Đề tài Những điều kiện pháp lý cần và đủ để pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và pháp nhân Việt Nam được hoạt động ở nước ngoài

Pháp nhân là một tổ chức nhất định của con người được thành lập theo trình tự, thủ tục và có đủ các điều kiện do pháp luật của Nhà nước quy định hoặc tồn tại trên thực tế và được Nhà nước công nhận. Trong thực tiễn quốc tế, pháp nhân được thành lập theo pháp luật của một nước nhất định, tư cách pháp nhân luôn chịu sự chi phối của pháp luật quốc gia và đó cũng là điều kiện pháp lý cơ bản để pháp nhân thực hiện hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi tham gia vào các quan hệ dân sự mở rộng, đặc biệt khi tiến hành các hoạt động trên lãnh thổ của quốc gia khác, pháp nhân vẫn cần phải có những điều kiện pháp lý nhất định. Trong phạm vi đề tài, bài viết này tập trung làm rõ những điều kiện pháp lý cần và đủ để pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và pháp nhân Việt Nam được hoạt động ở nước ngoài.

doc7 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2100 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Những điều kiện pháp lý cần và đủ để pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và pháp nhân Việt Nam được hoạt động ở nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Pháp nhân là một tổ chức nhất định của con người được thành lập theo trình tự, thủ tục và có đủ các điều kiện do pháp luật của Nhà nước quy định hoặc tồn tại trên thực tế và được Nhà nước công nhận. Trong thực tiễn quốc tế, pháp nhân được thành lập theo pháp luật của một nước nhất định, tư cách pháp nhân luôn chịu sự chi phối của pháp luật quốc gia và đó cũng là điều kiện pháp lý cơ bản để pháp nhân thực hiện hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi tham gia vào các quan hệ dân sự mở rộng, đặc biệt khi tiến hành các hoạt động trên lãnh thổ của quốc gia khác, pháp nhân vẫn cần phải có những điều kiện pháp lý nhất định. Trong phạm vi đề tài, bài viết này tập trung làm rõ những điều kiện pháp lý cần và đủ để pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và pháp nhân Việt Nam được hoạt động ở nước ngoài. NỘI DUNG 1, Điều kiện cần và đủ để pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. a, Điều kiện cần. Để một tổ chức nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật, đa số các quốc gia đều quy định tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân. Tư cách pháp nhân là điều kiện cần có để bất kỳ pháp nhân nào tiến hành hoạt động của mình. Theo đó, một pháp nhân nước ngoài muốn tiến hành hoạt động của mình trên lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện về tư cách pháp nhân theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP ngày 15/1/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về việc áp dụng pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ghi nhận: “Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài”, tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật thương mại Việt Nam 2005, Điều 765 Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 cũng gián tiếp quy định về tư cách pháp nhân nước ngoài và lấy đó làm điều kiện cần để xem xét cho phép pháp nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, pháp nhân nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật nước ngoài và được Việt Nam công nhận có quốc tịch nước ngoài. Điều kiện thành lập pháp nhân ở các quốc gia là khác nhau và được ghi nhận cụ thể trong pháp luật mỗi quốc gia. Bởi vậy, khi xem xét tư cách pháp nhân nước ngoài, Việt Nam phải nắm rõ điều kiện thành lập pháp nhân trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới để đảm bảo tư cách pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam, góp phần kiểm soát hoạt động của pháp nhân đó, bảo vệ an ninh chủ quyền và lợi ích kinh tế xã hội của Việt Nam. Việc xác định quốc tịch của pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân nước ngoài nhưng qua Điều 765 Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 có thể hiểu: Việt Nam áp dụng nguyên tắc nơi pháp nhân thành lập để xác định quốc tịch của pháp nhân nước ngoài. Mặt khác, thực tế ở một số nước, không phải bất kỳ pháp nhân nào cũng là chủ thể thực sự của tư pháp quốc tế. Chỉ những pháp nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước pháp nhân đó mang quốc tịch cho phép tham gia vào quan hệ với pháp nhân, công dân nước ngoài mới là chủ thể thực sự của tư pháp quốc tế. Bởi thế, bên cạnh tư cách pháp nhân cần có theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam, pháp nhân nước ngoài phải được phép hoạt động tại nước ngoài theo quy định của pháp luật quốc gia mà pháp nhân đó mang quốc tịch. b, Điều kiện đủ: Ngoài việc đảm bảo những điều kiện cần có, pháp nhân nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện pháp lý nhất định được quy định trong pháp luật Việt Nam, trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với quốc gia khác liên quan tới điều kiện hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại quốc gia mình. Đây là điều kiện đủ để pháp nhân nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên đối với từng loại pháp nhân, từng hoạt động mà pháp nhân muốn thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam sẽ có những điều kiên khác nhau. Đối với pháp nhân nước ngoài vào Việt Nam với tư cách nhà đầu tư được quy định cụ thể trong Luật đầu tư 2005. Theo đó, pháp nhân nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép đầu tư theo những điều kiện về hình thức đầu tư, lĩnh vực đầu tư, chủ thể được phép đầu tư... mà pháp luật Việt Nam đã quy định; pháp nhân đó không được hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam cấm; phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với từng ngành nghề, lĩnh vực mà pháp nhân đó sẽ hoạt động. Đối với những pháp nhân nước ngoài không thuộc diện đang đầu tư tại Việt Nam thì pháp luật cũng quy định những giới hạn nhất định. Nếu pháp nhân muốn đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam thì điều kiện bắt buộc là phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Ngoài ra, các pháp nhân đến Việt Nam nhằm mục đích ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, giao dịch,… thì những hàng hóa, dịch vụ đó phải thuộc loại được nhập khẩu và với những mặt hàng mà pháp luật Việt Nam cho phép ký kết hợp đồng. 2, Điều kiện cần và đủ để pháp nhân Việt Nam được hoạt động tại nước ngoài a, Điều kiện cần. Theo thông lệ quốc tế, đa số các quốc gia khi cho phép pháp nhân nước ngoài vào hoạt động trên lãnh thổ nước mình đều yêu cầu pháp nhân đó đảm bảo tư cách pháp lý của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân Việt Nam muốn hoạt động tại nước ngoài phải đảm bảo tư cách pháp nhân của mình được quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 là: “ Được thành lập hợp pháp”, “có cơ cầu tổ chức chặt chẽ”, “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, “nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Bên cạnh đó, để được hoạt động ở nước ngoài, pháp nhân Việt Nam cũng phải được sự cho phép tư chính quốc gia của mình: Với pháp nhân thương mại Việt Nam muốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện như: phải là doanh nghiệp thuộc diện được phép đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 22/ 1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, Điều 1 Thông tư số 05/2001/TT-BKH về hướng dẫn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và Điều 2 Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; có dự án đầu tư ra nước ngoài; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam; được cơ quan quản lý đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì các pháp nhân thương mại Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và pháp luật khác có kiên quan. Trường hợp đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước thì bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện chung ở trên, nhà đầu tư còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Pháp nhân thương mại Việt Nam muốn đặt văn phòng đại diện ở nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện được thành lập và đăng ký hoạt động theo đúng pháp luật, có nhu cầu đặt văn phòng đại diện để thực hiện quan hệ kinh tế, thương mại với các bạn hàng ở nước tiếp nhận, có nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của văn phòng đại diện. Với pháp nhân phi thương mại, muốn hoạt động ở nước ngoài cũng phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của Việt Nam đối với lĩnh vực hoạt động, chủ thể, hình thức, thủ tục để được hoạt động ở nước ngoài. b, Điều kiện đủ: Theo thông lệ quốc tế, pháp nhân nước ngoài muốn vào hoạt động ở một nước thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó. Tổ chức này căn cứ vào Điều ước quốc tế có liên quan, luật của nước mình mà cấp phép cho pháp nhân nước ngoài vào hoạt động. Bởi vậy, pháp nhân Việt Nam muốn hoạt động tại nước ngoài bên cạnh những điều kiện cần có đã trình bày ở phần trên còn phải được sự chấp thuận cho hoạt động của quốc gia mà pháp nhân Việt Nam dự định tiến hành đầu tư. Điều kiện để cấp phép hoạt động cho pháp nhân Việt Nam nói riêng, pháp nhân nước ngoài nói chung do pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Thông thường đó là những điều kiện về lĩnh vực hoạt động, hình thức hoạt động, chủ thể được phép hoạt động và thủ tục đăng ký hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại nước mình. Đáp ứng đủ những điều kiện đó, pháp nhân Việt Nam mới có thể tiến hành các hoạt động của minh tại nước ngoài. KẾT LUẬN Với hơn 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, sẽ dẫn tới tồn tại hàng trăm hệ thống pháp luật khác nhau, dẫn tới quy định về điều kiện cho pháp nhân nước ngoài hoạt động tại mỗi nước là khác nhau. Bởi vậy, để có thể mở rộng hoạt động của mình trên phạm vi thế giới, pháp nhân nói chung cần phải linh hoath trong việc hoàn thiện những điều kiện cần thiết để thực hiện được mục đích của mình. Với Việt Nam, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt pháp lý, tài chính… để pháp nhân Việt Nam hoạt động được ở nước ngoài, chúng ta cần có một hành lang pháp lý thông thoáng và hợp lý để thu hút hơn nữa các pháp nhân nước ngoài tới hoạt động. Có như vậy chúng ta mới phát huy tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển TÀI LIỆU THAM KHẢO 1, Giáo trình “Tư pháp quốc tế” – trường Đại học luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân 2008 2, Giáo trình “ Luật đầu tư” – trường Đại học luật Hà Nội NXB Công an nhân dân 2006 3, Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 4, Bộ luật thương mại Việt Nam 2005 5, Nghị định 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về việc áp dụng pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.. 6, Nghị định số 22/ 1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam 7, Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài 8, Thông tư số 05/2001/TT-BKH về hướng dẫn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam