Đề tài Quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây bông giai đoạn 2002 - 2010
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 của Đảng, nền kinh tế Việt nam đã có một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển. Từ một nền kinh tế khép kín tự cung, tự cấp nền kinh tế nước ta đã bước đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó việc tiến hành phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng CNH - HĐH được xem là một khâu quan trọng nhất để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển. Để hoàn thành mục tiêu CNH - HĐH đòi hỏi phải có một nguồn vốn ban đầu rất lớn. Trong khi đó nông nghiệp được coi là giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Bởi vì nông nghiệp là ngành có thể cung cấp một nguồn vốn ban đầu rất lớn và quan trọng cho phát triển kinh tế, có ý nghĩa là nguồn vốn ban đầu cho quá trình công nghiệp hoá. Đặc biệt là đối với nền kinh tế Việt nam thì vai trò của nông nghiệp lại càng có ý nghĩa trong quá trình CNH - HĐH nền kinh tế đất nước. Vì vậy việc phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được coi là công việc bức thiết hàng đầu trong quá trình phát triển nền kinh tế nước ta. Để phát triển ngành nông nghiệp có hiệu quả thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu các loại cây trồng là một khâu rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nông nghiệp nông thôn. Hiện nay, tuy sản phẩm nông nghiệp của nước ta trên thị trường đã khá phong phú và đa dạng nhưng còn có rất nhiều những cây trồng chưa được chúng ta khai thác hết trong đó điển hình là cây bông- loại cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao đồng thời cũng tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta. Trong khi đó, sản phẩm bông trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu của các nhà sản xuất trong nước, thực tế mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu còn lại chúng ta phải nhập khẩu. Dự tính nhu cầu bông xơ của nước ta năm 2005 khoảng 80 ngàn tấn, năm 2010 khoảng 120 ngàn tấn. Nếu tính thêm nhu cầu gia công hàng dệt may xuất khẩu thì yêu cầu nhập khẩu bông xơ còn lớn hơn nhiêù. Do vậy việc trồng bông sẽ tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn để đầu tư vào các lĩnh vực khác, tạo ra việc làm tăng thu nhập cho hộ nông dân. Việc phát triển trồng bông góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng phá thế độc canh cây lúa, thực hiện đa dạng hoá sản phẩm nông nghịp, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn trong cơ chế thị trường. Chính vì tính chất quan trọng của nó đồng thời qua những kiến thức thu được trong quá trình thực tập tại Vụ quy hoạch và kế hoạch - Bộ NN và PTNT em chọn đề tài "Quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây bông giai đoạn 2002 - 2010" cho Chuyên đề thực tập của mình. Chuyên đề gồm các nội dung sau: Chương I: Lý luận chung về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, về quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng chuyên canh. Chương II: Đánh giá thực trạng quy hoạch phát triển cây bông trên cả nước. Chương III: Quy hoạch và giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây bông trong giai đoạn 2002- 2010.