Nhắc đến dòng họ Common law – dòng họ pháp luật hiện nay chiếm hơn 1/3 dân số trên thế giới, người ta còn gọi một tên khác đấy chính là dòng họ pháp luật án lệ. Tên gọi này đã cho ta thấy được tầm quan trọng của án lệ trong dòng họ này. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội, khi mà có nhiều quan hệ xã hội phát sinh thì vị trí của các nguồn luật trong dòng họ này cũng có những thay đổi nhất định. Án lệ giờ đây không còn chiếm giữ vai trò là nguồn luật duy nhất, quan trọng nhất ở các nước thuộc dòng họ này nữa, bên cạnh đó thì vai trò của luật thành văn ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên vai trò của án lệ và luật thành văn ở các nước thuộc dòng họ này là không giống nhau. Để chứng minh cho điều này, trong bài viết này em xin dẫn ra ví dụ đấy chính là Anh và Mỹ - hai hệ thống pháp luật điển hình của dòng họ Common law
5 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2870 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Sự khác biệt giữa vai trò của luật thành văn và án lệ ở Anh và ở Mỹ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Lời mở đầu:
Nhắc đến dòng họ Common law – dòng họ pháp luật hiện nay chiếm hơn 1/3 dân số trên thế giới, người ta còn gọi một tên khác đấy chính là dòng họ pháp luật án lệ. Tên gọi này đã cho ta thấy được tầm quan trọng của án lệ trong dòng họ này. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội, khi mà có nhiều quan hệ xã hội phát sinh thì vị trí của các nguồn luật trong dòng họ này cũng có những thay đổi nhất định. Án lệ giờ đây không còn chiếm giữ vai trò là nguồn luật duy nhất, quan trọng nhất ở các nước thuộc dòng họ này nữa, bên cạnh đó thì vai trò của luật thành văn ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên vai trò của án lệ và luật thành văn ở các nước thuộc dòng họ này là không giống nhau. Để chứng minh cho điều này, trong bài viết này em xin dẫn ra ví dụ đấy chính là Anh và Mỹ - hai hệ thống pháp luật điển hình của dòng họ Common law
II. Giải quyết vấn đề:
1. Án lệ
1.1. Ở Anh, án lệ giữ vai trò tuyệt đối hơn so với án lệ ở Mỹ:
Án lệ là bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật của tòa án đưa ra khi giải quyết một vụ việc cụ thể được thừa nhận làm khuôn mẫu, cơ sở (tiền lệ) để sau đó các thẩm phán dựa vào nó đưa ra các quyết định, lập luận áp dụng cho các trường hợp tương tự. Tuy nhiên chỉ có những bản án có tính chất bắt buộc mới trở thành án lệ và có tính pháp lí; còn các bản án khác chỉ có tính gợi ý, tham khảo. Mỗi án lệ có 2 phần ratio decidendi và obiter dictum. Ratio decidendi – phần chỉ ra những lý do, căn cứ cơ bản nhất thiết phải có - là phần bắt buộc áp dụng; còn phần obiter dictum - phần mang tính thuyết phục còn áp dụng hay không phụ thuộc vào mức độ uy tín và ảnh hưởng của thẩm phán đã tạo ra án lệ - thì không bắt buộc phải áp dụng. Ở các nước thuộc dòng họ Common law nói chung, và ở Anh và Mỹ nói riêng án lệ đóng vai trò là nguồn luật cơ bản, quan trọng nhất. Khi xét xử một vụ án sẽ các thẩm phán sẽ nghiên cứu các tình tiết xảy ra của sự việc đó, so sánh với các tình tiết trong các án lệ của các vụ án trước và từ các án lệ có liên quan họ phải tìm ra các quy định có tính bắt buộc phải tuân theo. Ở Anh các án lệ mang tính bắt buộc thường được ghi chép trong Law Reports, All England Law Reports, Weekly Law Reports... Còn tập hợp các án lệ ở Mỹ được in trong tuyển tập Restatement of the Law của Hiệp hội tư nhân có tên là Viện luật Hoa kỳ
Song vai trò của án lệ ở Anh và Mỹ là không hoàn toàn giống nhau. Vai trò của án lệ ở Anh dường như mang tính chất tuyệt đối hơn
Cùng áp dụng nguyên tắc stare decicis trong việc sử dụng án lệ tuy nhiên ở Anh nguyên tắc này được thực hiện một cách chặt chẽ, khắt khe hơn. Theo pháp luật Anh, án lệ của cấp trên có tính bắt buộc đối với cấp dưới và ngay cả với chính mình. Chính vì thế dễ hiểu tại sao ở Anh, các thẩm phán ở Anh khi xét xử các vụ án không muốn phủ nhận những phán quyết trước đó của mình cũng như rất hiếm khi đào sâu để tìm ra những điểm khác biệt giữa vụ án hiện tại với vụ án trong án lệ, những mâu thuẫn trong các án lệ hay những điểm hạn chế, bất cập trong lập luận của các thẩm phán đã ra phán quyết trước đó. Nhìn chung, họ bằng kinh nghiệm, khả năng của mình sẽ cố tìm ra các án lệ có tình tiết gần gũi, tương tự để giải quyết nhằm có thể tuân thủ một cách nghiêm ngặt nguyên tắc stare decicis, cũng như hạn chế tối đa việc phải sử dụng luật thành văn trong trường hợp án lệ mâu thuẫn với luật thành văn.
Trong khi đó, ở Mỹ, nguyên tắc ngày chỉ được áp dụng một cách tương đối, có phần nới lỏng hơn. Các án lệ của toà án cấp trên chỉ có tính bắt buộc với cấp dưới chứ không có sự ràng buộc đối với tòa án cấp đó. Tuy rằng án lệ cũng được áp dụng thường xuyên trong thực tiễn xét xử nhưng ở Mỹ, các thẩm phán chú trọng hơn tới sự phù hợp của án lệ với thực tiễn so với việc phù hợp, kiên định với lập luật của thẩm phán trong án lệ trước đó.
1.2. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt:
Xét về góc độ lịch sử, sau khi giành độc lập, nước Mỹ đã có những mâu thuẫn, định kiến nhất định với nước Anh. Vì thế dễ hiểu tại sao, khi áp dụng án lệ - nguồn pháp luật được xem là duy nhất ở Anh lúc bấy giờ - người Mỹ không tin tưởng hoàn toàn cũng như không áp dụng triệt để, tuyệt đối như ở Anh
Về mặt chính trị, khác với nước Anh – một nước quân chủ lập hiến, Mỹ là nước theo thể chế liên bang. Chính vì vậy, việc tuân thủ một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt nguyên tắc stare decicis ở Mỹ là một việc hết sức khó khăn và kém hiệu quả. Bạn thử nghĩ xem, cùng một sự việc nhưng ở các bang sẽ có những án lệ riêng thì làm sao có thể áp đặt một cách gò bó việc áp dụng án lệ nào và làm sao có thể biết được án lệ nào là tốt nhất, hợp lý nhất, chuẩn mực nhất cho việc xét xử vụ án ấy. Điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn định trong pháp luật có tính pháp lý cao nhất là pháp luật liên bang. Chính vì điều đó, nguyên tắc stare decicis ở Mỹ chỉ là tương đối.
Hơn thế nữa, nước Mỹ là một nước ra đời muộn hơn, tiếp thu được nhiều tinh hoa trên thế giới về mọi mặt, tập trung được sức mạnh toàn cầu, người Mỹ lại thuộc đa chủng tộc, đa tôn giáo, họ tiếp nhận tất cả mọi thứ một cách chủ động, linh hoạt vì vậy một điều tất yếu việc áp dụng án lệ ở Mỹ cũng trở nên mềm dẻo, sáng tạo hơn. Những phán quyết của tòa án trong các án lệ dường như không còn phù hợp khi những thay đổi nhanh chóng trên mọi mặt ở nước Mỹ nên cũng đã được thay đổi.
2. Luật thành văn
2.1. Ở Mỹ, luật thành văn được coi trọng hơn ở Anh:
Vị trí của luật thành văn trong các nguồn luật ở Anh và Mỹ cũng có sự khác nhau nhất định. Tầm quan trọng của nó đối với hệ thống nguồn luật của Mỹ là cao hơn.
Điểm đáng lưu ý trước hết đấy là trong khi nước Mỹ có bản Hiến pháp thành văn mà nó được biết đến là Hiến pháp lâu đời nhất vẫn còn hiệu lực nhờ tính đơn giản và linh hoạt thì ở Anh không có Hiến pháp thành văn. Hiến pháp của nước Anh thực chất là tổng thể các quy phạm có nguồn gốc từ án lệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây chính là một trong các yếu tố khiến cho luật Mỹ khác luật Anh mặc dầu đây là hai nước điển hình của dòng họ Common law. Ở Mỹ có nguyên tắc kiểm soát tính hợp hiến của luật thành văn và thậm chí cả án lệ cũng phải hợp hiến. Việc kiểm soát sẽ do cơ quan bảo hiến đảm nhiệm. Chính vì vậy tuy coi trọng án lệ nhưng Hiến pháp ở Mỹ cũng rất quan trọng. Các quy định pháp luật trong hiến pháp Mỹ có giá trị thực tiễn cao và được các tòa án áp dụng. Còn ở Anh, do không có nguyên tắc kiểm soát tính hợp hiến của luật nên nếu có xung đột giữa Hiến pháp và Luật thì sẽ áp dụng văn bản nào được ban hành sau.
Luật thành văn của Anh được ghi chép trong Statues of Law reports hoặc Halsbury’s statues of England, Halsbury’s statutory Instrument, H.M.Stationery office, London chủ yếu cũng xuất phát từ các án lệ. Các văn bản pháp luật được ban hành nhằm bổ sung hoặc thay thế án lệ trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, theo quan điểm của hệ thống pháp luật Anh thì cho dù văn bản pháp luật có nhiều đến đâu thì cũng không thể đồ sộ, cụ thể để áp dụng như án lệ. Việc áp dụng án lệ trong xét xử lại đã ăn sâu vào tư duy pháp luật của người Anh. Chính vì vậy, các thẩm phán Anh rất hạn chế việc áp dụng các văn bản pháp luật. Khi xét xử các thẩm phán sẽ cố tìm ra các án lệ có tình tiết tương tự để giải quyết.
Còn ở Mỹ, có rất nhiều đạo luật ở cả cấp Liên bang và bang. Luật Liên bang có giá trị pháp lý cao hơn luật bang và còn có hiệu lực cao hơn cả phán quyết của tòa mặc dầu nội dung và ý nghĩa của các đạo luật do chính tòa án giải thích. Các quy định của đạo luật sẽ chỉ có giá trị khi tòa án giải thích. Tầm quan trọng của luật thành văn trong hệ thống nguồn luật của Mỹ còn thể hiện rõ ở việc cơ quan lập pháp của Mỹ thường xuyên tiến hành luật hóa các phán quyết của tòa án ở các án lệ điển hình; hoạt động pháp điển hóa ở Mỹ được tiến hành một cách thường xuyên hơn so với Anh.
2.2.Tại sao vai trò luật thành văn ở Mỹ lại quan trọng hơn ở Anh?
Không nhắc lại những nguyên nhân đã được trình bày ở phần trên khi nói về án lệ bởi đấy cũng chính là những nguyên nhân dẫn tới việc vai trò của luật thành văn ở Mỹ chiếm vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với ở Anh. Là một nước liên bang vì thế nên so với Anh số lượng các đạo luật ở Mỹ nhiều hơn rất nhiều. Nước Mỹ bên cạnh các đạo luật ở cấp liên bang thì còn cả đạo luật của bang. Hơn nữa, khi mà án lệ ở Mỹ không được tuân thủ một cách triệt để và không thực sự hiệu quả như vậy thì tất lẽ dĩ nhiên phải có một nguồn luật có thể tạo nên được tính thống nhất cao hơn sẽ chiếm vai trò quan trọng ở Mỹ - đấy chính là luật thành văn.
Ngoài ra, cũng xuất phát từ một nguyên nhân đã được nhắc đến đó là tính chủ động, sáng tạo của người Mỹ nói chung (Mỹ là một quốc gia trẻ, lại đa sắc tộc, đa tôn giáo) dẫn đến việc Mỹ có trình độ lập pháp rất cao. Tuy là một nước thuộc dòng họ pháp luật án lệ nhưng rất nhiều chế định luật thành văn của Mỹ trở thành khuôn mẫu, chuẩn mực của nhiều bộ luật hiện hành của các nước trên thế giới, đặc biệt là Hiến pháp Mỹ. Trong khi đó Anh là một nước có truyền thống lâu đời vì thế việc áp dụng án lệ trong xét xử đã ăn sâu vào tiềm thức của người Anh và vì thế rất khó thay đổi tuy rằng vai trò của luật thành văn ở Anh đã ngày một quan trọng hơn
III. Kết luận:
Có thể thấy, không chỉ các dòng họ pháp luật mới có những điểm khác nhau mà giữa các hệ thống pháp luật thuộc một dòng họ cũng có những điểm riêng biệt. Bài viết không chỉ là sự so sánh đơn thuần về sự khác nhau về vai trò của án lệ và luật thành văn ở Anh và Mỹ mà sự tổng hợp kiến thức hiểu biết về dòng họ Common law, hệ thống pháp luật Anh và Mỹ. Bên cạng việc tìm ra những điểm khác biệt, bài viết còn cố lý giải một số nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ấy xuất phát trên tất cả các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên với những hiểu biết còn chưa đầy đủ của bản thân chắc chắc sẽ không thể tránh khỏi những sai sót, hi vọng sẽ nhận được sự góp ý của thầy cô để bài viết được hoàn chỉnh hơn