Đề tài Tận dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ

Trong cuộc sống hàng ngày, con người không chỉ tiêu thụ và sử dụng một số lượng lớn các nguyên liệu, sản phẩm từ thiên nhiên, từ sản xuất để tồn tại và phát triển mà đồng thời cũng vứt thải lại cho thiên nhiên và môi trường sống các phế thải, rác thải. Nền kinh tế - xã hội càng phát triển, dân số tại các vùng đô thị, trung tâm công nghiệp càng tăng nhanh thì phế thải và rác thải càng nhiều và ảnh hưởng trực tiếp trở lại đời sống của con người: gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh tật, làm giảm sức khỏe cộng đồng, chiếm đất đai để chôn lấp, làm bãi rác, làm mất cảnh quan các khu dân cư, đô thị, v.v. Đã từ lâu, ở các nước phát triển, nhà nước và cộng đồng đã có những biện pháp xử lý rác thải, phế thải đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội: xây dựng hệ thống cống ngầm thoát nước, quy định những nơi chôn rác sinh hoạt, bãi rác phế thải cách xa khu dân cư, những quy chế, phương pháp thu gom, phân loại rác tại nơi công cộng và đến tận người dân. Chính vì vậy, những khu dân cư tập trung và cả đến tận các thôn xóm vùng nông thôn của các nước này đều có một cảnh quan đô thị, làng xã sạch, đẹp, văn minh, con người khỏe mạnh, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đặc biệt là về vấn đề vứt rác, thu gom rác. Từ những kết quả thu gom phế liệu, rác thải, con người nhận thấy họ có thể tái chế các nguyên liệu phế thải (kim loại, nhựa, gỗ, giấy v.v.) thành các sản phẩm tiêu dùng mới (tái sản xuất) vừa tiết kiệm bãi rác, vừa tăng được sản phẩm xã hội. Riêng đối với rác sinh hoạt thì vẫn phải chôn vì đó là chất thải hỗn hợp vô cơ, hữu cơ của mỗi gia đình. Chỉ đến sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, các thành phố lớn của các nước phát triển tìm ra biện pháp xử lý nguồn rác thải này bằng cách thu gom đồng thời với phân loại rác tại nơi chế biến, nơi công cộng và ngay tại gia đình thì rác thải sinh hoạt mới thực sự tham gia vào "nền kinh tế rác thải" của mỗi quốc gia. Từ cách thức thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt này, người ta đã tận dụng được các phế thải, rác thải khác nhau để tái chế ra sản phẩm mới, đặc biệt đã chế biến những rác thải hữu cơ thành các loại phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp. Có thể nói "nền kinh tế rác thải" bao gồm từ thu gom, phân loại và xử lý, tái chế hoặc chế biến các nguyên/vật liệu rác thành các sản phẩm sử dụng lại được cho đời sống và sản xuất của con người thực sự đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội cho các quốc gia trên toàn cầu: môi trường sống không bị ô nhiễm, giảm diện tích chôn/chứa rác, đem lại nguồn lợi kinh tế, thu nhập cho lao động xử lý rác. Việc tận dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ có ý nghĩa đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, đây là nguồn phân hữu cơ an toàn bổ sung vào đất góp phần vào chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và an toàn đang là những mục tiêu phấn đấu ở nước ta.

doc42 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2569 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tận dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên