Đề tài Quản lý hoạt động dạy - Học các bộ môn văn hóa
Trong tự nhiên và xã hội các hoạt động đều mong muốn có sự phát triển. Mỗi sự phát triển đều có động lực của nó; động lực có thể là tự nhiên, có thể do con người tác động. Thế thì đâu là động lực cho mỗi sự phát triển? Cây xanh muốn phát triển phải có giống tốt, được trồng ở vùng đất thích ứng, đấy là điều kiện tự nhiên. Được con người chăm sóc tốt, đấy là điều kiện xã hội (do con người tác động). Ở một khía cạnh khác như: Rađio, Tivi, Máy vi tính, Điện thoại di động ngoài tính tiện dụng người ta phải luôn luôn cải tiến cho đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Có đáp ứng mới tồn tại đó cũng là động lực để phát triển. Trong giáo dục ở trường phổ thông hiện nay, đặc biệt là THCS đang trong thời kỳ phổ cập, hoạt động để phát triển phải bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Nếu xét về quy luật chọn lọc tự nhiên thì chúng ta không thể cầu toàn cả, đặc biệt là chất lượng giáo dục. Từ trước đến nay dân gian hay dùng từ "học giỏi", "học dốt" (đúng ra là chậm hiểu) đấy là phản ảnh cái thực tại, nhất là cái từ "học dốt" không ai muốn. Con người đâu có phải là bộ bách khoa toàn thư, đâu có phải là thánh nhân mà người ta thường đem cái chủ quan của mình áp đặt cho học trò. Nhưng xét về tác động của con người thì có thể có cải thiện, vì chúng có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau, cái nọ tác động đến cái kia, cái kia là động lực cho cái nọ. Từ năm học 2006-2007 lại có cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", cũng có nghĩa là điều xấu sẽ bị loại bỏ, những điều tốt đẹp trong toàn bộ hệ thống và trong từng nhà giáo sẽ được phát huy. Quyết tâm của Bộ trưởng đã truyền lửa cho toàn ngành giáo dục, nhất là những thầy cô giáo, những nhà quản lý đã nặng lòng với giáo dục. Chúng ta hãy cùng nhau đối mặt với thực tế, nhưng sự thật đôi khi đau lòng bởi chúng ta quen sống “đẹp lòng nhau”, các bên đều có lợi. Cái hại thì xã hội chịu, chẳng chết ai. Năm học 2007-2008 chúng ta lại tiếp tục cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung: Không tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không có học sinh “ngồi nhầm chỗ”. Đây cũng là căn bệnh trầm kha bao năm qua, nhưng chữa mọi bệnh cũng cùng mục tiêu nhằm phát triển giáo dục! Vậy cái gì là động lực cho sự phát triển GD? Có người nói: là đội ngũ giáo viên, là cơ sở vật chất. tức các điều kiện cho dạy và học, như vậy cũng có nghĩa là đầu tư cho giáo dục phải tốt (“đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”). Đúng, giáo dục phải đầu tư tốt thì mới phát triển. Nhưng ta hãy nhìn lại một khía cạnh của lịch sử giáo dục: Giáo dục nước ta trong giai đoạn trước (ví dụ vào khoảng thập niên 70 đến gần cuối thế kỷ 20) có nhiều thăng trầm, nhưng chúng ta đã từng vượt qua những thời khắc cam go nhất, mà luôn bảo đảm chất lượng các bộ môn văn hoá, trong khi đầu tư thì . “chẳng có gì” (mức rất thấp). Vậy đầu tư cho giáo dục là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cái “đủ” cũng rất quan trọng, đó là yếu tố con người, và cội rễ là quản lý như thế nào? Qua trên cho ta thấy động lực chính để thúc đẩy phát triển giáo dục là “đầu tư” nhưng đầu tư rồi phải nghĩ đến yếu tố con người, yếu tố quản lý. Ở đây tôi muốn đề cập đến quản lý dạy và học các bộ môn văn hóa, một khía cạnh liên quan đến con người trong dạy và học, và quản lý nó như thế nào?