Đề tài Phân tích những điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến

Sau hơn một nghìn năm tồn tại, chế độ phong kiến bắt đầu lâm vào khủng hoảng toàn diện. Nhà nước phong kiến không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội cụ thể là sự phát triển của lực lượng sản xuất, nhà nước tư sản ra đời đã thay thế cho nhà nước phong kiến. Nhà nước tư sản ra đời có nhiều điểm tiến bộ hơn nhà nước phong kiến như: bản chất của nhà nước, chức năng của nhà nước, bộ máy nhà nước, hình thức nhà nước. Vì vậy, nhóm chúng em xin chọn đề tài: “Phân tích những điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến” để làm rõ và có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn hơn về vấn đề này.

doc7 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 16215 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích những điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU…………………………………………………………………………..2 NỘI DUNG……………………………………………………………………………..2 I. Sự tiến bộ về bản chất của nhà nước…………………………………………………2 II. Sự tiến bộ về tổ chức bộ máy nhà nước……………………………………………..2 III. Sự tiến bộ về chức năng của nhà nước tư sản………………………………………3 1. Chức năng đối nội……………………………………………………………………4 2. Chức năng đối ngoại………………………………………………………………....4 IV. Sự tiến bộ về mặt hình thức nhà nước ……………………….................................4 1. Hình thức chính thể…………………………………………………………………..4 2. Hình thức cấu trúc…………………………………………………………………....5 KẾT LUẬN……………………………………………………………………………..6 LỜI MỞ ĐẦU Sau hơn một nghìn năm tồn tại, chế độ phong kiến bắt đầu lâm vào khủng hoảng toàn diện. Nhà nước phong kiến không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội cụ thể là sự phát triển của lực lượng sản xuất, nhà nước tư sản ra đời đã thay thế cho nhà nước phong kiến. Nhà nước tư sản ra đời có nhiều điểm tiến bộ hơn nhà nước phong kiến như: bản chất của nhà nước, chức năng của nhà nước, bộ máy nhà nước, hình thức nhà nước. Vì vậy, nhóm chúng em xin chọn đề tài: “Phân tích những điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến” để làm rõ và có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn hơn về vấn đề này. NỘI DUNG I. SỰ TIẾN BỘ VỀ BẢN CHẤT NHÀ NƯỚC. Bản chất của nhà nước do cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội quyết định. Vì vậy để thấy rõ được tiến bộ về bản chất của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến ta phải đi xem xét cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội của hai nhà nước này. Về kinh tế: Nếu như cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến là quan hệ sản xuất phong kiến với đặc trưng là chế độ tư nhân về tư liệu sản xuất thì cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản lại là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với nét đặc trưng là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nền kinh tế hàng hóa thị trường, sự chuyên môn hóa, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa, thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng mở rộng… Về xã hội: Nếu như nền sản xuất phong kiến với hai giai cấp cơ bản trong xã hội là địa chủ và nông dân thì sang phương thức tư bản chủ nghĩa, các giai cấp và thành phần cơ bản trong xã hội tư bản là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức… Chính cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội của nhà nước tư sản đã quyết định đến bản chất hay tính chất giai cấp và tính chất xã hội của nó. Cụ thể: Tính giai cấp: nếu như ở nhà nước phong kiến bộ máy chuyên chính của địa chủ, phong kiến là công cụ để thực hiện bảo vệ lợi ích, quyền và địa vị thống trị của giai cấp địa chủ, thì ở nhà nước tư sản có những điểm tiến bộ là ngoài việc bảo về quyền và lợi ích của giai cấp tư sản thì còn bảo vệ quyền và lợi ích của các giai cấp khác trong xã hội thể hiện qua việc công nhận các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như: quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lập pháp… Tính giai cấp của nhà nước tư sản mờ nhạt hơn so với nhà nước phong kiến. Tính xã hội: so với nhà nước phong kiến tính xã hội của nhà nước tư sản thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện hơn, không những duy trì và ổn định trật tự xã hội mà nhà nước tư bản còn có những việc là thiết thực làm phát triển xã hội được thể hiện rất rõ trong chức năng của nhà nước. Tính xã hội của nhà nước tư sản rộng và sâu sắc hơn nhà nước phong kiến. II. SỰ TIẾN BỘ VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC. Sự tiến bộ về tổ chức bộ máy nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến thể hiện qua nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản, sự tiến bộ của các cơ quan nhà nước. Cụ thể: + Nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước: Bộ máy nhà nước tư sản tổ chức trên cơ sở nguyên tắc phân quyền theo thuyết Tam quyền phân lập: quyền Lập pháp thuộc về nghị viện, quyền Hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền Tư pháp thuộc về Tòa án. Các cơ quan này ngang bằng độc lập với nhau có thể kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau theo “quyền lực ngăn cản quyền lực” nhằm ngăn cản sự lộng quyền và lạm quyền, đồng thời các cơ quan này cũng phải phối hợp với nhau để tạo nên sự thống nhất trong bộ máy quyền lực của nhà nước. Còn bộ máy nhà nước phong kiến lại không có nguyên tắc tổ chức và hoạt động rõ ràng, thường tổ chức một cách độc đoán. Sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước thiếu rõ ràng, việc hoạt động còn mang nặng tính quan liêu, chuyên quyền độc đoán. Các viên chức đứng đầu mỗi địa phương cũng gần như có toàn quyền trong địa phương mình. + Nguyên tắc pháp chế: Ở nhà nước tư sản các loại cơ quan nhà nước, trình tự thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, thẩm quyền của từng loại, từng cấp, từng cơ quan đều được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước. Chế định địa vị pháp lí của công dân rất phát triển, pháp luật tư sản ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng. Còn ở nhà nước phong kiến, toàn bộ quyền lực tập trung vào tay vua, các chức vụ trong bộ máy nhà nước là do nhà vua cắt cử để giúp việc cho vua, vua có quyền ban hành pháp luật, tất cả các mệnh lệnh chiếu chỉ thậm chí cả ý chỉ, khẩu dụ của nhà vua cũng là pháp luật, vua chỉ huy việc thực hiện đồng thời cũng là vị quan tòa tối cao xét xử những vụ án quan trọng nhất. Pháp luật lúc bấy giờ là phương tiện để củng cố địa vị của giai cấp thống trị, là pháp luật đặc quyền, tàn bạo, mang nặng tính tôn giáo. + Nguyên tắc dân chủ: Các Hiến pháp của nhà nước tư sản đều xác lập nguyên tắc chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc vê nhân dân, quyền lực xuất phát từ nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng phương pháp dân chủ trực tiếp hay gián tiếp. Đây là một điểm tiến bộ cơ bản trong tổ chức của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến. + Nguyên tắc đa nguyên chính trị và đa đảng: Đó là việc cho phép công dân có quyền tự do chính kiến, có quyền chỉ trích đường lối chính trị của chính phủ và công khai thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không bị coi là phạm pháp. Có đa đảng nên khi một đảng lên cầm quyền các đảng còn lại là đảng đối lập, tạo cơ hội tốt để đảng cầm quyền luôn phải xem xét, cảnh giác với những sai lầm, trì trệ, tham nhũng… tự hoàn hảo mình để không bị thay thế. Như ở Mỹ có Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, ở Anh là Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ. Còn nhà nước phong kiến thì một bộ máy duy nhất nên không tránh khỏi sự độc đoán và thỏa mãn. III. SỰ TIẾN BỘ VỀ CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC. Chức năng đối nội. Chức năng kinh tế: Đối với nhà nước phong kiến, chức năng kinh tế chỉ đơn thuần là xây dựng, bảo vệ đê điều, khai hoang mở rộng diện tích, thành lập làng mạc để khuyến khích sản xuất phát triển. Ở nhà nước tư sản, chức năng kinh tế lại tiến bộ hơn rất nhiều thể hiện ở chỗ: nhà nước tư sản ra những chính sách cụ thể, những kế hoạch định hướng nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển như khai thác hiệu quả nguồn lực quốc gia, đầu tư vốn cho những ngành kinh tế đem lại hiệu quả cao, những ngành kinh tế có ý nghĩa chiến lược quốc phòng, thúc đẩy phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại, … Chức năng xã hội: Nhà nước tư sản có những chính sách xã hội như: trợ cấp cho người có thu nhập thấp, người thất nghiệp, những người hưu trí, những người già yếu không nơi nương tựu, chính sách bảo vệ bà mẹ và trẻ em, các loại bảo hiểm xã hội…. Đây là những điều mà nhà nước phong kiến chưa có. Nền giáo dục và đào tạo ở nhà nước phong kiến không được chú trọng phát triển, nhưng sang đến nhà nước tư sản thì ngành giáo dục lại được chú trọng phát triển không ngừng, nhà nước tư sản ra chính sách phổ cập giáo dục bắt buộc, đầu tư rất lớn cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục, quản lí chặt chẽ đội ngũ công chức hoạt động trong ngành giáo dục… Ngoài ra, nhà nước tư sản đã đưa ra được những chính sách phát triển khoa học - công nghệ như đầu tư xây dựng các trung tâm, các viện nghiên cứu, trú trọng bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai… mà trước đó nhà nước phong kiến chưa thực hiện được. Chức năng đối ngoại. Ở nhà nước phong kiến chức năng thiết lập các mối quan hệ ngoại giao hòa bình, hơp tác cũng có nhưng lại chỉ với mục đích bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Còn trong nhà nước tư sản lại hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: văn hóa, kinh tế, giáo dục, chính trị, khoa học - công nghệ… Đó là xu hướng “toàn cầu hóa”. Hiện nay, chức năng xây dựng và phát triển các liên minh chính trị, quân sự và kinh tế nhằm bảo vệ chủ nghĩa tư sản trên phạm vi khu vực và toàn cầu ngày càng phát triển. Chức năng viện trợ nhân đạo: nhà nước phong kiến thực hiện chức năng này với mục đích khuếch trương thanh thế và thâu tóm các nước nhỏ; còn nhà nước tư sản tiến bộ hơn,họ thực hiện sự viện trợ trong các trường hợp xảy ra nạn đói, lũ lụt.. thể hiện tính nhân đạo và hữu nghị hợp tác với các nước khác. Như vậy, nhà nước tư sản đã có rất nhiều tiến bộ hơn hẳn so với nhà nước phong kiến về mặt chức năng mà cụ thể là chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. V. SỰ TIẾN BỘ VỀ HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC. 1. Hình thức chính thể. Điểm tiến bộ cơ bản của nhà nước tư sản so với nhà nước phong kiến biểu hiện khá rõ nét thông qua hình thức chính thể. Đầu tiên, với nhà nước phong kiến hình thức chính thể chiếm ưu thế tuyệt đối là chính thể quân chủ, ngoài ra chính thể cộng hòa cũng đã xuất hiện nhưng chỉ tồn tại rất hạn chế. Nhà nước phong kiến bao gồm những chính thể sau: Chính thể quân chủ chuyên chế: Đây là chính thể chủ yếu, trong đó người đứng đầu về mặt pháp lý là nhà vua lên ngôi theo nguyên tắc thế tập. Tuy nhiên, quyền lực của nhà vua được chia ra làm 2 giai đoạn khác nhau: Giai đoạn chế độ phân quyền cát cứ và giai đoạn quân chủ chuyên chế. Chính thể quân chủ đại diện đẳng cấp: Chính thể này tồn tại ở châu Âu thế kỷ XIII, XI, V. Trong chính thể này, vua vẫn đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thế tập. Tuy nhiên lúc này, bên cạch vua còn có các đại diện của các đẳng cấp khác trong xã hội để chia sẻ và hạn chế quyền lực của vua. Chính thể cộng hòa: Chính thể này được thiết lập ở các thành phố lớn ở châu Âu tại thế kỷ X, VI. Các thành phố này dưới quyền quản lý của hội đồng thành phố do dân cư thành phố bầu lên, thị dân liên kết với nhà vua để chống lại lãnh chúa hoặc dùng quyền để mua quyền tự trị. Nhà nước tư sản có khá nhiều chính thể: Chính thể quân chủ lập hiến: Bao gồm chính thể quân chủ nhị hợp và chính thể quân chủ đại nghị.Quyền lực cơ bản được chia cho nghị viện và nhà vua.Tuy nhiên, ở chế độ quân chủ đại nghị thì nhà vua chỉ giữ vai trò "ngự trị nhưng không cai trị". Cộng hòa Tổng thống: Ở chính thể này, Tổng thống đứng đầu quốc gia, không có Thủ tướng.Tổng thống và nghị viện là do dân bầu ra. Cộng hòa đại nghị: Cũng giống như chính thể cộng hòa Tổng thống, tuy nhiên có Thủ tướng đứng đầu chính phủ. Nội các là trụ cột và là trung tâm quyết sách của toàn bộ các cơ quan hành chính, nghị viện có quyền lực tối cao. Cộng hòa hỗn hợp: Tổng thống do cử tri hoặc đại cử tri bầu ra, có quyền lực cao nhất và thành viên chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm. Trên đây là các chính thể phổ biến của nhà nước phong kiến và nhà nước tư sản, nhà nước tư sản ra đời sau nhà nước phong kiến nên hình thức chính thể có những điểm được kế tụng và cũng có những tiến bộ nhất định. Từ sự so sánh trên ta có thể dễ dàng nhận ra: nhà nước phong kiến chủ yếu chỉ có chính thể quân chủ là chiếm ưu thế và hình thức tổ chức còn đơn giản còn nhà nước tư sản đã xuất hiện khá nhiều các dạng chính thể khác nhau và hình thức tổ chức cũng phức tạp hơn. Hình thức cấu trúc. Hình thức cấu trúc nhà nước là sự phân chia Nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập mối quan hệ cơ bản giữa các cơ quan Nhà nước Trung ương với địa phương. Đối với Nhà nước phong kiến thì cấu trúc Nhà nước hầu hết là Nhà nước đơn nhất. Ở phương Đông, xu hướng chung đều là Trung ương tập quyền với sự phục tùng tuyệt đối của chính quyền trung ương (VD: Trung Quốc). Ở phương Tây, cấu trúc đơn nhất đã có những biến dạng nhất định trong quá trình tồn tại và phát triển của Nhà nước. Ban đầu là thời kỳ phân quyền cát cứ về sau yếu tố Trung ương tập quyền mới được thiết lập. Đối với Nhà nước tư sản có ba hình thức cấu trúc: Cấu trúc Nhà nước đơn nhất: là hình thức cấu trúc phổ biến nhất của nhà nước tư sản (tồn tại ở nhiều nước như: Đan Mạch, Thụy Điển,…). Nhà nước này chỉ có một chính phủ, một Hiến pháp, một quốc tịch, một hệ thống pháp luật thống nhất đảm bảo cho phân quyền địa phương và tính tự quản cao cho các hội đồng địa phương - cơ quan đại diện cho cộng đồng dân cư các đơn vị hành chính lãnh thổ của Nhà nước. Cấu trúc Nhà nước liên bang: tồn tại ở một số nhà nước như Hoa Kỳ, Nga,… Nhà nước liên bang được hình thành bởi sự liên kết các bang, các lãnh địa, các Nhà nước thành viên bằng hiệp ước về thành lập Liên bang, các chủ thể Liên bang đều bình đẳng như nhau. Ở Nhà nước Liên bang có nhiều chính phủ, Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Hiến pháp Liên bang là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất, là cơ sở của hệ thống pháp luật Liên bang. Cấu trúc Nhà nước Liên minh: Đây là cấu trúc Nhà nước có sự liên kết giữa các quốc gia độc lập. Hình thức này đã tồn tại ở Hoa Kỳ và Đức trước khi thành lập Nhà nước Liên bang. Hiện nay, hình thức điển hình của Nhà nước Liên minh là Liên minh châu Âu (EU). Như vây, cấu trúc nhà nước tư sản có sự phát triển tiến bộ hơn so với nhà nước phong kiến, đó là mang nhiều hình thức cấu trúc thể hiện tính dân chủ cao hơn. 3. Chế độ chính trị. Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, cách thức mà cơ quan Nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực Nhà nước. Chế độ chính trị của Nhà nước phong kiến chủ yếu là phương pháp phản dân chủ. Để tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước, Nhà nước phong kiến đã thực hiện mọi biện pháp mà chủ yếu là bạo lực, đàn áp sự phản kháng của người dân. Phương pháp phản ánh dân chủ ở phương Đông nặng nề hơn, ví dụ: Tần Thủy Hoàng - Hoàng đế đầu tiên của lịch sử Trung Quốc đã chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì không cùng quan điểm. Chế độ chính trị của Nhà nước phong kiến đều đi từ phân quyền đến tập quyền, tính độc tài ngày càng phát triển đến mức độ cao. Chế độ Nhà nước tư sản tuy tồn tại ở chế độ phản dân chủ ở một số thời kỳ nhất định nhưng chế độ chính trị hầu hết thể hiện dưới hình thức là dân chủ tư sản. Sự tiến bộ cao hơn chế độ chính trị của Nhà nước phong kiến cho phép nhân dân có quyền tham gia vào việc tổ chức, hoạt động như: công nhận tất cả quyền lực Nhà nước xuât phát từ nhân dân, chủ quyền tối cao của Nhà nước thộc về nhân dân… Tuy còn nhiều hạn chế nhưng chế độ chính trị Nhà nước tư sản đã công nhận những quyền tự do dân chủ của công dân, không còn phương pháp bạo lực, không cho nhân dân có quyền tham gia vào việc tổ chức bộ máy Nhà nước như Nhà nước phong kiến. KẾT LUẬN Những phân tích trên một lần nữa đã khẳng định những tiến bộ của kiểu Nhà nước sau so với kiểu Nhà nước trước. Điều này cho thấy sự phát triển trong tư duy đã làm thay đổi và phục vụ cho cuộc sống con người. Cụ thể bài viết này đề cập đến sự tiến bộ ở Nhà nước tư sản so với Nhà nước phong kiến. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công An Nhân Dân, 2010, chương XIV và chương XV. Hướng dẫn ôn tập môn học lí luận nhà nước và pháp luật, Nguyễn Thị Hồi, Nxb Tư Pháp, Hà Nội, 2010, chương 6 và chương 7. Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật, Nguyễn Văn Động, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.
Luận văn liên quan