Số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến các nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất và các tài sản gắn liền với đất luôn chiếm một tỷ lệ cao trong những năm gần đây. Trong khi đó, những quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều chỗ bất cập, không thống nhất. Cụ thể là pháp luật chuyên ngành (Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn) không thống nhất với Luật Khiếu nại, tố cáo về thủ tục giải quyết khiếu nại; pháp luật về tố tụng (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính) không thống nhất với pháp luật tiền tố tụng (Luật Khiếu nại, tố cáo) Bài viết phân tích một số quy định của pháp luật liên quan quyền khiếu nại, khiếu kiện trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
9 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2075 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Quyền khiếu nại, khiếu kiện khi nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quyền khiếu nại, khiếu kiện khi nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến các nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất và các tài sản gắn liền với đất luôn chiếm một tỷ lệ cao trong những năm gần đây. Trong khi đó, những quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều chỗ bất cập, không thống nhất. Cụ thể là pháp luật chuyên ngành (Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn) không thống nhất với Luật Khiếu nại, tố cáo về thủ tục giải quyết khiếu nại; pháp luật về tố tụng (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính) không thống nhất với pháp luật tiền tố tụng (Luật Khiếu nại, tố cáo)… Bài viết phân tích một số quy định của pháp luật liên quan quyền khiếu nại, khiếu kiện trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
1. Cơ sở hiến định và pháp định của quyền khiếu nại, khiếu kiện
Khiếu nại là một quyền hiến định, được quy định tại Điều 74 của Hiến pháp năm 1992. Quyền này được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 (Luật KNTC). Có thể nói, quyền khiếu nại ở Việt Nam được xây dựng từ khá sớm1 và khá quen thuộc trong đời sống pháp lý của người Việt Nam.
Khác với quyền khiếu nại, quyền khiếu kiện được quy định muộn hơn, gắn liền với sự ra đời của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 đã được sửa đổi, bổ sung 1998 và 2006 (Pháp lệnh TTGQCVAHC). Ở Việt Nam, Hiến pháp không đề cập đến quyền khiếu kiện. Văn bản quy phạm pháp luật cao nhất ghi nhận và hướng dẫn quyền này là Pháp lệnh TTGQCVAHC. Điều này cho thấy, chưa có sự thống nhất trong việc nhìn nhận hai loại quyền này trong khi nó cùng song hành bảo vệ lợi ích người dân và hướng đến việc nâng cao hiệu quả của công tác QLNN.
So với khiếu kiện, việc giải quyết khiếu nại được thực hiện bởi những chủ thể thừa hành hành chính (cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) đã ban hành quyết định hành chính (QĐHC), thực hiện hành vi hành chính (HVHC) hoặc cấp trên trực tiếp của các chủ thể này). Vì vậy, ưu điểm của khiếu nại là ngay khi bắt tay vào giải quyết khiếu nại, vụ việc đã được nắm rất rõ, rất chi tiết và có thể được giải quyết nhanh chóng. Nếu được tận dụng, sẽ tiết kiệm được phần nào thời gian, công sức, chi phí xem xét từng tình tiết của vụ việc. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại có thể dẫn đến chủ quan và định kiến khi xem xét lại vụ việc đã và đang quản lý, đồng thời với tâm lý e ngại việc công nhận QĐHC, HVHC của chính mình là không đúng, nên có thể có những hạn chế nhất định.
Trong khi đó, thẩm quyền giải quyết khiếu kiện là thẩm quyền của Tòa hành chính Tòa án nhân dân - chủ thể độc lập tương đối với cả hai bên: người khởi kiện (người dân) và người bị kiện (cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan HCNN). Với cơ chế giải quyết bởi Tòa án, chủ thể giải quyết khiếu kiện có phạm vi độc lập, không chịu định kiến bởi các lăng kính của các chủ thể quản lý nhà nước (QLNN) và vì vậy, có thể đưa ra một kết quả công minh. Tuy nhiên, do phải bắt đầu lại toàn bộ vụ việc từ yếu tố đầu tiên nên chủ thể giải quyết khiếu kiện có thể cần nhiều thời gian, công sức và chi phí. Mặt khác, do không là chủ thể trực tiếp quản lý nên chủ thể này có thể phải cần những cơ quan hỗ trợ về mặt kỹ thuật như: cơ quan giám định về thiệt hại trong thu hồi đất, đánh giá quỹ đất tái định cư…
2. Phạm vi của quyền khiếu nại, khiếu kiện nói chung
Mặc dù Hiến pháp quy định quyền khiếu nại có thể được thực hiện đối với “những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước” (Điều 74 Hiến pháp năm 1992), tuy nhiên, quyền này lại bị giới hạn trong Luật KNTC ở hai phạm vi: (i) phải là QĐHC cá biệt, tức là quyết định chứa đựng quy tắc xử sự cá biệt, được ban hành nhằm giải quyết những công việc cụ thể đối với những đối tượng xác định, có hiệu lực một lần theo vụ việc…và (ii) phải là HVHC cụ thể.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cá nhân, tổ chức không thể khiếu nại đối với các QĐHC quy phạm, QĐHC chủ đạo - những loại văn bản chứa đựng quy tắc xử sự chung, có tính định hướng và có phạm vi áp dụng rộng rãi.
Quyền khiếu kiện được xác định trong Pháp lệnh TTGQCVAHC là một quyền có phạm vi hẹp, hẹp hơn cả quyền khiếu nại. Thứ nhất, theo trình tự tiền tố tụng hiện hành, quyền khiếu kiện sẽ không được thực hiện nếu chưa qua khiếu nại lần đầu, tức là đã được giải quyết khiếu nại lần đầu mà vẫn không đồng ý hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định mà vẫn không được giải quyết (Điều 39 Luật KNTC). Điều này có thể hiểu, “cánh cổng” khiếu kiện nằm sau “cánh cổng” khiếu nại, và quyền khiếu kiện chỉ được thực hiện chỉ khi thuộc loại việc “đi qua được cánh cổng khiếu nại”. Thứ hai, nếu quyền khiếu nại được xác định chủ yếu theo hướng “mở” ở hai nội dung là QĐHC cá biệt và HVHC, thì quyền khiếu kiện được xác định theo hướng “đóng” ở 22 loại việc liệt kê tại Điều 11 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung2 năm 2006 (Pháp lệnh 1996 là 8 loại việc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 1998 là 10 loại việc). Như vậy sẽ có một số khiếu nại đã “hoàn thành xong” các trình tự về khiếu nại vẫn có thể không được thụ lý giải quyết khiếu kiện vì không thuộc một trong 22 loại việc mà Pháp lệnh hiện hành đã liệt kê. Thứ ba, ngoài hai “điều kiện cần” nêu trên, đối với một số loại QĐHC, HVHC, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2006 còn quy định các “điều kiện đủ” như: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để Tòa án giải quyết vụ án hành chính về khiếu kiện đối với QĐHC, HVHC về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng… trong các trường hợp sau đây:
- Đối với QĐHC, HVHC về quản lý đất đai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện giải quyết lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý và không tiếp tục khiếu nại đến UBND cấp tỉnh.
- Đối với QĐHC, HVHC về quản lý đất đai do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó (Điều 2, khoản 17 Điều 11 Pháp lệnh TTGQCVAHC)”.
Điều này có nghĩa là, trong lĩnh vực này, ngoài hai loại QĐHC, HVHC nêu trên, Tòa án sẽ không thụ lý. Tóm lại, có thể nói phạm vi của quyền khiếu kiện hành chính ở Việt Nam rất hẹp và được giới hạn “đóng” trong các loại việc mà văn bản hiện hành xác định.
3. Quyền khiếu nại, khiếu kiện trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo quy định của Luật KNTC, trình tự khiếu nại, khiếu kiện đối với QĐHC, HVHC được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Nếu không đồng ý với QĐHC, HVHC của chủ thể ban hành QĐHC hoặc thực hiện HVHC thì phải khiếu nại trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được QĐHC hoặc biết được HVHC (Điều 31).
Bước 2: Cơ quan giải quyết khiếu nại phải trả lời bằng văn bản về việc thụ lý hay không thụ lý đơn khiếu nại với lý do rõ ràng. Kể từ ngày thụ lý giải quyết, Cơ quan giải quyết khiếu nại phải giải quyết khiếu nại trong vòng 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa là 45 ngày (Điều 34, Điều 36).
Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày (vùng sâu, vùng xa là 45 ngày) kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền:
- Khởi kiện ra Tòa hành chính. Nếu đã khởi kiện thì phải đi theo con đường tố tụng, không trở lại con đường hành chính nữa.
- Khiếu nại lên cấp trên trực tiếp (Điều 39).
Bước 4: Trường hợp khiếu nại lên cấp trên trực tiếp, cấp trên phải trả lời về việc có thụ lý hay không trong vòng 10 ngày. Kể từ ngày thụ lý giải quyết, phải giải quyết khiếu nại trong vòng 45 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa là 60 ngày (Điều 42, 43).
Bước 5: Trong thời hạn 30 ngày (vùng sâu, vùng xa là 45 ngày) kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà người khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra Tòa hành chính (Điều 46).
Tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 181/2004/NĐ-CP3, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP4) cùng với Pháp lệnh TTGQCVAHC hiện hành lại có những quy định khác biệt sau:
a) Đối với QĐHC, HVHC liên quan đến hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Tại Bước 1, nếu Luật KNTC quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày “kể từ ngày nhận được QĐHC hoặc biết được HVHC” thì Điều 63 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ là 90 ngày “kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện có QĐHC, HVHC”. Vì vậy, mặc dù hai văn bản trên đều ghi 90 ngày nhưng thời hiệu là khác nhau vì thời gian “nhận được”, “biết được” QĐHC, HVHC diễn ra sau thời điểm “có” QĐHC, HVHC có thể là rất lâu… Dự trù trước được điều này, Luật KNTC còn quy định rất rõ: “Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại đúng thời hiệu, thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại” (đoạn 2 Điều 31).
- Ngoài ra, liên quan đến Bước 5, có những điểm không thống nhất với Luật KNTC như sau:
+ Luật KNTC gọi là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, nhưng Luật Đất đai (Điều 138) gọi là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng;
+ Vì đó là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, nên theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất không thể khởi kiện theo con đường tố tụng hành chính;
+ Trong điều kiện đó, Pháp lệnh TTGQCVAHC5 lại đặt ra giới hạn đối với “khiếu kiện QĐHC, HVHC về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, cụ thể là chỉ cho phép khiếu kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu (Bước 3) mà không cho phép khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại hành chính lần hai (Bước 5).
Vì vậy, nếu áp dụng theo Luật Đất đai năm 2003 và Pháp lệnh TTGQCVAHC sẽ làm hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính sau khi đã được giải quyết khiếu nại hành chính lần hai.
b) Đối với QĐHC, HVHC liên quan đến hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh
- Ở Bước 1, nếu Luật KNTC quy định thời hiệu khiếu nại là “90 ngày, kể từ ngày nhận được QĐHC hoặc biết được HVHC” thì Điều 64 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ là “30 ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh có QĐHC, HVHC”. Ở đây, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP đã mâu thuẫn với Luật KNTC ở hai điểm. Thứ nhất, thời hiệu 90 ngày bị rút xuống còn 30 ngày. Thứ hai, hai thời điểm “nhận được”, “biết được” QĐHC, HVHC và thời điểm “có” QĐHC, HVHC là khác nhau…
- Tại Bước 3, các văn bản chỉ ghi nhận quyền khởi kiện ra Tòa hành chính, chứ không ghi nhận quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp (Điều 138 Luật Đất đai, Điều 64 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP). Như vậy sẽ không có Bước 4 và Bước 5. Việc không có Bước 5 này cũng được gián tiếp khẳng định tại điểm b, khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh TTGQCVAHC. Nếu theo các căn cứ pháp lý này thì cơ chế khiếu nại hai cấp trong Luật KNTC6 đã bị phủ nhận, làm hạn chế quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp và vì vậy, cũng gián tiếp hạn chế quyền khiếu kiện ở những bước sau đó.
Vậy, trong các trường hợp nêu trên, trong hoạt động thực thi pháp luật, văn bản nào, điều khoản nào được viện dẫn và áp dụng thi hành?
Văn bản pháp quy gần đây nhất của Chính phủ về hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Theo Nghị định này thì “việc giải quyết khiếu nại về giá đất bồi thường, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc quyết định cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo Điều 138 Luật Đất đai, Điều 63, Điều 64 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và quy định giải quyết khiếu nại tại Nghị định số 136/2006/NĐ-CP7 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật KNTC”.
Điều này cho thấy, trong quá trình áp dụng, các chủ thể hành pháp đã viện dẫn Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trước khi viện dẫn Luật KNTC (và điều này cũng đồng nghĩa với việc Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được viện dẫn sau cùng). Trong khi đó, các văn bản đất đai có xu hướng thu hẹp quyền của người khiếu nại, khiếu kiện vì vậy, khi áp dụng theo các văn bản này, tức là đã thu hẹp quyền khiếu nại, khiếu kiện mà Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
3. Đối tượng của khiếu nại, khiếu kiện và phạm vi giải quyết khiếu nại, khiếu khiếu kiện
Đối tượng của khiếu nại trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm:
- Quyết định thu hồi đất
- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư (khoản 1 Điều 162 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP)
- Các HVHC của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết các công việc thuộc phạm vi QĐHC nêu trên (khoản 2 Điều 162 Nghị định số181/2004/NĐ-CP).
Riêng đối tượng của khiếu kiện thì phải nằm trong phạm vi của đối tượng khiếu nại sau khi đã thực hiện việc khiếu nại lần đầu.
Trong khoa học luật hành chính, QĐHC thể hiện hai tính chất: tính hợp pháp và tính hợp lý nhưng trong cả hai trường hợp trên, quyền khiếu nại, khiếu kiện chỉ được thực hiện trên cơ sở tính hợp pháp8.
Điều này cho thấy, pháp luật chỉ dừng lại ở việc xác định loại QĐHC, HVHC nào là đối tượng của khiếu nại, chứ chưa thực sự xác định phạm vi mà người khiếu nại, khiếu kiện có thể đề cập và được giải quyết, chẳng hạn như: mục đích thu hồi đất, trình tự, thủ tục thu hồi đất, diện tích tái định cư trong một lô nền, giá đất…
Ví dụ, nếu trường hợp giá đất bồi thường quá thấp so với giá trên thực tế, chủ thể giải quyết khiếu nại có thể từ chối giải quyết vì cho rằng đã căn cứ đúng vào bảng giá mà UBND tỉnh đã ban hành đầu năm. Người dân thì không thể khiếu nại bảng giá vì quyết định ban hành bảng giá đất không phải là quyết định cá biệt trực tiếp ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức theo Luật KNTC. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng chưa tạo cơ chế đối với việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài việc đặt ra những giới hạn về quyền khiếu kiện, bản thân việc giải quyết khiếu kiện của Tòa hành chính cũng hạn chế bởi chưa có cơ chế quy định Tòa án xem xét lại tính phù hợp của bảng giá đất mà UBND tỉnh ban hành nếu người khiếu kiện cho rằng bảng giá đất mà UBND tỉnh quy định dùng áp giá là quá thấp so với thực tế giao dịch trên thị trường.
4. Đề xuất một số giải pháp
Thứ nhất, nên bổ sung quyền khiếu kiện hành chính trong Hiến pháp. Ở các nước tiên tiến, quyền khiếu kiện (right to be heard) là một quyền hiến định, có vai trò quan trọng đối với việc phản kháng QĐHC, HVHC trước chủ thể thứ ba, độc lập và có thẩm quyền phân định ranh giới pháp lý giữa một bên là chủ thể có thẩm quyền HCNN và bên kia là cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, nên thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng Luật KNTC phải được tôn trọng. Đây là đạo luật tiến bộ thể chế hóa Điều 74 Hiến pháp năm 1992 ghi nhận các quyền năng của chủ thể chịu sự quản lý - vốn được coi là chủ thể cần được bảo vệ. Mặt khác, nếu đã pháp điển hóa một Luật KNTC dùng cho quản lý HCNN thì các đạo luật và các văn bản dưới luật khác nên tôn trọng “quy chuẩn chung về khiếu nại” này. Thử hỏi, nếu đạo luật chuyên ngành nào cũng đặt ra ngoại lệ cho riêng mình và sử dụng Luật KNTC như một đạo luật “phòng hộ” khi không có quy định, thì hệ thống pháp luật chắc chắn sẽ mâu thuẫn, chồng chéo và Luật KNTC, trong chừng mực nhất định, sẽ bị “vô hiệu hóa”. Nên chăng, cần đề ra nguyên tắc nếu một lĩnh vực QLNN cần có ngoại lệ về khiếu nại, tố cáo thì chính Luật KNTC phải nói rõ. Mọi trường hợp khác về khiếu nại, tố cáo, tất phải tuân thủ luật này. Đây là một trong những quan điểm được sự đồng thuận của các nhà lập pháp hiện nay, điều này đã được thể hiện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai năm 2003: “Việc giải quyết khiếu nại về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo” (Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, khoản 2 Điều 138)9.
Thứ ba, trong điều kiện nước ta đang xây dựng nền kinh tế mở theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh, nhiều tình huống mới phát sinh. Trong trường hợp các văn bản có sự mâu thuẫn nhau, việc các cơ quan thừa hành pháp luật “chỉ mục” nên áp dụng đạo luật này hay đạo luật kia trong một số trường hợp nhất định là giải pháp tình thế cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc pháp chế, việc chỉ mục này nên đặt dưới nguyên tắc “có lợi cho người bị áp dụng” và tuyệt đối không được thu hẹp các quyền và lợi ích chính đáng của người dân mà Hiến pháp và các đạo luật quy định.
Thứ tư, quyền khiếu kiện hành chính là một quyền thiết yếu trong một cơ chế QLNN công bằng, dân chủ. Việc giới hạn, đặt những điều kiện để hạn chế quyền này là việc không bảo đảm yếu tố công bằng giữa một bên là cơ quan HCNN và bên kia là cá nhân, tổ chức chịu sự quản lý. Việc giải quyết khiếu nại do chính cơ quan hành chính thực hiện, tuy rằng rất cần thiết, nhưng không thể triệt để vì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Pháp luật cần quy định quyền khiếu kiện được đầy đủ trong mọi trường hợp sau khi đã khiếu nại không thành để đảm bảo “quyền được nghe thấy bởi bên thứ ba” làm trọng tài và độc lập đưa ra phán quyết đối với các bên.
Cuối cùng, mọi quy định về quyền khiếu nại, khiếu kiện và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, khiếu kiện sẽ trở nên vô nghĩa nếu bản thân pháp luật không xác định được phạm vi khiếu nại, hoặc xác định phạm vi khiếu nại quá hẹp. Mặt khác, các chủ thể bị xâm hại về quyền và lợi ích hợp pháp sẽ không thể được bảo vệ nếu không có cơ chế để giải quyết khiếu kiện. Đặc biệt nên dự hướng trong tương lai việc trao cho chủ thể giải quyết khiếu kiện có đủ khả năng để xem xét, đánh giá không chỉ QĐHC, HVHC cá biệt; với việc xây dựng Tòa án Hiến pháp, nên chăng trao cho Tòa án quyền xem xét một số loại QĐHC quy phạm đặc thù, ví dụ như xem xét tính hợp lý của bảng giá đất mà UBND cấp tỉnh ban hành có “sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường”10 để quyền khiếu nại, khiếu kiện được đảm bảo triệt để hơn.
(1) Trước Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, ở Việt Nam đã có Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 27/11/1981; Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 7/5/1991...
(2)Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2006.
(3) Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.
(4) Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
(5) Điều 2 và khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh TTGQCVAHC.
(6) Xem Điều 25 Luật KNTC.
(7) Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KNTC.
(8) Xem khoản 1, Điều 2 của Luật KNTC; Điều 1 của Pháp lệnh TTGQCVAHC.
(9) Diễn đàn các doanh nghiệp Việt Nam, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003,
(10)Xem Điều 11 Nghị định 69/NĐ-CP 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư