Đề tài Phát triển một số ngành nghề thủ công nghiệp ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: Thực trạng và giải pháp
1.1. Tính cấp thiết của đề tài Bắc Ninh là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cửa ngõ Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, vị trí địa lý của tỉnh thuận lợi, tiềm năng kinh tế, văn hóa phong phú đa dạng. Bắc Ninh đã và đang khai thác nhiều nguồn lực của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm năng động (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Tỉnh Bắc Ninh gồm 7 huyện và 1 thị xã. Từ xưa đến nay, Bắc Ninh không những là nơi đã sản sinh và giữ gìn những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là nơi có các ngành nghề thủ công nổi tiếng trong cả nước. Hiện nay Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 50 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong những năm gần đây, nền kinh tế Bắc Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (BQ) giai đoạn (1996-2001) là 12,4%. Một trong những huyện đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh là Từ Sơn. Từ Sơn là huyện tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, có vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Cùng với công cuộc “đổi mới” của tỉnh, những năm qua Từ Sơn luôn là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất tỉnh (18,7%). Đóng góp không nhỏ trong tổng giá trị (GT) sản xuất (SX) của Từ Sơn là các ngành nghề thủ công nghiệp (TCN), ở đó làng nghề tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò nòng cốt [29, 22]. Một số ngành nghề TCN chủ yếu ở Từ Sơn như sản xuất sắt thép, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, dệt. Sự phát triển của một số ngành nghề TCN đã thu hút hàng vạn lao động (lđ) tại địa phương, góp phần đáng kể vào giải quyết lao động dư thừa và thiếu việc làm trong nông thôn; nâng cao mức sống cho người dân; khơi dậy những tiềm năng vốn có tại địa phương, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu (CC) kinh tế nông thôn. Tuy nhiên những năm qua, sản xuất của một số ngành nghề TCN vẫn còn những tồn tại như: - Thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. - Quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán do mặt bằng sản xuất chật hẹp. - Tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa ở các ngành nghề chưa cao; chậm cải tiến về mẫu mã, công nghệ, kỹ thuật. - Quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng tăng. - Trình độ quản lý của đa số các chủ doanh nghiệp, các chủ hộ sản xuất ngành nghề TCN chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. - Công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn trên thì một số ngành nghề TCN ở Từ Sơn đã và đang lâm vào tình trạng sản xuất không ổn định, thiếu bền vững (ngay cả đối với một số ngành nghề TCN chủ yếu như: sắt thép, đồ gỗ mỹ nghệ, dệt). Những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đề cập đến vấn đề làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu tập trung sâu và làm rõ những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn nhằm phát triển một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Để góp phần nghiên cứu nhằm đánh giá đúng thực trạng phát triển một số ngành nghề TCN chủ yếu ở huyện Từ Sơn, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “ Phát triển một số ngành nghề thủ công nghiệp ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Thực trạng và giải pháp)”. 1.2. Mục tiêu nghiên cứu 1.2.1. Mục tiêu tổng quát Đánh giá thực trạng một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, đề ra những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh trong những năm tới. 1.2.2. Mục tiêu cụ thể - Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển ngành nghề TCN. - Đánh giá đúng thực trạng phát triển, tìm các nguyên nhân, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sản xuất một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. - Định hướng và đề ra các giải pháp chủ yếu có căn cứ khoa học để phát triển một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 1.3.1. Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu những lý luận và thực tiễn, các vấn đề kinh tế, tổ chức sản xuất, cơ chế quản lý nhằm phát triển một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Nghiên cứu các cơ sở sản xuất: Công ty (CT) trách nhiệm hữu hạn (TNHH), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, các cấp quản lý một số ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 1.3.2. Phạm vi nghiên cứu * Về nội dung: Nghiên cứu các nội dung kinh tế, tổ chức, quản lý, sản xuất liên quan đến một số ngành nghề TCN: sắt thép, mộc mỹ nghệ, dệt. (Đây là 3 ngành nghề chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị sản lượng của ngành nghề TCN ở huyện Từ Sơn). * Về thời gian: + Đánh giá thực trạng giai đoạn từ khi huyện Từ Sơn được tái lập là chủ yếu (2000- 2002 ); tìm hiểu thêm một số năm trước đó. + Đưa ra định hướng và giải pháp cho đến năm 2010. * Về không gian: Đề tài thực hiện trên điạ bàn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh; Ngoài ra đề tài có liên hệ với các địa bàn khác ngoài huyện để so sánh.