Đề tài Quản lý đào tạo ở các trường cao đẳng nghề giao thông vận tải Trung ương đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Đất nước ta đang trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong quá trình đó, con người là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại. Để phát huy nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Đảng ta đã khẳng định vị trí quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo với mục tiêu cơ bản là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đòi hỏi ngày càng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức và trách nhiệm của mọi người trong xã hội. Hiện nay đội ngũ lao động có chất lượng cao quyết định năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế xã hội. Trong bối cảnh hiện nay công tác quản lý giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề cốt yếu trong đào tạo nghề. Tại văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà. phấn đấu để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu CNH -HĐH đất nước [30 tr217]. Đường lối của Đảng xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, thông qua việc hướng tới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. "Đặc biệt nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với nâng cao ý thức kỷ luật lao động và tác phong lao động hiện đại. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, với việc làm trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động.” [64tr36]. Để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp hóa và tiếp cận với nền kinh tế tri thức, hệ thống đào tạo nghề Việt nam đang chuyển từ hệ thống định hướng theo cung sang định hướng theo cầu. Theo đó việc hoạch định chiến lược đào tạo nghề thay vì dựa vào kế hoạch từ trên xuống dưới dạng “chỉ tiêu” đào tạo sang cơ chế định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được một cách nhanh chóng với những thay đổi của thị trường lao2 động và thực tiễn sản xuất. Sự chuyển đổi này tạo ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi đào tạo nghề phải đổi mới toàn diện đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh Việt nam đã bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết của thành viên chính thức trong tổ chức WTO. Những thách thức lớn đòi hỏi dạy nghề phải đổi mới nhằm đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.