Đề tài Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về định hướng XHCN trong lĩnh vực kinh doanh thương mại ở nước ta hiện nay
Từ năm 1986 Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Đó là quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, việc phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường tuy có sự quản lý của nhà nước XHCN nhưng làm như thế nào để đúng định hướng XHCN, tránh được nguy cơ chệch hướng, đó không phải là vấn đề đơn giản. Nền kinh tế quốc dân là tổng thể các bộ phận kinh tế hợp thành, là tổng hợp các hoạt động của các nghành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tín dụng. Định hướng XHCN nền kinh tế phải là tổng hợp định hướng của các bộ phận, các ngành kinh tế trong mối liên hệ với nhau và trên cơ sở của các tiền đề khách quan nhất định về chính trị, văn hoá - tư tưởng. Thương mại là bộ phận hợp thành của nền kinh tế, là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Thương mại không những làm cho các bộ phận của nền kinh tế gắn kết với nhau, sản xuất gắn với tiêu dùng, mà thương mại còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc tăng cường củng cố liên minh công - nông - trí thức, thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn và nông dân. Đặc biệt, thương mại là phương thức chủ yếu làm cho nền kinh tế nước ta hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới để phát triển. Như vậy, việc chỉ ra xu hướng vận động, cũng như những nhân tố và giải pháp cơ bản đảm bảo định hướng XHCN của ngành thương mại trong mọi hoạt động của nó, nhất là trong phương thức kinh doanh là quan trọng và cần thiết, vừa đảm bảo mục tiêu định hướng XHCN của cách mạng nói chung, vừa đảm bảo định hướng XHCN của nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường nói riêng, tránh nguy cơ chệch hướng, đảm bảo hoà nhập nhưng không hoà tan.