Đề tài Phân cấp quản lí – một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung, dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước

Trong hệ thống hành chính nhà nước, sự phân định chức năng, nhiệm vụ, giữa các bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là công việc vừa thường xuyên, vừa lâu dài của Nhà nước ta. Trong điều kiện hiện nay, sự phân định ấy nhằm phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện thẩm quyền theo luật định lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bàn về việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước đã thống nhất nhận định: “Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp trong hệ thống hành chính đi đôi với nâng cao tính tập trung, thống nhất trong việc ban hành thể chế. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng tổ chức, cá nhân. Khắc phục tình trạng trùng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, chậm chễ trong công việc và giải quyết kiếu kiện của dân”. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để thấy được phân cấp quản lí là một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước.

doc8 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2257 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân cấp quản lí – một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung, dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục Một số từ viết tắt: UBND: Ủy ban nhân dân THCS : Trung học cơ sở 1. Lời nói đầu: Trong hệ thống hành chính nhà nước, sự phân định chức năng, nhiệm vụ, giữa các bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là công việc vừa thường xuyên, vừa lâu dài của Nhà nước ta. Trong điều kiện hiện nay, sự phân định ấy nhằm phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện thẩm quyền theo luật định lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bàn về việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước đã thống nhất nhận định: “Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp trong hệ thống hành chính đi đôi với nâng cao tính tập trung, thống nhất trong việc ban hành thể chế. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng tổ chức, cá nhân. Khắc phục tình trạng trùng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, chậm chễ trong công việc và giải quyết kiếu kiện của dân”. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để thấy được phân cấp quản lí là một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước. 2. Những nội dung chính: 2.1. Nguyên tắc tập trung – dân chủ: Tập trung – dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và hoạt động quản lí hành chính nhà nước cũng được tổ chức thực hiện trên cơ sở tuân thủ nội dung của nguyên tắc này. Nguyên tắc tập trung – dân chủ được quy định ở Điều 6 Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi, bổ sung năm 2001): “ Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Nguyên tắc này bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ, nghĩa là vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ, vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Trong quản lí hành chính nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lí để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách pháp luật một cách thống nhất. Trong khi đó, dân chủ hướng tới việc mở rộng quyền của đối tượng quản lí, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lí trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ việc bảo đảm cả hai yếu tố này trong quản lí hành chính nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo tập trung mà không mở rộng dân chủ thì sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lạm quyền, tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng phát triển. Ngược lại, không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Trong điều kiện hiện nay, sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ là yêu cầu khách quan của việc thực hiện “ thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ( Điều 15 Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi, bổ sung năm 2001)). 2.2. Phân cấp quản lí – một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước: Phân cấp quản lí là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lí nhà nước. Khi tiến hành phân cấp quản lí đã có sự phân định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lí có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương tiện cần thiết để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình. Vậy thì tại sao nói phân cấp quản lí là một trong những biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ quản lí hành chính nhà nước? Như đã nói, nguyên tắc tập trung – dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ, nghĩa là vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ, vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Phân cấp quản lí là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lí hành chính, cho nên nó thể hiện cả hai yếu tố nói trên. Thứ nhất là yếu tố tập trung được thể hiện qua việc phân cấp quản lí. Trong phân cấp quản lí, chính cấp dưới được chuyển giao thẩm quyền nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cấp trên. Yếu tố tập trung được thể hiện ở chỗ, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên mặc dù đã chuyển giao quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới nhưng vẫn giữ quyền kiểm tra, kiểm soát, tức là giữ quyền xác định thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới. Ở đây, sự phân quyền không tách rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ hai là yếu tố dân chủ được thể hiện qua việc phân cấp quản lí. Để bảo đảm cho việc thực hiện quyền hành pháp một cách thật sự dân chủ, điều đó không thể không có sự phân cấp cho địa phương cũng như phân cấp cho cấp dưới những quyền năng nhất định. Chính sự phân cấp này một mặt tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy khả năng về nhân tài, vật lực, đồng thời tránh được sự tập trung quan liêu. Đối với Trung ương sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ và các bộ trở lại làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là quản lý vĩ mô các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, có chỉ đạo thống nhất trong cả nước và làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra. Yếu tố dân chủ được thể hiện ở chỗ địa phương được phân cấp mạnh thì sẽ chủ động trong quản lý, có thể tự mình ra các chủ trương cụ thể phù hợp với tình hình, điều kiện của nơi đó. Ngoài ra, địa phương sẽ chủ động hơn về nguồn lực tài chính, tổ chức và cán bộ thực hiện. Khắc phục tình trạng các cơ quan quản lý Trung ương can thiệp vào công việc của địa phương. Điều này thể hiện yếu tố dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ mà chúng ta đang để cập đến. Cần phải khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thống nhất không có sự phân biệt rõ ràng giữa kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thực chất đến nay kinh tế Trung ương và địa phương vẫn tồn tại song song; phân cấp quản lý sắp tới phải khắc phục tình trạng địa phương chủ nghĩa và tình trạng lợi ích kinh tế đối lập giữa 2 cấp này. Ví dụ về việc phân cấp thẩm quyền quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, viên chức theo Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Phân cấp thẩm quyền quản lý tổ chức biên chế cán bộ, viên chức là việc phân chia thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức biên chế cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Chúng ta có thể hình dung việc phân cấp thẩm quyền này qua ví dụ thực tế về quy trình tuyển dụng cán bộ viên chức là giáo viên tại trường trung học cơ sở theo Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND về phân cấp quản lý tổ chức biên chế cán bộ viên chức trong các tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp: - Hàng năm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc và khả năng tài chính, trường THCS sẽ định mức biên chế để xây dựng kế hoạch biên chế, lập kế hoạch tuyển dụng qua Phòng Giáo dục gửi UBND huyện và báo cáo Sở Giáo dục để Sở xem xét và giao chỉ tiêu biên chế. - Sở Giáo dục có thẩm quyền tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức ngạch giáo viên và sẽ gửi kết quả trúng tuyển về cho UBND cấp huyện nơi trường đặt trụ sở. - UBND cấp huyện trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, cộng với sự tham mưu của Phòng Giáo dục, Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền ra quyết định tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc với viên chức đã trúng tuyển ngạch giáo viên cấp THCS. - UBND tỉnh hàng năm sẽ nhận báo cáo của UBND huyện về công tác tổ chức quản lý biên chế cán bộ viên chức trên mọi lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp huyện trong đó có việc tuyển dụng cán bộ viên chức là giáo viên trung học. Qua ví dụ về quy trình tuyển dụng giáo viên THCS ta đã thấy rõ sự phân cấp quản lý tổ chức biên chế cán bộ, viên chức: - UBND tỉnh là cơ quan quản lý chung nhất về viên chức trên mọi mặt và mọi lĩnh vực. - UBND huyện quản lý viên chức trong phạm vi thẩm quyền của mình và hàng năm phải báo cáo UBND tỉnh. - Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý viên chức trong lĩnh vực giáo dục. - Các trường THCS trực tiếp thực hiện quản lý viên chức thuộc phạm vi đơn vị mình theo đúng quy định của tỉnh và sự chỉ đạo giám sát của Sở Giáo dục. Ví dụ trên đã cho ta thấy rõ việc phân cấp quản lí thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lí hành chính. Các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên giao quyền cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, tạo điều kiện cho họ chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, có thể áp dụng các biện pháp phù hợp với điều kiện hiện có. Còn cơ quan hành chính nhà nước cấp trên vẫn giữ quyền kiểm tra, kiểm soát thông qua báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới. 2.3. Phân cấp quản lí là một biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự được thực hiện khi việc phân cấp quản lí đảm bảo được những yêu cầu sau đây: Việc phân cấp quản lí phải đảm bảo cho trung ương có quyền quyết định trong những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối và hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lí tập trung và thống nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc. Mạnh dạn giao quyền cho các địa phương các đơn vị cơ sở để phát huy tính chủ động tích cực và sáng tạo trong quản lí, tích cực phát huy sức người, sức của, đẩy mạnh sức sản xuất và phục vụ đời sống, trên cơ sở đó hoàn thành mọi nhiệm vụ được trung ương và cấp trên giao phó. Mạnh dạn phân cấp cho địa phương và cơ sở là biện pháp đảm bảo tập trung, tránh cho trung ương và cấp trên phải ôm đồm các công việc mang tính sự vụ thuộc về chức trách của địa phương và cơ sở. Việc phân cấp quản lí phải thật cụ thể, hợp lí trên cơ sở những quy định của pháp luật. Phân cấp quản lí giữa các cấp trong bộ máy quản lí hành chính nhà nước là công việc hết sức phức tạp đòi hỏi phải xem xét từ nhiều yếu tố và góc độ khác nhau như: cơ sở kinh tế, xã hội, trình độ phát triển đồng đều về kinh tế, kết cấu hạ tầng, giao thông, thông tin, liên lạc, các yếu tố về dân tộc, trình độ dân trí, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lí ở địa phương và cơ sở… Do đó, việc ban hành các quyết định về phân cấp quản lí cần phải có sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng, hợp lí, tránh đưa ra những quyết định mang tính chung chung, tùy tiện. Tất cả các nội dung của việc phân cấp quản lí bao giờ cũng phải được thực hiện trong các văn bản pháp luật của các cấp có thẩm quyền. 3. Lời kết: Tóm lại, việc phân cấp quản lí là rất cần thiết để tăng cường năng lực quản lí nhà nước và phát huy dân chủ. Song, việc thực hiện phân cấp quản lí không thể không chú ý đến những điều kiện cụ thể của từng địa phương. Mỗi địa phương khác nhau đều có những điều kiện thuận lợi và điều kiện khó khăn khác nhau. Vì vậy, chúng ta không được phép bình quân, không coi vịêc phân cấp chỉ là quyền lợi để rồi chia đều cho các địa phương; phải nhanh chóng khắc phục cơ chế “ xin – cho”, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đầu tư hơn nữa vào việc xây dựng văn bản pháp luật tạo điều kiện thống nhất cho việc phân cấp, phân quyền đạt hiệu quả thiết thực trong quản lí hành chính nhà nước. Danh mục tài liệu tham khảo: “ Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam”, trường đại học Luật Hà Nội, nhà xuất bản Công an nhân dân. “ Bàn về nguyên tắc Đảng lãnh đạo và nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính”, Gs. Nguyễn Phúc Thành, Hội thảo Khoa học luật Hành chính Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn, DSVHT041. Tạp chí Luật học số 2 năm 2002.
Luận văn liên quan