khích và nhường cho các cử tri ở làng, xã, thôn, bản phát biểu. Nhiều đại biểu Quốc hội tâm đắc với các ý kiến “tươi rói, mới tinh” từ cơ sở. Có những ý kiến khá bộc trực, nhưng là gợi ý rất tốt cho một loại chính sách. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Lạng Sơn, một cựu chiến binh đã nói: “tôi đi chiến đấu ở miền Nam về, điều may mắn hơn nhiều đồng đội là còn sống trở về quê hương. Nhưng từ khi về quê đến nay, mẹ già, vợ dại, con dốt, nhà dột, bản thân sức khỏe yếu mà chưa hề được hưởng một chính sách, chế độ gì. Tôi xin hỏi đại biểu, sắp tới những người như tôi, Nhà nước có chế độ, chính sách gì không?”. Ý kiến của cử tri cựu chiến binh ở một chòm bản vùng núi rất xa xôi này đã phản ảnh một thực trạng khá phổ biến trong cả nước sau năm 1975. Qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là thông tin của nhiều cơ quan Quốc hội, sau này Chính phủ đã ban hành chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Chính sách này đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hàng chục ngàn cựu chiến binh trong cả nước, kể cả những người tham gia kháng chiến chống Pháp... Tương tự như vậy, tại một cuộc tiếp xúc ở miền tây tỉnh Thanh Hóa, một cử tri đã nêu ý kiến: “có lẽ Nhà nước mới tính đến chính sách cho đồng bào những tỉnh hoàn toàn là miền núi, còn như Thanh Hóa có đủ các vùng, miền; trong đó có sáu huyện thuộc miền núi, có cả các huyện vùng núi cao, mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây lại chưa được hưởng chính sách như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên là chưa thỏa đáng. Đề nghị các đại biểu Quốc hội của tỉnh ta phản ảnh giúp ý kiến của chúng tôi lên Chính phủ”. Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa khóa XI đã phát biểu ý kiến này trước kỳ họp của Quốc hội với tinh thần là, những tỉnh có miền núi thì các huyện, các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn phải được hưởng chính sách như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong các năm 2005-2006, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát ở nhiều tỉnh có miền núi (trong đó có Thanh Hóa) cũng đã kiến nghị như vậy. Chính phủ đã rất kịp thời điều chỉnh chính sách một cách đúng đắn, công bằng, hợp lý bằng các Quyết định 134, 168, 186... và tiếp tục hoàn thiện các chính sách đó. Đặc biệt là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Chính phủ đã lọc ra 63 huyện nghèo nhất trong cả nước (không riêng gì vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên) để có chính sách đầu tư hợp lý, có hiệu quả hơn...
Một vài ví dụ như trên để nói lên rằng, nếu nhằm đúng mục đích, huy động đúng thành phần, phát huy cao độ tự do, dân chủ thì các cuộc tiếp xúc cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu mà còn là một hình thức hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, bổ ích cho cử tri, cho công tác quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô.
- Loại thứ hai là những cuộc tiếp xúc cử tri kém hiệu quả, nhàm chán, thậm chí là vô bổ. Ở các cuộc tiếp xúc này chủ yếu là thành phần thứ nhất (đại diện cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận; nói là đại diện nhưng số lượng quá nhiều so với toàn bộ số người tham dự) và chỉ có loáng thoáng ít người thuộc thành phần thứ ba dường như đã được chọn lọc kỹ, số lượng cử tri tham dự tiếp xúc không nhiều, thường chỉ vài ba chục người. Số lượng, cấu trúc thành phần này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều cuộc tiếp xúc, vì vậy họ đã được mệnh danh là “đại cử tri” và là “cử tri chuyên nghiệp”. Trường hợp này thường xảy ra ở những nơi lãnh đạo có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, địa phương có nhiều vấn đề bức xúc, dân tình bất bình. Nhưng cũng có trường hợp người tổ chức cuộc tiếp xúc muốn đơn giản, gọn nhẹ, cốt cho xong việc, nên lần nào cũng vậy, cứ thế mà làm... Đây là những trường hợp không thực hiện đúng mục đích của hoạt động tiếp xúc cử tri. Kết quả là rất hạn chế, nếu không muốn nói là không được gì. Sau khi đại biểu Quốc hội báo cáo chương trình kỳ họp thì đại diện chính quyền, đại diện Mặt trận Tổ quốc của địa phương “đọc” các bài về “khó khăn” đặc biệt của địa phương và “thành tích xuất sắc” đã đạt được. Sau các bài dài dài đó là thời gian ít ỏi còn lại để cử tri phát biểu. Nếu ở trường hợp trên không đủ thời gian cho cử tri phát biểu thì ở trường hợp này tuy còn ít thời gian nhưng nó cứ nặng nề, lặng lẽ trôi đi. Rốt cuộc lại thêm mấy vị đại diện bổ sung khó khăn, nói thêm thành tích, điệp khúc lại các báo cáo đã được trình bày. Chủ tọa chỉ định thêm một, hai cử tri khác phát biểu theo khuôn khổ có lẽ đã được “chuẩn bị” kỹ, nên cũng không có thông tin gì mới hơn. Cuối cùng chủ tọa dõng dạc đọc một bài dài kết thúc hội nghị, trong đó không quên nhấn đậm: hội nghị tiếp xúc cử tri đã thành công tốt đẹp.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri nói trên cho thấy, người tổ chức các cuộc tiếp xúc phải nắm chắc mục đích, yêu cầu và cơ cấu thành phần tham dự một cách đúng đắn. Đại biểu Quốc hội muốn thu thập được tình hình và kiến nghị thực chất từ thôn, làng, ấp, bản, xã, phường thì thành phần cử tri chủ yếu phải là người dân ở cơ sở. Nhân đây cũng xin được nói thêm rằng, tùy theo yêu cầu của mỗi cuộc tiếp xúc mà người tổ chức cuộc tiếp xúc mời các thành phần cho phù hợp. Một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã có sáng kiến tiếp xúc cử tri với một số ngành của địa phương. Ví dụ để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự thì tổ chức tiếp xúc với cử tri công tác tại các ngành tòa án, kiểm sát; để xây dựng hay sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục thì tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục - đào tạo, các trường trung học, cao đẳng, đại học... Đây cũng có thể coi là các cuộc tiếp xúc chuyên đề và sẽ cho kết quả khá rõ nét (đại biểu nắm bắt được tình hình, phản ánh được những khúc mắc từ cơ sở và nắm được cách thức xử lý khi tham gia xây dựng luật)...
*
Còn khá nhiều vấn đề về hình thức tiếp xúc cử tri, thành phần hội nghị tiếp xúc cử tri, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri... cần được xem xét, cải tiến. Từ hoạt động thực tiễn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tiếp xúc cử tri theo quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, thay cho hướng dẫn thi hành Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10/9/2004 để các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện thống nhất, có hiệu quả hơn.