Đề tài Nội dung và ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng

Sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là một trong những điều kiện quan trọng có tính chất quyết định để vụ án được giải quyết khách quan không làm oan người vô tội và để lọt tội phạm. Vì vậy đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự.

doc13 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 4236 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nội dung và ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Trang I. Đặt vấn đề………………………………………………………………1 II. Giải quyết vấn đề………………………………………………………1 1. Căn cứ xác định………………………………………………………...1 2. Nội dung của nguyên tắc……………………………………………….5 3. Điều kiện thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng…………………………………………………..8 4. Ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng………………………………………………………….13 III. Kết thúc vấn đề………………………………………………………13 Bài làm I.Đặt vấn đề Sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là một trong những điều kiện quan trọng có tính chất quyết định để vụ án được giải quyết khách quan không làm oan người vô tội và để lọt tội phạm. Vì vậy đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự. II. Giải quyết vấn đề 1. Căn cứ xác định Việc tham gia quá trình giải quyết vụ án của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án, giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Chính vì vậy Điều 14 Bộ luật tố tụng hình sự đã qui định về bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng:“ Thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để chi rằng họ có thể không vô tư tron khi thực hiện nhiệm vụ của mình.” Ngoài ra, còn có những điều luật khác quy định cụ thể những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người giám định, người phiên dịch được qui định tại các Điều 42, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 60, Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự. 2. Nội dung của nguyên tắc. Thứ nhất, những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người giám định phải giữ được sự vô tư khi làm nhiệm vụ của mình trong mọi trường hợp. Họ phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật, tiến hành công việc của mình với thái độ thật sự công tâm, khách quan, vô tư, không được để những quan hệ, những tình cảm cá nhân chi phối vào công việc. Không được có thái độ thiên vị hay định kiến đối với bất kì người tham gia tố tụng nào(1). Để đảm bảo sự vô tư khi tham gia tiến hành tố tụng pháp luật quy định những người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu: Một là, họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của người đó hoặc của bị can, bị cáo; Ví dụ: A là Thẩm phán đồng thời cũng là người bị hại bởi hành vi trộm cắp tài sản của B. Nếu như A tiếp tục là thành viên của Hội đồng xét xử thì sẽ không đảm bảo được sự khách quan, vô tư khi giải quyết vụ án. Hoặc nếu X thẩm phán và cũng là cha hoặc mẹ của Y. Y phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác. Khi là người thân thích với bị cáo thì việc đưa ra quyết định sẽ không tránh khỏi sự thiên vị, ưu tiên. Và như vậy, quyết định hình phạt cho bị can, bị cáo sẽ không công bằng, không minh bạch… Hai là, họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó. Người bào chữa (bao gồm: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân - Điều 56 Luật tố tụng hình sự) thực hiện chức năng gỡ tội trong tố tụng hình sự, khi tham gia tố tụng họ có trách nhiệm đưa ra những chứng cứ gỡ tội để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị _____________________ (1). Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân, tr 68. cáo. Trong khi đó, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng là phải xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, không được coi nhẹ mặt nào, buộc tội cũng như gỡ tội. Vì vậy, người bào chữa không thể đảm bảo tính khách quan, vô tư trong khi tiến hành tố tụng (1). Người làm chứng, người giám định là người tham gia tố tụng, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết đúng vụ án. Những người này không thể đồng thời là người tiến hành tố tụng trong cùng một vụ án, vì lúc đó họ vừa là người cung cấp chứng cứ, vừa là người thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ đó, như vậy sẽ không đảm bảo được sự khách quan trong quá trình chứng minh để giải quyết vụ án (2). Người phiên dịch tham gia trong vụ án khi có người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt để phiên dịch cho những người này trong quá trình tiến hành tố tụng. Sự giao tiếp trong quá trình giải quyết vụ án và việc xác định sự thật vụ án phụ thuộc một phần vào người phiên dịch. Vì vậy, người tiến hành tố tụng không thể đồng thời là người phiên dịch để đảm bảo sự khách quan trong khi làm nhiệm vụ (3). Ba là, nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2/10/2004 giải thích: có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm là anh em kết nghĩa ________________ (1), (2), (3) Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân, tr 110, 111. của bị can, bị cáo; Thẩm phán là con rể của bị cáo; người bị hại là Thủ trưởng cơ quan, nơi vợ của Thẩm phán làm việc... mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế… Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên tòa xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên, thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau. Người thân thích là người có những quan hệ như: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; Là cụ nội, cụ ngoại của một trong những người trên đây; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; là cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Ngoài ra, đối với từng người tiến hành tố tụng còn có những căn cứ cụ thể khác do luật quy định. Ví dụ: đối với Điều tra viên quy định tại khoản 1 điều 44; Kiểm sát viên quy định tại khoản 1 điều 45; Thẩm phán và Hội thẩm quy định tại khoản 1 điều 46; Thư kí Tòa án quy định tại khoản 1 điều 47. Thứ hai, việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này là điều kiện cần thiết để thực hiện một số các nguyên tắc cơ bản khác của tố tụng hình sự như nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự; bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; xác định sự thật của vụ án; bảo đảm quyền bào chữa của người bị giam giữ, bị can, bị cáo; nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…(1) Có thể nói nguyên tắc này là đòi hỏi pháp lý chi phối mọi hoạt động của những người tiến hành tố tụng. ___________________ (1). Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân, tr 69. Ví dụ: hiện nay, có không ít các trường hợp thẩm phán nhận hối lộ để bóp méo sự thật của vụ án, ham lợi cá nhân. Điển hình như vụ án nhận hối lộ ở Bắc Giang. Theo cáo trạng, sự việc bắt nguồn từ việc Nguyễn Văn Long, con trai của Quảng bị TAND huyện Lục Ngạn phạt 15 tháng tù về tội Cướp tài sản. Vụ án bị kháng cáo và thẩm phán Hoài được phân công xét xử phúc thẩm. Muốn “xin” cho con trai được hưởng án treo, Quảng đã tìm gặp Hoài nhờ giúp đỡ và được nhận lời muốn Long được án treo thì chi phí là 10 triệu đồng. Quảng đưa Hoài trước 7 triệu đồng, phần còn lại sẽ đưa sau. Nhận 7 triệu đồng, Hoài chia cho Lâm 1,5 triệu đồng. Ngày 16/12/2009, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm vụ án và Hoài đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Long được trả tự do tại tòa nhưng một tháng sau thì Long bị CA bắt lại. Khi Hoài trả lại tiền cho Quảng thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Ngày 6/9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất cáo trạng, truy tố Hoàng Ngọc Hoài - nguyên thẩm phán và Nguyễn Thanh Lâm- nguyên cán bộ TAND tỉnh Bắc Giang về tội danh Nhận hối lộ; truy tố Nguyễn Văn Quảng trú tại xã Phì Điền (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) về tội danh Đưa hối lộ (1) . Việc bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực hiện. Có đảm bảo được sự vô tư trong quá trình tố tụng thì mới bảo đảm được sự minh bạch, công bằng và đúng đắn của pháp luật đảm bảo cho cuộc đấu tranh chống tội phạm được kiên quyết, triệt để kịp thời, góp phần vào việc giáo dục kẻ phạm tội, đồng thời ngăn chặn việc làm oan người vô tội và ngăn ngữa việc hạn chế quyền dân chủ của công dân một cách trái pháp luật. ___________________ (1) nguồn: Minh Hằng "Thẩm phán nhận hối lộ" - trang giadinh.net.vn Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng cũng sẽ tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Không có sự phân biệt nam nữ, dân tộc tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội…Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. pháp luật không có quy định riêng cho từng công dân cụ thể, tài sản và địa vị xã hội không mang lại đặc quyền trước Tòa án và pháp luật, mọi người đều có quyền như nhau khi tham gia tố tụng hình sự. Do đó nguyên tắc vô tư trong tố tụng được thực hiện tốt bởi người tham gia hoặc tiến hành thì sự thì đã góp phần vào việc nâng cao tính đúng đắn và khách quan của pháp luật mang bảo đảm được quyền cơ bản của công được quy định trong Hiến pháp. Nguyên tắc này cũng có ảnh hưởng lớn trong việc thực hiện nguyên tắc xác định sự thật vụ án. Để không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng phải có cái nhìn khách quan vô tư. Một chút thiếu khách quan cũng có thể đưa vụ án đi theo chiều hướng khác không đúng như nó đã diễn ra. Ví dụ: vụ án giết người ở tỉnh Vĩnh Long ngày 7-2-2007 cơ quan điều tra chỉ dựa trên lời nhận tội của bị cán, bị cáo mà kết luận vụ án: Quyên do tức giận vì mẹ cằn nhằn đã đến giường bóp cổ bà Tám đến chết với sự giúp sức của Lê Thị Tám (vợ Quyên). Mặc dù trong quá trình tiến hành tố tụng có sự mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và người làm chứng cụ thể: Lúc đầu nhân chứng là Yến khai nhìn thấy Quyên bưng cái gì đó xuống xuồng cột dưới mé sông trước nhà Quyên. Nhưng sau đó lại thay đổi lời khai là thấy Quyên và vợ khiêng vật gì đó dài, nặng và mềm được bọc kín xuống xuồng đậu cặp mé sông trước nhà Quyên. Trong khi đó, bị cáo là vợ chồng Quyên lại khai khác là khiêng xác bà Tám đề ở nhà tắm rồi lấy thuyền cho xuống sông. Sau đó khiêng xác bà Tám xuống xuồng và về nhà lấy gạch, bê tông và dây cột chặt vào xác bà Tám rồi chèo xuồng đi cách nhà 100m rồi mới thả xuống sông. Nhưng kết luận pháp y thì nguyên nhân chết của bà Tám là ngạt nước, suy hô hấp, trụy tim mạch (1). Như vậy, từ sự không vô tư, không khách quan khi xem xét toản diện vụ án mà Tòa án đã có những quyết định không đúng đắn về vụ án. Do đó trong qua trình tiến hành tố tụng những người tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, không được thiên vị tình cảm cá nhân để đưa vụ án được giải quyết đúng đắn. 3. Điều kiện thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế, tính khả thi không cao, nhiều vấn đề còn chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, thống nhất. Ví dụ: theo quy định tại điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự thì đối tượng phải từ chối hoặc thay đổi tiến hành tố tụng khi có những căn cứ quy định tại khoản 1, 2 và 3 điều này là người tiến hành tố tụng. Song, khi quy định căn cứ từ chối hoặc thay đổ người tiến hành tố tụng cụ thể tại các điều 44, 45, 46, 47 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ có các đối tượng là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư kí tòa án, điều tra viên là thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng viện kiêm sát, chánh án tòa án mà không có phó thủ trưởng cơ quan điều tra, phó viện trưởng viện kiểm sát, phó chánh án tòa án. Như vậy, vấn đề này đã không được quy định rõ ràng. Trong bộ luật tố tụng hình sự quy định ngoài cơ quan tiến hành tố tụng, _____________________ (1) nguồn: Phạm Thục - "Lật lại vụ án "Con trai giết mẹ ở tỉnh Vĩnh Long" - Kịch bản nào là đúng". Trang web Saigon online). người tiến hành tố tụng được quy định tại điều 33, điều 60, điều 61 còn có các cơ quan khác được tiến hành một số hoạt động tố tụng theo điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân). Khi tiến hành các hoạt động tố tụng họ cũng cần tuân theo các quy định để đảm bảo sự vô tư khi tiến hành hoạt động tố tụng. Nhưng pháp luật hiện nay lại không có quy định về trách nhiệm đảm bảo sự vô tư đối với họ. Hoặc bộ luật tố tụng hình sự quy định người giám định phải từ chối hoặc bị thay đổi khi có căn cứ: họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo, có căn cứ cho rằng họ tham gia với tư cách là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra… Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định. Tuy nhiên, khi quy định những trường hợp người giám định không được thực hiện giám định tư pháp tại điều 37 Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004 lại không quy định căn cứ người giám định thực hiện với vai trò như điều 42 và khoản 4 điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định (2). Như vậy, pháp luật đã không có sự thống nhất với nhau trong việc cùng quy định một vấn đề. Như vậy, điều kiện thứ nhất để thực hiện nguyên tắc này là cần có những quy định pháp luật để điều chỉnh vấn đề này, những quy định pháp luật này phải đầy đủ, rõ ràng, thống nhất (1). Trên thực tế, vấn đề tự nguyện, tự giác từ chối tiến hành tố tụng của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không cao. Bởi ngoài những mối _________________ (1). Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân, tr 69. (2). Xem Tạp chí nhà nước và pháp luật số 8/2008, tr 53. quan hệ công tác còn có những mối quan hệ xã hội khác như: quan hệ gia đình, bạn bè, họ hàng, làng xóm, thậm chí là quan hệ cấp trên cấp, cấp dưới…Với tư tưởng nhờ vả vào người thân quen thì lợi ích được đảm bảo, hạn chế phải chịu chịu trách nhiệm trước pháp luật và đáp lại là sự "cố gắng sẽ giúp" của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Chính điều này là nguyên nhân làm cho sự thật bị "biến dạng, méo mó", các quyết định không đảm bảo được tính khách quan, tính chính xác. Vì vậy, điều kiện thứ hai để thực hiện nguyên tắc này là những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cần chủ động, tự giác tiến hành từ chối tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu thuộc một trong các trường hợp luật định (1) Ngoài ra, để đảm bảo được sự vô tư của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần có những quy định đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa; tăng cường năng lực giám sát của công dân đối với các hoạt động của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đào tạo nâng cao năng lực, ý thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho những người tiến hành tố tụng; phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi hành vi lôi kéo, mua chuộc những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. 4. Ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng: Đảm bảo sự công bằng, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. __________________ (1). Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân, tr 69. Người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng nếu đảm bảo được sự khách quan, vô tư thì sự thật vụ án sẽ được xác định đúng đắn, khách quan, chính xác, bảo đảm sự công bằng của pháp luật. Đảm bảo được uy tín của đội ngũ áp dụng pháp luật. Tạo điều kiện mở rộng và phổ biến hơn nữa công tác dân chủ hóa quá trình tố tụng. Đảm bảo được sự công bằng, bảo đảm được quyền và lợi ích của các bên. Là cơ sở tạo niềm tin của người dân vào pháp luật, vào sự công bằng, vào ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ pháp luật. Khắc phục những tiệu cực, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, không vô tư trong hoạt động tố tụng. Là điều kiện để thực hiện một số nguyên tắc khác của tố tụng hình sự như nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, xác định sự thật vụ án, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật… III. Kết thúc vấn đề Qua sự xem xét về nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng và điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc này chúng ta thấy rõ hơn vai trò của nguyên tắc này trong suốt quá trình tố tụng. Cũng bởi thế mà pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn đầy đủ hơn để điều chỉnh vấn đề này bởi sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm công lý được thực thi, để không xử oan người vô tội và không để lọt tội phạm. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội - "Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam" NXB. Công an nhân dân 2. Tạp chí nhà nước và pháp luật số 8/2008. 3. Tài liệu trên Internet: + Trang web: giadinh.net.vn + Trang web: Saigon online 4. Luật Tố tụng hình sự Việt Nam. NXB. Lao động.